Liệu cuộc chiến tại Iraq đã kết thúc?
Ngày 19/12, một ngày sau khi những binh sĩ Mỹ cuối cùng tại Iraq rút về nước, chính phủ Iraq đã quyết định phát lệnh bắt Phó Tổng thống Iraq Tareq al-Hashemi – một chính khách Hồi giáo theo dòng Sunni cấp cao nhất nước này vì nghi ngờ ông ta dính líu tới khủng bố. Trước đó, chính phủ cho biết các vệ sĩ của ông Hashemi đã nhận tội. Vụ bắt giữ ông Hashemi có nguy cơ thổi bùng căng thẳng phe phái giữa những người theo dòng Shi’ite, Sunni và người Cuốc tại Iraq. Động thái trên cũng khiến thỏa thuận chia sẻ quyền lực mong manh của Iraq có thể đổ vỡ bất cứ lúc nào.
Trước đó, ngày 17/12, khối chính trị Iraqiya của người Hồi giáo Sunni đã tuyên bố tẩy chay quốc hội để phản đối Thủ tướng Nuri al-Maliki. Ông Hashemi chính là một trong những nhà lãnh đạo của khối Iraqiya.
Thời điểm đưa ra thông báo này cũng gây bất lợi cho Tổng thống Mỹ Barack Obama khi ông xuất hiện trong một loạt sự kiện để đánh dấu sự chấm dứt của các hoạt động can thiệp của quân đội Mỹ trong một cuộc chiến kéo dài gần chín năm do cựu Tổng thống G. W. Bush phát động. Các đối thủ thuộc đảng Cộng hòa của ông Obama trong quốc hội và trong các chiến dịch vận động tranh cử tổng thống cho rằng việc Mỹ quyết định rút toàn bộ binh sĩ về nước vào cuối năm nay đã làm tăng nguy cơ gây bất ổn tại Iraq.
Claude Chafin, phát ngôn viên của Chủ tịch Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ, nói: “Nguy cơ bạo lực phe phái ngày càng gia tăng tại Iraq sau khi Tổng thống Obama quyết định rút toàn bộ lực lượng Mỹ khỏi Iraq – đây là một trong những lý do khiến các tư lệnh của chúng tôi đề nghị để lại một lực lượng đáng tin cậy tại Iraq sau cuối năm nay. Nhưng rốt cuộc, Iraq sẽ phải cần tới an ninh và tự do cho mọi người dân và tự định hình vận mệnh của mình”.
Căng thẳng phe phái ở cấp chính trị cao nhất tại Iraq đặt ra một thách thức mới đối với các nhà hoạch định chính sách Mỹ về đất nước nhiều dầu mỏ và có tầm chiến lược này. Jon Alterman, nhà phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, cho hay: “Một trong những mối lo ngại chung của mọi người là khả năng gia tăng các vụ xung đột phe phái bởi không có sự hiện diện đông đảo của quân đội Mỹ tại nước này”.
Nhận định về vụ bắt giữ ông Hashemi, ông Alterman chia sẻ: “Vẫn chưa rõ liệu vụ bắt giữ này có phải là bằng chứng về xung đột phe phái hay chỉ là vụ điều tra hình sự thông thường. Tuy nhiên, điều nguy hiểm là một cuộc điều tra thông thường sẽ bị “ngộ nhận” là một cuộc xung đột phe phái – nguyên nhân đẩy Iraq lún sâu vào tình trạng bạo lực với sự kích động từ các tổ chức bên ngoài vốn có quan hệ với các cộng đồng sắc tộc khác nhau tại Iraq”, ông ngụ ý đề cập tới các nước láng giềng của Iraq là Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Arập Xêút.
Nhà Trắng đã kêu gọi chính phủ Iraq giải quyết vấn đề theo các quy định quốc tế – một tuyên bố dường như phản ánh lo ngại “ngầm” của Washington rằng vụ bắt giữ ông Hashemi có thể mang động cơ chính trị hoặc được tiến hành một cách bất công. Phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney nói: “Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ thông tin ông Hashemi bị bắt. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên (tại Iraq) giải quyết bất đồng thông qua đối thoại hòa bình, phù hợp với quy định luật pháp và tiến trình chính trị dân chủ của nước này”.
Michael O’Hanlon, nhà phân tích về chính sách an ninh quốc phòng thuộc Viện Brookings, tỏ ra hoài nghi về những lời cáo buộc Phó Thủ tướng Hashemi, đồng thời cho rằng có thể bùng nổ xung đột phe phái nếu vụ khởi tố ông Hashemi được coi là mang động cơ chính trị. Ông khẳng định: “Nguy cơ này là rất lớn bởi Thủ tướng Nuri al-Maliki cố đưa vụ này ra xét xử ở tòa án để phục vụ chương trình của mình, ví dụ như cố loại bỏ các ứng cử viên được cho là không đủ tiêu chuẩn trong khoảng thời gian hai năm trước khi diễn ra các cuộc bầu cử quốc hội”.
Trong khi đó, kênh truyền hình nhà nước Iraq dẫn lời Ali al-Musawi, cố vấn truyền thông của Thủ tướng Nuri al-Maliki, cho biết ông Maliki đã kêu gọi lãnh đạo các chính đảng ở Iraq tổ chức một cuộc họp khẩn để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị bùng phát sau khi ông Hashemi bị cáo buộc dính líu tới âm mưu khủng bố.
Phó Tổng thống Hashemi tuyên bố ông “sẵn sàng ra hầu tòa” liên quan tới những cáo buộc khủng bố với điều kiện vụ việc được xét xử tại khu tự trị của người Cuốc. Ông cũng kêu gọi các đại diện của Liên đoàn Arập (AL) tham gia tiến trình điều tra cũng như bất kỳ cuộc thẩm vấn nào, tuyên bố những lời thú tội được công bố trên truyền hình rằng các vụ giết hại và tấn công nhằm vào một số quan chức an ninh và chính phủ Iraq có liên quan tới ông là bịa đặt.
Vân Chi (Theo Reuters)
-
Nhiều đại biểu tán thành việc đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT 5%
-
UAE muốn xây dựng trung tâm trung chuyển, dự trữ các sản phẩm dầu mỏ tại Việt Nam
-
Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Đề nghị giữ quy định áp thuế GTGT 5% với phân bón
-
Tuyên bố chung giữa Việt Nam và UAE về nâng cấp quan hệ lên Đối tác Toàn diện
-
Việt Nam và UAE ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA)