Ký ức "chảo lửa" Chi Lăng
Ký ức bị đánh cắp
Trời Đà Nẵng tháng 7 nửa nắng, nửa mưa. Mới mưa ào ào mà rồi hửng nắng chỉ sau một tiếng đồng hồ. Những cơn mưa để lại nhiều vũng nước lớn trên khắp mặt sân, đường chạy. Khán đài A sân vận động Chi Lăng là chỗ trước đây có mái che, giờ đã bị bóc hết, những hàng ghế trơ trọi dưới nắng mưa.
Với người Quảng Nam - Đà Nẵng, Chi Lăng không chỉ đơn thuần là một sân vận động, mà còn là một di tích. Vào ngày 28/8/1945, Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời TP Đà Nẵng đã được ra mắt tại đây. Cũng tại sân vận động này, trước năm 1975, đã sản sinh ra rất nhiều cầu thủ bóng đá nổi danh như Phan Trọng Quang, Thành “ghe”, Minh “đen”, Thái Long..., rồi “thế hệ vàng” Phan Thanh Hùng, Trần Vũ, Trần Minh Toàn, Lê Văn Sinh... và sau này là Phan Thanh Phúc, Phan Thanh Hưng, Quốc Anh, Huy Toàn... Mặt cỏ sân Chi Lăng là nơi in dấu giày của họ cả trong tập luyện và thi đấu.
Trong ký ức người dân Đà Nẵng, Chi Lăng là một “chốn thiêng” thể thao. Trước đây, mỗi lần đội Quảng Nam - Đà Nẵng (sau này là Đà Nẵng, SHB Đà Nẵng) đá trên sân nhà là các con đường ven sân như Chi Lăng, Ngô Gia Tự, Lê Duẩn, Hùng Vương chật kín xe và cổ động viên.
Sân Chi Lăng trước kia luôn đầy khán giả |
Ông Trần Thanh Phước năm nay 67 tuổi, là người Hải Châu gốc. Trước đây, nhà ông cách sân Chi Lăng khoảng 700m. Sau này, khi con cháu lớn, ông chuyển ra phía biển ở cùng, nhưng vẫn giữ thói quen ăn sáng, uống cà phê cóc ở Ngô Gia Tự, con phố sát sân Chi Lăng. Tôi gặp ông Phước ở quán cà phê chị Tới, quán mà hội cổ động viên Đà Nẵng hay gặp gỡ nhau, dù giờ đây đội bóng đá đã chuyển sang sân mới Hòa Xuân.
Ông kể Phước, ông xem bóng đá ở sân Chi Lăng từ trước năm 1975. Thời đó, sân chưa có giàn đèn, chưa có ghế ngồi, khán đài còn thấp... “Vì không có đèn, nên thời đó các trận đấu được tổ chức sớm lắm. 3 giờ chiều là đá rồi. Nhưng từ trưa, các phố quanh đây đã chật kín người, xếp hàng rồng rắn chờ vô sân. Từ phía quận 3 muốn đi đò qua đây xem bóng đá thì phải đi từ 8 giờ sáng, chứ không làm răng còn chỗ” - ông Phước hào hứng kể về ký ức một thời.
Khi tôi đề cập đến câu chuyện số phận sân Chi Lăng bây giờ, ông Phước nhấp ngụm cà phê rồi thở dài: “Tôi không biết những người khác nghĩ mô, còn riêng tôi thì chưa bao giờ thích xem bóng đá ở sân Hòa Xuân. Tôi cũng đã xuống xem vài trận, nhưng không hào hứng như trước, không khí không còn vui”.
Rít một hơi thuốc “con chim xanh” thật sâu, ông Phước kể tiếp: “Ngày trước ngoài xem bóng đá, buổi chiều tôi thường đến sân Chi Lăng xem đội tập. Đó như một thói quen, như mình đến giờ là phải ăn cơm, khát thì phải uống nước. Nhìn sân bị bán rồi bỏ hoang thế này, giờ lại thành tang vật vụ án, tôi và nhiều người khác buồn lắm. Cứ như ký ức của mình bị người khác đánh cắp”.
Ông Lê Quang Tuấn ngồi bên cạnh nói thêm vào: “Ngày trước xem bóng đá ở sân ni sướng lắm! Tôi nhớ mãi năm 2006, U16 Việt Nam thắng U16 Trung Quốc trên sân này. Văn Quyến ghi một bàn để đời. Trận đấy xem cha trời là hay”.
Nhiều người ở quán cà phê chị Tới cũng có những nỗi niềm như ông Phước, ông Tuấn. Đó dường như cũng là nỗi niềm chung của những người yêu thể thao Đà Nẵng. Có thể nói ra hoặc lặng thinh, nhưng với người Đà Nẵng, sân Chi Lăng dù đậm hay nhạt, dù ít hay nhiều cũng là một phần ký ức và gắn bó với họ. Thế nên, quyết định bán sân Chi Lăng vào năm 2010 chẳng khác “ký ức của mình bị người khác gì đánh cắp” như lời ông Phước.
Tổ hợp hoang phế
Hiện giờ, sân Chi Lăng như một tổ hợp hoang phế. Không khí tập luyện hăng say, rực lửa trước kia không còn, thay vào đó là sự ảm đạm, hiu hắt. Phía trên khán đài, ghế ngồi bong tróc, nứt nẻ, đường chạy phía dưới thì lồi lõm ổ gà, rác rưởi vương đầy. Đã không ít vận động viên bị chấn thương khi tập luyện vì đường chạy không đạt tiêu chuẩn này. Trong khu chức năng thì các phòng vắng người, lạnh lẽo, bụi phủ. Một số phòng, kính vỡ vương vãi và còn tiềm ẩn nguy cơ tệ nạn xã hội khi các đối tượng nghiện hút chọn làm nơi hút, chích.
Sân vận động Chi Lăng bây giờ là một tổ hợp hoang phế |
Ông Nguyễn Trọng Thao - Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Đà Nẵng cho biết, cơ bản thì sân Chi Lăng đã là tài sản thuộc quyền quản lý của Tập đoàn Thiên Thanh, giờ đây là tang vật của vụ án. Sở chỉ được giao quản lý khán đài A, mặt sân và đường chạy của sân vận động Chi Lăng và giao cho Trung tâm huấn luyện, đào tạo vận động viên khai thác một phần. Bây giờ có vận động viên của 6 môn là điền kinh, cờ vua, cờ tướng, bida, cầu lông, judo tập luyện, nhưng trong điều kiện rất khó khăn. Riêng bộ môn điền kinh thì hằng ngày phải di chuyển từ chung cư vận động viên ở Hòa Xuân về tập luyện, vừa rất tốn kém lại mất thời gian, rất vất vả, không đáp ứng được yêu cầu tập luyện.
Sân Chi Lăng được TP Đà Nẵng bán cho Công ty CP Tập đoàn Thiên Thanh vào năm 2010. Thời điểm đó, UBND TP Đà Nẵng đồng ý chủ trương cho phép đầu tư vào dự án khu phức hợp thương mại - dịch vụ theo đơn giá chuyển quyền sử dụng đất. Sau 8 năm, dự án đi vào ngõ cụt khi Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh Phạm Công Danh bị bắt.
Sau khoảng lặng của dư luận, gần đây, những thông tin về sân vận động Chi Lăng xuất hiện nhiều trên phương tiện thông tin đại chúng. Trong kỳ họp lần thứ 7 HĐND TP Đà Nẵng khóa 9, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết, sẽ thương lượng với các cơ quan liên quan để lấy lại sân vận động Chi Lăng trong quá trình thi hành án.
Trong một buổi họp báo sau đó nửa tháng, ông Đặng Việt Dũng - Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - cũng tái khẳng định quyết tâm này của thành phố.
Ông Nguyễn Nho Trung, Chủ tịch HÐND TP Ðà Nẵng khi trả lời phỏng vấn cũng cho biết: Lấy lại sân Chi Lăng là chủ trương lớn của thành phố. Thành phố đang nghiên cứu luật để tính toán chuyện thương lượng lấy lại sân Chi Lăng phục vụ cho sự phát triển bền vững của thành phố. Tuy nhiên, lấy lại bằng cách nào, TP Đà Nẵng sẽ nghiên cứu và báo cáo Chính phủ.
Có thể nói, chủ trương thương lượng lấy lại sân vận động Chi Lăng đã được thống nhất cao trong tập thể lãnh đạo thành phố. Đây cũng là nguyện vọng của đa phần người dân TP Đà Nẵng. Tuy nhiên, để lấy lại được “chảo lửa” Chi Lăng cho người dân Đà Nẵng cũng còn nhiều gian truân. Nhưng đây là một việc cần làm để khắc phục những sai phạm về quản lý đất đai ở thời kỳ trước và trả lại những thiết chế văn hóa mà người dân Đà Nẵng có quyền được hưởng.
Có thể nói ra hoặc lặng thinh, nhưng với người Đà Nẵng, sân Chi Lăng dù đậm hay nhạt, dù ít hay nhiều cũng là một phần ký ức và gắn bó với họ. Thế nên, quyết định bán sân Chi Lăng vào năm 2010 chẳng khác gì “ký ức của mình bị người khác đánh cắp”. |
Đà Nẵng quyết lấy lại sân Chi Lăng và mở lối xuống biển cho người dân | |
Đà Nẵng sẽ thành trung tâm dịch vụ dầu khí? | |
Sớm sửa chữa sai lầm trong quy hoạch Đà Nẵng |
Thanh Hiếu