Luật ngoại tình - Phạt anh, phạt ả hay trò boomerang?
- Từ ngày 1/7/2016, Điều 182 Bộ luật hình sự về vi phạm chế độ một vợ một chồng có thểbị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm sẽ có hiệu lực. Theo bà, luật này có khả thi không khi ngoại tình vốn là vấn đề nhạy cảm và khi hình sự hóa thì càng phức tạp hơn?
- Tôi nghĩ thực hiện luật này chắc không dễ dàng. Trên thế giới chỉ còn rất ít nước hình sự hóa tội ngoại tình. Chỉ còn ở những nước đạo Hồi, hoặc những nước mà vai trò của thế lực tôn giáo rất mạnh. Còn các nước phương Tây đã bị xóa bỏ từ lâu rồi. Trong các nước thuộc hệ thống XHCN trước đây, hầu như không có nước nào hình sự hóa tội này cả.
Tại sao những nước phương Tây lại bỏ hình sự hóa tội ngoại tình? Trước tiên, việc thực thi luật này rất khó, bởi nó có nhiều góc khuất để có thể thu thập đủ bằng chứng để truy tố. Định nghĩa thế nào là ngoại tình đã khó, thu thập bằng chứng càng khó vì liên quan đến đạo đức và trách nhiệm, tự giác của nhiều người, kể cả người trong cuộc, người tố cáo và người điều tra. Vậy câu hỏi đặt ra là làm thế nào để chúng ta có đủ bằng chứng về ngoại tình để truy tố, xử phạt, để có thể thực hiện luật này?
Thêm nữa, quá trình điều tra, thu thập bằng chứng, rồi sau đó xử phạt có thể gây tổn thương cho rất nhiều người liên quan, như vợ, chồng, con cái, gia đình của “nghi can”. Và các nước bỏ hình sự hóa luật này là vì những ý nghĩa đạo đức đấy. Cái mà luật nhằm đạt được là công lý và tính giáo dục từ việc truy tố, xử phạt những người ngoại tình quá ít so với những hệ luỵ xã hội mà quá trình này để lại cho nhiều cá nhân và gia đình trong cuộc. Rồi chưa kể chuyện tốn kém, phải thuê thám tử để thu thập bằng chứng.
TS Khuất Thu Hồng |
Cũng nên tham khảo kinh nghiệm các nước đã bỏ quy định này, để xem cái được nhiều hơn, hay mất nhiều hơn. Tôi cho rằng tính khả thi của luật này sẽ rất yếu. Nếu luật đưa ra mà không thực thi được thì không có giá trị giáo dục răn đe. Cứ đưa ra luật, rồi không thực hiện được, như vậy lại làm cho người dân mất niềm tin.
Hiện nay chúng ta có rất nhiều luật liên quan đến sự sống chết hàng ngày, nhưng còn không thực hiện nghiêm được. Trong khi tính khả thi của luật này thấp như vậy thì làm thế nào có thể thực hiện một cách nghiêm cẩn như chúng ta muốn. Vì vậy cần cân nhắc rất kỹ khi hình sự hóa vấn đề ngoại tình.
Mặc dù tôi biết rằng chúng ta nên thúc đẩy một xã hội sống và làm việc theo pháp luật, nhưng riêng lĩnh vực này tôi thấy khó khả thi. Chưa kể việc trong quá trình thu thập bằng chứng tội ngoại tình có thể dẫn đến vi phạm các quy định luật pháp về quyền riêng tư. Vấn đề này chúng ta cũng phải làm rõ.
- Điều luật mới có nói tới việc gây hậu quả nghiêm trọng như vợ/chồng/con cái tự tử vì ngoại tình. Bà nghĩ đây có thật sự là vấn đề nghiêm trọng cần hình sự hóa?
- Để có được kết luận vì ngoại tình mà dẫn đến vợ/chồng hay con cái của họ phải tự tử thì đó là quá trình điều tra không hề đơn giản. Liệu người tử tự đấy chỉ đơn thuần là vì bố mẹ ngoại tình, vợ chồng ngoại tình hay còn có những lý do khác nữa? Không chỉ thế, quá trình điều tra còn làm gián đoạn cuộc sống rất nhiều người liên quan, và nó cũng gây ra tổn thương không kém. Ai dám đảm bảo rằng việc truy tố một ông chồng/bà vợ nào đó ngoại tình trên cơ sở bằng chứng xác thực không khiến cho người thân của họ đau khổ tan nát thậm chí có thể tự tử ?
Rồi đến chuyện phạt chồng hay người tình? Giả dụ người ta nói: “Tôi sống với vợ bao năm không hạnh phúc, nếu bắt tôi sống thế thà tôi tự tử còn hơn”. Cuối cùng mình giải quyết được lợi cho ai đây? Ở đây, câu chuyện đạo đức, tình cảm danh dự gia đình rất lớn. Nếu đem xử phạt, tôi sợ sẽ nhiều người tự tử hơn. Vì khi vợ chồng kiện nhau thì quá trình lấy bằng chứng là quá trình gây tổn thương khủng khiếp. Bởi câu chuyện chưa hình sự hóa thì những lời đồn đại đã gây tổn thương rồi. Mà nếu điều tra và có bằng chứng thì còn gây tổn thương gấp bội khi luật pháp chứng thực: Bố/mẹ bạn ngoại tình! Và rõ ràng sức công phá đối với các mối quan hệ gia đình còn mạnh mẽ hơn rất nhiều.
- Cũng có trường hợp nhiều người ngoại tình nhưng không muốn ly hôn, vậy giải quyết vấn đề này thế nào thưa bà?
- Đúng là có rất nhiều người là nam giới không muốn ly hôn nhưng lại muốn “cơi nới”. Ở đây, câu chuyện phải sâu xa hơn là về bình đẳng giới. Nên nhìn nhận quan hệ vợ chồng như là một thỏa thuận mà cả hai bên đều tôn trọng. Có thể đến một ngày nào đó, một trong hai bên không tôn trọng được, không thực hiện được thì chúng ta phải thảo luận một cách nghiêm túc, văn minh để giải quyết. Đưa luật ngoại tình vào tôi không nghĩ sẽ giải quyết được vấn đề.
- Vậy có phải nguyên nhân sâu xa của việc ngoại tình là bình đẳng giới, thưa bà?
- Đúng vậy. Câu chuyện ngoại tình xảy ra đa phần ở đàn ông, phụ nữ thì ít hơn. Sự phán xét của xã hội về đàn ông và phụ nữ khác nhau, rồi đánh giá về cặp đôi ngoại tình cũng khác nhau. Đàn ông cho rằng họ có đặc quyền, và nếu họ có ngoại tình thì cũng chẳng sao.
Ví như đàn ông mà ngoại tình thì mọi người sẽ nói: Ôi đàn ông mà, có gì lạ đâu. Mà ông nào “không có gì” thì người ta lại bảo là ngoan quá, hay là có “vấn đề”! Và đó là điều xã hội phải thay đổi. Nếu chúng ta coi chuyện ngoại tình là điều không mong muốn thì xã hội phải có áp lực nhiều hơn trong chuyện này.
Ảnh minh họa |
- Nhưng đôi khi dư luận cũng rất mâu thuẫn khi lúc thì lên án đàn ông ngoại tình, lúc thì lại bảo đàn ông thời nay là thế?
- Điều này rất dễ hiểu, ở Việt Nam, những giá trị chung như gia đình, lòng chung thủy, tình yêu thương luôn được đề cao, nhưng xét đến trường hợp cụ thể, lập tức mọi thứ lại thay đổi. Giá trị vẫn còn đấy nhưng người ta lại nói đến chữ “nhưng”: Đàn ông thời nay mà; chắc cô vợ phải thế nào? Hay do tính chất công việc nay đây mai đó, rồi kiếm được nhiều tiền sinh ra hư hỏng... Người ta cứ chép miệng vài câu như thế, rồi tặc lưỡi cho qua. Đã rất lâu chúng ta không làm gì để thay đổi hiện trạng đó, đến khi sốt ruột thì đưa luật này ra.
- Luật chỉ nhấn mạnh tới vi phạm chế độ một vợ-một chồng, còn nếu nói ở mức nhẹ là có quan hệ tình cảm nhưng không sống chung với nhau thì sẽ không bị xử phạt. Bà có cho rằng điều này là kẽ hở không?
- Nếu luật chỉ phạt với người vi phạm chế độ một vợ một chồng, có nghĩa là ăn chung, ở chung; còn những người ngoại tình nhưng chỉ… ngủ chung ở đâu đấy qua đêm hoặc một vài tiếng thì lại không sao! Như vậy câu chuyện sẽ còn tệ hơn. Và rồi những người cố tình ngoại tình lại tìm mọi cách để không ăn chung, ở chung nữa nhưng vẫn ngủ với nhau thì sao?
- Bây giờ xét trên khái niệm giữa ngang nhiên và “ăn vụng”?
- Vậy ai tốt hơn ai? Anh chàng ngang nhiên sẽ nói: Tôi dứt khoát với quan hệ cũ, tôi trung thực với tình cảm của mình, không giấu diếm. Còn anh chàng ăn vụng thì rõ là dối trá, không thành thật. Vậy sẽ xử phạt ai đây? Thế nên tôi thấy nhập nhằng sáng tối, những ranh giới giữa các mức độ nặng nhẹ làm cho luật này trở nên khó thực hiện và đó cũng chính là lý do nó đã bị xóa bỏ ở các nước.
Vì thực sự mà nói không thể nào dùng luật pháp để điều tiết mọi thứ tình cảm con người một cách rành mạch hai năm rõ mười. Bên cạnh thiết chế luật pháp, còn có thiết chế đạo đức, để cho mọi người lên án, phê phán. Áp lực xã hội làm cho người ta phải sửa đổi hành vi chứ không phải cái gì cũng đưa vào luật pháp được.
Thay vì hình sự hóa, chúng ta nên có giải pháp giáo dục để củng cố gia đình, để nâng cao tính trách nhiệm, sự cam kết, rồi quá trình tìm hiểu nhau kỹ hơn để tránh những chuyện sau này nuối tiếc.
Ngoại tình - Phạt anh, phạt ả hay trò boomerang? (Ảnh minh họa) |
- Vậy thay vì luật hóa thì cần làm thế nào để giảm chuyện ngoại tình đi, thưa bà?
- Bất cứ cặp đôi nào yêu nhau và đi tới hôn nhân, chẳng bao giờ nghĩ sẽ bỏ nhau cả. Nhưng trong quá trình chung sống nảy ra nhiều vấn đề và nếu tiếp tục cuộc sống như thế chỉ là bi kịch. Ở một đất nước, nếu việc ly dị bị kỳ thị nặng nề thì ngoại tình sẽ xảy ra phổ biến.
Còn nếu người ta coi chuyện không sống được với nhau, chia tay nhau hòa bình, thỏa thuận văn minh thì có thể chuyện ngoại tình sẽ giảm đi.
Thời buổi tự do cá nhân, dân chủ, những giá trị ấy ngày càng được nâng cao, được chấp nhận một cách rộng rãi. Kết hôn rồi không có nghĩa là người ta không thể thay đổi. Nếu hôn nhân không đạt được mục đích của nó thì phải có giải pháp, nếu chúng ta nhìn nhận chuyện ly hôn nặng nề thì nó sẽ nảy sinh ra chuyện ngoại tình.
- Luật mới này liệu có là một bước tiến để bảo vệ những người phụ nữ của gia đình không, khi họ chịu nhiều thiệt thòi nhưng lắm khi vẫn bị phụ bạc? Hay nói một cách rộng hơn, điều luật này nhằm bảo vệ hạnh phúc gia đình, trước làn sóng ly hôn vì "người thứ ba" càng cao?
- Nói rằng đưa luật vào để bảo vệ phụ nữ, nhưng thực sự có bảo vệ được không. Khi mà nhìn vào tình hình thực hiện các luật khác ở Việt Nam, chúng ta đều biết về những câu chuyện “chạy án”. Trong khi đó đàn ông nhìn chung là có khả năng tài chính tốt hơn phụ nữ. Liệu đàn ông có “chạy án” khi bị truy tố tội ngoại tình không? Tôi đảm bảo là có. Chưa kể xu hướng đàn ông bao che, bênh nhau. Như tội cướp của, giết người thì còn buộc tội che giấu, chứ bằng chứng kết tội ngoại tình đã khó, còn đâu thời gian truy cứu người bao che.
Tương tự như vấn đề bạo lực gia đình, 90% chị em không dám kêu cứu giúp đỡ vì cuối cùng chị em lại bị thiệt thòi hơn. Lúc phát hiện chồng ngoại tình, chị em bức xúc thế thôi nhưng liệu có bao nhiều người dám kiện chồng tội ngoại tình.
Trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay kiện rồi có bảo vệ được gia đình và bảo vệ được phụ nữ không hay lại có tác dụng ngược. Hậu kiện nhau ra luật pháp là gì? Là danh dự bị mất và người phụ nữ còn chua chát, đau khổ hơn vì chắc chắn là họ sẽ bị những người xung quanh lên án vì khiến cha của con mình, chồng mình ngồi tù. Người phụ nữ lại chính là người phải hứng chịu những hậu quả về kinh tế, tâm lý, tinh thần. Trong một xã hội mà ly hôn bị kỳ thị, đàn ông có ưu thế, phụ nữ bị đòi hỏi là phải chịu đựng hy sinh thì việc thực thi luật này có thể giống như ném boomerang (*) vậy, lại quay về chính mình.
Đúng là luật này để bảo vệ gia đình, nhưng nếu thực hiện được triệt để thì chúng ta có bảo vệ được gia đình không? Điều đáng nói ở đây là hầu hết phụ nữ không muốn ly hôn vì ở Việt Nam hiện nay, ly hôn phụ nữ chịu thiệt thòi nhiều hơn. Vậy thực hiện luật này có làm tăng ly hôn không? Và phụ nữ có muốn điều đó không?
Có thể người ta nói rằng, xử phạt một số trường hợp sẽ làm gương cho những người khác. Nhưng những trường hợp chạy án hoặc những trường hợp việc kiện cáo dẫn đến sự tổn thương của nhiều người hơn thì vô hình chung luật lại không còn giá trị giáo dục nữa. Không phải lĩnh vực nào cũng có thể luật hoá, ở lĩnh vực này chúng ta phải trông đợi nhiều hơn vào thiết chế đạo đức như là một hình thức kiểm soát xã hội để gây áp lực và giáo dục thay đổi hành vi.
(*) Boomerang là thứ vũ khí độc đáo có hình chữ V. Loại vũ khí này do thổ dân châu Úc chế tạo và sử dụng. Tuy nó thô sơ nhưng hiệu quả rất cao. Khi được phóng đi nó có thể tạo ra trong không khí những đường đi rất phức tạp và nếu không trúng đích, nó sẽ quay trở lại chân người ném.
MC Minh Hà lần đầu lên tiếng sau scandal giật chồng Mới đây, MC Minh Hà đã lần đầu chính thức chia sẻ về scandal giật chồng đầy tai tiếng. |
“Bí quyết” vượt scandal giật chồng của mỹ nhân Việt Trong showbiz Việt, không ít người đẹp vướng tin đồn giật chồng, là “người thứ ba”. Tuy nhiên, cũng có vô vàn cách thức để các mỹ nhân vượt qua scandal đó. |
Thanh Huyền (thực hiện)
-
Tử vi ngày 28/10/2024: Tuổi Tỵ tình duyên tươi sáng, tuổi Dần tin tức tốt lành
-
Các tỉnh miền Trung căng mình ứng phó bão số 6
-
Quảng Nam: Chủ động sơ tán người dân trước diễn biến của bão số 6
-
Tuyệt đối không chủ quan, sẵn sàng công tác ứng phó với bão Trami
-
Công an tỉnh Quảng Nam triển khai các giải pháp phòng chống bão số 6
- Tử vi ngày 28/10/2024: Tuổi Tỵ tình duyên tươi sáng, tuổi Dần tin tức tốt lành
- Tử vi ngày 27/10/2024: Tuổi Sửu nhận được tín nhiệm, tuổi Tuất khẳng định vị thế
- Tử vi ngày 26/10/2024: Tuổi Mão ấn tượng tốt đẹp, tuổi Mùi tràn đầy năng lượng
- Tử vi ngày 25/10/2024: Tuổi Thìn phát huy tài lẻ, tuổi Thân tiến triển tích cực
- Tử vi ngày 24/10/2024: Tuổi Tý quý nhân che chở, tuổi Ngọ tài lộc rực rỡ
- Tử vi ngày 23/10/2024: Tuổi Dần phát huy tiềm năng, tuổi Dậu cơ hội phát triển
- Tử vi ngày 22/10/2024: Tuổi Tỵ cải thiện thu nhập, tuổi Tuất phát huy điểm mạnh
- Tử vi ngày 21/10/2024: Tuổi Sửu trải nghiệm mới mẻ, tuổi Hợi tinh thần lạc quan