Khó xuất hiện "sóng lớn"
Bất động sản, chứng khoán hấp dẫn
Theo Trung tâm Nghiên cứu thuộc Công ty CP Chứng khoán MB, năm 2018, kinh tế vĩ mô được dự báo tiếp tục ổn định, đóng vai trò nền tảng hỗ trợ cho thị trường chứng khoán (TTCK) phát triển. Năm 2018 là năm bản lề thực hiện mục tiêu đưa TTCK Việt Nam thăng hạng lên nhóm TTCK mới nổi.
BĐS tiếp tục là một trong những thị trường được đánh giá sẽ thu hút đầu tư |
Thực tế cho thấy, TTCK có điều kiện để đạt mục tiêu đó. Bởi vì, năm 2017 ghi nhận những kỷ lục của TTCK trong nhiều năm trở lại đây và tăng trưởng mạnh so với năm 2016. Năm 2017, chỉ số VN-Index tăng 48%; thanh khoản tăng mạnh; khối ngoại mua ròng gần 26.000 tỉ đồng, tương đương mức mua ròng 10 năm trước cộng lại. TTCK phái sinh được đưa vào vận hành sớm, thu hút các nhà đầu tư. Cho đến thời điểm này, đa số các báo cáo phân tích đều cho rằng, động lực tăng trưởng của TTCK Việt Nam năm 2018 có nhiều nét tương đồng với năm 2017. Do đó, chứng khoán vẫn sẽ là kênh đầu tư hấp dẫn trong năm 2018.
Đối với bất động sản (BĐS), thị trường BĐS năm 2017 tăng trưởng trở lại với mức tăng khoảng 4,07% so với năm 2016. Dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và tỷ lệ giải ngân vốn FDI tăng cao nhất trong 10 năm qua. Trong đó, FDI vào thị trường BĐS đứng thứ 3 trong toàn quốc và đứng thứ 2 tại TP HCM. Kiều hối vẫn tiếp tục tăng và luôn giữ được tỷ lệ khoảng 22% đầu tư vào thị trường BĐS.
Đa số các báo cáo phân tích đều cho rằng, động lực tăng trưởng của TTCK Việt Nam năm 2018 có nhiều nét tương đồng với năm 2017. Do đó, chứng khoán vẫn sẽ là kênh đầu tư hấp dẫn trong năm 2018. |
Ông Phạm Thành Hưng - Phó chủ tịch HĐQT Cen Group cho hay, trong khi những khách hàng đến từ Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, Hongkong… đang gia tăng đầu tư BĐS ở Việt Nam thì số lượng khách hàng Mỹ, Anh, Đức tìm kiếm thông tin về BĐS Việt cũng khá cao. Nghĩa là, Việt Nam sẽ xuất khẩu BĐS tại chỗ, doanh nghiệp thu được ngoại tệ từ chính khách hàng cá nhân nước ngoài chứ không phải qua hình thức thu hút vốn FDI.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM dự báo, thị trường BĐS năm 2018 sẽ tiếp tục khả quan và nhiều khả năng vẫn giữ được ổn định như năm 2017. Quy mô thị trường BĐS TP HCM vượt ra khỏi ranh giới hành chính của thành phố và đã có tính lan tỏa ra các tỉnh lân cận, có tính chất bổ sung cho nhau, góp phần tái phân bố dân cư trong khu vực.
Khó có “sóng” trên thị trường
Các chuyên gia kinh tế - tài chính khẳng định, nhìn chung, sẽ không có thị trường nào là kênh đầu tư nóng. Chỉ một vài thị trường có tín hiệu khá hơn cho các nhà đầu tư khi quyết định “rót vốn”. TTCK năm 2017 phát triển mạnh tiếp tục tạo lực cho năm 2018. Thị trường BĐS phát triển ổn định và nhận được nhiều nguồn đầu tư trong và ngoài nước. Thị trường vàng khá ổn định nhưng không có “sóng”, không hấp dẫn nhà đầu tư. Vàng vẫn là kênh tiết kiệm, dự trữ, đầu tư, song không sôi động.
Theo kết quả khảo sát của Reuters, giá vàng năm 2018 có thể cao hơn năm 2017 khoảng 3% do tác động trái chiều giữa kế hoạch tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) và khủng hoảng chính trị. Tuy nhiên, tại Việt Nam, vàng không còn là kênh đầu tư hấp dẫn đối với giới đầu tư và người dân. Bởi vì có những thời điểm vàng thế giới biến động mạnh thì thị trường vàng trong nước tương đối ổn định. Kết quả, sự hấp dẫn của vàng miếng liên tục sụt giảm, doanh số mua bán vàng không còn “nóng” như trước. Lãi suất tiền gửi trong năm 2017 khá trầm lặng. Lãi suất trên thị trường dịp cuối năm 2017 và đầu năm 2018 vẫn không có dấu hiệu tăng nhiệt khi bước vào mùa kinh doanh chủ chốt của các ngân hàng. Lãi suất được đánh giá thấp hơn nhiều so với trước đây, vì vậy tiền gửi được người dân tìm đến như một sự an toàn. Ngoại hối có sự ổn định và không phải là kênh quan tâm nhiều trừ khi có “sóng”.
Theo các chuyên gia, bất kỳ đầu tư vào kênh nào, các nhà đầu tư đều quan tâm đến 3 mục tiêu: an toàn vốn, sinh lời cao, thanh khoản tốt.
Chứng khoán và BĐS được cho là tương đối an toàn vốn. Ở góc độ sinh lời thì chứng khoán sinh lời cao nhưng lại không dao động nhiều. Lãi suất tiền gửi cũng chỉ ở mức 6-7%/năm. Riêng thanh khoản, BĐS và chứng khoán dễ mua, dễ bán nếu thị trường tăng nhiệt…
Song, dù đầu tư vào kênh nào nhà đầu tư cũng cần thận trọng nghiên cứu và xem xét kỹ lưỡng trước quyết định tung vốn, tránh rủi ro không đáng có.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng: Kinh tế vĩ mô năm 2018 của Việt Nam tiếp tục thuận lợi, tuy nhiên có thể còn nhiều biến động khó lường do chịu ảnh hưởng của kinh tế thế giới. Để lựa chọn kênh đầu tư thì chứng khoán và BĐS được các nhà đầu tư quan tâm nhiều nhất. Hai kênh đầu tư chứng khoán và BĐS có thể khả quan nhưng với điều kiện nền kinh tế không có biến động. Nếu biến động bất lợi thì thì hai kênh này sẽ dễ tổn thương, dẫn đến tình trạng bán tháo. Điển hình, năm 2016, thị trường chứng khoán bị một phen chao đảo, các nhà đầu tư thi nhau rút chạy. Tương tự, thị trường BĐS rơi vào khủng hoảng trong năm 2008. Khi thị trường không thuận lợi, ngoài hai lĩnh vực này bị tổn thương, còn tác động mạnh đến nhiều lĩnh vực kinh tế khác. |
Thanh Hồ
-
Tin tức kinh tế ngày 31/10: Thị trường chứng khoán hồi phục bất ngờ
-
Bộ Công Thương phát động Cuộc thi tìm hiểu truyền thống ngành Công Thương
-
Giới chuyên gia dự báo tồn kho dầu thô của Mỹ
-
Tin Thị trường: Các nhà giao dịch không chắc về kế hoạch của OPEC+
-
Hoạt động xuất khẩu LNG của Hoa Kỳ sẽ đối mặt với nhiều rủi ro nếu ông Trump đắc cử