Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Ký ức đặc biệt của cô nữ sinh Đồng Khánh kéo cờ ngày 2/9/1945

18:00 | 02/09/2014

Theo dõi PetroTimes trên
|
Đúng ngày này của 69 năm về trước, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bà Lê Thi - một nữ sinh Đồng Khánh đã vinh dự được kéo lá cờ tổ quốc trong giờ phút thiêng liêng ấy.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945, khai sinh ra nước Việt Nam (ảnh tư liệu).

Bà Lê Thi (tên thật là Dương Thị Thoa) năm nay đã bước sang tuổi 88. Đến hôm nay cũng đúng 69 năm bà đón Quốc khánh mà trong lòng vẫn ngập tràn cảm xúc ngày Tết Độc lập năm ấy.

Chúng tôi gặp bà Lê Thi trong căn ngôi nhà cổ trên phố Ngô Quyền (Hà Nội). Đồ đạc nhà bà không có gì đặc biệt ngoài những tập sách, ảnh và những kỷ vật của một thời tuổi trẻ với đồng đội. Tất cả đều được bà lưu giữ rất cẩn thận.

Bà Lê Thi sinh ra trong một gia đình nho học, là con gái thứ tư của cố giáo sư Dương Quảng Hàm, một trí thức nổi tiếng dạy văn và sử Việt Nam ở trường Bưởi. Năm 1942, khi đang học tại trường Đồng Khánh, bà Lê Thi và một số người bạn thường truyền tay nhau đọc báo Cứu quốc và sớm có ý thức ủng hộ Việt Minh.

Liều lĩnh bỏ qua mong ước của cha mẹ là cho con gái thi cao đẳng sư phạm để nối nghề dạy học, bà trốn nhà đi hoạt động cách mạng. Đầu năm 1945, bà Lê Thi chính thức trở thành chiến sĩ Việt Minh, hoạt động bí mật trong Hội Phụ nữ cứu quốc.

Cô gái trẻ năm ấy, đi tìm tất cả những người quen biết, vận động mọi người tham gia cách mạng. Chỉ bằng những mối quan hệ trong giới học sinh, Thi đã thu gom được nhiều gạo, muối, tôm khô... để gửi lên chiến khu, nơi có lãnh tụ Hồ Chí Minh và Mặt trận Việt Minh. Hơn một tháng, gần đến ngày khởi nghĩa, cô nữ sinh mới quyết định về nhà báo cáo với cha mẹ.

“Tôi về nhà lúc đó cũng sợ lắm, đinh ninh sẽ bị cha mẹ trách mắng, nhưng không ngờ cha tôi chỉ dặn dò vài câu. Cha mẹ cũng hiểu cho tôi trong không khí cách mạng lúc bấy giờ”.

Bà Lê Thi kéo cờ độc lập 2/9/1945 lúc 19 tuổi.

Câu chuyện cắm cờ ngày Tết độc lập diễn ra cách đây 69 năm, nhưng qua lời kể của bà, cảm xúc tràn về như mới diễn ra ngày hôm qua vậy. Bà Lê Thi bồi hồi nhớ lại: “Việc tôi được chọn kéo cờ trong lễ Tuyên ngôn Độc lập là hoàn toàn ngẫu nhiên, không hề được báo trước. Ngày đó, tôi dẫn đầu đoàn Phụ nữ cứu quốc tiến về quảng trường Ba Đình. Một cán bộ trong Ban tổ chức đến thông báo cử người lên kéo cờ. Các chị em đồng thanh “Thi lên đi”. Khi ấy, tôi run lắm nên vẫn đứng yên.

Đang lưỡng lự thì trên gọi, dưới thúc, tôi “liều” bước lên”. Khi bà lên đến nơi đã thấy một chị du kích người Tày đại diện cho An toàn khu đứng ở đó, chưa kịp hỏi tên nhau, hai cô gái đã được dẫn đến cột cờ chuẩn bị nghi lễ. Bà Thi cho biết: “Được chọn lên để kéo cờ là may mắn của tôi. Đây cũng là lần đầu tiên tôi và nhiều người được nhìn thấy Bác, vị cha già kính yêu của dân tộc. Lúc đó, Người mặc bộ quần áo ka ki, đi dép cao su...”.

Khi đứng trước lá cờ Tổ quốc thiêng liêng, làm một nhiệm vụ trọng đại mà không được tập trước... nên bà rất run. “Tôi lo lắm, mình kéo cờ nhỡ tắc thì sao? Đang miên man trong dòng suy nghĩ thì có tiếng nói cắt ngang: “Chuẩn bị kéo cờ”. Tôi vội vàng nói với chị du kích người Tày: Chị thấp chị nâng cao cờ lên, em cao hơn sẽ kéo. Hai chị em thỏa thuận như thế và “nín thở” kéo cờ. Đến khi lá cờ đã lên cao, tung bay trong bản nhạc Tiến quân ca tôi mới dám thở phào”, bà Thi chia sẻ.

Bà khoe với chúng tôi tấm ảnh chụp chung với cô du kích người Tày - bà Đàm Thị Loan, người cầm lá cờ cho bà Thi kéo ngày hôm ấy. Bà Đàm Thị Loan, phu nhân cố đại tướng Hoàng Văn Thái, đã viết lại những dòng hồi ký của mình về “cô thiếu nữ Hà Nội”  trong cuốn Từ Việt Bắc đến Tây Ninh xuất bản năm 1988, còn bà Lê Thi thì viết bài báo đăng trên nội san của cơ quan mình về “cô du kích người Tày". Vô tình tìm được mối liên hệ giữa hai bài báo, hai người bắt đầu những cuộc hội ngộ xúc động vào ngày 2/9/1989, sau 44 năm. 

Bà Lê Thi (trái) và bà Đàm Thị Loan, hai người phụ nữ cùng nhau kéo cờ trong ngày Quốc khánh.

Bà Thi cho biết, bà Đàm Thị Loan sinh năm 1926 tại Cao Bằng , người thiếu nữ dân tộc Tày đã sớm đến với cách mạng từ những ngày còn gian khó. Tròn 14 tuổi, bắt đầu tham gia hội Việt Minh, ở xã Bình Long, huyện Hòa An, Cao Bằng, từ đó Đàm Thị Thoa lấy bí danh là Thanh Xuân.

Cô gái người Tày này là một trong số 34 đội viên Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân trong lễ tuyên thệ (22/12/1944). Sau ngày Độc lập, bà Loan được giao giữ chức trung đội trưởng Đội tự vệ thành Hoàng Diệu, sau này chiến tranh xảy ra lại trở về chiến khu Việt Bắc. Hòa bình lập lại, bà chuyển sang làm nhiệm vụ cơ yếu (Bộ Tổng tham mưu). Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc, bà lại có mặt ở Tây Ninh.

Nhưng kể từ năm 2010, mỗi dịp Quốc Khánh đến bà Lê Thi buồn hơn nhiều vì không được gặp người bạn cùng kéo cờ năm xưa nữa. Bà Đàm Thị Loan sau một thời gian dài lâm bệnh đã mất, đem quá khứ hào hùng ấy vào cõi hư vô. Như vậy, hiện tại bà Lê Thi là nhân chứng sống cuối cùng đã kéo cờ ngày Độc Lập 2/9.

Dù tuổi đã cao nhưng bà Lê Thi vẫn chăm chỉ viết sách.

Giờ đây, khi tuổi đã cao, bà Lê Thi vẫn tìm niềm vui trong công việc nghiên cứu, viết sách. Bà chia sẻ, dù tuổi đã cao nhưng bà vẫn muốn cống hiến cho xã hội những kiến thức, kinh nghiệm đã tích lũy được trong những năm tháng học tập và chiến đấu mà mình đã trải qua.

Trời Hà Nội vào thu, mát mẻ và trong xanh hơn, không khí ấy khiến bà Lê Thi như trẻ lại. Trẻ lại vì bà được sống với những ký ức tươi đẹp của Ngày độc lập đầu tiên của đất nước, nhất là khi bà vinh dự được là người kéo lá cờ vinh quang của Tổ quốc tung bay trong thời khắc lịch sử trọng đại của dân tộc.

 

Diệp Chi Linh – Thảo Phượng