Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Lực lượng tác chiến đặc biệt của một số nước Đông Nam Á

06:32 | 23/06/2013

2,920 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Lực lượng tác chiến đặc biệt là lực lượng tinh nhuệ nhưng với chi phí duy trì tốn kém nên thường được các nước sử dụng cực kỳ bí mật, hạn chế.

Sau vụ khủng bố năm 2001 tại Mỹ, lực lượng tác chiến đặc biệt ngày càng được coi trọng trong các hoạt động quân sự và an ninh. Ở Đông Nam Á, các đơn vị này thường được sử dụng trong hoạt động chống nổi dậy, bạo loạn, giải cứu con tin và chống khủng bố.

Thái Lan: Hiện có 3 đơn vị tác chiến đặc biệt, biên chế trong lực lượng không quân, hải quân và cảnh sát hoàng gia.

Đại đội biệt kích của Không quân Hoàng gia Thái Lan có 100 người, được thành lập từ cuối những năm 70 của thế kỷ trước và đóng gần sân bay Đôn Mường. Nhiệm vụ chủ yếu là chống không tặc, biên chế mỗi đơn vị gồm 3 trung đội xung kích, mỗi trung đội được chia thành hai tiểu đội.

Các đơn vị SEAL (hải, không, bộ) của Hải quân Hoàng gia Thái Lan có nhiệm vụ chống khủng bố trên biển. Đơn vị này có mối liên hệ chặt chẽ với các đại đội SEAL của Hải quân Mỹ.

Một đơn vị SEAL của Hải quân Hoàng gia Thái Lan đang diễn tập chống khủng bố trên biển

Đơn vị tác chiến đặc biệt Naraesuan 261 thuộc Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan được thành lập năm 1983 bởi một nghị quyết của Chính phủ Thái Lan. Naraesuan 261 chịu trách nhiệm chống khủng bố và giải quyết các trường hợp tội phạm hình sự và bảo vệ các thành viên Hoàng gia.

Indonesia: Lực lượng tác chiến đặc biệt của Indonesia gồm 3 đơn vị, nằm trong lục quân, không quân và cảnh sát.

Bộ Chỉ huy lực lượng tác chiến đặc biệt của Lục quân Indonesia là lực lượng đột kích thực hiện các nhiệm vụ như thâm nhập, trinh sát, huấn luyện lực lượng dự bị, đặc biệt có thế mạnh trong tiến hành các hoạt động chống nổi loạn, chống lật đổ và các nhiệm vụ bảo đảm an ninh nội địa khác.

Lực lượng Không quân Indonesia có đơn vị tinh nhuệ riêng, được gọi là Binh đoàn các lực lượng đặc nhiệm của Không quân (Air Force Special Force Cops - Paskhas). Giống như các đơn vị tinh nhuệ khác trong lục quân và hải quân, Paskhas là đơn vị chiến đấu có khả năng hoạt động trên bộ, trên biển và trên không một cách độc lập.

Chi đội đặc biệt số 88 (Detasemen Khusus 88) gọi tắt là Densus 88, là đội chống khủng bố của Indonesia, trực thuộc Cảnh sát Quốc gia Indonesia. Được thành lập ngày 30/6/2003 sau vụ đánh bom Bali năm 2002, đơn vị này được Mỹ cung cấp tài chính, trang bị và huấn luyện. Chủ yếu là nhiệm vụ chống khủng bố có liên quan đến phong trào Hồi giáo Jemaah Islamiyah đóng tại Trung Java.

Malaysia: Lực lượng đặc nhiệm của Malaysia chủ yếu là các đơn vị Gerup Gerak Khas (GGK) của lục quân, Pasukan Khas Laut (Paskal) của hải quân, Pasukan Khas Udara (Paskau) của không quân và VAT-69 thuộc Cảnh sát Malaysia

GGK là lực lượng tác chiến đặc biệt có quy mô lớn nhất của Malaysia. Ban đầu là một trung đoàn lính biệt kích trong lực lượng lục quân với nhiệm vụ chủ yếu là chống bạo loạn. Bên cạnh đó, GGK cũng được giao nhiệm vụ lập kế hoạch, chuẩn bị, triển khai tiến hành các cuộc chiến thông thường, phòng thủ nội địa, trinh sát đặc nhiệm và bảo vệ các mục tiêu trọng yếu của quốc gia. GGK từng tham gia hoạt động tại Campuchia, Somalia, Nammibia và một số nước khác.

Hải quân Hoàng gia Malaysia thành lập đơn vị tác chiến đặc biệt riêng, được gọi là lực lượng hải quân đặc biệt (Pasukan Khas Laut hoặc Paskal). Biên chế chủ yếu gồm các sĩ quan huấn luyện biệt kích và những binh sĩ thuộc Trung đoàn An ninh quân đội. Hiện đơn vị này được bố trí tại các đảo nhân tạo thuộc khu vực quần đảo Trường Sa (của Việt Nam - PV) và tại các khu vực chiến lược trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia. Nhiệm vụ chủ yếu là chống khủng bố và cướp biển.

Paskau là lực lượng chống khủng bố tinh nhuệ trong biên chế của Không quân Hoàng gia Malaysia (RMAF). Lực lượng này có nhiệm vụ chủ yếu là thực hiện tìm kiến cứu nạn trong chiến đấu, tìm kiếm phi công khi máy bay bị rơi, giải cứu con tin.

Cảnh sát Hoàng gia Malaysia được biên chế một binh chủng bán quân sự là Police Field Force PFF. PFF có một số tiểu đoàn, trong đó tiểu đoàn biệt kích số 69 (VAT-69)  là tinh nhuệ hơn cả. Nhiệm vụ chủ yếu là bảo vệ cơ quan trọng yếu của chính phủ, mục tiêu gần.

Philipines: Có 3 đơn vị tác chiến đặc biệt, bao gồm Trung đoàn biệt kích thám báo số 1, Tiểu đoàn trinh sát của Lực lượng Hải quân đánh bộ và phi đội tác chiến đặc biệt số 710.

Trung đoàn biệt kích thám báo số 1 được thành lập ngày 25/11/1950,  là đơn vị tác chiến đặc biệt đầu tiên được thành lập của Philipines. Nhiệm vụ chủ yếu là phòng chống các hoạt động tác chiến du kích. Nhiệm vụ ban đầu khi thành lập là chống lại các hoạt động du kích của lực lượng Hukbalahap. Sau này được hợp nhất cùng Tiểu đoàn phản ứng nhanh (Light Reaction Battalion) để đảm nhiệm các nhiệm vụ bảo vệ an ninh nội địa.

Tiểu đoàn trinh sát của Lực lượng Hải quân đánh bộ (Marine Corp Force Recon Battalion - Marine Force Recon) là đơn vị tinh nhuệ trên bộ của Hạm đội và Hải quân đánh bộ  Philipines, có nhiệm vụ tác chiến đường không thông thường và tác chiến đặc biệt trên biển, trên không và trên bộ, bao gồm trinh sát, cận chiến, phá hủy, tình báo và hoạt động tác chiến dưới nước để hỗ trợ cho chiến dịch tổng thể.

Phi đội tác chiến đặc biệt số 710 là lực lượng triển khai nhanh của Không quân Philipines. Trong thực hành chiến đấu, đơn vị được chia thành các nhóm gồm 10 người. Các thành viên đều được lựa chọn từ lính đặc nhiệm tinh nhuệ trong các lực lượng vũ trang.

Campuchia: Duy trì hoạt động tác chiến đặc biệt thông qua Lữ đoàn đặc nhiệm 911 (Không vận). Lữ đoàn này có mối quan hệ gắn bó mật thiết với lực lượng Kopassus của Indonesia, đặc biệt trong việc tổ chức các khóa huấn luyện đào tạo lực lượng biệt kích cơ bản. Lữ đoàn 911 được xem là lực lượng quan trọng nhất trong hoạt động phòng chống khủng bố tại Campuchia.

Brunei: Có một đơn vị tác chiến đặc biệt quy mô nhỏ là Rejimen Pasukan Khas (RPK). Tiền thân của Rejimen Pasukan Khas là Tiểu đoàn tác chiến đặc biệt (Special Combat Squadron), sau nâng cấp lên Trung đoàn tác chiến đặc biệt. RPK được huấn luyện thường xuyên cùng lực lượng đặc nhiệm các nước láng giềng và nhận được sự chi viện mạnh mẽ từ lực lượng tác chiến đặc biệt của Anh và Mỹ.

Lam Ngọc