Lãi suất tiết kiệm tăng vọt vì ngân hàng sợ mất khách
Khi chủ trương bỏ trần huy động kỳ hạn 12 tháng trở lên bắt đầu có hiệu lực từ 11/6, vài ngày đầu các ngân hàng vẫn dè dặt níu lãi suất ở mức 9%, tương đương với các kỳ hạn dưới 12 tháng, thậm chí có nơi còn để thấp hơn. Nhưng từ 14/6, lãi suất dài hạn vọt lên trên 10%, có nơi còn chạm mốc 14% một năm. Hiện tượng này gây không ít ngạc nhiên vì trước đó, chính các nhà băng khẳng định chắc nịch không muốn cho vay lãi suất cao và cũng không có nhu cầu huy động với chi phí đắt đỏ. Hơn nữa, nguồn vốn của họ đang khá dồi dào mà đầu ra chưa thể thông.
Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB), cho biết, nguồn vốn của nhà băng hiện nay khá ổn định và vẫn tăng đều. "Tuy nhiên, chứng kiến một số nhà băng khác điều chỉnh mạnh lãi suất đầu vào thì ACB cũng phải nâng lên 12% để giữ chân khách”, ông nói.
Theo ông Toại, khả năng thời gian tới, ACB tăng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn dài lên nữa hay không phải tùy thuộc vào thị trường. "Nếu thị trường còn tăng cao, chúng tôi cũng khó đứng ngoài cuộc. Và lãi suất sẽ tăng cao đến khi nào các ngân hàng không thể chịu nổi ắt sẽ dừng lại”, ông Toại chia sẻ.
Ông La Hữu Nghĩa, Phó tổng giám đốc Ngân hàng SCB, cho rằng, từ ngày Ngân hàng Nhà nước dỡ trần huy động dài hạn, nguồn vốn kỳ hạn trên 1 năm tại nhà băng có tăng lên nhẹ. "Hiện nay, chúng tôi vẫn phải điều chỉnh lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài cao nhất lên 12% (hôm 11/6 cao nhất 10,9%) để cạnh tranh với ngân hàng bạn”, ông nói.
Trong khi đó, Chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng Phương Đông (OCB) Trịnh Văn Tuấn nhận định, động thái đẩy lãi suất lên cao của thị trường không phải do nguồn vốn khó khăn, mà vì thời gian qua một số nhà băng chỉ huy động được chủ yếu là vốn ngắn hạn. "Do đó, để cân đối lại, một số ngân hàng không ngần ngại nâng lãi suất lên để mong hút được nhiều vốn kỳ hạn dài ", ông chia sẻ.
Theo ông Tuấn, hiện nay các ngân hàng được tự do điều tiết lãi suất tiết kiệm dài hạn, nhưng vẫn phải dựa trên mặt bằng chung. "Nếu ngân hàng bạn cùng hạng như mình mà nâng lên, mình không nâng sẽ khó huy động được, bắt buộc phải tăng theo”, ông nói.
Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng, nhà băng không thể cứ nhắm mắt lao vào "cuộc đua” mà phải biết cân nhắc xu hướng lãi suất trong tương lai sẽ như thế nào từ đó tính toán và đưa ra mức lãi suất hợp lý nhất.
"Bởi huy động cao mà không cho vay được cũng đồng nghĩa với chết”, ông Tuấn nói. Quan điểm cá nhân của Chủ tịch OCB, mức huy động dài hạn hợp lý nhất tại thời điểm này chỉ nên dao động quanh 11%, trong tương lai giảm về 8 hoặc 9%.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), dự báo, với kỳ hạn dài, lãi suất huy động nên duy trì ở khoảng 10-12% một năm, còn lãi cho vay dao động 14-15% một năm là hợp lý.
Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần tại Hà Nội cho rằng, một số đơn vị đẩy lãi suất huy động dài hạn lên cao, chênh đến 4-5% so với trần ngắn hạn 9% sẽ không gây nhiều xáo trộn trên thị trường. Bởi theo ông, người gửi tiền hiện nay rất tỉnh táo.
"Chỗ nào ra sao, khỏe hay yếu, họ đều biết cả. Do đó, chưa chắc nhà băng nào đẩy lãi suất lên cao mà huy động được nhiều hơn”, lãnh đạo này chia sẻ.
Theo quan điểm của ông, hầu hết nhà băng huy động cao bất thường đều đang nằm trong “danh sách đen” của Ngân hàng Nhà nước, phải chịu sự giám sát đặc biệt và có khả năng đang nằm “chờ chết”.
Tuy nhiên, Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần lớn tại TP HCM chia sẻ, động thái "tăng nóng” lãi suất của một vài ngân hàng hiện nay chính là hệ quả của việc điều tiết lãi suất theo tín hiệu thị trưởng "kiểu nửa vời” của Ngân hàng Nhà nước.
Theo ông, cơ quan quản lý nên mạnh dạn cho tự do hóa lãi suất. Tuy nhiên, thả nổi lãi suất phải đi cùng điều kiện là chấp nhận cho phá sản ngân hàng yếu kém. Khi đó, tình trạng "đua” tăng lãi suất bằng mọi giá mới không còn đất sống.
Còn hiện nay, Ngân hàng Nhà nước tuyên bố không để nhà băng yếu kém nào phá sản, người dân cứ tìm ngân hàng có lãi suất huy động cao để gửi tiền nên tình trạng lãi suất tăng nóng khó dừng lại trong một sớm một chiều. "Nếu cho phép thị trường đào thải những thành phần ốm yếu này thì khi thấy nhà băng nào đẩy lãi suất huy động lên cao, khách hàng ắt sẽ phải cảnh giác vì lo sợ ngân hàng đó đói thanh khoản”, ông nói.
Tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hiện cũng giữ nguyên quan điểm ủng hộ dỡ trần lãi suất. Ông cho biết thêm, đã trao đổi với Ngân hàng Nhà nước và thông báo về hiện tượng một số ngân hàng đẩy lãi suất kỳ hạn dài lên cao.
“Điều này là cực kỳ nguy hại, gây tù mù cho cả ngân hàng và doanh nghiệp. Ngân hàng không biết với lãi suất hiện nay thì huy động vốn với giá bao nhiêu là hợp lý. Trong khi doanh nghiệp băn khoăn không biết phải vay với mức nào là thỏa đáng”, ông Kiêm nhận định.
Chuyên gia này nói thêm, hiện nay, một số đang huy động vốn không đúng tinh thần chỉ đạo. Nhiều ý kiến cho rằng, nên áp dụng trần lãi suất cho vay đối với các khoản tín dụng trung, dài hạn, song theo ông, điều này không nên. Vì hiện nay, trên thị trường đã có quá nhiều các công cụ mang tính chất hành chính.
Song hành với thị trường dân cư, lãi suất liên ngân hàng hiện nay cũng có nhiều biến động. Trước hôm 11/6, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng thấp kỷ lục, có giao dịch ghi nhận mức lãi suất 1% mỗi năm. Tuy nhiên, ngay trong ngày đầu trần lãi suất huy động về 9% một năm, lãi suất liên ngân hàng đã tăng lên, trong đó lãi suất qua đêm tăng gấp đôi lên 3% mỗi năm. Kỳ hạn 1-9 tháng cũng đang tiến sát mức 7-8% mỗi năm.
Nhìn nhận về sự ấm lên của thị trường liên ngân hàng, Tổng giám đốc VPBank cho biết, nguyên nhân là nhu cầu dùng VND mua lại ngoại tệ của các ngân hàng thương mại những ngày qua đang tăng lên.
Ngoài ra, việc Ngân hàng Nhà nước hút tiền về cũng ảnh hưởng đôi chút đến thị trường giao dịch giữa các nhà băng. Các ngân hàng mua ngoại tệ để đẩy trạng thái cân bằng thay vì duy trì âm trước kia. Điều này sẽ khiến cho nhà băng không thiệt hại trong trường hợp có xảy ra biến động tỉ giá.
Theo VNE