Ma trận Yoga
“Xã hội hóa” yoga
Ở nước ta hiện nay, gần như ở tỉnh, thành nào cũng có các trung tâm tập yoga lớn. Ngoài những cơ sở có tên tuổi thì có hàng chục, có nơi đến hàng trăm cơ sở nhỏ lẻ tổ chức tại các cơ quan, nhà văn hóa, khu chung cư, công viên... Từ một môn thể dục mang tính chất rèn luyện cơ thể, trí tuệ cho giới thượng lưu, nghệ sĩ, thì nay yoga đã trở thành một trào lưu thu hút ngày càng nhiều người tham gia với đủ các lứa tuổi; đủ các thành phần trong xã hội từ người giàu đến người nghèo; từ người làm nghề kinh doanh, công chức đến sinh viên, học sinh… Có thể nói, yoga đã làm nên một phong trào thể dục thể thao nâng cao sức khỏe trong toàn dân từ Bắc chí Nam. Đây thực sự là một tín hiệu tốt. Tuy nhiên, việc mở tràn lan các lớp học yoga mà không có bất cứ một sự quản lý nào đang ngày càng thể hiện rõ những bất cập.
Các trung tâm Yoga mọc lên như nấm sau mưa |
Tôi đang sống tại một khu chung cư ngoại thành Hà Nội. Số dân sinh hoạt của hai tòa chung cư lên đến gần 500 hộ. Các dịch vụ tiện ích mọc lên như nấm sau mưa, đặc biệt là dịch vụ liên quan đến chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp. Từ khi phòng tập yoga khai trương đã làm nức lòng chị em. Những ngày đầu, phòng tập rộng 40m2 này lúc nào cũng ở trong tình trạng quá tải. Mọi người đứng cách nhau chỉ mỗi bước chân nên chân, tay mới giơ lên đã chạm vào nhau, thế nhưng mọi người ai nấy đều hồ hởi và ra chiều thông cảm: “Hàng xóm của nhau hết ấy mà, tập đông cho khí thế!”. Tuy nhiên, sau một tuần thì số học viên cũng vơi đi một nửa.
Chị Lan Anh rời phòng tập lúc 7 giờ trong trạng thái khá phấn chấn: “Lớp học giờ chỉ 16 người nên thoải mái và cũng trật tự hơn, chứ mấy ngày đầu học yoga mà như họp chợ. Học phí 550.000 đồng/12 buổi thì khá cao so với mặt bằng giá chung ở khu vực xung quanh, nhưng thôi gần nhà, mình chịu đắt một tí để đi lại cho tiện”.
Được biết phòng tập yoga này do một người đứng ra thuê mặt bằng, thuê huấn luyện viên về hướng dẫn, người này không có chuyên môn và cũng chưa tập yoga bao giờ. Tất cả chuyên môn đều do người huấn luyện viên phụ trách, quản lý chỉ xuất hiện vào đầu tháng để thu tiền. Và một điều khá bất ngờ, các học viên hầu như không biết gì về người huấn luyện viên này.
“Mình đăng ký, nộp tiền rồi đi học. Đến lớp có thầy giáo hướng dẫn. Thầy sinh năm 1994 rất nhiệt tình và đặc biệt con trai mà rất dẻo. Mình cũng không hỏi thầy đang công tác ở đâu hay học ở đâu ra vì nghĩ biết cũng chẳng để làm gì. Quan trọng là thầy hướng dẫn mình học tốt là được” - Chị Lan Anh cho biết thêm. Khi tôi hỏi: “Tại sao chị lại chọn yoga mà không phải gym hay aerobic?”. Thì chị trả lời: “Phong trào tập yoga mà. Cả cơ quan mình đua nhau đi tập. Nhiều chị em tranh thủ tập buổi trưa, tập xong vào làm tiếp. Nói chung tập yoga cho nhẹ nhàng. Dân văn phòng mình chủ yếu học cách thở cho đúng và những động tác vận động cơ bản, mong người khỏe, dáng đẹp hơn thôi”.
Anh Thành Duy, giáo viên một trung tâm yoga cho biết, để đạt được “ngưỡng” yoga phải trải qua 3 giai đoạn: rèn luyện sức khỏe, rèn luyện chân ngã, hòa hợp vũ trụ. Có người cả đời cũng không luyện xong phần một, phần căn bản. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu, nhiều cơ sở đã đào tạo huấn luyện viên cấp tốc chỉ trong vài tháng. Hay nhiều nơi chuộng giáo viên người nước ngoài, nhiều nhất là Ấn Độ. Sự khác biệt về ngôn ngữ cũng là một trong những yếu tố đáng lưu ý khi tập luyện. Nhiều học viên không thể nghe hiểu được huấn luyện viên nói gì, nên họ chỉ biết làm theo huấn luyện viên hoặc người bên cạnh.
Bạn Phương Lan, Học viện Ngân hàng chia sẻ: “Sinh viên bọn em ở ký túc xá, buổi tối chẳng biết làm gì nên rủ nhau đi học yoga. Nghe bảo yoga tốt cho sức khỏe nên khi thấy có trung tâm giảm giá lại có giáo viên người Ấn Độ dạy là cả phòng đăng ký luôn. Lớp học thì đông, không có trợ giảng, thầy Ấn Độ nói gì cũng chẳng hiểu nên chỉ có cách nhìn động tác của thầy cũng như người bên cạnh để làm theo. Nhiều lúc muốn hỏi thêm thông tin hoặc muốn nhờ thầy chỉ dẫn cũng không biết phải nói thế nào. Có khi thấy rất ức chế. Bọn em theo học được 2 tuần thì nghỉ hết. Lần sao quyết không tham của rẻ nữa. Cũng tại bọn em trước khi đăng ký không chịu tìm hiểu trước”.
Nhiều trung tâm quảng cáo sự có mặt của các huấn luyện viên chuyên nghiệp từ nước ngoài về giảng dạy, nhưng thực tế không ai chứng minh được là họ có bằng cấp quốc tế về chuyên môn. Do tâm lý chuộng ngoại, những lớp có người nước ngoài giảng dạy thu hút khá đông học viên với mức học phí cao hơn nhiều so với giáo viên nội. Mặc dù biết nhiều trường hợp làm huấn luyện viên không có bằng cấp gì nhưng thực tế vẫn chưa có đủ chế tài để xử phạt. Vì trên thực tế hiện nay, họ chỉ cần xin được giấy phép đầu tư là đã có thể mở cửa hoạt động, còn những vấn đề về chuyên môn chưa có cơ quan nào đứng ra quản lý. Vì thế, nhiều spa, phòng tập đã thuê người nước ngoài đang sinh sống ở Việt Nam, có hiểu biết chút ít về yoga, thậm chí người nước ngoài đến du lịch cũng có thể trở thành thầy dạy yoga.
Yoga đang được xem là “thần dược” |
Yoga được thổi thành “thần dược”
Đã từ lâu, yoga được coi là môn thể thao “vàng”, mang lại vô vàn lợi ích đối với sức khỏe như giúp giảm căng thẳng, giảm lượng mỡ thừa trong cơ thể cũng như tăng cường hệ miễn dịch. Các nhà khoa học Mỹ mới đây còn cho biết, yoga còn là “thần dược” đối với những người mắc chứng loạn nhịp tim. Tuy nhiên, để có được tác dụng tuyệt vời đó thì yoga phải tập đúng, tập đủ dưới sự hướng dẫn của những huấn luyện viên có trình độ chuyên môn nhất định, có kinh nghiệm giảng dạy lâu năm. Còn với tình trạng phòng tập được mở tràn lan khắp mọi nơi, trình độ huấn luyện viên chỉ hơn người mới tập không đáng là bao thì hy vọng về những khả năng “vi diệu” trong việc chữa bệnh của yoga là một sự hão huyền. Đã có rất nhiều người phải chịu “tiền mất tật mang” vì sự thiếu hiểu biết, thiếu tỉnh táo khi tin vào những lời mời mọc, cam kết hoàn toàn không có cơ sở nào.
Tôi có chị bạn, năm nay 35 tuổi, nhiều năm ở nhà làm nội trợ. Vì quẩn quanh với bếp núc, rồi lo lắng cho con cái học hành nên chị chẳng có thời gian để chăm sóc bản thân. Lâu dần chị bị suy nhược cơ thể, thậm chí có dấu hiệu của trầm cảm. Một lần chị đọc trên một trang mua sắm online quảng cáo về một voucher (phiếu mua hàng): “Chỉ cần 2 triệu đồng, bạn có thể đăng ký trọn gói tập yoga cho cả gia đình trong thời gian 1 tháng”.
Sau khi xem hình ảnh trên mạng về phòng tập thì khá ưng ý, có đầy đủ thiết bị và chuyên viên hướng dẫn. Đặc biệt khi gọi điện thì chị được lễ tân hướng dẫn rất tận tình. Chị nêu thắc mắc liệu chồng chị bị thoát vị đĩa đệm có thể tham gia tập không? Con chị mới có 6 tuổi thì liệu yoga có quá sức không? Và chị muốn tập yoga để chữa bệnh rối loạn tiền đình được không? Chị nhận được câu trả lời rằng, những vấn đề đó trung tâm đều giải quyết được cả. Người tư vấn nhấn mạnh cho trẻ em học yoga đang là mốt ở các nước phương Tây nhằm kích thích trí thông minh, phát triển thể lực, đặc biệt là chiều cao. Còn bệnh đau lưng của chồng chị chỉ sau một tháng kiên trì tập luyện sẽ được cải thiện rất nhiều. Riêng chị chỉ cần những động tác hít thở đúng cách, các tư thế nhẹ nhàng phù hợp thì tình trạng đau đầu chóng mặt sẽ nhanh chóng được cải thiện. Mọi thắc mắc, băn khoăn đều được giải đáp, vì thế chị đồng ý chuyển khoản thanh toán trọn gói.
Tuy nhiên, khi cả nhà đến trung tâm thì điều thất vọng đầu tiên là trung tâm chỉ là một căn hộ rộng tầm 70m2, có hai phòng tập, mỗi phòng chừng 25m2. Huấn luyện viên có hai người một nam, một nữ còn rất trẻ. Và điều khiến anh chị bất ngờ là tất cả đều học cùng một giáo án như nhau. Anh bị thoát vị đĩa đệm thì cũng tập như chị bị rối loạn tiền đình. Còn các cháu nhỏ thì tập riêng một góc do hướng dẫn viên nữ phụ trách. Tập được mấy ngày cả hai anh chị cảm giác sức khỏe bất ổn.
Chị kể lại: “Mình tập được 3 buổi tự nhiên người yếu hẳn, hay chóng mặt và đau đầu kinh khủng. Ngủ thì không ngon giấc như bình thường. Sợ nhất là mấy động tác cắm đầu lộn ngược. Tập xong là chạy đi ói vì chóng mặt ko chịu nổi. Còn ông chồng thì lưng đau ê ẩm không đi lại được. Mỗi con bé còn có hứng thú học. Cuối cùng cả nhà đành bỏ dở”. Khi được hỏi: “Thế sao anh chị không nói rõ tình trạng sức khỏe của mình cho huấn luyện viên để họ có biện pháp hướng dẫn từng người?” thì chị nói: “Phòng tập đông người, với lại lúc mình đăng ký tư vấn là người khác, đến lúc tập là người khác. Mình có nói chuyện với giáo viên hướng dẫn, nhưng em ấy cứ bảo chị yên tâm em sẽ có giáo án riêng với từng người. Nhưng tập mấy ngày liền thấy ai cũng tập như ai, chẳng khác gì. Mình sức khỏe yếu không theo được, đành chấp nhận mất tiền và tự rút ra bài học cho bản thân mà thôi”.
Thực tế, các tư thế của yoga đơn giản là các động tác vặn mình, nhưng qua đó bản thân người tập sẽ tự cảm nhận được cơ thể mình yếu ở đâu. Nó không mang đến cho người tập kết quả tức thì, mà phải trải qua một quá trình rèn luyện từ những động tác đơn giản như hít thở, cúi gập người, vặn mình... đến các động tác ở cấp độ cao hơn với các tư thế chào mặt trời, trồng cây chuối, con sếu, con quạ... mỗi động tác, tư thế có một chuẩn riêng, chỉ cần thở chưa đúng hoặc thực hiện các tư thế không đúng thì các bài tập sẽ không phát huy tác dụng, thậm chí phản tác dụng, có thể gây ra các chấn thương khớp tay, khớp chân, khớp hông... Vì thế, nếu như người dạy không nắm rõ được những kiến thức cơ bản để truyền đạt lại cho các học viên thì đa số học viên sẽ phải bỏ cuộc giữa chừng hoặc sẽ gặp những chấn thương đáng tiếc.
Không nên chạy theo “xu hướng”
Bệnh viện Thể thao Việt Nam, một địa chỉ chuyên tiếp nhận bệnh nhân bị chấn thương trong quá trình tập luyện thể dục, thể thao. Gần đây bệnh viện này đã chữa trị cho nhiều bệnh nhân đến khám vì tập yoga không đúng hoặc quá sức.
Nhiều phòng tập hấp dẫn người tham gia do giá rẻ |
Bác sĩ Lê Thanh Tùng (Bệnh viện Thể thao Việt Nam) có lời khuyên như sau: Những người bị tiềm ẩn các bệnh về cột sống, đầu gối, cổ, vai, đau lưng, khớp thì không nên cố gắng tập yoga, nếu không sẽ gây tác hại nghiêm trọng. Các tư thế cúi hoặc ngửa tối đa làm dây chằng và các cơ bị căng giãn quá mức, gây đau dữ dội. Nếu đang đau lưng hoặc cổ cấp tính mà tập động tác gập, ngửa, uốn sẽ làm tổn thương nặng thêm. Vì vậy, trước khi tập bản thân cần nắm rõ tiền sử bệnh của mình và trình bày rõ với huấn luyện viên. Từ đó lựa chọn chế độ và phương pháp tập luyện hợp lý.
“Huấn luyện viên môn yoga ở ta phần nhiều không được học cơ bản về y tế, nên áp dụng một hình thức tập cho nhiều người. Yoga có lợi cho sức khỏe, nhưng nguyên tắc là phải phù hợp lứa tuổi: có bài tập dành riêng người già, có bài tập chỉ dành cho lớp trẻ và phải đi từ thấp đến cao” - BS Lê Trí Dũng - Phó giám đốc Trung tâm Chấn thương - Chỉnh hình TP HCM cho hay.
Yoga không phải là phép mầu cải lão hoàn đồng hay khả năng “làm mất mỡ”. Phép lạ của yoga nằm ở khả năng cân bằng cảm xúc, giúp con người làm chủ bản thân để đạt được mục đích riêng. Nhiều người không hiểu để rồi tốn tiền tập mãi cũng không thấy kết quả như ý. Mỗi thể trạng, tuổi tác, tính tình, bệnh lý con người đều có những bài tập yoga thích hợp. Có bài tập lợi với người này nhưng gây hại với người khác. Không chỉ thế, trong mỗi bài tập yoga đều phải kết hợp cả 3 yếu tố là: thở, tư thế và trí. Trong tập tư thế, sai cách sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Trong rèn trí và thở, nếu không có sự hướng dẫn đúng đắn có thể gây hậu quả rất lớn. Những người lười tập hoặc luyện yoga sai cách có thể bị ảnh hưởng đến hệ thần kinh, “tẩu hỏa nhập ma”, trầm cảm…
Trước tình hình hoạt động yoga “nóng” nhưng lại rối trong việc đào tạo và quản lý, mới đây, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã dự thảo quy định điều kiện hoạt động của cơ sở thể thao tổ chức hoạt động yoga, giao cho Tổng cục Thể dục Thể thao quản lý. Đặc biệt, năm 2016, nghề huấn luyện viên yoga được công nhận tại Việt Nam. Liên đoàn Yoga Việt Nam cũng ra đời để đảm bảo quyền lợi cũng như thúc đẩy ngành phát triển tốt hơn.
Đây thực sự là một thông tin tốt với những ai yêu thích bộ môn thể dục này. Vì sau khi Liên đoàn Yoga Việt Nam ra đời chắc chắn sẽ có các thông tư hướng dẫn về những quy định bắt buộc đối với một trung tâm, phòng tập yoga được cấp phép như không gian, thời gian, con người, cơ sở vật chất… Điều này cũng đồng nghĩa với việc thống kê, rà soát số lượng các trung tâm, phòng tập sẽ dễ dàng và dễ dàng và việc quản lý theo đó cũng trở nên quy củ hơn. Cũng từ đây, người tập cũng sẽ có điều kiện để tìm hiểu những thông tin về những địa chỉ phòng tập, trung tâm yoga đáng tin cậy cũng như loại bỏ nhưng phòng tập “treo đầu dê bán thịt chó” khiến vừa mất tiền lại vừa rước bệnh vào người.
Ông Nguyễn Văn Phương - Trưởng bộ môn yoga - TP HCM, thuộc Hội Dưỡng sinh thành phố cho biết, sau một thời gian dài hoạt động, đem lại những lợi ích sức khỏe cho cộng đồng, có 3 trường phái yoga gồm: Hatha yoga - kết hợp điều hòa âm dương giữa tinh thần và thể chất; Tantra yoga - du nhập từ Ấn Độ với sự vận động thể chất kết hợp động tác với xoa bóp, ăn chay và thiền; và những động tác yoga cơ bản của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đã được công nhận. |
Lê Minh