Mở cửa bay quốc tế - Vấn đề "sống còn" để Việt Nam vực dậy trong đại dịch
Tiến độ triển khai chuyến bay quốc tế thường lệ
Mở cửa bầu trời - đây không phải là câu chuyện mới mẻ khi đề cập tới tình hình của ngành hàng không Việt Nam. Suốt 2 năm chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, các hãng hàng không Việt Nam luôn chực chờ trên bờ vực phá sản vì thiệt hại quá nặng nề; việc "phá băng" thị trường, khôi phục mạng bay quốc tế đã được nâng lên đặt xuống rất nhiều lần.
Hiện nay, dịch bệnh đang được kiểm soát tốt, Việt Nam là một trong 6 nước có tỷ lệ tiêm phủ vắc xin cao nhất thế giới. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo việc phòng chống dịch phù hợp với lộ trình mở cửa lại du lịch, vận tải hàng không, nhanh chóng mở cửa để khôi phục sản xuất kinh doanh… Riêng với ngành hàng không, muộn nhất là 30/3 mở cửa hoàn toàn mạng bay quốc tế.
Cục Hàng không khẳng định cần sớm mở lại hoàn toàn mạng bay quốc tế. |
Trao đổi với PV về việc triển khai các đường bay quốc tế thường lệ, ông Lê Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT), phụ trách trực tiếp lĩnh vực hàng không - cho biết, Bộ GTVT đã giao Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) chủ động đánh giá, tổ chức trao đổi với nhà chức trách hàng không các nước để quyết định nối lại các chuyến bay chở khách thường lệ với các thị trường đã có đường bay trực tiếp tới Việt Nam thời điểm trước dịch Covid-19, ngoài thị trường đã được triển khai trong tháng 1 với tần suất được tăng dần theo lộ trình, tạo điều kiện thuận lợi đi lại trên cơ sở tuân thủ hướng dẫn về giám sát nhập cảnh; báo cáo Bộ GTVT trong tháng 2 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng.
Liên quan tới tiến độ trên, lãnh đạo Cục HKVN cho PV biết Cục đã đàm phán với các nhà chức trách để xin phép Bộ GTVT cho mở cửa hết các đường bay. Ngày 10/2, nhà chức trách hàng không Việt Nam đã làm việc với phía Thái Lan, nước này đã nhất trí mở lại đường hàng không và không hạn chế số lượng chuyến bay.
Đến nay, ngoại trừ Trung Quốc, tất cả các quốc gia mà Việt Nam đề nghị khôi phục đường hàng không đều đã đồng ý. Hiện các đường bay tới châu Âu, Úc, Mỹ… Việt Nam đều đã có hoạt động khai thác. Sắp tới, sẽ tổ chức bay tới các thị trường mới như Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ… Những hãng có nhu cầu thì Cục HKVN sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để đàm phán, hỗ trợ cho các hãng mở đường bay mới, ví dụ như đường bay đi Trung Đông…
Vấn đề "sống còn" của hàng không Việt Nam
Theo lãnh đạo Cục HKVN, thời điểm này ngành hàng không đã sẵn sàng mọi mặt để khai thác toàn mạng bay quốc tế như trước khi bùng phát dịch Covid-19.
Muốn thu hút khách quốc tế tới Việt Nam, những yêu cầu và điều kiện áp dụng với khách đi máy bay cần nghiên cứu thấu đáo, tạo thuận lợi tối đa |
"Mở đường bay quốc tế là vấn đề "sống còn", không mở cửa sớm thì không cứu được các hãng hàng không; không mở cửa sớm thì sẽ không khôi phục được các đường bay. Các nước hiện nay hầu hết đã mở cửa. Không mở cửa thì chết, phải đi trước thì mới giữ được thị trường, nếu khởi động sau các nước thì rất khó.
Năm 2019, đơn cử như hãng hàng không quốc gia có trên 70% doanh thu là từ thị trường quốc tế. Bây giờ khôi phục hoàn toàn mạng bay quốc nội với doanh thu chưa tới 35% thì không thể bù đắp cho các hãng. Nói đơn giản là bán một vé máy bay đi châu Âu bằng rất nhiều vé máy bay nội địa, vì thế việc mở lại các đường bay quốc tế sẽ cứu các hãng hàng không" - lãnh đạo Cục HKVN thông tin.
Nói về tầm quan trọng của việc khôi phục các đường bay trọng điểm, lãnh đạo Cục HKVN dẫn chứng Hàn Quốc là thị trường hàng không lớn nhất của Việt Nam, năm 2019 sản lượng khách đạt khoảng 10 triệu người, trong đó 70% là khách Hàn Quốc. Hay như trước đây một ngày có khoảng 100 chuyến bay từ Việt Nam sang Trung Quốc, phủ tất cả các điểm đến ở cả hai nước, nhưng nay thì không có là vấn đề rất lớn.
Theo nhà chức trách hàng không, chỉ đạo của Thủ tướng chậm nhất là 30/3 mở lại các đường bay quốc tế và tinh thần là mở cửa sớm được ngày nào tốt ngày đó. Thời điểm này phải mở cửa và phát động lại thị trường để các hãng lên kế hoạch, phương án khai thác và có một tháng để bán vé máy bay. Vấn đề bây giờ là phải đẩy mạnh tiếp thị và hạn chế những vướng mắc, khó khăn về các điều kiện không cần thiết để khách du lịch vào Việt Nam.
Những ưu tiên quan trọng
Đã có ý kiến cho rằng, hàng không giống như chiếc chìa khóa vạn năng để mở cửa nền kinh tế, kết nối giao thương giữa Việt Nam với thế giới. Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh buộc Việt Nam phải "đóng - mở bầu trời" theo từng giai đoạn, nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Trong bối cảnh mới, cần mở cửa bầu trời ra sao, ưu tiên đường bay nào để đảm bảo hiệu quả là vấn đề quan trọng. Mặc dù dịch bệnh đã kiểm soát nhưng nguy cơ bùng phát và lây lan vẫn phức tạp, trong khi hàng không là lĩnh vực nhạy cảm với Covid-19, vì vậy cần có những giải pháp cụ thể để đảm bảo việc mở cửa và thích ứng an toàn với dịch bệnh.
VABA cho rằng, thực hiện chủ trương công bố mở cửa du lịch cũng có nghĩa là phải nhanh chóng mở lại đường bay quốc tế |
Ông Bùi Doãn Nề - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) - cho biết, hàng không là ngành cần đi trước khai thông việc đi lại trong nước và quốc tế, kết nối giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ. Mở lại đường bay quốc tế sau thời gian dài giãn cách do dịch bệnh, khi các quốc gia đã tiêm vắc xin trên diện rộng và có giải pháp kiểm soát dịch bệnh là cần thiết.
Theo ông Nề, hàng không là phương tiện an toàn và có quy trình kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ, việc thừa nhận hộ chiếu vắc xin giữa các quốc gia là cơ sở tốt cho bay quốc tế trở lại. Các doanh nghiệp hàng không từ kinh nghiệm bay thử nghiệm hộ chiếu vắc xin và bay tới các nước vừa qua luôn đặt an toàn cho hành khách và cộng đồng là mục tiêu nhất quán với mở rộng thị trường. Cần tuân thủ và hướng dẫn hành khách đảm bảo đúng quy trình chuẩn bị, làm thủ tục và trong suốt chuyến bay. Việc tăng cường quản lý, giám sát di chuyển bằng công nghệ, tiêm vắc xin, nghiêm túc thực hiện 5K sẽ góp phần kiểm soát dịch bệnh, tạo thuận lợi, an toàn cho hành khách và thu hút khách du lịch tới Việt Nam.
"Vận tải hàng không có vai trò quan trọng giúp kết nối mạng giao thông toàn cầu, con đường duy nhất rút ngắn khoảng cách và thời gian giữa Việt Nam với các nước trên thế giới. Ngành hàng không có tính lan tỏa rộng, góp phần phát triển du lịch, tạo thêm việc làm, là động lực phát triển của nền kinh tế" - Phó Chủ tịch VABA nói về triển vọng tăng trưởng hàng không khi mở cửa nền kinh tế và sự tác động tích cực tới các lĩnh vực khác như du lịch, dịch vụ. Theo ông, thực hiện chủ trương công bố mở cửa du lịch cũng có nghĩa là phải nhanh chóng mở lại đường bay quốc tế.
Theo Dân trí
Tăng tần suất chuyến bay thương mại quốc tế |
Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu không để tình trạng chậm, hủy chuyến bay |
Đề xuất chỉ xét nghiệm RT-PCR với khách bay chuyến quốc tế |
-
TS Phan Quốc Việt và trẻ tự kỷ "đặc biệt"
-
Độ tuổi sử dụng ma túy ngày càng trẻ hóa
-
Hà Nội: 100 gian hàng thiết yếu tham gia Chợ Tết Công đoàn 2025
-
Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
-
6 sân bay sẽ tăng thời gian khai thác đêm từ ngày 14/1/2025