Không phạt nặng khó ngăn thực phẩm bẩn
Tại TP HCM, Chi cục Thú y thành phố đã phát hiện nhiều vụ vi phạm về buôn bán, kinh doanh thực phẩm bẩn, điển hình như: Ngày 13/11/2015 kiểm tra, phát hiện ông Trần Xuân Quảng, địa chỉ số 235/5D Bis Bạch Đằng, phường 15, quận Bình Thạnh kinh doanh sản phẩm động vật trái phép được vận chuyển từ Nam Định vào TP HCM bằng xe khách, trên các thùng có nhiều chữ Trung Quốc. Tang vật gồm 1.202 kg vú heo không giấy chứng nhận kiểm dịch. Đoàn kiểm tra chuyển hồ sơ đề nghị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 4,7 triệu đồng.
Cũng trong ngày 13/11/2015 Đoàn thanh tra Chi cục Thú y thành phố đã kiểm tra, phát hiện ông Lê Minh Tài, ngụ ở 1/33 Bình Lợi, phường 13, quận Bình Thạnh, tổ chức sản xuất sản phẩm động vật trái phép, dùng thịt heo nái làm giả thịt nhím, nai, đà điểu… tang vật gồm 1.977 kg sản phẩm các loại, đóng gói gồm: thịt đùi đà điểu 11 kg, phi lê đà điểu 128 kg, cánh đà điểu thui 17 kg, thịt nhím 153 kg, thịt nai 475 kg, thịt chưa đóng gói 766 kg và 327 kg xương heo. Đoàn kiểm tra chuyển hồ sơ đề nghị UBND quận Bình Thạnh xử phạt vi phạm hành chính.
Ngâm hoá chất biến thịt heo thành thịt bò |
Ngày 8/1/2016, Đoàn công tác liên ngành phòng chống dịch Trạm kiểm dịch động vật Xuân Hiệp kiểm tra tuyến quốc lộ 1A phát hiện ông Lê Văn Măng sử dụng phương tiện xe tải biển số 51C-08863 vận chuyển 24 thùng xốp. Qua kiểm tra toàn bộ lô hàng là vú heo đông lạnh với tổng khối lượng 1.200 kg. Lô hàng không có giấy chứng nhận kiểm dịch, nậm vú heo đang chảy nước. Trạm kiểm dịch động vật Xuân Hiệp đã lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính hơn 4,7 triệu đồng.
Có thể thấy, có rất nhiều các vụ vi phạm lớn được phát hiện. Tuy nhiên, đa số các vụ việc chỉ được xử lý bằng việc phạt hành chính ở mức khá thấp chỉ vài triệu đồng đến hơn chục triệu đồng/vụ, chưa thật sự đủ sức răn đe.
Ngoài phát hiện các vụ việc vận chuyển, kinh doanh sản phẩm động vật không có nguồn gốc xuất xứ, không qua kiểm dịch, quá hạn sử dụng... Chi Cục Thú y TP HCM còn phối hợp với các ban ngành liên quan, kiểm tra phát hiện nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng trong giết mổ, bơm nước vào gia súc để gia tăng trọng lượng, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi như:
Trong năm 2015, các trạm thú y quận, huyện đã phối hợp với các ban ngành chức năng địa phương, kiểm tra, xử lý 49 trường hợp giết mổ gia súc, gia cầm trái phép với số tiền phạt hơn 400 triệu đồng. Trong số các trường hợp giết mổ trái phép đã phát hiện 4 trường hợp sử dụng thuốc an thần và chất cấm trong chăn nuôi tại quận 12, Gò Vấp, Hóc Môn, Củ Chi.
Chi cục Thú Y TP HCM cũng đã phối hợp với Chi cục Thú y các tỉnh, trong đó nhiều nhất là Long An, chấn chỉnh tình trạng bơm nước vào gia súc và kinh doanh thịt đã rỉ dịch. Kết quả trong năm đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 96 trường hợp có hành vi kinh doanh thịt heo bơm nước, với số tiền phạt hơn 250 triệu đồng.
Kiểm tra chuyên ngành về sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, Chi cục Thú y TP HCM cũng phát hiện nhiều vụ vi phạm. Trong năm 2015, Chi Cục đã tổ chức 3 đợt kiểm tra tại 13 cơ sở giết mổ trên địa bàn, lấy 913 mẫu nước tiểu xét nghiệm trên 235 lô heo đưa về giết mổ. Qua kiểm tra phát hiện 33/235 lô dương tính với chất cấm, chiếm tỷ lệ hơn 14%. Đặc biệt, qua các đợt tái kiểm tra còn phát hiện 6 trường hợp vi phạm lần 2 và 1 trường hợp vi phạm 3 lần.
Kiểm tra thực tế tại 319 cơ sở chăn nuôi trên địa bàn huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Quận 9 trên nhóm gia súc đến thời điểm xuất bán, lấy mẫu nước tiểu, mẫu thức ăn và mẫu chất bổ sung để xét nghiệm tồn dư chất cấm, kết quả đã phát hiện 2 hộ chăn nuôi, với 12 mẫu có sử dụng chất cấm là hộ Nguyễn Thị Chấn, ấp 2 xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn và trại chăn nuôi Minh Ngọc, ấp Đồng Lớn, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi. Đồng thời, qua lấy 159 mẫu thịt tươi trên địa bàn thành phố để kiểm tra tồn dư chất cấm, phát hiện 2 mẫu tồn dư chất tạo nạc (Beta – agonist).
Thịt heo làm giả thành thịt đà điểu, cá sấu… |
Theo ông Huỳnh Tấn Phát, Chi Cục phó Chi cục Thú y TP HCM, nguyên nhân các cơ sở giết mổ cho gia súc sử dụng chất tiền mê là để giúp thịt sau khi giết mổ đẹp hơn, còn việc bơm nước sẽ làm tăng trọng lượng một con heo khoảng 3 – 5 kg, tăng lợi nhuận khoảng 200.000 ngàn đồng/con. Với lợi nhuận này, các cơ sở giết mổ không chỉ bơm nước vào heo mà còn bơm nước vào bò trước khi giết thịt. Trong năm 2015, Chi cục Thú y TP HCM đã phát hiện 3 trường hợp bơm nước vào bò và tiến hành tiêu huỷ hơn 1 tấn thịt.
Đối với vú heo động lạnh, giá mua khoảng 50.000 đồng/kg, nhưng khi tẩm ướp đưa vào bán ở các nhà hàng sẽ có giá đến 170.000 đồng/kg. Tương tự, thịt trâu đông lạnh giá khoảng 100.000 đồng/kg nhưng đem tẩm hoá chất giúp thịt có màu đỏ sẽ bán ra thị trường là thịt bò với giá khoảng 170.000 đồng/kg.
TP HCM với trên 8 triệu dân và 2 triệu khách vãng lai nên nhu cầu tiêu thụ thực phẩm có nguồn gốc động vật rất lớn. Bình quân mỗi ngày thành phố tiêu thụ khoảng 1.000 – 1.200 tấn thịt các loại, bao gồm khoảng 8.000 – 10.000 con lợn, 750 – 850 con trâu bò, 120.000 – 130.000 con gia cầm và trên 200 tấn sản phẩm đông lạnh nhập khẩu.
Trong điều kiện chăn nuôi trên địa bàn thành phố chỉ đáp ứng 18 – 20% nhu cầu tiêu thụ của người dân thì nguồn thịt nhập từ các tỉnh thành khác chiếm tỷ trọng lớn. Việc kiểm soát chất lượng thực phẩm vào thành phố cũng gặp không ít khó khăn. Bên cạnh công tác tuyên truyền, thanh kiểm tra, thì việc xử phạt mạnh tay để răn đe có vai trò quan trọng. Bởi với lợi nhuận lớn của việc kinh doanh thực phẩm bẩn như hiện nay nếu mức xử phạt như “phủi bụi” sẽ không làm chùn bước những đối tượng này.
Mai Phương
-
Nhiều đại biểu tán thành việc đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT 5%
-
UAE muốn xây dựng trung tâm trung chuyển, dự trữ các sản phẩm dầu mỏ tại Việt Nam
-
Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Đề nghị giữ quy định áp thuế GTGT 5% với phân bón
-
Tuyên bố chung giữa Việt Nam và UAE về nâng cấp quan hệ lên Đối tác Toàn diện
-
Việt Nam và UAE ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA)