Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: ‘Chia sẻ nguồn lực - kết nối thông tin’
Tham gia chương trình còn có đại diện một số bộ ngành, các chuyên gia khởi nghiệp, doanh nghiệp và hơn 200 thanh niên khu vực miền núi, dân tộc thiểu số có dự án khởi nghiệp.
Toàn cảnh hội thảo |
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Phan Văn Hùng cho biết, dù có nhiều lợi thế so sánh về tiềm năng đất đai, tài nguyên, đa dạng văn hoá để phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm đặc sản và du lịch... nhưng khởi nghiệp ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và nông thôn đang gặp nhiều khó khăn về vốn, kỹ năng quản trị điều hành kinh doanh, xúc tiến, quảng bá, phát triển sản phẩm, tiếp cận thông tin về cơ chế chính sách... Điều này khiến nhiều dự án khởi nghiệp chưa hiệu quả và bền vững.
"Muốn đi nhanh, hãy đi một mình, muốn đi xa, chúng ta hãy đi cùng nhau", đồng chí Phan Văn Hùng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết nối và chia sẻ nguồn lực, thông tin trong quá trình khởi nghiệp.
Bí thư thường trực Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn phát biểu tại hội thảo |
Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, từ chia sẻ tại diễn đàn cho thấy các chủ dự án khởi nghiệp đang rất thiếu thông tin do thiếu sự chia sẻ và kết nối với nhau. Khởi nghiệp rất cần năng lực, sự dũng cảm, kiên trì nhưng cũng cần có kỹ năng, sự chia sẻ nguồn lực, kết nối thông tin để chúng ta có thể mạnh hơn, đi dài hơn, đi xa hơn.
Theo đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, việc kết nối bắt đầu từ chính các hộ trong thôn bản, địa phương của mình để tìm ra những đặc trưng bản địa tốt nhất, từ đó lựa chọn sản phẩm tốt để cùng phát triển, như thế mới có thể tiết kiệm được nguồn lực và kênh phân phối. Các bạn không thể tiếp cận được thị trường nếu chính các bạn không chia sẻ, kết nối thông tin với nhau ngay tại địa phương mình.
Bí thư thường trực Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn cũng cho biết, sau buổi Hội thảo này, Ban Thanh niên nông thôn Trung ương Đoàn sẽ cũng cấp các diễn đàn, nhóm, app... về thông tin khởi nghiệp cho các chủ dự án để các bạn có thể dễ dàng chia sẻ, kết nối với nhau tốt hơn. Tới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng Trung ương Đoàn sẽ khởi động chương trình “Mỗi xã 1 sản phẩm”.
Cùng quan điểm, đồng chí Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học - công nghệ cho rằng, để hỗ trợ các start-up ở khu vực nông thôn, miền núi, thì quan trọng là phải giúp họ kết nối thông tin. Muốn khởi nghiệp thì không thể “đi một mình” mà phải có cộng đồng.
"Nếu không kết nối chia sẻ nguồn lực thì rất lãng phí. Mỗi người làm một dự án, ai tự lo thân người ấy thì khó chia sẻ, không tận dụng được nguồn lực”, đồng chí Phạm Hồng Quất, nói.
Đồng chí Phạm Hồng Quất cũng cho rằng, các địa phương hiện đang rất thiếu không gian làm việc chung cho các start-up, mà đây lại là “mạch máu” kết nối vô cùng quan trọng để tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp. Nên tận dụng các nhà văn hoá, nhà sinh hoạt cộng đồng ở các khu vực nông thôn, miền núi để biến thành nơi chia sẻ thông tin, phổ biến các kiến thức về khởi nghiệp và không gian làm việc chung của các start-up.
Các chuyên gia tư vấn chia sẻ các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong khởi nghiệp và cách tiếp cận nguồn vốn và thị trường. |
Từ thực tế, Giám đốc Công ty Thái Hưng Vũ Hòa cho rằng, điểm yếu của các start-up trong nông nghiệp hiện nay mới chỉ dừng lại ở sản xuất nguyên liệu thô, mà chưa quan tâm đến ứng dụng công nghệ để chế biến, bảo quản và đóng gói sản phẩm. Ông Vũ Hòa cũng gợi ý: “Mỗi địa phương phải xem lợi thế sản phẩm là gì để đóng gói phù hợp, bao bì phải có đặc trưng của bản địa, mua hàng không chỉ vì giá trị của sản phẩm mà có cả câu chuyện trong đó. Muốn vậy, các start-up cần sáng tạo để tạo ra sự khác biệt, tư duy trước khi làm, nhiệt tình, quyết tâm, ý chí thôi chưa đủ”.
Trong khuôn khổ chương trình, các chủ dự án khởi nghiệp còn được gặp gỡ trực tiếp các chuyên gia tư vấn về các vấn đề như: kinh nghiệm gặp gỡ nhà đầu tư và gọi vốn cho dự án khởi nghiệp; kinh nghiệm thương mại hoá sản phẩm và ứng dụng công nghệ số; cách làm nông nghiệp hữu cơ... Bên cạnh đó, hơn 30 chủ dự án đã gặp, trao đổi và giới thiệu sản phẩm với đại diện của các hệ thống phân phối lớn như Vinmart; Lotte Mart, Bữa ăn an toàn, Bác Tôm, Sao Thái Dương...
Phú Văn
-
Thủ tướng: Quan tâm giáo dục và đào tạo để tạo động lực, nguồn lực phát triển đất nước nhanh và bền vững
-
Hơn 300 đội hình thanh niên tình nguyện hỗ trợ dự án đường dây 500kV mạch 3
-
Tuổi trẻ tìm hiểu tín chỉ carbon và giảm thiểu rác thải nhựa
-
Xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Việt Nam trong thời kỳ mới
-
Xây dựng chiến lược nền tảng phát triển đại học định hướng đổi mới sáng tạo
-
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm được bổ nhiệm giữ chức Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam
-
Luật sư Trương Anh Tú: Dự thảo luật về hoàn thuế GTGT phải đảm bảo công bằng cho doanh nghiệp
-
Quốc hội thẩm tra Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030
-
Nhiều đại biểu tán thành việc đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT 5%
-
UAE muốn xây dựng trung tâm trung chuyển, dự trữ các sản phẩm dầu mỏ tại Việt Nam