Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Khi quân phục bị kẻ gian lợi dụng (Kỳ 1)

10:08 | 07/03/2016

Theo dõi PetroTimes trên
|
Vụ việc siêu lừa Lê Xuân Giang và cái gọi là Tập đoàn thiết bị y tế BQP, Công ty Liên kết Việt do y dựng lên vươn vòi bạch tuộc đa cấp, lừa đảo hàng vạn người, chiếm đoạt hơn 1.900 tỷ đồng đã và đang làm choáng váng dư luận. Để những mưu ma chước quỷ này lộng hành, ngoài những kẻ hở pháp luật còn có nguyên nhân của sự thờ ơ, vô cảm, tắc trách khi thi hành công vụ của những cơ quan hữu trách. Từ cách đây 4 năm, nhóm phóng viên thực hiện loạt bài này đã viết bài cảnh báo, yêu cầu xử lý tới nhiều cơ quan nhưng sự việc đều bị chìm vào im lặng khó hiểu. Cũng vì thế, Lê Xuân Giang ngày càng liều lĩnh, thách thức cả các cơ quan báo chí và lún sâu vào vũng bùn tội lỗi…

Ngang nhiên giả mạo

Năm 2012, chúng tôi nhận được nhiều đơn thư của hàng loạt người dân ở tỉnh Điện Biên đã gửi báo chí và Viện Khoa học Công nghệ Quân sự (Bộ Quốc phòng) thắc mắc về việc một số sĩ quan quân đội tới chăm sóc sức khỏe, bán máy vật lý trị liệu có dấu hiệu bất minh.

khi quan phuc bi ke gian loi dung ky i
khi quan phuc bi ke gian loi dung ky i

Công văn của Viện Khoa học Công nghệ quân sự gửi Cục Điều tra Hình sự (Bộ Quốc phòng) về hành vi sai trái của Công ty BQP.

Trong đơn gửi Viện KHCNQS, các bà Vũ Thị Nga ở đội 4A xã Thanh Xương, huyện Điện Biên; Nguyễn Thị Quỳ, tổ dân phố 5, Nguyễn Thị Chính tổ trưởng dân phố 2, phường Nam Thanh, thành phố Điện Biên đều băn khoăn về việc xuất hiện một nhóm người lạ mặc quân phục đến địa phương bán một loại máy có tên Great-12. Trong số này, có hai người xưng tên là Nguyễn Thị Chung và Nguyễn Quang Bình, nói là người của Viện KHCNQS. Họ cho biết, máy Great 12 mới là của quân đội sản xuất, còn máy Wonder MF5-08 là máy “giả”.

Chúng tôi đã tới làm việc với Đại tá Trịnh Hữu Tấn, Chánh thanh tra Viện KHCNQS để làm rõ sự thật. Đại tá Tấn cho biết, Viện KHCNQS kiểm tra thì cả Viện không có ai tên như trên, Viện cũng không bao giờ cử cán bộ, sĩ quan đi tiếp thị, bán hàng. Không dừng lại ở đó, ngày 18-10-2012, nhiều người dân ở phường Nghĩa Tân (Cầu Giấy – Hà Nội) phản ảnh, họ nhận được giấy mời của “Tập đoàn Thiết bị Y tế BQP” phối hợp với Hội Người cao tuổi Phường tổ chức hội thảo tư vấn sức khoẻ và giới thiệu máy vật lý trị liệu. “Chúng tôi rất bức xúc khi xem giấy mời ghi đơn vị tổ chức là “Tập đoàn Thiết bị y tế BQP” trực thuộc “Bộ KHCNQS/BQP” và người tư vấn là Thạc sĩ, bác sĩ Mai Xuân Sinh, cán bộ Viện KHCNQS (Bộ Quốc phòng). Trên thực tế, Viện không có ai tên là Mai Xuân Sinh” – Đại tá Trịnh Hữu Tấn kể với phóng viên.

Ngay sau đó, Đại tá Nguyễn Thế Hiếu, Viện trưởng Viện Điện tử thuộc Viện KHCNQS đã có công văn gửi Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN), Cục quản lý thị trường (Bộ Công thương), Vụ trang thiết bị - Công trình y tế (Bộ Y tế) kiến nghị vào cuộc xử lý vụ việc trên. Đại tá Nguyễn Thế Hiếu cho biết: Viện Điện tử những năm qua, ngoài nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ phục vụ quân đội còn được Viện KHCNQS giao nhiệm vụ tổ chức nghiên cứu, sản xuất một số sản phẩm thiết bị y tế phục vụ cho dân sinh, trong đó có máy vật lý trị liệu Wonder MF5-08. Máy do Đại tá, Kỹ sư Đỗ Thế Kháng là người sáng chế, đã được cơ quan chức năng cấp phép lưu hành từ năm 2009. Gần đây, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiết bị Y tế BQP có địa chỉ tại số 10, ngõ 80, Trần Duy Hưng, Hà Nội đã có nhiều dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh, xuyên tạc sự thật về máy Wonder MF5-08.

Trao đổi với phóng viên, Đại tá Đỗ Thế Kháng bức xúc cho biết thêm: Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiết bị Y tế BQP (từ đây gọi tắt là Công ty BQP) tiền thân có tên là Công ty Cổ Phần Quốc Tế Công Nghệ ION ( WONDER ) được thành lập từ năm 2005, đến năm 2009 đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn thiết bị y tế BQP, do ông Lê Xuân Giang (còn gọi là Hà) làm Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc. Công ty này trước kia hợp tác với Viện KHCNQS phân phối sản phẩm máy Wonder MF5-08 nhưng do có nhiều sai phạm, làm ăn thiếu minh bạch nên Viện đã chấm dứt hợp đồng, hợp tác với đơn vị phân phối khác.

Gần đây, ông Giang và công ty này đã đưa ra thị trường sản phẩm máy vật lý trị liệu mang tên Great-12 có hình thức và tính năng giống máy Wonder MF5-08. Sản phẩm này cũng đã được cấp phép của cơ quan chức năng nhưng điều không thể chấp nhận ở đây chính là việc Công ty này liên tục mạo danh quân đội, mạo danh Viện KHCNQS, “mập mờ” thông tin, đánh lừa khách hàng để trục lợi.

khi quan phuc bi ke gian loi dung ky i
Sử dụng cả hình ảnh triển lãm của Bộ Quốc phòng để mạo danh là gian hàng của công ty BQP

Từ quảng cáo lố đến giả danh quân đội

Thời điểm ấy, phóng viên đã truy cập vào trang web của Công ty BQP và các trang mạng khác đăng tải thông tin quảng bá về công ty thì nhận thấy: Dấu hiệu mạo danh, lợi dung danh nghĩa quân đội để tiếp thị, bán hàng là rất rõ. Mặc dù tên đăng ký kinh doanh của công ty chỉ là BQP nhưng trên nhiều đường link từ công cụ tìm kiếm google.com.vn và từ các trang như www.ketnoikinhdoanh.vn, www.muaban.net, www.araovat.vn, www.muabanso.net đều tự xưng “Tập đoàn Thiết bị Y tế BQP (Bộ Quốc phòng).

Nguy hiểm hơn, theo Đại tá Trịnh Hữu Tấn, trong bản Ca-ta-lô quảng cáo, giới thiệu sản phẩm đã được Bộ Y tế cấp phép dùng trong các cuộc hội thảo, tư vấn, Công ty này còn vừa “lập lờ đánh lận con đen” khi dùng khẩu hiệu “Toàn Đảng – Toàn dân – Toàn quân ta hãy đưa Nghị quyết 11 Ban bí thư…vào cuộc sống” (trên thực tế Nghị quyết 11 là của Chính phủ - PV), sử dụng ảnh chụp lưu niệm với các tướng lĩnh, lãnh đạo các bệnh viện Quân đội. Trên bảng treo tại trụ sở công ty và các chi nhánh trên toàn quốc chữ “BQP” được phóng to kèm theo dòng chữ “sản phẩm ứng dụng nghiên cứu khoa học của Bệnh viện TƯ Quân đội 108 – Bộ Quốc phòng”.

Nghiên cứu kỹ nội dung Ca-ta-lô và một số quảng cáo của công ty này, chúng tôi nhận thấy có nhiều nội dung sai sự thật. Về tính năng, tác dụng máy Great-12 được bê nguyên xi như máy Wonder MF5-08 nhưng vẫn được Công ty thổi phồng lên là “hơn hẳn các loại máy khác”. Mặc dù máy Great-12 mới ra mắt từ tháng 7-2012 nhưng trên Ca-ta-lô lại lập lờ in hình Cup vàng sản phẩm – dịch vụ xuất sắc năm 2009 “Vì sức khoẻ và sự phát triển của cộng đồng” là Cúp vàng dành cho máy Wonder MF5-08 của Viện KHCNQS. Lãnh đạo Viện KHCNQS cũng rất bức xúc trước việc công ty này đăng hình ảnh gian hàng của Bộ Quốc phòng dự triển lãm tại Cam-pu-chia từ năm 2010 với sự tham dự của Thượng tướng Nguyễn Văn Được, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhưng BQP đã mạo nhận là Thứ trưởng tham quan sản phẩm của BQP.

Công ty BQP về bản chất chỉ là đơn vị lắp ráp máy, không phải là doanh nghiệp quân đội nhưng lại quảng cáo trên báo chí và trên web là “sản phẩm của người lính” “máy Great-12 quốc phòng”, “là sản phẩm sáng tạo, trí tuệ, là kết quả của quá trình nghiên cứu miệt mài bởi các nhà khoa học, các kỹ sư mang màu áo lính”. Không hiểu các nhà khoa học, các kỹ sư này là ai khi mà Công ty BQP hiện không có nhà khoa học, kỹ sư nào cả (?).

Đó là chưa kể, ca-ta-lô quảng cáo còn vi phạm pháp luật nghiêm trọng khi sử dụng quốc kỳ một cách tuỳ tiện. Ông Lê Xuân Giang hiện không còn là quân nhân tại ngũ nhưng theo bài quảng bá đăng trên Tạp chí Y học thực hành số tháng 6/2012 đã “thổi” ông Giang “là niềm tự hào của khoa học quân sự Việt Nam”(!).

Không chỉ quảng cáo lố, Công ty BQP còn có một chiêu thức khá tinh vi khác. Họ cho tuyển dụng một số sĩ quan quân đội, trong đó có cả thầy thuốc đã nghỉ hưu nhưng khi đi làm việc tại các cuộc hội thảo, tư vấn khách hàng, đều mặc quân phục, đeo quân hàm, cầu vai như cán bộ đương chức và giới thiệu là Tập đoàn Thiết bị Y tế của Bộ Quốc phòng. Chính trong tập tài liệu quảng bá còn có bản nhận xét tác dụng của máy vật lý trị liệu Great-12 của Viện Y học Cổ truyền Trung ương do Giám đốc, PGS,TS Trần Quốc Bình ký ngày 26-4-2012 cũng hai lần gọi công ty này là Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiết bị Y tế Bộ Quốc phòng. Không hiểu ông Bình và Viện này có tìm hiểu kỹ hay cũng bị thông tin sai sự thật nên ngộ nhận?

Trắng trợn hơn, ngày 22-8-2012, bà Nguyễn Thị Chung với danh nghĩa là giám đốc Văn phòng đại diện ở Đông Anh (Hà Nội) của công ty BQP đã có văn bản gửi UBND xã phường trên địa bàn tỉnh Điện Biên, công khai đề đơn vị là “Tập đoàn Thiết bị Y tế - Bộ Quốc phòng”, khẳng định máy Great-12 mới là sản phẩm do Bộ Quốc phòng sản xuất, máy Wonder MF5-08 không phải là sản phẩm do Bộ Quốc phòng sản xuất. Đây là hành vi mạo danh trắng trợn có tổ chức để trục lợi được Viện KHCNQS có công văn gửi các cơ quan chức năng yêu cầu xử lý.

Mượn danh lãnh đạo

Cũng tại thời điểm đó, trên internet xuất hiện nhiều clip về các cuộc hội thảo của công ty BQP, giới thiệu sự có mặt của Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Đình Chiến, Viện trưởng Viện Chiến lược quân sự đến dự và…chỉ đạo hội nghị ra mắt máy Great-12, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng gửi lẵng hoa chúc mừng. Đặc biệt, hình ảnh Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chụp ảnh lưu niệm với tập thể nữ Ban chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương, không liên quan gì đến Công ty BQP cũng được họ đưa lên trang web để “đánh bóng thương hiệu” vì “phu nhân Chủ tịch Lê Xuân Giang làm tại cơ quan trung ương”.

Nghiêm trọng hơn, trong bài báo quảng bá trên Tạp chí Y học thực hành còn bịa đặt cả việc nguyên Phó thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm từng viết thư cảm ơn sau khi sử dụng máy này: “Gia đình tôi rất mừng và cảm thấy tự hào vì máy này do các đồng chí thiết kế chế tạo...”. Trên thực tế, nguyên Phó thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm chỉ viết thư cảm ơn sau khi dùng máy Wonder MF5-08 của Viện KHCNQS.

Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Nguyễn Xuân Bính (Đoàn LS Hà Nội) khi đó đã kiến nghị: “Những hành vi mạo danh của Công ty BQP để trục lợi có dấu hiệu vi phạm hình sự, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của Bộ Quốc phòng và lợi ích hợp pháp của Viện KHCNQS. Nhất là trong bối cảnh gần đây có nhiều vụ việc mạo danh sĩ quan, đơn vị quân đội để lừa đảo, điển hình là vụ “siêu lừa” Nguyễn Anh Quân thì Bộ Quốc phòng cần chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc, xử lý nghiêm vụ việc này”.

Sự im lặng nguy hiểm

Trước những hành vi sai phạm trên của Công ty BQP, ngày 26-9-2012, Thiếu tướng Phạm Sơn Dương, khi đó là Phó viện trưởng Viện KHCNQS đã có công văn gửi Cục Điều tra hình sự (Bộ Quốc phòng) đề nghị vào cuộc xử lý để bảo vệ uy tín quân đội và của Viện KHCNQS. Tiếc rằng sau đó, cơ quan chức năng chưa có những biện pháp mạnh tay để xử lý những sai phạm của Lê Xuân Giang và Công ty BQP. Để rồi sang năm 2013, những cuộc hội thảo “lừa” vẫn liên tiếp đưọc tổ chức, khi ở Thái Bình, lúc ở Hà Nội, Phú Thọ. Viện KHCNQS, những người bị hại vẫn phải ngậm ngùi cay đắng khi Lê Xuân Giang vẫn nhơn nhơn phát tán những bộ tài liệu gian trá.

Về phía Lê Xuân Giang và đồng bọn, sau khi bị Viện KHCNQS phản ứng và báo chí, cơ quan chức năng vào cuộc, những tưởng bọn chúng sẽ phải dè chừng. Nhưng không, khi chúng tôi liên hệ làm việc, Lê Xuân Giang còn tỏ ra thách thức, từ chối và khẳng định không có gì sai phạm.

Không chấp nhận để kẻ xấu lộng hành, nhóm phóng viên chúng tôi đã liên hệ, làm việc và cung cấp tài liệu, cảnh báo dấu hiệu lừa đảo của Công ty BQP tới nhiều cơ quan như: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Viện Y dược học cổ truyền Trung ương, Viện Y học cổ truyền quân đội, Bệnh viện Quân đội 103…

Phóng viên đề nghị các Bệnh viện này phải thu hồi những tài liệu, giấy chứng nhận về máy Great-12 mà Công ty BQP lợi dụng để in sao, nhân bản đánh lừa khách hàng; đồng thời kiểm điểm, kỷ luật các cá nhân có liên quan. Tuy nhiên, đến tận năm 2015, khi Lê Xuân Giang và đồng bọn tiếp tục phát triển mạng lưới Liên kết Việt với qui mô toàn quốc và nhóm phóng viên tiếp tục vào cuộc điều tra, thì thật bất ngờ, tất cả những tài liệu trên do các cơ sở y tế cấp vẫn chưa hề bị thu hồi, xử lý, tiếp tục trở thành bảo bối cho những mưu ma chước quỉ của chúng.

(Còn tiếp )

Minh Toàn