“Mất bò mới lo làm chuồng”!
Gần 1 tháng trước, ngôi nhà Lang cuối cùng của người Mường đã bị thiêu rụi, lý do: khách chơi trò nướng ngô! Kết quả là sau đám cháy, ngôi nhà Lang chỉ còn là đống tro tàn và một khung nhà cháy dở, ám khói đen thui thủi. Đó là tất cả những gì còn lại của một di sản văn hóa có niên thọ trăm năm.
Nhưng thật chua chát khi mọi sự quan tâm đến di sản này chỉ bắt đầu ánh lên kể từ sau khi đám lửa nướng ngô mang theo cả di sản về cát bụi. Đã có rất nhiều những bài báo trưng cảnh tro tàn của khu nhà Lang; cũng như có rất nhiều lời xót xa, oán thán về thái độ ứng xử tệ hại du khách… đã cất lên. Và, những cảm xúc đó được thể hiện rõ nhất ở những chức sắc làm công tác bảo tồn, quản lý di sản này.
Nhà Lang bị chìm vào quên lãng trước khi cháy!
Thật táo bạo, họ có thể nghĩ ra và thực hiện một ý tưởng nghệ thuật từ đống tro tàn đó. Ông Giám đốc Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường đã tổ chức một sự kiện gọi là nghệ thuật đương đại dựa trên nền ý tưởng và câu chuyện về ngôi nhà Lang. Từ nguồn gốc lịch sử, giá trị kiến trúc, giá trị văn hóa, ký ức và kỷ niệm của nó trong lòng du khách, người dân sẽ được tái hiện. Đặc biệt nhất của triển lãm này là những di vật - những gì còn sót lại từ đống tro tàn của nhà Lang sau đám cháy.
Người ta có lý do để khởi lên ý nghĩ làm nghệ thuật từ đống tro tàn. Cụ thể ở đây là để khơi gợi lại ký ức đẹp về nhà Lang và là tiếng chuông cảnh tỉnh thái độ của công chúng với di sản.
Ký ức thì bao giờ cũng mang lại nhiều xúc cảm, nhất là khi đó lại là một ký ức đẹp. Còn chuyện cảnh tỉnh du khách về sự tồn tại và mất đi của một di sản sau đám cháy này cũng là một việc làm hết sức ý nghĩa, nếu xét về mặt lý thuyết.
Nói chung chương trình “Ký ức nhà Lang” đang diễn ra ở Hòa Bình là một chương trình đáng để suy nghĩ, quan tâm. Song sẽ ý nghĩa hơn nếu như nó diễn ra khi chưa có mồi lửa bùng lên, thiêu rụi trước đó!
Một tấm mành dày đặc bện từ những mảnh vỡ bằng gốm của di sản, những thanh âm lách tách và cả những vết cứa có khi rách thịt. Phía trên là cái khung nhà ám khói đen trũi, là những mảnh sành treo đầy lối đi, dưới chân là những mảnh kính sắc nhọn rải đầy sàn. Những bàn tay in hằn trên nền cây đen bóng vì cháy dở, vì khói. Tất cả tạo nên một nỗi xót xa, tê sợ. Đó là không gian của triển lãm “Ký ức nhà Lang” trên chính nền ngôi nhà Lang đã cháy rụi trước đó.
Không gian tại "Ký ức nhà Lang"
Ấn tượng nhất đó là những bàn tay được làm từ những chiếc găng tay lao động gắn lên cây thể hiện sự mong mỏi từ ý thức của con người trước di sản. Nó gợi nhớ đến những dòng loằng ngoằng: “Nhóm abc đã đến chỗ này”, “Xyz mãi bên nhau ở đây”... những dòng chữ khắc xuất hiện thường xuyên tại các di sản khác!
Thật sự là đáng vỗ tay cho ý tưởng này, chắc chắn nó sẽ góp một phần tác động nào đó, dù có thể chỉ là rất nhỏ thôi vào ý thức của du khách trong mỗi chuyến đi.
Nhưng quan trọng hơn hết, sự kiện “Ký ức nhà Lang” đang góp phần cũng cố một sự thật chua chát rằng: nhiều di sản chỉ được quan tâm khi nó đã vĩnh viễn trở thành một ký ức đẹp!
Thực tế, trong thời gian vừa qua, đã có bao nhiêu di tích, di sản văn hóa, thậm chí là những di sản cấp quốc gia bị xuống cấp trầm trọng rồi mới được người ta quan tâm đến!? Có thể nói là rất nhiều, đó là câu chuyện của chùa Một Cột được quan tâm khi tượng Phật phải đội nón lá để che mưa vì mái chùa dột nước; đó là làng cổ Đường Lâm lấy được lòng xót xa khi nhà cao cửa rộng ngày ngày mộc lên bên cạnh các ngôi nhà cổ!
Và nhà Lang cuối cùng của người Mường cũng vậy, trước khi chìm vào biển lửa thì nhà Lang đã chìm sâu vào sự lãng quên. Có người miêu tả, từ lâu nhà Lang đã chỉ còn là chỗ cho… chim chuột!
Thời gian qua, các nhà quản lý đã có rất nhiều những hô hào về những biện pháp, những kế hoạch bảo tồn cũng như phát huy thế mạnh của các di sản văn hóa. Nhưng rõ ràng, di sản văn hóa không thể bảo tồn cũng như chẳng thể cứu vãn bằng cách đợi cháy rụi rồi mới làm triển lãm.
Và có lẽ, việc nhà quản lý di sản làm triển lãm trên đống tro tàn ấy không phải để cảnh tỉnh một ai khác mà đúng hơn là phải để cảnh tỉnh chính bản thân họ! Rằng: đừng có để “mất bò mới lo làm chuồng”!
Trúc Vân
-
LPG Expo Châu Á - Thái Bình Dương 2024: Cơ hội hợp tác toàn cầu trong ngành công nghiệp LPG
-
Phẩm cách người Hà Nội - dòng mạch ngầm chảy mãi
-
Hà Nội đẩy mạnh kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp chủ lực
-
Bài 3: Đưa văn hóa Hà Nội hội nhập, vươn xa
-
Bài 2: Coi văn hóa là trọng tâm trong chiến lược phát triển