Loay hoay đứng nhìn "tượng Phật đội nón tránh mưa"
Chùa dột, tượng Phật đội nón tránh mưa
Gần đây, Đại đức Thích Tâm Kiên – sư trụ trì chùa Một Cột, người đã gắn bó với ngôi chùa hơn 20 năm (từ 1992 đến nay) đã phải gửi “tâm thư” lên UBND TP Hà Nội và một số cơ quan báo chí về sự cần thiết của việc trùng tu, tái tạo chùa Một Cột.
Trong đó có đoạn: “Kể từ hôm nay (tức 2/5/2013), sau 30 ngày nữa mà không có ý kiến của các cấp chính quyền, nhà chùa đành phải dỡ ngói và hạ giải để đảo ngói toàn bộ chùa và nhà Mẫu để tạm thời tránh dột nát khi mùa mưa bão sắp tới”.
Bức “tâm thư” của Đại đức Thích Tâm Kiên (Ảnh: Diệu Linh)
Đại đức Thích Tâm Kiên cũng cho biết, năm 1995 nhà nước đã cho trùng tu Chánh điện chùa Một Cột với chi phí là 500 triệu đồng. Cho đến năm 2002, mái ngói của nhà chùa có hiện tượng sụt lún, nhà chùa đã gửi đơn phản ánh với các cấp chính quyền.
Năm 2010, Sở Văn hóa - Thông tin mới cử người đến kiểm tra, xem xét thực trạng của chùa để triển khai các dự án trùng tu. Nhưng đến nay, các kế hoạch tu bổ vẫn dậm chân tại chỗ.
Đại đức Thích Tâm Kiên mong chùa được tu sửa trước mùa mưa. (Ảnh: Diệu Linh)
Sau 10 lần gửi đơn lên các cơ quan chính quyền trình bày về việc trùng tu chùa Một Cột thì hiện nay ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất Đông Nam Á này vẫn ngày một xuống cấp nặng nề. Sân nhà chùa bị ngập úng khi mưa to, hồ Linh Chiểu luôn phải chịu cảnh bùn đất, cột chùa đã có những vết rạn nứt, nhiều chỗ đã bị mọt, thậm chí đến tượng Phật cũng phải mặc áo mưa, đội nón để tránh nước mưa dột xuống.
Nhiều nơi trong chùa đã bị xuống cấp (Ảnh: Diệu Linh)
Cũng theo sư trụ trì, quá trình trùng tu đến nay vẫn chưa được thực hiện triệt để là do vấn đề thủ tục. Bởi Nhà nước chỉ cho “xã hội hóa một nửa”, nếu Nhà nước đồng ý cho “xã hội hóa toàn bộ” thì việc các nhà hảo tâm của các quý Phật tử, những vị Mạnh Thường Quân sẽ đóng góp tu sửa chùa là không hề khó.
Vì vậy, Đại đức Thích Tâm Kiên mong nhận được câu trả lời sớm nhất từ phía cơ quan chính quyền để nhà chùa có thể tiến hành trùng tu ngôi chùa.
Các cơ quan chức năng nói gì?
Sau khi nhận được “tối hậu thư” của nhà sư trụ trì chùa Một Cột – Đại đức Thích Tâm Kiên, Ủy ban nhân dân quận Ba Đình đã có cuộc họp vào lúc 16h chiều ngày 8/5 về vấn đề này.
Cuộc họp kéo dài 30 phút đã đưa ra những kế hoạch và dự án để tôn tạo, trùng tu lại chùa, đồng thời nhấn mạnh các cơ quan có thẩm quyền không hề “tảng lờ” ngôi chùa này nhưng việc trùng tu này không hề dễ dàng.
Tuy nhiên cuộc họp này không có sự có mặt của Đại đức Thích Tâm Kiên.
Ông Nguyễn Hoàng Long, Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết: “Thành phố Hà Nội đã phân toàn bộ các di sản cho các quận, huyện quản lý, vì vậy chúng tôi phải có trách nhiệm về vấn đề này. Tuy nhiên việc trùng tu chùa Một Cột không phải ngày một ngày hai là có thể thực hiện bởi những di tích lịch sử đặc biệt như thế này nếu muốn tôn tạo đều phải dựa vào Luật Di sản và phải nhận được sự đồng ý của nhiều cấp”.
Chùa phải đội nón cho tượng Phật để tránh mưa
Ông Long cũng nhấn mạnh rằng, tất cả các cuộc họp trước đây về vấn đề này đều có mời đại diện của nhà chùa. Mối quan hệ của nhà chùa và chính quyền không có gì khúc mắc. Quận Ba Đình nói riêng và thành phố Hà Nội nói chung không hề thờ ơ trước việc này và lãnh đạo các cấp sẽ cố gắng hết sức để có các kế hoạch cụ thể, tính toán trùng tu toàn bộ ngôi chùa chứ không chỉ riêng vấn đề mái ngói.
Nói về nội dung đơn của Đại đức Thích Tâm Kiên, ông Đỗ Viết Bình, Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho biết thêm: “Với trách nhiệm của UBND quận, chúng tôi đã chỉ đạo trực tiếp Chủ tịch UBND phường Đội Cấn xem xét vụ việc và thực hiện đúng Luật Di sản văn hoá.
Chúng tôi cũng đã chỉ đạo Phòng Văn hoá – Thông tin xuống tận nơi khảo sát tại chùa khi có trời mưa. Tất cả vẫn đang nằm trong lộ trình tu bổ, tôn tạo chùa. Sẽ không có chuyện 30 ngày sau khi gửi đơn chùa được phép hạ giải tu bổ chùa”.
Trả lời câu hỏi của phóng viên vì sao trụ trì Thích Tâm Kiên không có mặt tại cuộc họp này, ông Nguyễn Hoàng Long trả lời: “Đây không phải là một cuộc họp báo giữa nhà chùa với UBND quận mà là cuộc họp để nói lên trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền”.
Nguyễn Diệu Linh
-
Tử vi ngày 5/11/2024: Tuổi Ngọ năng lượng tràn đầy, tuổi Mùi lắng nghe góp ý
-
Quảng Nam: Sẵn sàng ứng phó trước diễn biến thời tiết phức tạp
-
Tử vi ngày 4/11/2024: Tuổi Mão quý nhân soi đường, tuổi Thìn cảm hứng sáng tạo
-
Tử vi ngày 3/11/2024: Tuổi Sửu quyết sách đúng đắn, tuổi Tuất hoàn thành nhiệm vụ
-
Tử vi ngày 2/11/2024: Tuổi Dậu theo đuổi đam mê, tuổi Thân làm việc hiệu quả
- Tử vi ngày 5/11/2024: Tuổi Ngọ năng lượng tràn đầy, tuổi Mùi lắng nghe góp ý
- Tử vi ngày 4/11/2024: Tuổi Mão quý nhân soi đường, tuổi Thìn cảm hứng sáng tạo
- Tử vi ngày 3/11/2024: Tuổi Sửu quyết sách đúng đắn, tuổi Tuất hoàn thành nhiệm vụ
- Tử vi ngày 2/11/2024: Tuổi Dậu theo đuổi đam mê, tuổi Thân làm việc hiệu quả
- Tử vi ngày 1/11/2024: Tuổi Tý cơ hội thăng tiến, tuổi Tỵ tài chính rực rỡ
- Tử vi ngày 31/10/2024: Tuổi Dần xác định mục tiêu, tuổi Tỵ tài lộc vượng sắc
- Tử vi ngày 30/10/2024: Tuổi Ngọ trên đà tăng tiến, tuổi Thân hướng đi triển vọng
- Tử vi ngày 29/10/2024: Tuổi Dậu cải thiện tài chính, tuổi Tuất kinh doanh có lợi