Kiểm soát xe máy điện thế nào đây?
Năng lượng Mới số 330
Bảo vệ người dân
Ngày 6-6-2014, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức hội thảo với chủ để “Tăng cường công tác tuyên truyền về đảm bảo an toàn cho người sử dụng các phương tiện xe hai bánh chạy bằng điện”. Hội thảo đã tập hợp giải đáp nhiều lo ngại của người dân quanh vấn đề sử dụng xe hai bánh chạy bằng điện như tại sao phải đăng ký xe, xử lý xe vi phạm…
Từ 2010 đến nay, số lượng xe hai bánh chạy bằng điện tăng cao, nhất là các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh… Theo thống kê chưa chính thức, số lượng xe đang lưu hành trên cả nước đã lên đến hơn 1 triệu xe. Chỉ cần tính giá trị trung bình của một chiếc xe gắn động cơ điện vào khoảng 8-10 triệu đồng thì hiện nay đã có khoảng 8.000 tỉ đồng của người dân chưa được cấp một giấy chứng nhận sở hữu nào của cơ quan có thẩm quyền. Như vậy, khi xảy ra những việc như mất cắp, cưỡng đoạt thì xe đạp điện, xe máy điện cũng chưa được pháp luật bảo vệ...(?).
Bà Lê Minh Châu - Phó vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) nhận xét, xe máy điện, xe đạp điện không rõ nguồn gốc và chưa được kiểm định về chất lượng an toàn kỹ thuật, nhưng vẫn được bày bán. Bên cạnh đó, xe đạp điện, máy điện nhập khẩu bán tràn lan trên thị trường vi phạm về nhãn mác, thương hiệu, không có hóa đơn, chứng từ... Mặt hàng trôi nổi này đã và đang tác động tiêu cực đến người tiêu dùng, phá hoại nền sản xuất trong nước và thất thu ngân sách của Nhà nước. Loại phương tiện này hầu hết được nhập theo đường tiểu ngạch, có nguồn xuất xứ từ Trung Quốc. Ngoài ra, nhiều cửa hàng kinh doanh không niêm yết giá, dán nhãn hàng... khiến người tiêu dùng khó xác định được giá và chất lượng.
Xe máy điện phải đăng ký biển kiểm soát
Hơn thế nữa, thời gian qua người dân đi xe máy điện mặc nhiên không đội mũ bảo hiểm, không hạn chế tốc độ… Theo thông tin từ Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội, trung bình mỗi tháng có hàng chục vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe đạp, xe máy điện. Nhiều nạn nhân đi xe máy điện không làm chủ tốc độ, hệ thống phanh thiếu an toàn lại không đội mũ bảo hiểm đã gây tai nạn cho chính bản thân mình. Điển hình như vụ tai nạn xảy ra ngày 31-5, một nữ sinh 15 tuổi người Thái Bình được chuyển đến cấp cứu trong tình trạng sốc mất máu, tróc toàn bộ da đùi phải, gãy xương chân trái, gãy xương chậu...
Hiện nay, đối tượng học sinh điều khiển xe đạp điện vi phạm Luật An toàn giao thông đường bộ, không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, dàn hàng ngang diễn ra khá phổ biến. Tuy nhiên, chế tài xử phạt đối với hành vi này chưa đủ sức răn đe. Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn - Cục phó Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (C67, Bộ Công an) nhấn mạnh, theo thống kê, mỗi năm lực lượng cảnh sát giao thông xử phạt trên dưới 6 triệu trường hợp vi phạm luật giao thông. Riêng, xe môtô, xe gắn máy, xe đạp điện là gần 4 triệu trường hợp. Các loại xe đạp điện, xe máy điện đang lưu hành có vận tốc tối đa lên tới 40-50km/h, nhưng lại không phát ra tiếng động, không có đèn tín hiệu khi chuyển hướng khiến người đi sau rất khó phát hiện nên dễ xảy ra tai nạn giao thông. Xe đạp điện, máy điện tiềm ẩn một mối nguy hiểm cho người điều khiển và cho những người tham gia giao thông.
Theo Nghị định số 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định áp dụng mức phạt đối với người điều khiển và người ngồi trên xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm là 100.000-200.000 đồng với người trên 18 tuổi, từ 16-18 tuổi phạt 50% của mức phạt trên, còn dưới 16 tuổi chỉ cảnh cáo và tạm giữ xe. Nhưng trong thực tế, hầu hết người sử dụng xe đạp điện tại Việt Nam đều là các em học sinh (dưới 18 tuổi) nên cảnh sát giao thông chỉ có thể áp dụng được mức phạt tối đa là 75.000 đồng, chính mức phạt còn quá nhẹ nên chưa đủ mức răn đe.
Phương tiện hai bánh chạy bằng điện không chỉ gây mất an toàn giao thông, việc bùng nổ trào lưu sử dụng xe đạp điện còn làm phát sinh thêm loại tội phạm trộm cắp phương tiện này. Do vậy, để nâng cao cảnh giác của học sinh đối với hành vi trộm cắp, cũng như nâng ý thức chấp hành giao thông cần phải có nhiều biện pháp tuyên truyền, giáo dục ngay trên ghế nhà trường.
Cả nước cùng vào cuộc
Ngay từ đầu năm 2014, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Công Thương và Bộ Công An quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu xe đạp điện, máy điện. Tại các địa phương, tính đến hết ngày 5-6, đã có 7 tỉnh thành là Hà Nội, Nam Định, Vĩnh Phúc, TP Hồ Chí Minh, Cà Mau và Bến Tre xây dựng chuyên đề, kế hoạch xử lý vi phạm đối với người đi xe máy điện, xe đạp điện vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Tại hội thảo vừa qua về phương tiện xe hai bánh chạy bằng điện, nhiều đại biểu đã “hiến kế” giúp các cơ quan quản lý thực hiện rốt ráo việc phân biệt giữa xe đạp và xe máy điện, xác định độ tuổi của người điều khiển…
Từ năm 2012-2013, Bộ Giao thông Vận tải đã có các thông tư 44/2012 và 41/2013, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Vụ Khoa học Công nghệ cũng đã ban hành kèm theo các thông tư trên bộ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về động cơ, ắc quy xe máy điện. Để kiện toàn hơn nữa việc quản lý, quy định về kiểm tra chất lượng xe điện, Bộ Giao thông Vận tải đang tiếp tục dự thảo ban hành một thông tư sửa đổi, điều chỉnh các thông tư kiểm soát xe điện từ năm 2009 đến năm 2013 để Bộ Công an có thể đăng ký xe máy điện. Mặc dù được đánh giá là khá toàn diện và đầy đủ căn cứ để đăng ký biển kiểm soát, kiểm định chất lượng phương tiện xe 2 bánh chạy bằng điện nhưng cho đến nay, công tác đăng ký và quản lý phương tiện hai bánh chạy bằng điện vẫn gặp nhiều vướng mắc. Hầu hết chủ sở hữu xe máy điện vẫn thiếu các loại giấy tờ và nguồn gốc của xe. Không chỉ người dân, ngay cả cán bộ làm nhiệm vụ vẫn gặp khó khăn trong việc phân biệt bằng cảm quan qua công suất động cơ và vận tốc thiết kế lớn nhất của xe đạp điện và máy điện.
Tìm hiểu tại các điểm đăng ký xe máy điện của quận Tây Hồ, Cầu Giấy, Ba Đình… được biết, cán bộ chiến sĩ phụ trách đăng ký phương tiện xe 2 bánh đang tiến hành tổ chức tập huấn thực hiện Thông tư số 15 của Bộ Công an. Như vậy, với sự phối hợp giữa nhắc nhở các hành vi vi phạm liên quan đến phương tiện xe 2 bánh chạy bằng điện đang lưu thông và chuẩn bị sẵn sàng để đăng ký biển kiểm soát, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của người dân, với sự vào cuộc của 3 bộ và các địa phương chắc chắn việc kiểm soát xe 2 bánh chạy bằng điện sẽ nhanh chóng được triển khai đồng bộ, đủ tình và lý.
Trong tháng 5-2014, toàn thành phố xảy ra 184 vụ tai nạn giao thông, làm chết 55 người, bị thương 163 người (tăng 37 vụ, 16 người chết, 32 người bị thương so với tháng 4-2014). Tai nạn giao thông tại các huyện ngoại thành chiếm trên 70% số vụ. Thông tin từ Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), tính đến cuối tháng 5-2014, Cục Đăng kiểm đã kiểm định được gần 4.000 phương tiện 2 bánh chạy bằng điện. |
Thành Công - Thiên Mính
-
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm được bổ nhiệm giữ chức Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam
-
Luật sư Trương Anh Tú: Dự thảo luật về hoàn thuế GTGT phải đảm bảo công bằng cho doanh nghiệp
-
Quốc hội thẩm tra Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030
-
Nhiều đại biểu tán thành việc đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT 5%
-
UAE muốn xây dựng trung tâm trung chuyển, dự trữ các sản phẩm dầu mỏ tại Việt Nam