Mùa "cắn răng" đóng tiền
Phụ huynh học sinh gọi nôm na là “mùa cắn răng đóng tiền”. Hầu như khoản nào cũng bắt buộc cả, kể cả những khoản mang tên “tự nguyện”. Nhưng có những khoản tiền đóng rồi mà phụ huynh cứ thấy băn khoăn thắc mắc bởi sự vô lý.
Cha mẹ nhận được giấy mời họp phụ huynh thì canh cánh nỗi lo vì buổi họp ấy được nghe thông báo học tập thì ít mà thông báo các khoản thu thì nhiều.
Có những loại “phí” không do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mà do nhà trường hoàn toàn “tự chủ” nên việc lạm thu diễn ra tràn lan và mất kiểm soát. Nếu những khoản thu ấy phục vụ cho học sinh thì đã đành, nhưng nó lại nhập nhèm, phục vụ những việc khác.
Có trường cứ vài năm lại với lý do “đổi mới cho học sinh” nên cho thay đổi đồng phục! Học sinh thì chỉ biết nghe lời thầy cô, bảo sao làm vậy, đổi mới hay để như cũ thì các em có quan tâm gì. Nhiều trường khiến phụ huynh khó chịu với khoản tiền đóng để mua điều hòa, trong khi điều hòa đã có từ dăm bảy năm rồi, có thấy thay mới đâu. Riêng khoản này lẽ ra mỗi cấp học, các em chỉ đóng một lần là chấp nhận được. Thế rồi phí xây dựng trường lớp cũng cứ thu đều đều hằng năm, nhưng trường kiên cố, không xây mới mà có sửa chữa thì cũng không đáng kể.
Những khoản đóng góp “tự chủ” như thế đã biến trường học thành trung tâm cung cấp dịch vụ. Học sinh chỉ việc đến học, mọi việc đã có nhà trường lo. Từ sách giáo khoa, giấy kiểm tra, vở viết, giày dép và mực cũng đều “đồng phục” với giá cao hơn so với giá thị trường. Phụ huynh muốn tự mua thì nhà trường sẽ “chỉ định” phải mua đúng địa chỉ mà trường đã “mặc định” sẵn.
Phụ huynh thì thế hệ nào cũng vậy, thấm nhuần sâu sắc câu “Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy” và ai cũng thương con, sợ con bị giáo viên “soi” nên có phàn nàn mấy câu cho bõ tức rồi lại lặng lẽ móc túi tiền. Và thế là nhiều trường cứ mỗi năm 3 lần, thông báo họp và “vẽ” ra các loại tiền để tiếp tục “tự chủ”.
Giáo viên chủ nhiệm là người trực tiếp thông báo, đôn đốc, nhắc nhở học sinh hoàn thành các loại “phí và lệ phí” nên cũng chịu áp lực lớn trong buổi họp phụ huynh đầu năm. Lãnh đạo, ban giám hiệu nhà trường quyết định rồi thì giáo viên phải có nhiệm vụ thực thi đầy đủ. Phụ huynh có thắc mắc gì thì giáo viên chủ nhiệm chỉ biết tiếp thu và hứa chuyển lên lãnh đạo nhà trường. Vậy nên cũng phải cảm thông với thế bí của giáo viên chủ nhiệm lớp. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa có một quy định mới rất đáng được nhân rộng là yêu cầu “tất cả các trường không được để giáo viên thu tiền trực tiếp từ học sinh”, đã giảm áp lực cho giáo viên.
Thanh tra, kiểm tra hằng năm của ngành giáo dục vẫn diễn ra, nhưng rồi lạm thu vẫn chưa có hồi kết. Lý do là các văn bản của các cơ quan ở cấp trên vẫn khá chung chung, chưa cụ thể. Nghị định số 86/2015/NĐ-CP quy định: “Đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông công lập: Mức thu học phí phải phù hợp với điều kiện kinh tế của từng địa bàn dân cư, khả năng đóng góp thực tế của người dân và tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng hằng năm”. Vậy mà nhiều trường cứ như không biết đến nghị định này.
Ở Trường Tiểu học Chu Văn An, thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp) đã đặt ra các khoản thu tự nguyện lên đến 16 triệu đồng vì thu cả 9 tháng liền. Trong đó, tiền bán trú (suất ăn 36.500 đồng/ngày). Trường cho rằng, không phải do trường đề xuất mà do trưởng đại diện cha mẹ học sinh đưa ra. Họp phụ huynh, cô giáo lớp 1 nói không có laptop để soạn bài. Dự kiến mỗi phụ huynh học sinh sẽ phải đóng 1 triệu đồng để mua máy chiếu, laptop cho cô.
Trường THCS Minh Tân (huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) có tới 20 khoản đóng góp khác nhau, lên tới hơn 9 triệu đồng. Trong đó, tiền học thêm lên tới hơn 3 triệu đồng, mục học thêm nhóm là 1,6 triệu đồng; tiền đồng phục 750 nghìn đồng, quỹ lớp 500 nghìn đồng, kỹ năng sống 300 nghìn đồng và sửa chữa nhà trường 300 nghìn đồng… Đồng thời yêu cầu phụ huynh nộp trong tháng 9 để không bị ảnh hưởng đến thi đua của lớp.
Khi phát hiện ra sự lạm thu như vậy, chính quyền địa phương đã vào cuộc xử lý kịp thời. Sáng 11-9, ông Bùi Văn Vy, Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên cho biết: Huyện đã ký quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Hữu Đạt, Hiệu trưởng Trường THCS Minh Tân, với thời hạn đình chỉ là 15 ngày để kiểm điểm làm rõ trách nhiệm cá nhân trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và tổ chức thu các khoản quá cao đối với học sinh, có dấu hiệu vi phạm và còn báo cáo, thông tin thiếu trung thực.
Nếu chính quyền các địa phương sâu sát phụ huynh, kiểm tra chặt chẽ các trường học thì chắc chắn sẽ phát hiện ra nhiều, rất nhiều việc lạm thu tùy tiện.
Bùi Đức
-
Dự án Luật Điện lực (sửa đổi): Cần cụ thể hóa các chính sách cải cách giá điện
-
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét thông qua 15 luật và 13 dự án luật
-
Kỷ luật 2 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng
-
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3
-
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo