Kịch bản nào cho xuất khẩu Việt Nam năm 2021?
Tiếp tục đà tăng trưởng của năm 2020, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tháng đầu năm 2021 đạt mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước. |
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng đầu tiên của năm 2021 ước tính đạt 54,1 tỷ USD, tăng 45,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 27,7 tỷ USD, tăng 50,5%; nhập khẩu hàng hóa đạt 26,4 tỷ USD, tăng 41%.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1/2021 ước tính đạt 27,7 tỷ USD, tăng 0,2% so với tháng trước; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 7,6 tỷ USD, tăng 6,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 20,1 tỷ USD, giảm 2%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1 tăng 50,5%.
Trong tháng 1 có 6 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Điểm sáng xuất khẩu vẫn nằm ở nhóm hàng công nghiệp chế biến với mức tăng 1% so với tháng 12/2020, chiếm 86,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, điện thoại các loại và linh kiện tiếp tục là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất đạt 5,8 tỷ USD, tăng khá mạnh 25,9% so với tháng 12/2020.
Điện thoại các loại và linh kiện tiếp tục là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất đạt 5,8 tỷ USD. |
Xuất khẩu mặt hàng này tăng mạnh do hãng Samsung cho ra mắt bộ ba sản phẩm mới là Samsung Galaxy S21, Samsung Galaxy S21 Plus và Samsung Galaxy S21 Ultra. Đây được xem là những chiếc điện thoại cao cấp Android mở màn cho làng công nghệ trong năm mới 2021.
Trong khi đó, xuất khẩu nông - lâm - thủy sản suy giảm 16,2% do khó khăn về thị trường khi thời gian gần đây, Trung Quốc liên tục tăng cường các biện pháp thắt chặt kiểm dịch và an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc cùng nhiều yêu cầu chi tiết về cơ sở đóng gói, nhãn mác... khiến xuất khẩu các mặt hàng nông - lâm - thủy sản sang thị trường này gặp không ít khó khăn.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 1/2020 ước tính đạt 26,4 tỷ USD, tăng 41% so với cùng kỳ. Từ đó, kéo dài kết quả xuất siêu ấn tượng với 1,3 tỷ USD ngay trong tháng đầu năm.
Chuyên gia của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương CIEM đã đưa ra dự báo 2 kịch bản cho tăng trưởng kinh tế năm 2021. Theo đó, tăng trưởng kinh tế năm 2021 có thể đạt mức 5,98% theo Kịch bản 1, và 6,46% trong Kịch bản 2. Xuất khẩu cả năm dự báo tăng 4,23% trong Kịch bản 1 và tăng 5,06% trong Kịch bản 2. Thặng dư thương mại dự báo tương ứng ở các mức 5,49 tỉ USD và 7,24 tỉ USD. Lạm phát bình quân năm 2021 lần lượt đạt 3,51% và 3,78%.
Theo chuyên gia từ CIEM, xuất khẩu vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn như các nước nhập khẩu ngày càng siết chặt rào cản phi thuế quan, thêm vào đó là sự sụt giảm đơn hàng xuất khẩu, cũng như thiếu hụt nguyên, vật liệu đầu vào; các chi phí vận chuyển, lưu kho tăng.
Theo TS Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, để bảo đảm tăng trưởng xuất khẩu bền vững, Việt Nam cần nghiên cứu các giải pháp đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Đồng thời cần nghiêm túc, thường xuyên rà soát xuất xứ của hàng Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ, tránh gian lận xuất xứ.
Bộ Công Thương cũng cho biết, bước sang năm 2021, dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Các hoạt động kinh tế sẽ tiếp tục được thực hiện trong trạng thái “bình thường mới”. Tuy nhiên, sang năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam có những cơ sở để tin tưởng vào một kết quả tích cực khi các FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA đã trải qua giai đoạn thực thi ban đầu, với ưu đãi về thuế quan và các điều kiện tiếp cận thị trường mở ra cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế sang thị trường các nước thành viên. Đặc biệt, nếu tình hình dịch bệnh ở châu Âu khả quan hơn nhờ hiệu quả của việc sử dụng vắc xin trong tiêm chủng phổ thông thì cơ hội này càng trở nên rõ rệt.
Theo enternews.vn
-
Tin tức kinh tế ngày 18/10: Standard Chartered nâng mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên 6,8%
-
Tin tức kinh tế ngày 26/9: Giải ngân vốn đầu tư công mới đạt gần 43% kế hoạch
-
Tin tức kinh tế ngày 17/9: Dư nợ bất động sản cao kỷ lục
-
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh 3 nhiệm vụ trọng tâm đối với ngành công thương
-
Xuất khẩu của Hàn Quốc “bứt phá” nhờ nhu cầu chíp toàn cầu mạnh mẽ