Một liệt sĩ bị lãng quên
Năng lượng Mới số 278
Hy sinh sau 40 năm không có giấy báo tử
Chị Lê Thị Kha, cô con gái thứ hai của hai cụ Lê Văn Ba và Nguyễn Thị Ban (thân sinh của liệt sĩ Lê Văn Bá) không xây dựng gia đình, chỉ ý nguyện chăm sóc cha mẹ. Chị trao cho tôi bát nước chè xanh nóng đặc sánh, rồi cho biết trong nước mắt: “Cha mẹ tôi sinh hạ được 5 người con. Anh trai Lê Văn Bá là con cả và cũng là người con trai duy nhất trong 5 anh chị em. Ngày ấy anh Bá đang học cấp 3 trường huyện, những năm đó giặc Mỹ leo thang ra đánh phá miền Bắc và cả cái làng quê nơi đầu nguồn sông Cả ác liệt lắm. Không ngờ đó là những ngày hè sục sôi, tạo nên bước ngoặt cho anh Bá và mở ra thử thách lớn lao trong đời cha, mẹ và chị em chúng tôi”.
Vừa tốt nghiệp cấp ba trường huyện, anh về thưa với cha mẹ: “Con sẽ lên đường nhập ngũ đợt này, giặc giã nó đánh bừa, đánh càn thế sao có thể tiếp tục vào học tiếp đại học được. Cha mẹ tha thứ cho con. Con ra đi trông cậy vào các em ở nhà chăm sóc cha mẹ. Đánh thắng giặc Mỹ con sẽ về…”.
Đồng đội thăm viếng mộ liệt sĩ Lê Văn Bá
Ngày ấy các đồng chí lãnh đạo và Ban Chỉ huy Quân sự xã cũng đã trao đổi với gia đình cụ Ba: “Anh Bá là con trai một của gia đình, theo luật thì không phải nhập ngũ đợt này. Anh Bá cứ tiếp tục học đại học, học đại học cho tốt cũng là đánh giặc mà!”. Nhưng anh Bá cứ khăng khăng: “Con một mà không đi thì lấy ai đi tiếp tục đánh giặc nữa! Cả làng, cả xã ta có còn mấy trai làng nữa mô”. Thế là một ngày tháng 5 năm 1972, anh Bá lên đường đánh giặc. Chiến trường mở rộng, anh đi biền biệt không có một bức thư nào gửi về. (Ngừng lời, chị vội đi lấy tập hồ sơ của anh trai mình gửi về). Chỉ có vẻn vẹn hai tờ giấy này thôi anh ạ! (Chị đã khóc như chưa bao giờ được khóc).
Tôi đọc kỹ hồ sơ của liệt sĩ Lê Văn Bá, đó là một bức thư chia buồn của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An đề ngày 30-10/1974 và Công văn số 1378/CS ngày 25/10/1978 (công văn chuyển di vật và tiền của liệt sĩ sau hy sinh). Với nội dung: Kính gửi ông Lê Văn Ba, Đức Sơn, Anh Sơn, Nghệ Tĩnh. Chúng tôi báo tin để gia đình được biết: Đồng chí Lê Văn Bá - đơn vị KB đã hy sinh ngày 4/7/1973. Đơn vị chuyển giao số tiền riêng của liệt sĩ (5 đồng) về Ty Thương binh - Xã hội Nghệ Tĩnh ngày 2/11/1977. Còn lá thư chia buồn của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An do Trung tá Đặng Chính Đoàn ký. Lá thư có đoạn viết: “Chúng tôi thương tiếc báo tin gia đình ta biết, đồng chí Lê Văn Bá đã từ trần ngày 4/7/1973 trong khi làm nhiệm vụ chiến đấu. Thi hài của đồng chí được đơn vị mai táng theo nghi thức quân đội ngoài mặt trận. Cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị vô cùng thương tiếc đồng chí Bá đã hy sinh và cũng rất tự hào vì đơn vị và gia đình có người thân đã nêu cao tinh thần chiến đấu, hy sinh anh dũng vì “sự nghiệp chống Mỹ cứu nước”… Nhân dân và quân đội đời đời biết ơn đồng chí!”.
Đọc xong bức thư, trong tâm khảm tôi rất đỗi tự hào về tấm gương của đồng chí Lê Văn Bá và quyết đi tìm để trả danh dự về cho gia đình và quê hương, góp phần làm vơi bớt nỗi đau trong tim của người cha, người mẹ liệt sĩ trong những tháng năm cuối đời. Nhưng khi tôi hỏi:
- Thưa hai cụ, thưa chị Kha, thế giấy báo tử của anh Bá ở đâu?
- Không có! - Cụ Ba lắc đầu.
- Vậy cấp ủy chính quyền tổ chức lễ truy điệu cho anh Bá vào năm nào? Thưa hai cụ và chị?
- Nỏ có ai làm lễ lạt gì hết.
Cụ ông chưa ngắt lời, chị Kha đã khóc rưng rức. Cụ bà ngất quỵ xuống đất, chị Kha vội đỡ mẹ lên giường nằm.
Bây giờ thì tôi mới thấy hết nỗi đau của hai cụ và gia đình. Sau hai công văn trên của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh gửi (năm 1974 địa phương chuyển về cho gia đình bức thư chia buồn. 4 năm sau, năm 1978 hai cụ lại nhận thêm công văn báo tin, như đã nêu ở trên) mà không có giấy báo tử trường hợp hy sinh của con mình gửi về. Nỗi đau xé vào con tim hai tấm thân già suốt 40 năm (1973-2013) mòn mỏi đợi chờ giờ không biết bấu víu vào đâu.
Hãy trả lại danh dự cho liệt sĩ
Rất may mắn trong dịp này tôi được gặp những đồng đội của liệt sĩ Lê Văn Bá cùng đơn vị Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Lữ 24, Đoàn 75 pháo binh Biên Hòa thuộc Trung ương Cục miền Nam đã nghỉ hưu. Đó là Trung úy Nguyễn Hữu Tuyên (nguyên Phó phòng Kinh tế, Giám đốc Trung tâm Dân số và Kế hoạch hóa gia đình của huyện Anh Sơn); ông Nguyễn Đình Kỳ, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An; ông Trần Văn Tiếp, nguyên là Chính trị viên Tiểu đoàn 1, Lữ 24, Đoàn pháo binh 75; ông Trần Công Hưng, Chính trị viên Đại đội 1 và một số đồng đội về nghỉ tại các xã trong huyện Anh Sơn: Nguyễn Nam Tùng, Trần Văn Trí, Hồ Đình Khai, Nguyễn Văn Thi, Nguyễn Đỉnh Kỷ… ai cũng ở tuổi thất thập, mái đầu bạc trắng. Trao đổi với tôi, các cựu chiến binh là đồng đội của liệt sĩ Lê Văn Bá rất bức xúc và khẳng định, Binh nhất Lê Văn Bá thuộc Tiểu đội 1, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 24, Đoàn 75 pháo binh Biên Hòa, thuộc Trung ương Cục miền Nam (nay là Lữ 434/QĐ4) đã hy sinh ngày 4/7/1973 tại mặt trận suối Ba Chiêm, ngã ba Cây Sấy, đường Lộ Đỏ, thuộc tỉnh Tây Ninh sau trận càn ác liệt của địch.
Vợ chồng cụ Lê Văn Ba và Nguyễn Thị Ban
Ông Nguyễn Hữu Tuyên cho tôi biết rõ hơn: “Chính tôi và một số anh em trong đơn vị đã lượm và mai táng liệt sĩ Lê Văn Bá tại mặt trận suối Ba Chiêm, ngã ba Cây Sấy, đường Lộ Đỏ, thuộc tỉnh Tây Ninh. Năm 1978, tôi và một số anh em đã vẽ sơ đồ cho đội quy tập hài cốt liệt sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Hồ Chí Minh, đưa về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố Hồ Chí Minh. Sau này tôi cùng một số anh em trong Ban Liên lạc của đơn vị đã vào dâng hương trước anh linh của liệt sĩ Lê Văn Bá”. Ông Nguyễn Hữu Tuyên đã trao cho tôi hai bức ảnh, một bức ảnh là ngôi mộ của liệt sĩ Lê Văn Bá - ngôi số 7, hàng 41, khu 20 rất đẹp được đặt trong khuôn viên nghĩa trang cũng rất sạch sẽ thoáng mát. Một bức nữa là đồng đội trong đơn vị, cũng là đồng hương nghiêng mình dâng hương, hoa trước anh linh đồng đội yêu quý đã hy sinh.
Chị Lê Thị Kha (em gái liệt sĩ), ông Nguyễn Hữu Tuyên (đồng đội của liệt sĩ) cho tôi biết thêm: Năm 2003, chúng tôi đã đến Ban Chính sách Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An tìm lại trong danh sách liệt sĩ xem có tên liệt sĩ Lê Văn Bá không thì được Thiếu tá Trần Hồng Ngọc, Trợ lý Chính sách khẳng định: “Không có tên liệt sĩ Lê Văn Bá trong danh sách các liệt sĩ là con em Nghệ An hy sinh trên các chiến trường trong những năm đánh Mỹ. Bởi là liệt sĩ thì nằm trong danh sách tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH). Còn tử sĩ thì nằm trong danh sách ở Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh quản lý”. Khốn nỗi là trước đó, chúng tôi đến Sở LĐ-TB&XH thì được biết không có tên liệt sĩ Lê Văn Bá trong danh sách quản lý. Còn khi đến BHXH thì được cán bộ quản lý hồ sơ lưu trữ nhiệt tình tìm kiếm, nhưng kết quả vẫn là con số không. Vậy những dấu hỏi đặt ra: Binh nhất Lê Văn Bá hy sinh 4/7/1973 đã được Bộ Chỉ huy Quân sự gửi thư chia buồn (30/10/1974) và cả giấy báo cho gia đình nhận di vật và tiền của liệt sĩ sau hy sinh (25/10/1978) lẽ nào lại không có báo tử về cho địa phương và gia đình liệt sĩ? Và cũng không có tên đồng chí Lê Văn Bá trong danh sách Liệt sĩ do Sở LĐ-TB&XH cũng như không có trong danh sách tử sĩ do BHXH tỉnh quản lý. Tháng 10/2010, sau khi nhận được đơn của chị Lê Thị Kha gửi Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 đề nghị xác nhận liệt sĩ Lê Văn Bá; Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4, đã gửi Công văn số 502, ngày 14/12/2010 gửi Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An (công văn này cũng được gửi cho gia đình liệt sĩ). Nội dung như sau: Kính gửi Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An. Cục Chính trị Quân đoàn 4 nhận được đơn của bà Lê Thị Kha, sinh năm 1960. Quê quán xã Đức Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An, đề nghị xác nhận liệt sĩ Lê Văn Bá. Theo đơn trình bày của bà Lê Thị Kha, về trường hợp liệt sĩ Lê Văn Bá từ ngày hy sinh đến nay gia đình chưa nhận được giấy báo tử và hưởng các chế độ.
Cục Chính trị Quân đoàn 4 xác nhận và có ý kiến như sau:
Qua truy lục hồ sơ lưu trữ có tên liệt sĩ Lê Văn Bá, sinh năm 1953, quê quán xã Đức Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Nhập ngũ: tháng 5 năm 1972. Đi B tháng 10 năm 1972; cấp bậc Binh nhất; chức vụ: Chiến sĩ; Đơn vị C1, D1, Lữ 24 (nay là Lữ 434/QĐ4), hy sinh: ngày 4/7/1973; Nơi hy sinh: Lộ Đỏ, Kà Tum, Tây Ninh; Họ tên cha: Lê Văn Ba; mẹ: Nguyễn Thị Ban.
Trường hợp hy sinh: Bị nổ trái phá. Theo hồ sơ, quân nhân Lê Văn Bá được xác nhận là liệt sĩ. Hiện mộ liệt sĩ Lê Văn Bá an táng tại ngôi số 7, hàng 41, khu M20, Nghĩa trang Liệt sĩ TP Hồ Chí Minh.
Vậy, Cục Chính trị xác nhận và thông báo cho các đồng chí được biết để giải quyết cho đương sự.
Kính chúc các đồng chí mạnh khỏe
KT Chủ nhiệm
Phó chủ nhiệm: Đại tá Nguyễn Kim Bình
Văn bản xác nhận quân nhân Lê Văn Bá là liệt sĩ của Bộ tư lệnh Quân đoàn 4 gửi BCH Quân sự tỉnh Nghệ An
Trích lục danh sách có tên liệt sĩ Lê Văn Bá tại TP HCM
Phiếu báo bia mộ trong Nghĩa trang liệt sĩ TP HCM
Với những hồ sơ có được (công văn xác nhận liệt sĩ của Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4, kèm theo ảnh mộ phần của liệt sĩ được an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố Hồ Chí Minh), tháng 10/2010, ông Lê Văn Ba (cha đẻ của liệt sĩ) gửi đơn đề nghị tặng bằng Tổ Quốc ghi công đến Sở LĐ-TB&XH tỉnh; có kèm theo các văn bản của Đảng ủy - UBND và Ban Chỉ huy Quân sự xã Đức Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An, gồm: Biên bản đề nghị xác nhận liệt sĩ. Giấy chứng nhận thân nhân trong gia đình liệt sĩ và phiếu xác minh xác nhận liệt sĩ quy định tại điểm 1, Thông tư 25/2007 của Bộ LĐ-TB&XH; cùng với phiếu xác minh quân nhân, công nhân viên quốc phòng hy sinh chưa được công nhận là liệt sĩ của Ban Chỉ huy Quân sự huyện Anh Sơn. Tôi lấy làm lạ lắm, 40 năm rồi còn gì nữa, trong đó có gần 4 năm Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh nhận được công văn của Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 về xác nhận quân nhân Lê Văn Bá là liệt sĩ, gần 3 năm gia đình Cụ Lê Văn Ba gửi hồ sơ lên UBND huyện Anh Sơn, Sở LĐ-TB&XH đề nghị tặng Bằng Tổ quốc ghi công xác nhận liệt sĩ… đến nay vẫn bặt vô âm tín! Tôi đã trực tiếp vào gặp Phòng Người có công thuộc Sở LĐ-TB&XH tìm hiểu nguyên do. Tiếp tôi, đồng chí Nguyễn Ngọc Khâm, cán bộ của phòng cho biết: “Quân nhân Lê Văn Bá thuộc đối tượng do Bộ Chỉ huy Quân sự Nghệ An xử lý. Từ trước đến nay, chưa hề có bất kỳ bộ hồ sơ nào của huyện Anh Sơn gửi về, trong đó có hồ sơ bác muốn tìm”.
Tôi vội đến Ban Chính sách - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An thì được đồng chí Đại úy Lê Thanh Phong và Đại úy Chu Văn Thao, trợ lý chính sách cho biết: Trường hợp này chúng tôi đã trả lại hồ sơ về cho gia đình vì chưa đúng thủ tục. Còn báo tử thuộc thẩm quyền của đơn vị đồng chí Lê Văn Bá.
Liệt sĩ Lê Văn Bá, một trong số hàng ngàn, hàng vạn người con của đất Việt đã dành hết thảy tuổi xuân của mình lên đường chiến đấu vì sự trường tồn của dân tộc, không chút mảy may vướng bận. Bây giờ liệt sĩ Lê Văn Bá đã chọn mảnh đất thiêng nằm lại Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố Hồ Chí Minh suốt 40 năm nay, thế mà gia đình vẫn không có giấy báo tử. Bao năm mòn mỏi đợi chờ làm thủ tục của gia đình thân nhân liệt sĩ, của 51 đồng đội, cũng là đồng hương cùng sát cánh chiến đấu trong một đại đội, một tiểu đoàn đều bị trả lại vì không đủ thủ tục. Ôi, một đứa con tình nguyện ra đi chiến đấu hy sinh không về nữa! Cha mẹ, gia tộc, đồng đội phải làm đơn, làm thủ tục xin danh dự ư? Bao năm nay, nhất là từ khi đất nước liền một dải, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân luôn đặt lên hàng đầu công tác chăm lo các gia đình thương binh, liệt sĩ, các gia đình có công với cách mạng. Ấy vậy mà liệt sĩ Lê Văn Bá hy sinh 40 năm nay vẫn không có giấy báo tử…
Nỗi đau ngày càng khoét sâu trong tâm can của hai cụ thân sinh ra liệt sĩ Lê Văn Bá. Nỗi đau không phải chưa được nhận chế độ chính sách trong suốt 40 năm qua. Nỗi đau có thể là nỗi nhục khi đứa con trai duy nhất của mình chưa có giấy báo tử, chưa được xác minh là người có công với đất nước. Nỗi đau sẽ còn tiếp tục âm ỉ cháy, bào mòn hai thân già nay đã gần đất xa trời này khi cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng trong và ngoài quân đội, từ địa phương đến Trung ương vẫn tiếp tục vô cảm, thờ ơ với thân nhân gia đình liệt sĩ.
Phóng sự của Thuận Thắng