Lễ Tịch điền 2014, cụ ông 85 tuổi trở lại làm "vua"
Hình ảnh "vua" đi cày trong lễ hội
Năm 2009, lần đầu tiên Lễ hội Tịch điền được tổ chức lại ở chính nơi vua Lê Đại Hành xuống ruộng đi cày. Từ đó tới nay, Lễ Tịch điền được xem là “quốc hội” và được tổ chức hàng năm vào ngày mùng 7 tháng giêng tại xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.
Ông Đinh Văn Lương, Trưởng thôn Đọi Tam cho biết: “Việc tìm người phù hợp để đóng vai vua không phải là việc đơn giản. Đó không chỉ là người cao tuổi trong làng mà còn phải là người có uy tín, đức độ, được mọi người kính trọng. Phải chọn được người có nét uy nghi, khoan thai, có phong thái của một ông vua.
Những cụ đóng thế vua cũng đã có nhiều công lao đóng góp trong các cuộc kháng chiến của dân tộc và gia đình chấp hành tốt đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, giữ được mối quan hệ tốt với nhân dân trong thôn, xã.
Hội xuân 2014, cụ Đinh Trọng Tế sẽ trở lại đảm nhiệm vai trò người “vào vai” vua Lê Đại Hành trong Lễ Tịch điền”.
Cụ Đinh Trọng Tế, người được tín nhiệm vào vai vua Lê Đại trong lễ Tịch điền 2014
Dù đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng cụ Tế vẫn còn rất minh mẫn và khỏe mạnh. Với cụ, 4 năm làm "Đức vua", năm nay là năm thứ 5, cụ Tế vẫn nhớ như in từng kỷ niệm.
Cụ Đinh Trọng Tế cho biết, vào ngày hội, khoác trên mình tấm long bào, đeo mặt nạ đóng giả vua là niềm vinh dự, nhưng cũng không khỏi lo lắng. Nhưng sau đó, cụ lấy lại bình tĩnh, bước từng bước chậm rãi song dứt khoát, một tay cầm roi, một tay giữ tay cày,, rồi thúc trâu cày thẳng tắp. Phía sau là đoàn người đi vãi hạt giống để cầu một năm mùa màng bội thu.
“Năm 2009, lần đầu tiên tôi vào vai Đức Ngài, lòng bồn chồn lắm. Năm đầu tiên, một con trâu ở trong xã Tiên Ngoại được chọn dẫn đầu đàn. Con trâu ấy rất đẹp. Tôi phải tập với nó mất mấy ngày, cho nó ăn, làm quen với nó. Đến ngay trong khi ngủ cũng cứ nhẩm và nghĩ lại các động tác để làm cho thuần thục. Sáng tôi dậy sớm ra sân tự tập một mình tránh gặp phải sai sót”, cụ Tế kể.
Sau màn thể hiện rất thành công vai trò của mình trong năm đầu, cụ Tế tiếp tục được Ban tổ chức lễ hội tin tưởng giao trọng trách ở những năm sau đó. Tại lễ hội xuân năm 2013, vì lý do sức khỏe nên cụ Tế không thể tiếp tục đảm nhiệm vai trò là người vào vai vua Lê Đại Hành trong Lễ Tịch điền. Người được chọn để giao trọng trách năm ngoái là ông Nguyễn Đức Trung đảm nhiệm vai trò là người đóng thế “Đức Ngài” trong Lễ hội Tịch điền.
Với cụ Tế, trong 4 năm vinh dự khoác lên mình chiếc long bào đi cày, cụ đã được gặp Chủ tịch nước, được bắt tay Chủ tịch nước, cùng xuống ruộng đi cày khuyến nông là một niềm vui, niềm vinh dự lớn. "Tôi mong lễ hội này sẽ được thế giới công nhận vì qua tìm hiểu lịch sử, tôi thấy chỉ có nước mình mới làm được như vậy. Đây là một lễ hội có ý nghĩa nhân sinh to lớn, phục vụ công cuộc lao động, sản xuất, phát triển đất nước" - cụ Tế giọng đầy tự hào.
Mặc dù lễ hội Tịch Điền chỉ diễn ra vào đầu xuân, nhưng hầu như sáng nào, cụ Tế cũng dậy từ rất sớm, luyện tập các động tác, đi đứng, cử chỉ của vua thời xưa để nhuần nhuyễn. Với cụ đó như là một niềm vui nhỏ của tuổi già.
Nhằm khuyến khích nông dân chăm lo sản xuất, cày cấy, vào mùa xuân năm Đinh Hợi (987), vua Lê Đại Hành về cày ở Đọi Sơn, mở đầu một phong tục đầu xuân mang đầy ý nghĩa. Theo người xưa, Lễ Tịch điền là ngày hội xuân, khi đó các vua quan lần lượt xuống ruộng cày một vài đường đất nhằm khích lệ nông dân phát triển nông nghiệp đặc biệt là phát triển nông nghiệp lúa nước. Sau đó, thửa ruộng này sẽ được chăm sóc và sản phẩm sẽ dùng để tế lễ năm sau. Lễ cày Tịch điền được tiến hành đầu tiên tại nước ta dưới thời vua Lê Đại Hành (Lê Hoàn), sau đó được tiếp tục và trở thành một truyền thống kéo dài đến thời nhà Trần. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã xuống ruộng để cày ruộng. Lễ hội Tịch điền năm nay diễn ra từ ngày 5/2 đến 7/2 tức ngày 5 - 7 Tết. Ngày mùng 7 Tết, "Vua" sẽ xuống cày ruộng đúng như truyền thống được bắt đầu cách đây hơn 1.000 năm. |
Nguyễn Hoan
-
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét thông qua 15 luật và 13 dự án luật
-
Kỷ luật 2 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng
-
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3
-
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo
-
Luật Điện lực (sửa đổi) phải là “trụ đỡ” pháp lý vững chắc để năng lượng mới, năng lượng tái tạo phát triển đúng kỳ vọng