Lao động nữ luôn thua thiệt
Sau một đêm mất 10% lương hưu
Theo tính toán của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, năm 2018 sẽ có khoảng 50.000 lao động nữ nghỉ hưu, trong đó có trên 24.000 người có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) dưới 30 năm. Vì vậy, việc thay đổi chính sách lương hưu từ 1-1-2018 sẽ gây tác động lớn tới số lao động này. Đặc biệt là lao động khu vực ngoài Nhà nước, bởi trước đây để đóng BHXH đủ 25 năm, thậm chí 20 năm là mức tối thiểu để hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu là một điều vô cùng khó khăn đối với lao động nữ.
Được biết, trong lần sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động năm 2012, Ban soạn thảo (chủ trì là Bộ LĐ-TB&XH) đã nhiều lần đưa ra phương án nâng tuổi hưu của lao động nữ vào dự thảo sửa đổi. Tuy nhiên, do các luận cứ đi kèm không thuyết phục nên Quốc hội không thông qua.
Cũng tại thời điểm này, Dự thảo Luật BHXH sửa đổi (cũng do Bộ LĐ-TB&XH chủ trì soạn thảo) được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi. Rất nhiều ý kiến không đồng tình với việc giảm tỷ lệ hưởng lương hưu của nữ đột ngột từ 3% cho năm đóng BHXH thứ 16 trở đi xuống còn 2%. Nhưng các ý kiến này cũng không được tiếp thu, chỉnh sửa. Chính vì vậy, khi trình Quốc hội thông qua, dù một số đại biểu Quốc hội là cán bộ công đoàn đã bày tỏ ý kiến không đồng tình nhưng cũng không đủ sức nặng để ngăn cản điều luật gây tổn hại nặng nề đến quyền lợi của lao động nữ.
Cụ thể, với lao động nữ sau 15 năm đóng BHXH sẽ được hưởng 45% lương và mỗi năm đóng BHXH thêm được cộng 3%. Nhưng sau ngày 1-1-2018, mỗi năm đóng thêm chỉ được cộng 2%. Như vậy, nếu lao động nữ đóng BHXH được 25 năm, nếu nghỉ việc vào ngày 31-12-2017 thì sẽ được hưởng mức lương hưu tối đa 75%. Tuy nhiên, nếu sau đó chỉ 1 ngày, tức 1-1-2018, tỷ lệ lương hưu tối đa họ được hưởng chỉ còn mức tối đa 65%. Do đó, theo quy định mới thì người lao động phải tăng thời gian tham gia BHXH thêm 5 năm nữa mới được hưởng 75% lương. Lao động nghỉ hưu sớm sẽ bị trừ 2%/năm.
Để tránh tình trạng xin nghỉ hưu sớm ồ ạt, tháng 8-2017, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đã phải ký văn bản gửi lãnh đạo các đơn vị yêu cầu tăng cường quản lý công tác khám, giám định y khoa và nêu rõ: “Theo phản ảnh của BHXH Việt Nam, thời gian gần đây số lượng người lao động nghỉ hưu trước tuổi có chiều hướng gia tăng”. |
Theo cách tính mới này, cô Trần Thị Mai (công nhân đang làm việc tại một xí nghiệp may mặc trên địa bàn quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: “Năm nay tôi vừa tròn 54 tuổi. Từ 1-1-2018, tôi sẽ nghỉ hưu và cơ quan đã có quyết định hưu trí cho tôi cũng như một số đồng nghiệp cùng tuổi khác. Nhưng so với các đồng nghiệp nghỉ hưu năm 2017, chúng tôi phải chịu thiệt thòi rất lớn. Bởi tính đến thời điểm này, tôi đã đóng BHXH được gần 25 năm. Nếu nghỉ hưu vào ngày 31-12-2017, tôi sẽ được lĩnh lương hưu với mức tối đa là 75%. Thế nhưng, chỉ qua ngày 1-1-2018, lương hưu của tôi chỉ còn 65%. Mất 10% lương hưu chỉ sau 1 đêm, quá bất công với những lao động nữ đã phải vừa làm việc nước, việc nhà, vừa phải đảm đương thiên chức làm mẹ”.
Mặt khác, việc thay đổi cách tính lương hưu mà không có lộ trình sẽ ảnh hưởng nhiều đến lao động nữ, nhất là đối với lao động nữ đóng BHXH dưới 30 năm, số năm đóng BHXH càng ít thì tác động càng lớn. Trong khi đó, nam giới được tăng dần số năm hưởng mức lương hưu tối thiểu. Cụ thể, lao động nam được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng hoặc thu nhập tháng đóng BHXH khi có thời gian đóng BHXH đủ 16 năm và nghỉ hưu năm 2018; đủ 17 năm; nghỉ hưu năm 2019; đủ 18 năm, nghỉ hưu năm 2020; đủ 19 năm; nghỉ hưu năm 2021; đủ 20 năm; nghỉ hưu từ năm 2022 trở đi.
Cần đảm bảo quyền bình đẳng giới
Lý giải cho việc thay đổi cách tính lương hưu mới, đại diện BHXH Việt Nam cho rằng, đây là phương án cần thiết để đảm bảo cho quỹ hưu trí được cân đối trong dài hạn.
Ông Lê Đình Quảng |
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lao động lại cho rằng, điều này vô hình trung góp phần hạ thấp vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội, khi lương của họ không thể bằng người đàn ông. Việc “cao bằng” này góp phần làm gia tăng sự bất bình đẳng giới và đi ngược lại các chính sách giải quyết nạn mất cân bằng giới tính khi sinh đang ngày càng trầm trọng ở Việt Nam.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết: Theo khoản 2 Điều 56 Luật BHXH năm 2014 quy định, thời gian tham gia BHXH của nam được tăng từ 30 lên 35 năm và nữ từ 25 lên 30 năm thì được hưởng lương hưu 75% lương. Tuy nhiên, nam giới thì có lộ trình thời gian thực hiện trong vòng 5 năm, còn lao động nữ lại triển khai ngay từ ngày 1-1-2018. Vì thế, những lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 sẽ bị giảm tới 10% lương hưu so với những người nghỉ năm 2017. Đặc biệt, quy định này có thể tạo ra những cú sốc cho người lao động nữ. Do đó, với trách nhiệm là cơ quan đảm bảo quyền lợi cho người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là Quốc hội để có những điều chỉnh cho phù hợp, tránh những thiệt thòi cho lao động nữ.
Bà Bùi Thị An - nguyên đại biểu Quốc hội cho rằng, việc thay đổi về cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu sẽ gây thiệt thòi quá lớn cho lao động nữ và nguyên nhân sâu xa của vấn đề chính là việc bình đẳng giới chưa được thực hiện triệt để. Do đó người phụ nữ bị thiệt đơn thiệt kép khi vừa phải đảm việc nước, giỏi việc nhà và làm tốt thiên chức người mẹ. |
Xuân Hinh - Đông Nghi
-
Kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam trong thời đại mới
-
Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng
-
Phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 7-7,5%
-
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu giải pháp phát triển kinh tế báo chí
-
Báo chí đã có những bước phát triển về nội dung, đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng