'Liệt sĩ' trở về sau gần 30 năm bị báo tử
Mấy hôm nay, gia đình bà Nguyễn Thị Hợp (68 tuổi, trú thị trấn Hương Khê, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) đông vui hơn thường lệ bởi bà vừa được đoàn tụ với người chồng là ông Trịnh Thanh Bình (62 tuổi) sau 30 năm thất lạc. Căn nhà cấp bốn nằm trong hẻm tấp nập người thân, hàng xóm tới thăm hỏi, chia vui.
"Tôi vui không thể nói nên lời. Nhiều năm tìm kiếm trong vô vọng, thực sự mọi người đã hết kiên nhẫn, ngỡ chỉ có thể gặp lại anh trong giấc mơ. Tuổi tôi cũng đã nhiều, không nghĩ sẽ có ngày hội ngộ đong đầy cảm xúc đến vậy", bà chia sẻ.
Bà Hợp cho biết, năm 1976, ông Bình nhập ngũ vào đơn vị Đoàn 7704MT479 (Quân khu 7), tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Năm 1980, tranh thủ đợt về nghỉ phép, ông làm lễ cưới với bà Hợp sau nhiều năm tìm hiểu. Cả hai có 3 người con chung (hai gái, một trai).
Bà Hợp bên bàn thờ đã lập cho chồng. Ảnh: Đức Hùng |
Sau ngày cưới, ông Bình về thăm vợ con thêm được 3 lần nữa. Đến ngày 16/7/1988, gia đình nhận được giấy thông báo ông Bình hy sinh tại Campuchia trong trường hợp chiến đấu mất tích. Bốn năm sau, giấy báo tử được gửi về, ông Bình được lập bàn thờ cúng gỗ hàng năm.
"Ngày trở lại chiến trường, chồng vuốt tóc tôi nói đợi anh, anh sẽ về. Lúc ấy, đứa lớn được 4 tuổi, đứa út chưa ra đời, cuộc sống vô cùng chật vật. Có ngày ba mẹ con không còn hạt gạo nào, phải ăn khoai lót bụng. Khi chính quyền đưa giấy báo tử đến, tôi như chết đứng, nước mắt lưng tròng", bà Hợp nhớ lại.
Anh Trịnh Thanh Hoàng (32 tuổi, con trai ông Bình) thông tin, sau thời gian đi tìm mộ không có kết quả, gia đình chuyển sang đi tìm đồng đội cũ của bố để hỏi han thông tin. Hàng chục năm ròng rã tìm kiếm, hy vọng được nhen nhóm vào cuối năm 2017 khi anh Hoàng gặp được ông Nguyễn Hữu Thọ (đồng đội cũ ông Bình) đang sống ở huyện Thạch Hà.
Theo anh Hoàng, ông Thọ có quen biết với nhiều người Việt Nam ở Campuchia nên nhờ họ đi vào các bản làng ngày xưa quân đội đóng quân để dò hỏi thông tin. "Từ những tấm ảnh gia đình cung cấp, đầu tháng 8, một người Việt ở xứ sở Chùa tháp gọi về cho tôi, thông báo bố còn sống, đang ở tại bản vùng sâu của tỉnh Battambang", anh Hoàng nói.
Đầu tháng 9, anh Hoàng cùng một số người họ hàng sang Campuchia để xác minh thông tin. Gặp nhau, anh ôm lấy bố, nước mắt chảy dài hai gò má. Do bị mất trí nhớ, quên hết tiếng mẹ đẻ, ông Bình ngồi lặng như tờ, chỉ biết lấy tay mân mê những bức ảnh cũ. Dù cố gắng nhớ lại, song những ký ức về quê nhà trong đầu người cựu binh rất mù mờ.
"Người dân ở đó kể, năm 1988, bố tôi được người dân tộc Chăm đi rừng phát hiện trong tình trạng bị trúng bom, chấn thương hộp sọ. Họ đã đưa ông về chữa trị, cưu mang từ đó đến nay. Sau khi hoàn tất các thủ tục với chính quyền sở tại, tôi đã đưa ông về nhà ở Hương Khê hôm 11/9", anh Hoàng cho hay.
Do ông Bình bị mất trí nhớ nên bà Hợp chưa có dịp tâm sự với chồng sau hàng chục năm xa cách. Ảnh: Đức Hùng |
Trở về Việt Nam, các con lập tức đưa ông Bình vào TP HCM khám bệnh. Được mọi người trò chuyện để gợi lại trí nhớ, thỉnh thoảng ông Bình đưa tay ra tạo hình khẩu súng, nói có một mảnh đạn còn nằm trong đầu. Bác sĩ thông tin sức khỏe ông Bình rất yếu, lách bị cắt, hiện chưa thể chụp chiếu ở não vì sợ ông bị liệt.
Được nhiều người dân chúc mừng, ông Bình chỉ biết bắt tay rồi ngồi lặng lẽ trên ghế, khuôn mặt ông luôn có một nỗi buồn ẩn sâu sau đôi mắt. Bà Hợp cho biết, sau mấy chục năm xa cách, hiện chồng mất trí nhớ nên chưa tâm sự được nhiều. Trước mắt, mọi người sẽ tập cho ông Bình nói tiếng Việt, đi thăm hỏi bà con để tìm lại ký ức.
Bà Nguyễn Thị Như Nguyệt, Trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Hương Khê cho biết, đã cùng với Ban chỉ huy quân sự huyện và các lãnh đạo về xác minh các loại giấy tờ mà ông Bình lưu giữ 30 năm qua, kết quả trùng khớp với hồ sơ đã công nhận liệt sĩ cho ông.
"Chúng tôi đang tham mưu cho cấp trên trình bày sự việc lên tỉnh Hà Tĩnh để có những chỉ đạo tiếp theo. Trước mắt, chính quyền thị trấn sẽ triển khai làm các loại giấy tờ tùy thân cho ông Bình", bà Nguyệt nói.
Theo VnExpress.net
Người lính được báo tử tại chiến dịch Điện Biên Phủ và cuộc trở về bất ngờ | |
Một liệt sĩ bị lãng quên | |
“Trở về từ ký ức” vạch mặt ngoại cảm rởm! |
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo
Luật Điện lực (sửa đổi) phải là “trụ đỡ” pháp lý vững chắc để năng lượng mới, năng lượng tái tạo phát triển đúng kỳ vọng
[Chùm ảnh] Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm và làm việc tại huyện đảo tiền tiêu Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị
-
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo
-
Luật Điện lực (sửa đổi) phải là “trụ đỡ” pháp lý vững chắc để năng lượng mới, năng lượng tái tạo phát triển đúng kỳ vọng
-
[Chùm ảnh] Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm và làm việc tại huyện đảo tiền tiêu Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị
-
Luật Điện lực (sửa đổi): Các khoảng trống pháp lý cần được lấp đầy và bổ sung theo tinh thần NQ55 và KL76
-
Nhà nước là chủ sở hữu vốn nhưng không can thiệp trực tiếp vào hoạt động của doanh nghiệp