Mù mắt vì biến chứng tiểu đường
Năng lượng Mới số 356
1.001 biến chứng về mắt
Đái tháo đường là một nhóm bệnh rối loạn chuyển hóa cacbohydrat khi hoóc môn insulin của tụy bị thiếu hay giảm tác động trong cơ thể. Bệnh biểu hiện bằng mức đường trong máu luôn cao. Trong giai đoạn mới phát, bệnh nhân thường đi tiểu nhiều, nhất là ban đêm và do đó làm người bệnh khát nước. Bệnh tiểu đường là một trong những nguyên nhân chính của nhiều bệnh hiểm nghèo, điển hình là bệnh tim mạch vành, tai biến mạch máu não, mù mắt, suy thận, liệt dương, hoại thư, v.v…
Theo một số tài liệu nghiên cứu của các chuyên gia Việt Nam, ở nước ta bệnh tiểu đường đang có chiều hướng gia tăng. Trong vòng 30 năm nay, “tần số” bệnh tiểu đường đã tăng lên 6-12 lần. Bệnh tiểu đường là một bệnh khó chữa và gây nhiều biến chứng. Khi mắc bệnh đái tháo đường đến một giai đoạn nào đó bệnh nhân sẽ gặp phải các biến chứng, đặc biệt là ở những bệnh nhân không được kiểm soát đường huyết tốt. Nếu phát hiện muộn, điều trị không kịp thời, đúng cách sẽ dẫn đến tàn phế và có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Như biến chứng ở mắt, tiểu đường làm tổn thương thị giác và gây mù lòa ở cả bệnh nhân đái tháo đường type I và type II. Mà những biến chứng thường gây các bệnh về mắt là: bệnh võng mạc, bệnh thiên đầu thống, bệnh đục thủy tinh thể…
Mặc dù chưa có số liệu thống kê một cách chính thức nhưng theo nghiên cứu của bác sĩ Trần Xuân Đài, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, tỷ lệ tổn thương võng mạc của bệnh nhân tiểu đường là 39,28% trên tổng số bệnh nhân tiểu đường. Một nghiên cứu khác của bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Minh thực hiện trên 250 bệnh nhân tại phòng khám mắt Bệnh viện Chợ Rẫy cho thấy, có đến 25,2% số bệnh nhân tiểu đường type II bị tổn thương võng mạc. Trong đó phần lớn bệnh nhân (79,4%) bị cả hai mắt. Còn trên thế giới, bệnh võng mạc do tiểu đường (VMTĐ) chiếm 90% những người bị tiểu đường trên 10 năm. Sau khoảng 10-15 năm tiến triển thì 90% loại type I và 60% loại type II có bệnh lý võng mạc. Trong đó 50% dẫn đến mù lòa.
Bệnh tiến triển thầm lặng, người bệnh không cảm thấy triệu chứng cơ năng, cho đến khi bệnh lý tiến triển nhanh, gây mù lòa mới phát hiện thì bệnh đã nặng, khó có khả năng phục hồi. Đường máu cao gây tổn thương, phá hủy thành các mao mạch ở đáy mắt, ảnh hưởng đến tính thấm các mao mạch này, hậu quả là dịch từ trong lòng mạch thoát ra ngoài gây xuất huyết và phù nề. Nếu gây phù ở hoàng điểm thì có thể làm giảm thị lực rất nhiều. Bản thân các mao mạch bị phá hủy và bị tắc gây thiếu máu ở võng mạc, khi đó cơ thể sẽ có phản ứng sinh ra một số yếu tố kích thích sự hình thành các mao mạch mới phát triển mạnh cả vào hậu phòng (khoang chứa dịch kính). Các mạch máu mới này rất dễ vỡ và thường gây xuất huyết nặng từ giai đoạn sớm làm đục dịch kính. Các mạch máu mới cũng gây ra các vết sẹo xơ ở võng mạc và trong quá trình liền sẹo nó có thể co rút gây ra bong võng mạc làm mất thị lực vĩnh viễn. Hậu quả của phù hoàng điểm, đục dịch kính, bong võng mạc... là mắt bị giảm hoặc mất khả năng thu nhận các tín hiệu ánh sáng, biểu hiện lâm sàng là giảm thị lực hoặc mất thị lực hoàn toàn.
Phải kiểm tra mắt thường xuyên
Có một điều đặc biệt nguy hiểm là đa số các bệnh nhân đái tháo đường không thấy có bất cứ triệu chứng gì về mắt cho đến khi đột nhiên bị mất thị lực. Khi đó dù được điều trị rất tích cực và tốn kém thì khả năng bảo tồn được thị lực là rất nhỏ, phần lớn bệnh nhân sẽ bị mù vĩnh viễn. Do đó, theo lời khuyên của các chuyên gia y tế, bệnh nhân đái tháo đường cần đi khám mắt định kỳ, tốt nhất là 6 tháng 1 lần và được khám bởi bác sĩ chuyên khoa mắt. Với những trường hợp bị đục thủy tinh thể nhẹ thì người bệnh có thể chỉ cần đeo kính râm thường xuyên khi đi nắng là đủ, ngoài ra có thể nhỏ mắt các loại thuốc có tác dụng hạn chế tiến triển của đục thủy tinh thể như catastat. Nếu đục thủy tinh thể nặng, có ảnh hưởng nhiều đến thị lực thì cần phải mổ thay thủy tinh thể. Với những bệnh nhân bị đục thủy tinh thể bị đồng thời bị cả bệnh võng mạc nặng thì mổ thay thủy tinh thể vẫn không cải thiện được thị lực.
Để đề phòng biến chứng do đái tháo đường, người bệnh phải luôn luôn giữ đường máu trong khoảng an toàn; khống chế huyết áp thường xuyên ở mức <130/80mmHg; không được hút thuốc lá. Người bệnh cần đi khám chuyên khoa mắt thường xuyên, ít nhất 1 lần mỗi năm để phát hiện chính xác và điều trị hiệu quả các biến chứng mắt. Đặc biệt, phải đi khám mắt ngay nếu có các dấu hiệu: nhìn mờ, khó đọc sánh báo, nhìn đôi, đau 1 hoặc cả 2 bên mắt, mắt đỏ hoặc căng tức… Khi có thai hoặc có kế hoạch sẽ có thai cũng phải đi khám để được bác sĩ tư vấn.
Vân Linh
-
Máy lọc nước nóng lạnh Karofi: Nâng tầm tiện nghi cho gia đình Việt
-
Người trẻ đua nhau làm việc tự do vào ban đêm: Năng động hay hại sức khỏe?
-
Khám bệnh và tặng quà gia đình chính sách tại Quảng Bình
-
Thủ tướng yêu cầu tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu
-
Long Châu nỗ lực từng ngày để hoàn thiện, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ
- Tử vi ngày 24/10/2024: Tuổi Tý quý nhân che chở, tuổi Ngọ tài lộc rực rỡ
- Tử vi ngày 23/10/2024: Tuổi Dần phát huy tiềm năng, tuổi Dậu cơ hội phát triển
- Tử vi ngày 22/10/2024: Tuổi Tỵ cải thiện thu nhập, tuổi Tuất phát huy điểm mạnh
- Tử vi ngày 21/10/2024: Tuổi Sửu trải nghiệm mới mẻ, tuổi Hợi tinh thần lạc quan
- Tử vi ngày 20/10/2024: Tuổi Dần tính toán tài tình, tuổi Thân thận trọng lời nói
- Tử vi ngày 18/10/2024: Tuổi Mão mở rộng ngoại giao, tuổi Ngọ nắm bắt cơ hội
- Tử vi ngày 17/10/2024: Tuổi Tý công danh thăng tiến, tuổi Thìn rắc rối bất ngờ
- Tử vi ngày 16/10/2024: Tuổi Tỵ may mắn bất ngờ, tuổi Mùi cơ hội đầu tư