Minh bạch - một mục tiêu xa xỉ!
Muốn đàng hoàng cũng khó
“Hiện có khá nhiều doanh nghiệp Việt Nam dường như còn khá xa lạ với khái niệm minh bạch và nhất quán. Trong khi đó, đối với các công ty đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam khái niệm này lại khá phổ biến, là một đặc trưng trong phương thức kinh doanh, xác định nó là giá trị cốt lõi của doanh nghiệp”.
Đây là kết luận của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) mới được đưa ra trong buổi hội thảo đối thoại chính sách ngày 16/10/2012 với chủ đề “Doanh nghiệp và thách thức phát triển bền vững” do VCCI và Thanh tra Chính phủ tổ chức.
Sự thực thì đa số chủ các doanh nghiệp Việt Nam không hề “xa lạ” với nhận thức thuộc loại “cơ bản” nhất này khi bước vào thương trường. Họ đều biết rằng, các chính sách nhất quán và minh bạch sẽ giúp doanh nghiệp của họ xây dựng được thương hiệu, duy trì sự tin cậy của các đối tác, khách hàng, cổ đông... từ đó giúp ổn định hoạt động, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh, tăng trưởng bền vững. Kinh doanh dựa trên nền tảng của sự minh bạch cũng là con đường tất yếu của các doanh nghiệp muốn phát triển, nâng cao vị thế, uy tín trong cộng đồng, trong xã hội và trong môi trường kinh doanh cạnh tranh ngày càng quyết liệt.
Tính minh bạch được hiểu không chỉ giới hạn trong việc kiểm toán báo cáo tài chính của doanh nghiệp mà còn là minh bạch trong việc quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro, hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ, giúp doanh nghiệp điều chỉnh khắc phục kịp thời điểm yếu, phát huy thế mạnh. Sự minh bạch là một thứ tài sản vô hình rất có giá trị đối với bản thân doanh nghiệp, tài sản niềm tin của các nhà đầu tư, các đối tác, ngân hàng...
Tuy nhiên, áp lực nào khiến cho các doanh nghiệp khó thực thi sự minh bạch?
Tại hội nghị này, đại diện nhiều doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước đã cùng thống nhất một điểm rằng, những bất cập trong chính sách, pháp luật có nguy cơ làm nảy sinh tệ nạn tham nhũng, hối lộ, tác động tiêu cực tới tính liêm chính và minh bạch trong hoạt động kinh doanh.
Theo kết quả điều tra vừa mới được công bố của Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) thì có đến 69% doanh nghiệp được hỏi đã thừa nhận rằng, họ đang là nạn nhân của tham nhũng, tức là phải chi trả những chi phí ngoài quy định cho một số cán bộ, cơ quan quản lý Nhà nước. Chưa kể nhiều doanh nghiệp rơi vào trường hợp “không tiện nói ra”.
Doanh nghiệp tuy có kênh để phản ánh nhưng cũng không dám phản ứng, thường là âm thầm chịu đựng và chấp nhận chuyện “qua sông phải lụy đò”.
Đối với những doanh nghiệp lớn, những công ty đại chúng huy động vốn từ các nhà đầu tư ngoài xã hội, nếu thiếu minh bạch trong việc công bố thông tin ra bên ngoài là tự giết mình, là mâu thuẫn với chính cổ đông của mình. Nhưng để công bố thông tin rõ ràng, kịp thời và có hệ thống, doanh nghiệp cũng phải đối mặt với không ít rủi ro, thách thức trực tiếp đến sự tồn vong.
Khi sự cạnh tranh không lành mạnh hoặc cơ chế chính sách thiếu công bằng, việc minh bạch, công khai số liệu kế toán, tình hình tài chính... nhà phân phối, khách hàng, đối tác, ngân hàng cho vay cũng sẽ lộ diện và đây là điểm sơ hở để các đối thủ có thể khai thác, tận dụng “ra đòn”, là điểm nhạy cảm cho những tiêu cực nhũng nhiễu phát sinh. Cái giá phải trả cho sự minh bạch, nhiều khi rất đắt.
Với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, minh bạch đôi khi chính là “cửa tử” bởi họ cần giữ kín những “bí quyết” và “mối” làm ăn. Mang “nồi cơm” ra giữa thanh thiên bạch nhật, thực tế ở ta, nguy cơ bị mất ăn... luôn đe dọa.
Đây chính là những lý do khiến các doanh nhân cho rằng, minh bạch thông tin ra bên ngoài là một mục tiêu xa xỉ trong môi trường kinh doanh hiện tại bởi những mặt trái rủi ro khó tiên liệu, khó kiểm soát. Thực là muốn đàng hoàng cũng khó và cái khó này thực sự “bó” cái khôn.
Lòng tự trọng bị tổn thương
Vì những lý lẽ nêu trên, tình trạng “làm đẹp” báo cáo, lờ đi các con số thống kê phản ánh trung thực tình hình... đã trở thành “vấn nạn”. Những gì người ta được biết thường có độ “vênh”, thậm chí hoàn toàn méo mó biến dạng so với thực tế. Bệnh thiếu minh bạch ngày càng nặng thêm khi các nhà đầu tư, các nhà hoạch định chính sách căn cứ vào đó để ra quyết định.
Thiếu minh bạch được coi là căn nguyên của tệ tham nhũng. Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) là một trong những tổ chức phi chính phủ đi đầu trong công cuộc chống tham nhũng, như tuyên truyền, hướng dẫn, cung cấp tài chính cho các quốc gia đẩy mạnh chống tham nhũng, đồng thời trừng phạt kinh tế với các quốc gia thờ ơ với tham nhũng.
Theo thống kê của tổ chức này, ước tính hàng năm số tiền hối lộ trên toàn cầu có thể đạt 20 đến 40 tỉ USD, dùng để “bôi trơn” trong các hoạt động đầu tư, kinh doanh hoặc thủ tục hành chính.
Việt Nam luôn được xếp ở nửa cuối của bảng xếp hạng về chỉ số cảm nhận tham nhũng của TI nhiều năm qua. Điều này hẳn đã làm tổn thương lòng tự trọng của các doanh nhân chân chính.
Nhiều khuyến nghị đã được gửi đến các cơ quan hoạch định chính sách, ngõ hầu mở một lối thoát cho vấn đề này như: Cần sửa đổi, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật nhằm tăng cường công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh; tăng cường đối thoại chính sách giữa các cơ quan quản lý với các doanh nghiệp giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về chính sách, pháp luật, kịp thời giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực thi, trong sản xuất, kinh doanh và cơ quan quản lý có cơ hội nắm bắt được những phản hồi từ thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp để có thể điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung phù hợp với cơ chế, chính sách nhằm tạo dựng một môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển; dỡ bớt rào cản tiếp cận thông tin liên quan tới các lĩnh vực tín dụng, ngân hàng, thanh tra, kiểm tra, chống gian lận trong kinh doanh và phòng, chống tham nhũng v.v...
Song tất cả những điều đó mới là một nửa, nửa còn lại được xác định là nằm ở phía các doanh nghiệp. Văn hóa tuân thủ và tôn trọng sự minh bạch cần phải được doanh nghiệp tự xây dựng. Cải thiện tính minh bạch sẽ dẫn đến quá trình tối ưu hóa ở nhiều cấp độ của doanh nghiệp và điều này đòi hỏi phải bắt đầu từ những thay đổi trong nhận thức, hành vi và cách ứng xử của doanh nhân và mỗi người trong doanh nghiệp.
Nguyễn Tiến Dũng
-
Thống nhất, minh bạch trong biên soạn, công bố số liệu GDP, GRDP
-
Từ 1/9, cá nhân làm từ thiện phải mở sổ kế toán ghi chép minh bạch
-
Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai các biện pháp bảo đảm ổn định, an toàn thị trường chứng khoán
-
Cá nhân kêu gọi từ thiện phải mở tài khoản riêng tại ngân hàng theo từng cuộc vận động
-
Nghĩ về phát biểu của Tổng Bí thư và "cam kết" của Người đứng đầu Chính phủ
-
Tin tức kinh tế ngày 23/10: Xuất nhập khẩu lần đầu tiên vượt 200 tỷ USD một quý
-
Giá dầu hôm nay (23/10): WTI tăng, Brent giảm trong phiên
-
Điện Kremlin: BRICS không có mục tiêu đánh bại đồng đô la
-
Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia: Tạo cơ hội tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ
-
BRICS "nhấn ga" tái thiết tài chính toàn cầu, đẩy nhanh phi USD hóa, SWIFT lung lay, giá vàng lên 150.000 USD/ounce