Không cần thêm quan
Báo chí đã dành nhiều giấy mực ca ngợi hành động nghĩa hiệp của các hiệp sĩ ở một số nơi ở thuộc TP Hồ Chí Minh trong việc phòng chống tội phạm. Tuy nhiên, hiện nay, để bảo vệ trật tự an toàn xã hội, bảo vệ công dân, ngoài lực lượng công an còn có lực lượng bảo vệ dân phố hoạt động theo Nghị định số 38/2006/NĐ-CP ngày 17/4/2006 của Chính phủ. Theo các chuyên gia, tổ chức lực lượng như thế là đã đủ để thực hiện chức năng nhiệm vụ bảo vệ trật tự an toàn xã hội, bảo vệ công dân, phòng chống tội phạm. Vấn đề là nỗ lực của các lực lượng này đã thể hiện hết sức mạnh cần thiết nhằm bảo vệ trật tự an toàn xã hội có lúc có nơi chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Trong hoàn cảnh cụ thể này, việc người dân tự nguyện và dũng cảm tham gia bảo vệ trật tự an toàn xã hội, thậm chí trực tiếp truy bắt tội phạm là rất hoan nghênh. Tuy nhiên, việc thành lập các câu lạc bộ phòng chống tội phạm, theo các chuyên gia là không cần thiết và dễ bị biến tướng thành nhân viên công quyền ở cơ sở.
Bên cạnh những đóng góp vô tư, bất vụ lợi của hầu hết những công dân - hiệp sĩ này đã xuất hiện những hiện tượng xấu như thích hư danh khi bắt được tội phạm, rinh rang kêu người đến quay phim, chụp hình rồi mới dẫn giải đến trụ sở công an. Cũng đã xuất hiện hiện tượng giả danh hiệp sĩ để làm càn, trấn lột, đã có trường hợp ăn chia với tội phạm dẫn đến ra tòa lĩnh án. Mới đây nhất việc các “hiệp sĩ” thuộc Câu lạc bộ Phòng chống tội phạm phường Phú Hòa bị Công an quận 12 triệu tập đã đặt ra vấn đề pháp lý của mô hình câu lạc bộ “hiệp sĩ”.
Trước đó, các “hiệp sĩ” trong Câu lạc bộ Phòng chống tội phạm phường Phú Hòa, tỉnh Bình Dương do anh Nguyễn Thanh Hải làm đội trưởng đã bị Công an quận 12 triệu tập vì nghi liên quan đến vụ cưỡng đoạt tài sản. Theo Công an quận 12, cơ quan này đã nhận được đơn của ông Nguyễn Văn Hiệp (43 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn) tố cáo vào khoảng 23 giờ ngày 17/8, tại phường Trung Mỹ Tây (quận 12), ông chở em vợ là Huỳnh Thị Mai Phương mang theo 230 triệu đồng để trong cốp xe thì bất ngờ bị nhóm “hiệp sĩ” nói trên ép xe vào lề đường, móc thẻ đỏ xưng là công an, khống chế lấy số tiền này rồi lên ôtô tẩu thoát.
Các “hiệp sĩ” báo cáo rằng, họ nhận được điện thoại của một người tên Đinh Đắc Lộc nhờ giúp đỡ khẩn cấp vì ông Lộc có cho một người thuê chiếc xe Innova nhưng người đó không trả, lại buộc ông Lộc đem 240 triệu đồng đến chuộc xe. Nhận định đây là một vụ tống tiền nên các “hiệp sĩ” từ Bình Dương lên TP HCM để giúp đỡ. Sau khi ông Lộc giao tiền cho ông Hiệp và nhận được xe thì các “hiệp sĩ” yêu cầu hai bên về cơ quan công an gần nhất là Công an phường Trung Mỹ Tây để trình báo. Tuy nhiên, Công an phường Trung Mỹ Tây không tiếp nhận và hướng dẫn vụ việc xảy ra ở đâu thì về địa phương đó giải quyết. Vì vậy các “hiệp sĩ” bỏ ra về, mọi diễn biến về sau họ không biết cho đến khi bị triệu tập. Theo Tổng cục Xây dựng lực lượng - Bộ Công an, việc cấp giấy chứng nhận nhằm tạo điều kiện cho “hiệp sĩ” thuận lợi trong việc phòng chống tội phạm, chỉ có giá trị trong phạm vi trên địa bàn mà địa phương đó cấp. Trong trường hợp truy bắt tội phạm sang địa bàn khác, các “hiệp sĩ” phải báo cho công an và phải được đồng ý, làm theo sự chỉ huy, chỉ đạo của công an.
Theo các chuyên gia, mô hình câu lạc bộ “hiệp sĩ” tuy có một số hiệu quả được xã hội ghi nhận nên cũng cần duy trì, khuyến khích để người dân sẵn sàng tham gia phòng chống tội phạm nhưng không cần thiết phải hợp pháp hóa thành một lực lượng như bảo vệ dân phố chuyên trách. Bởi vì tính chất “hiệp sĩ” là hành động nghĩa hiệp khi gặp tình huống cần phải ra tay cứu giúp, không bị ràng buộc bởi ranh giới hành chính. Điều 82 Bộ luật Tố tụng hình sự cho phép bất kỳ người dân nào cũng có quyền tước vũ khí, hung khí bắt người trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã và giải ngay đến Cơ quan Công an, Viện Kiểm sát hoặc UBND nơi gần nhất. Để hoạt động hiệu quả, an toàn, đúng pháp luật, các tổ “hiệp sĩ” tự quản cần có điều lệ tiêu chuẩn rõ ràng để tuyển chọn thành viên, cần có các chuyên gia pháp lý, tâm lý, điều tra hỗ trợ và đào tạo các kỹ năng, kiến thức cần thiết, tránh những hành động vượt quá chức năng, nhiệm vụ dẫn đến vi phạm pháp luật, tránh những cạm bẫy do bọn tội phạm tạo ra để vô hiệu hóa các “hiệp sĩ”.
Câu lạc bộ “hiệp sĩ” đường phố là tổ chức tự phát của những người giàu nghĩa khí như Hớn Minh, bạn của Lục Vân Tiên trong tác phẩm lừng danh của Nguyễn Đinh Chiểu. Thời nào cũng cần những người như vậy nhưng liệu có cần định biên, tổ chức họ như một thứ quan phường là không cần thiết. Thêm quan phường làm gì?
Nghĩa Minh
-
Tuyên bố chung giữa Việt Nam và UAE về nâng cấp quan hệ lên Đối tác Toàn diện
-
Việt Nam và UAE ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA)
-
Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau thảo luận tổ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
-
Thủ tướng đề nghị 4 tập đoàn hàng đầu của UAE đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược của Việt Nam
-
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh sự cần thiết phải sửa đổi Luật Điện lực