Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Khoa học hạt nhân và… lương thực

16:05 | 25/09/2012

Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Bên lề Diễn đàn Lương thực cho tương lai (Food for the future) tại Khóa họp Đại hội đồng Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) lần thứ 56 tổ chức tại Viên, Cộng hòa Áo từ ngày 17 đến 22/9/2012, Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Nguyễn Quân đã trả lời báo chí về việc ứng dụng kỹ thuật hạt nhân vào nông nghiệp tại Việt Nam.

PV: Những mối quan ngại chính hiện nay của Việt Nam đối với vấn đề an ninh lương thực là gì, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Trong bài phát biểu tại lễ khai mạc diễn đàn khoa học, tôi đã nói rằng, an ninh lương thực đang là một là một thách thức lớn mang tính toàn cầu. Vấn đề bảo đảm an ninh lương thực, giảm thiểu đói nghèo vẫn phải đương đầu với nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.

Là một nước nông nghiệp, sau gần 30 năm đổi mới, Việt Nam không những đảm bảo nhu cầu tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu lương thực ra nước ngoài. Những thành công về tăng năng suất, sản xuất lúa gạo đã đóng vai trò quan trọng trong việc xóa đói, giảm nghèo, tạo nền tảng vững chắc góp phần vào an sinh xã hội và sự tăng trưởng kinh tế chung của đất nước. Tuy nhiên, an ninh lương thực của Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề: sản xuất lương thực, thực phẩm chưa thực sự bền vững; tổ chức sản xuất nông nghiệp chậm được đổi mới; cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ sản xuất còn nhiều bất cập.

Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân

PV: Vậy thưa ông, những vấn đề này có thể giải quyết khi sử dụng các ứng dụng kỹ thuật hạt nhân như thế nào?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Đưa kỹ thuật hạt nhân vào ứng dụng trong nông nghiệp sẽ góp phần không nhỏ vào phát triển bền vững bảo đảm an ninh, an toàn lương thực. Kỹ thuật hạt nhân đã được ứng dụng rất hiệu quả trong việc quản lý duy trì, cải thiện chất lượng đất canh tác, tạo ra các giống cây trồng mới, đặc biệt là các giống lúa mới, có năng suất cao, khả năng thích nghi với các tiểu vùng sinh thái, kháng sâu bệnh hại và các tác động bất lợi của biến đổi khí hậu.

Kỹ thuật hạt nhân còn đóng góp vào việc bảo vệ cây trồng và vật nuôi khỏi các loại côn trùng gây bệnh mà ít phải dùng đến các loại hóa chất độc hại, từ đó giảm thiểu thất thoát sau thu hoạch và ô nhiễm môi trường. Kỹ thuật hạt nhân cũng được áp dụng trong việc quản lý nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống con người, đồng thời giúp xác định các thành phần độc tố trong nông sản, thực phẩm phục vụ cuộc sống hàng ngày và phục vụ xuất khẩu...

PV: Ông có thể nói cụ thể hơn về những gì Việt Nam đã hợp tác với IAEA trong lĩnh vực lương thực? Theo ông, đóng góp chủ yếu của khoa học hạt nhân đối với an ninh lương thực ở Việt Nam là gì?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Đối với Việt Nam, sự giúp đỡ của IAEA trong lĩnh vực lương thực, nông nghiệp từ khi Việt Nam trở thành thành viên của IAEA là rất thiết thực và hiệu quả. Thông qua các dự án hợp tác kỹ thuật của IAEA, Việt Nam đã được hỗ trợ trong việc tạo ra các giống cây trồng: lúa, ngô, đậu có năng suất và chất lượng cao, có khả năng chống chịu bệnh dịch và phù hợp với các tiểu vùng sinh thái khác nhau của Việt Nam.

Các kỹ thuật hạt nhân đã được sử dụng trong việc tham gia kiểm soát bệnh dịch và tăng năng suất cho vật nuôi. Các cơ sở chiếu xạ được thành lập trong khuôn khổ các dự án hợp tác của IAEA và tiếp nhận công nghệ từ IAEA đã giúp cho công tác thanh trùng các sản phẩm sử dụng trong y tế, bảo vệ sức khỏe con người, sản xuất các chế phẩm sử dụng trong nông nghiệp như các chế phẩm tăng trưởng cho cây trồng, các vật liệu siêu thấm nước... Các kỹ thuật hạt nhân cũng được sử dụng trong việc thăm dò, đánh giá, quản lý nguồn nước phục vụ dân sinh và tưới tiêu trong nông nghiệp, trong việc nghiên cứu, chống xói mòn đất và quản lý đất canh tác.

Các dự án hợp tác kỹ thuật của IAEA cũng hỗ trợ cho chúng tôi hình thành các phòng thí nghiệm với các kỹ thuật phân tích, góp phần quản lý chất lượng các sản phẩm nông nghiệp cho tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu.

Đóng góp chính của ngành khoa học hạt nhân đối với vấn đề an ninh lương thực ở Việt Nam là tạo ra được các giống cây trồng có năng suất và chất lượng cao. Sử dụng nguồn phóng xạ có thể tạo ra những đột biến có lợi phục vụ cho chọn tạo các giống cây trồng mới, có những biến đổi to lớn về một vài tính trạng nào đó.

Sử dụng các công cụ, vật liệu có liên quan đến năng lượng hạt nhân chúng ta có thể giúp duy trì và cải tạo chất lượng đất cây trồng, giảm tiêu hao nước và năng lượng.

PV: Liệu trong tương lai, các kỹ thuật hạt nhân đối với sản xuất và bảo vệ lương thực thực phẩm sẽ được ứng dụng nhiều hơn hay không, thưa ông?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Với những tiềm năng ứng dụng rộng rãi của kỹ thuật hạt nhân đối với sản xuất và bảo vệ lương thực thực phẩm, góp phần đáng kể vào sự phát triển bền vững, bảo đảm an ninh và an toàn lương thực, tôi tin tưởng rằng, trong tương lai, các kỹ thuật này sẽ ngày càng được sử dụng nhiều hơn, đồng thời đây cũng là một trong những đóng góp tích cực của việc sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân đối với sự phát triển kinh tế xã hội của nhân loại.

Theo Tổ chức Nông - Lương Liên Hiệp Quốc (FAO), hiện nay thế giới vẫn còn khoảng 1 tỉ người thường xuyên không đủ ăn. Trong đó, nỗi đau lớn nhất là cứ mỗi năm lại có khoảng 6 triệu trẻ em chết vì đói. Có thể thấy rằng, vấn đề đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm đang trở nên vô cùng cấp bách trong những năm trở lại đây.

Nam Phương

(Năng lượng Mới số 158, ra thứ Ba ngày 25/9/2012)