Liệu Kazakhstan có thể đa dạng hóa tuyến vận chuyển dầu mỏ?
Khả năng thu hút các nhà đầu tư từ dự án dầu khí Tengiz (với sự tham gia của các tập đoàn dầu khí: Chevron sở hữu 50% cổ phần, ExxonMobil sở hữu 25%, Kazmunaigas sở hữu 20% và Lukoil Lukarco sở hữu 5%) cũng sẽ được tính đến. Tổng thống Tokayev cũng chỉ thị cho Chính phủ cùng với Quỹ quốc gia Samruk-Kazyna thực hiện các biện pháp nhằm tăng công suất các đường ống dẫn dầu Atyrau-Kenkiyak và Kenkiyak-Kumkol (đường ống cho phép vận chuyển dầu từ phía tây của Kazakhstan đến biên giới với Trung Quốc).
Tuyên bố được ông Tokayev đưa ra trong bối cảnh nước này có thể bị đình chỉ xuất khẩu dầu thô thông qua hệ thống đường ống dẫn dầu của Tập đoàn đường ống Caspi (Caspian Pipeline Consortium - CPC).
Đường ống dẫn dầu từ Kazakhstan sang Nga. |
Trước đó vào ngày 06/07, đại diện công ty CPC thông báo rằng, các hoạt động của cảng xuất khẩu dầu trên Biển Đen sẽ bị đình chỉ theo quyết định của Tòa án quận Primorsky (Novorossiysk) trong 30 ngày để khắc phục những sai phạm được xác định bởi Rostransnadzor. Công ty CPC cũng cho biết, các sai phạm được phát hiện sau cuộc kiểm toán do Phó Thủ tướng Nga Victoria Abramchenko khởi xướng vào tháng 3/2022. CPC đã gửi đơn kháng cáo lên Tòa án Vùng Krasnodar để đình chỉ quyết định của Tòa án quận Primorsky. Việc xem xét đơn kháng cáo sẽ bắt đầu từ ngày 11/07.
Vào tháng 3/2022, việc bơm dầu thô tại bến cảng của CPC ở Biển Đen đã bị tạm ngừng do hai trong số 3 đơn vị neo đậu từ xa bị hư hại do bão. Đến tháng 6 vừa qua, các chuyến vận tải dầu thô lại bị cắt giảm do nhu cầu xử lý bom mìn từ Chiến tranh thế giới thứ hai ở khu vực cảng.
Theo Bộ Năng lượng Kazakhstan, xuất khẩu dầu thô của nước này trong năm 2021 lên tới 67,6 triệu tấn. Thống kê của CPC cho thấy, 87% tổng sản lượng dầu thô xuất khẩu của Kazakhstan (tức 53,1 triệu tấn) là vận chuyển qua đường ống của công ty. Trong đó, CPC vận chuyển 26,6 triệu tấn dầu từ mỏ Tengiz (lớn nhất Kazakhstan); 15,74 triệu tấn từ mỏ Kashagan và 10,29 triệu tấn từ mỏ Karachaganak.
Dầu thô của Kazakhstan cũng được vận chuyển qua hệ thống đường ống Transneft, trộn với dầu thô của Nga để bơm lên các tàu chở dầu tại cảng Novorossiysk (Biển Đen) và cảng Ust-Luga (Biển Baltic). Theo Cục điều tiết năng lượng, Bộ Năng lượng Nga (CDU TEK), trong năm 2021, hai cảng Novorossiysk và Ust-Luga đã vận chuyển lần lượt 7,1 triệu tấn và 5,9 triệu tấn dầu của Kazakhstan.
Các tuyến xuất khẩu dầu từ Kazakhstan. Nguồn: EIA. |
Một kênh xuất khẩu dầu thô khác của Kazakhstan là bằng các tàu chở dầu từ cảng Aktau (công suất thiết kế đạt 11,6 triệu tấn/năm) đến Baku, Azerbaijan. Sau đó, dầu thô được bơm tiếp đến Thổ Nhĩ Kỳ thông qua đường ống Baku - Tbilisi - Ceyhan (BTC Pipeline) và giao tiếp đến khách hàng bằng tàu chở dầu. Công suất của BTC Pipeline là 50 triệu tấn mỗi năm. Đường ống này cũng cung cấp dầu từ Azerbaijan và Turkmenistan. Ngoài ra, Kazakhstan còn cung cấp dầu cho Trung Quốc. Dầu thô được vận chuyển trên các tuyến đường ống Kenkiyak - Kumkol (công suất 10 triệu tấn/năm) và Atasu-Alashankou (công suất 20 triệu tấn/năm). Đường ống dẫn dầu Atasu-Alashankou hiện chủ yếu cung cấp dầu của Nga đến Trung Quốc với công suất thiết kế 10 triệu tấn/năm.
Các chuyên gia tại Quỹ An ninh Năng lượng Quốc gia (Quỹ ANNLQG) tại Nga cho biết, lựa chọn tối ưu nhất cho Kazakhstan trong trường hợp CPC ngừng hoạt động là tăng nguồn cung dầu ra thị trường thông qua các đường ống dẫn dầu khác của Nga. Theo đó, sản lượng dầu thô Kazakhstan được vận chuyển qua hệ thống Transneft có thể đạt 17 triệu tấn mỗi năm. Tuy nhiên, tuyên bố của ông Tokayev cho thấy Kazakhstan không muốn tiếp tục bơm dầu thô qua Nga. Trong trường hợp này, Kazakhstan sẽ gặp khó khăn trong việc gia tăng xuất khẩu dầu qua các kênh khác. Theo các chuyên gia Nga, để chuyển hướng tất cả khối lượng dầu từ đường ống CPC đến BTC Pipeline, Kazakhstan cần có cả một đội tàu chở dầu trên Biển Caspi. Bên cạnh đó, phương án xây dựng một đường ống dẫn dầu mới qua Biển Caspi tới Baku phải nhận được sự đồng thuận của tất cả các nước Caspi và rất có thể Nga và Iran sẽ phản đối đề xuất này. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng vận chuyển dầu ở Azerbaijan, Gruzia và Thổ Nhĩ Kỳ cũng cần phải mở rộng để đáp ứng được lượng dầu từ CPC. Tổng đầu tư vào đây có thể vượt quá 10 tỷ USD.
Các chuyên gia của Quỹ ANNLQG nhận định, phương án tăng nguồn cung dầu thô cho Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào các cuộc đàm phán. Trong điều kiện mà Nga giảm giá bán dầu của mình cho Trung Quốc, Kazakhstan sẽ gặp nhiều khó khăn trên bàn đàm phán. Một số chuyên gia tại Quỹ ANNLQG cho biết thêm, việc triển khai các dự án nêu trên của Kazakhstan sẽ đòi hỏi một thời gian dài.
Không rõ liệu các nhà khai thác dầu của nước này có nghiên cứu khả thi những dự án nêu trên hay không. Còn trong năm 2023 tới, Kazakhstan chắc chắn sẽ phải sử dụng đường ống dẫn dầu của Nga. Tuyên bố của nhà lãnh đạo Kazakhstan giống như một tín hiệu lo ngại về điểm dừng tiếp theo của CPC. Do đó, Kazakhstan phát đi tín hiệu kêu gọi Nga phải tính đến lợi ích của mình. Ngoài ra, các vấn đề với CPC đã nảy sinh từ lâu và điều này ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách của nước này. Do đó, quan điểm của phía Kazakhstan là có thể hiểu được.
Tiến Thắng