Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Khuyến khích kiểu này thì gay quá!

07:02 | 05/09/2014

1,357 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày... tháng… năm 2015, Ủy ban Nhân dân huyện M đã ban hành quy định yêu cầu toàn thể cán bộ, công nhân viên chỉ được uống loại rượu do tỉnh sản xuất và lệnh cho các cơ quan chức năng tịch thu tất cả các loại rượu “ngoại lai”.

Năng lượng Mới số 354

Mục đích của việc làm này là khuyến khích người dân sử dụng loại rượu “truyền thống” của tỉnh, đồng thời coi đây là một biện pháp tăng thu ngân sách cho tỉnh, khuyến khích “người tỉnh dùng hàng tỉnh”.

Ngày… tháng… năm 2016, Ủy ban Nhân dân tỉnh X có văn bản yêu cầu nhân dân trong tỉnh sử dụng các loại giày, dép do một nhà máy của tỉnh sản xuất. Việc làm này là nhằm mục đích khuyến khích người dân ủng hộ doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh. Văn bản này cũng yêu cầu các cơ quan chức năng ngăn chặn việc giày, dép từ các nhà sản xuất khác đưa vào tỉnh, phạt thật nặng những cửa hàng bán giày, dép không do nhà máy của tỉnh sản xuất. Cán bộ, công chức nếu không dùng giày, dép của tỉnh sản xuất sẽ bị trừ vào điểm thi đua…

Hẳn bạn đọc sẽ nghĩ làm gì có chuyện quái gở như thế này!

Vâng! Đúng là không có chuyện như thế này. Đây chỉ là sự tưởng tượng của phóng viên. Nhưng sự tưởng tượng này dựa trên những việc có thật, đã xảy ra và đang gây bức xúc trong dư luận. Đó là việc tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An đã có yêu cầu và khuyến khích người dân dùng loại bia được sản xuất trên tỉnh mình.

Khuyến khích kiểu này thì gay quá!

Đây là chuyện chưa từng có. Việc có văn bản khuyến khích mọi người uống bia đã là một việc sai, nhưng lại bắt mọi người chỉ được dùng bia của “tỉnh nhà” thì lại càng quái gở hơn nữa. Bởi lẽ chúng ta đang cố gắng giảm tỷ lệ tiêu thụ rượu bia và đang có nhiều biện pháp khác để ngăn chặn tình trạng say xỉn, uống rượu bia mà vẫn tham gia giao thông, rồi tình trạng công chức kéo nhau đi nhậu trong giờ làm việc. Có thể vì quá sốt ruột khi ngân sách tỉnh nhà giảm sút nên lãnh đạo Hà Tĩnh và Nghệ An mới phải ra văn bản như vậy? Hay là những người có trách nhiệm tham mưu cho lãnh đạo tỉnh đã móc ngoặc với doanh nghiệp sản xuất bia để có được một chỉ thị mang tính cục bộ địa phương nặng nề đến thế?

Điều gì sẽ xảy ra với đất nước ta nếu mỗi tỉnh, mỗi thành phố đều có những quy định yêu cầu mọi người phải ưu tiên dùng hàng do các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh mình sản xuất (?!). Chẳng lẽ 64 tỉnh thành lại trở thành 64 vương quốc hay sao?

Chúng ta đều biết người Việt Nam có một tính xấu là tính cục bộ địa phương. Chính tính xấu này đã gây ra rất nhiều những vụ việc mất đoàn kết, đặc biệt là trong hàng ngũ lãnh đạo. Cứ mỗi lần bầu bán, người ta lại phải tính đến cơ cấu vùng miền, làm sao cho chỗ nào cũng phải có đại diện của mình. Còn chuyện người đại diện đó có tài hay bất tài thì cũng mặc. Cách đây mấy chục năm, chúng ta đã phải trả một cái giá quá đắt cho việc sáp nhập xã, huyện, tỉnh. Cả một thời gian dài, các tỉnh được sáp nhập “đánh nhau” chí chóe. Sự đoàn kết thường chỉ có trong các văn bản báo cáo, còn thực tế thì người ta nghĩ đủ mưu nghĩ kế để hại nhau.

Lãnh đạo chủ chốt là người của địa phương nào thì tìm mọi cách đầu tư, thúc đẩy sản xuất cho địa phương đó, còn những nơi khác thì mặc kệ. Vì vậy, từ năm 1990, chúng ta lại phải chia các tỉnh ra, nôm na là địa phương nào trở về địa phương ấy. Chuyện tách nhập, nhập tách thời ấy đã có câu vè: “Thông minh như đất nước Nga/ Người ta cũng chẳng tách ra, nhập vào/ Thật thà như đất nước Lào/ Người ta cũng chẳng nhập vào, tách ra/ Chỉ có nước Việt Nam ta/ Quanh năm suốt tháng tách ra, nhập vào”.

Gần đây Đảng, Chính phủ đã có nhiều biện pháp mạnh để đấu tranh với tư tưởng cục bộ địa phương. Một biện pháp đang được thực hiện có hiệu quả là luân chuyển cán bộ. Về việc luân chuyển cán bộ thực ra đã được thực hiện từ thời phong kiến: Người ở địa phương nào thì không được làm quan ở địa phương ấy. Về sau này, chúng ta không tiếp tục thực hiện được điều đó. Đến nay, tình trạng cục bộ địa phương tuy đã giảm, nhưng vẫn còn nặng nề.

Người viết bài này đã từng được chứng kiến cảnh một đơn vị công an khi chia tách tỉnh thì phải chia tài sản. Và họ tranh nhau từng cái ghế, thậm chí có một chiếc bàn cũng đòi cưa đôi.

Nhưng việc như tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An có chỉ thị cho mọi người phải dùng bia của tỉnh nhà sản xuất thì lại là điều không thể chấp nhận được.

Bấy lâu nay, chúng ta chủ trương vận động “người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”. Chủ trương này đang dần đi vào cuộc sống và đã có tác dụng thực sự trong việc thúc đẩy các doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, làm ra hàng hóa với chất lượng tốt hơn, rẻ hơn và phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Nhưng nếu như vận động dân tỉnh mình dùng hàng tỉnh mình thì quả là không giống ai!

Cũng phải nói thêm rằng, trong thời gian gần đây, tình trạng một số địa phương có những biện pháp mang tính “ngăn sông cấm chợ” nhằm giảm bớt những nguồn hàng khác tràn vào tỉnh mình là có thật. Điều này là xuất phát từ sự lộn xộn do cách quản lý của chúng ta quá kém.

Ví dụ như chuyện xe taxi. Đúng là không thể chấp nhận tình trạng các đơn vị kinh doanh taxi ở tỉnh ngoài mang xe về Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh tung hoành. Đội ngũ taxi ngoại tỉnh này đã gây ra rất nhiều những chuyện phức tạp. Nào là dừng, đỗ xe tùy tiện, không thuộc đường, nào là khi xảy ra việc gì là ù té chuồn. Nhưng khi Hà Nội có chỉ thị không cho taxi ngoại tỉnh chạy trong nội đô thì lại vấp phải sự phản ứng. Vậy thì phải tách bạch ra 2 việc: xe ngoại tỉnh được chở khách vào Hà Nội và xe ngoại tỉnh không được hoạt động ở Hà Nội. Nhưng làm thế nào để giải quyết hài hòa việc này thì lại là chuyện rất không đơn giản.

Nhân chuyện Nghệ An, Hà Tĩnh “vận động” người dân tỉnh mình uống bia của tỉnh mình sản xuất, xin kể hầu bạn đọc một câu chuyện có thực cách đây 22 năm. Ấy là chuyện của một nhà máy bia do một hãng bia có tiếng của Pháp sản xuất ở một tỉnh miền Tây. Để cạnh tranh với các loại bia khác đang ngự trị trên thị trường, ông chủ nhà máy bia này nghĩ ra một mẹo là phát tiền cho công nhân viên trong nhà máy đi uống bia, nhưng chỉ được uống bia của nhà máy sản xuất.

Thế là nhân viên của nhà máy vào nhà hàng, khách sạn gọi đồ nhậu, rồi mới gọi bia. Khi nhân viên nhà hàng nói chưa bán loại bia ấy, họ lập tức đứng dậy ra về. Trò láu cá này đã có hiệu quả trong một thời gian. Sản lượng bia của nhà máy tăng vọt. Nhưng thật không may, chỉ được hơn một năm, do nhà máy làm ăn kém, chất lượng bia không đảm bảo nên loại bia danh tiếng đó đã dần dần biến mất trên thị trường.

Ngẫm lại chuyện Nghệ An, Hà Tĩnh yêu cầu người dân uống bia của tỉnh, thiết nghĩ các cơ quan quản lý Nhà nước cần phải có thái độ cứng rắn để chấm dứt ngay tình trạng cục bộ địa phương kiểu như thế này.

Như Thổ