Luật quảng cáo mới: Người tiêu dùng vẫn phải thông thái?
Và câu hỏi đặt ra là người dân sẽ được bảo vệ thế nào trước những thông tin về sản phẩm qua những lời quảng cáo như có phép màu? Luật Quảng cáo vừa được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013 liệu có chấn chỉnh được tình trạng quảng cáo lộn xộn hiện nay?
Thông thoáng hơn
Sau hơn 10 năm, quảng cáo đã trở thành một ngành công nghiệp, hoạt động quảng cáo phát triển nhanh, với sự gia tăng về số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo và doanh thu của ngành quảng cáo. Nhưng tại Hội nghị phổ biến Luật Quảng cáo và lấy ý kiến vào dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quảng cáo vừa diễn ra tại TP HCM, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Huỳnh Vĩnh Ái đã thừa nhận: Hệ thống pháp luật quảng cáo ở nước ta từ trước đến nay còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển toàn diện của hoạt động quảng cáo trong nền kinh tế thị trường. Và thực tế là pháp lệnh quảng cáo đã không còn đủ khả năng để khống chế được sự hỗn loạn và nhộn nhạo của nhiều loại hình quảng cáo tràn lan trong xu hướng phát triển thần tốc của nền kinh tế thị trường hiện nay.
So với pháp lệnh được ban hành từ năm 2001, việc cho phép báo in tăng trang phụ lục quảng cáo và quy định 10% thời lượng quảng cáo (so với 5%) trên tổng thời lượng phát sóng của đài phát thanh, truyền hình được xem là dấu hiệu thông thoáng và tích cực hơn. Việc quy trách nhiệm cho chủ sở hữu sản phẩm quảng cáo và cơ quan quản lý sản phẩm quảng cáo phải liên đới bồi thường đối với những quảng cáo sai sự thật cũng được xem là điểm mới nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo dự thảo nghị định về xử phạt vi phạm trong hoạt động quảng cáo, hành vi quảng cáo hàng hóa không trung thực, quảng cáo không đúng sự thật sẽ bị phạt 200 triệu đồng, gấp 5 lần mức phạt hiện nay. Bởi trước tình hình quảng cáo lộn xộn ở Việt Nam như hiện nay thì việc tăng mức xử phạt là cần thiết để chấn chỉnh tình trạng này. Đại diện Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam kiến nghị, trong Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Quảng cáo, Bộ VH-TT&DL nên đưa thêm quy định về tổ chức đấu thầu quảng cáo ngoài trời, để tránh tình trạng tiêu cực trong cấp phép quảng cáo ngoài trời.
Rất nhiều khán giả truyền hình than thở rằng, nhiều lúc họ cảm thấy như mình bị các “nhà đài” “khủng bố” tinh thần và giác quan. Tình trạng chèn chương trình quảng cáo với tần suất cao trong những “giờ vàng” đã trở thành chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi”. Bất kể là giờ ăn cơm tối (trước chương trình thời sự 19 giờ), hàng loạt các quảng cáo băng vệ sinh, quảng cáo thuốc chống mãn dục, que thử thai, các loại thuốc chống nấm, lang ben, nước ăn chân tay… vẫn cứ “ra rả trên màn hình”. Chỉ nói riêng đến tần suất phát các đoạn quảng cáo cũng đã khiến khán giả truyền hình bức xúc. Chỉ một bộ phim truyền hình Hàn Quốc được yêu thích, đang được chiếu từ 18 giờ đến 19 giờ 45 phút hàng ngày cũng đã bị cắt thành 3-4 đoạn vì bị “xen” vào 4 lần quảng cáo trước - trong - sau khi hết tập phim.
Cách đây hai tháng, quảng cáo cho một hãng nước ngọt với những hình ảnh “cởi mở” gây sốc đã khiến ba cô người mẫu Ngọc Trinh, Hoàng Yến, Yến Nhi đã bị lên án gay gắt. Quảng cáo nước ngọt mà giống như quảng cáo nội y. Ngoài ra còn là các “nạn quảng cáo tờ rơi”, các pano, phướn, băng rôn… quảng cáo các sản phẩm từ ca nhạc, phim ảnh, triển lãm, hội chợ, cho tới những loại thuốc tây y, đông y, rồi cả các loại hình dịch vụ như massage, karaoke… tất thảy đều được quảng cáo tràn lan.
Cần bảo vệ người tiêu dùng
Không thể phủ nhận sức mạnh mà quảng cáo mang lại cho mỗi sản phẩm mà nó quảng bá, bởi dù ít hay nhiều nhưng luôn có những người tiêu dùng chưa thông thái hay còn cả tin với những lời quảng cáo có cánh. Vấn đề đặt ra là, làm sao những người tiêu dùng được bảo vệ trước những sản phẩm được quảng cáo công khai, khẳng định hùng hồn về chất lượng? Quảng cáo là thế, nhưng kiểm định chất lượng của sản phẩm thì cơ quan nào sẽ đứng ra đảm bảo và bảo vệ cho quyền lợi của người tiêu dùng?
Nếu không xảy ra cái chết thương tâm của một phụ nữ khi đến phòng khám tư nhân Maria để chữa phụ khoa, có lẽ không biết các báo đài còn quảng cáo, lăng xê phòng khám này lên mây xanh đến bao giờ! Phải chăng lợi nhuận từ quảng cáo cũng khiến các cơ quan chủ quan quên đi việc kiểm định chất lượng thực, để những quảng cáo sai sự thật vẫn xuất hiện tràn lan, nhan nhản mà hậu quả thì người dân phải chịu trước tiên. Nếu cơ quan quản lý giám sát chặt chẽ, nghiêm túc trong xử lý thì những hình ảnh, nội dung quảng cáo mang tính “thảm họa” này không thể xuất hiện tràn lan, gây bức xúc trong dư luận.
Cần phạt nặng
Quảng cáo có tầm ảnh hưởng lớn đến đời sống, văn hóa người dân nên nhiều nước trên thế giới rất quan tâm, chú trọng. Ở các nước phương Tây đều có cơ quan chuyên biệt để quản lý lĩnh vực này, như Cơ quan Tiêu chuẩn quảng cáo (ASA) của Anh giám sát tất cả các quảng cáo trên truyền hình, trên mạng, trên áp-phích…; Ủy ban Người tiêu dùng Australia (ACCC)… Nếu có sự khiếu nại từ phía người dân vì một quảng cáo phản cảm, không thực tế, lập tức họ mở cuộc điều tra và xử phạt.
Năm 2010, Công ty Cổ phần SX-TM-DV Vi Thy (32-34 đường 1A, phường An Lạc, quận Bình Tân) đã đăng tải hình ảnh quảng cáo nón bảo hiểm hơi đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật “nón bảo hiểm bảo vệ người đi xe gắn máy”, trong khi, toàn bộ nón này chỉ dành cho… người đi xe đạp. Tuy nhiên, mức phạt từ Chi cục Quản lý thị trường TP HCM chỉ là 27,5 triệu đồng. Một mức phạt quá thấp cho sự coi thường tính mạng người tham gia giao thông.
Luật Quảng cáo mới được Quốc hội thông qua liệu có đáp ứng và chấn chỉnh được tình trạng bát nháo, lộn xộn của các loại hình quảng cáo và kiểm định được chất lượng thật của các sản phẩm quảng cáo hiện nay? Câu trả lời vẫn chỉ ở các cơ quan quản lý, bởi người tiêu dùng dù có thông thái đến đâu cũng không thể tự bảo vệ gia đình và bản thân trước những thông tin vượt quá sự thật của hàng loạt quảng cáo được đăng tải nhan nhản, rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Vào tháng 7/2011, Hãng kem Nivea thuộc Tập đoàn Beiersdorf (Mỹ) vừa bị phạt 900.000 USD vì quảng cáo nước dưỡng thể My Silhouette có tác dụng giảm cân. Các đoạn quảng cáo của Nivea cho rằng, sản phẩm có thể làm săn chắc dạ dày và giúp giảm vòng eo. Tổ chức này còn buộc tội Beiersdorf mua Google để khi bất kỳ người tiêu dùng nào gõ từ eo thon hay mỡ dạ dày đều ra kết quả tìm kiếm là quảng cáo của Nivea. Ngày 21/6/2012, Tòa án Australia đã ra phán quyết cuối cùng, phạt Apple 2,29 triệu USD vì đã quảng cáo sai sự thật tính năng 4G trên iPad 2012 tại thị trường Australia. |
Thanh Huyền
(Năng lượng Mới số 150, ra thứ Ba ngày 28/8/2012)
-
Online Friday 2024: Lan tỏa giá trị hàng Việt Nam trên nền tảng số
-
Giá tiêu dùng của Trung Quốc tăng do thời tiết xấu
-
“Ngày hội khuyến mại tháng 7”: Kết nối, kích cầu tiêu dùng
-
Gần 100 doanh nghiệp giới thiệu hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2024
-
Hà Nội phát động “Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam"
-
Không quân Việt Nam chuẩn bị khai thác dòng máy bay huấn luyện mới
-
[Chùm ảnh] Lớp tập huấn nghiệp vụ cho chủ tịch công đoàn cơ sở tham quan cảng Vietsovpetro
-
[PetroTimesTV] Cảm xúc kỳ bảo dưỡng
-
“Mùa xuân và người lính biển” - cảm xúc đong đầy của người dầu khí
-
[PetroTimesTV] Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khảo sát một số công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh Cà Mau