Khi nước ngọt là nguồn gốc của xung đột
Tài nguyên quý giá hơn mọi tài nguyên
Với tình trạng ô nhiễm ngày một nặng nề và dân số ngày càng tăng, nước sạch được dự báo sẽ sớm trở thành một thứ tài nguyên quý giá không kém dầu mỏ. Ở đâu đó vẫn có những cuộc chiến tranh được phát động vì nguyên nhân sâu xa là giành giật tài nguyên dầu mỏ. Tuy nhiên, dầu mỏ có thể thay thế bằng các loại nhiên liệu khác như điện, nhiên liệu sinh học… còn nước thì không thể thay thế. Tất cả những hàng hóa giá trị nhất thế giới sẽ chẳng còn ý nghĩa gì nếu thiếu nước và mỗi người, mỗi dân tộc, mỗi quốc gia trên thế giới đều cần nước để duy trì và bảo đảm cuộc sống.
Vậy nguồn tài nguyên quý giá đó đang được phân bố và sử dụng như thế nào?
Theo Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP), tổng khối lượng nước trên trái đất là khoảng 1,4 tỉ km3, nhưng chỉ có khoảng 35 triệu km3 hay 2,5% trong số đó là nước ngọt và chỉ có 200 nghìn km3 nước (chiếm ít hơn 1% nguồn nước ngọt) là có thể sử dụng trực tiếp cho con người và các hệ sinh thái.
Chung tay bảo vệ nguồn nước
Đã ít nhưng nước lại phân bố không đều. 60% trữ lượng nước ngọt trên thế giới tập trung ở lãnh thổ của 9 quốc gia: Brazil, Nga, Canada, Trung Quốc, Indonesia, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Colombia và Peru. Trên lãnh thổ châu Á, nơi sinh sống của gần 60% dân số thế giới, chỉ phân bố 30% lượng nước ngọt toàn cầu. Lượng nước sử dụng tính theo đầu người cũng hết sức chênh lệch ngay cả khi so sánh giữa các nước phát triển. Người Mỹ dùng nước gấp nhiều lần so với người châu Âu.
Theo thẩm định của các chuyên gia, hiện tại hãy còn 1,2 tỉ người trên thế giới đang sống ở các khu vực thiếu nước sạch. Thêm 1,5 tỉ người buộc phải hạn chế tiêu thụ nước do thiếu cơ sở hạ tầng cần thiết. Còn theo dự báo của Liên Hiệp Quốc, đến năm 2020, nhu cầu về nước ngọt để phục vụ cho ngành công nghiệp sẽ tăng lên gấp đôi so với hiện tại; nhu cầu tiêu thụ của các hộ gia đình sẽ tăng thêm 130%; 40% trên tổng số 9 tỉ con người sẽ sống ở những vùng bị thiếu nước.
Chất lượng nước cũng giảm sút. Mỗi năm con người hút 160 tỉ m3 nước ngầm và có đến 95% nước thải công nghiệp đổ vào nguồn nước tự nhiên mà không ai kiểm soát được. Tại nhiều quốc gia, những cơn mưa axít không còn là điều mới lạ. Nếu không ngăn chặn được sự ô nhiễm thì dù là nguồn tài nguyên thiên nhiên có thể tái tạo được, nước vẫn có thể bị cạn kiệt do tốc độ khai thác của con người vượt ra ngoài khả năng tái tạo của môi trường. Ban Thư ký Liên Hiệp Quốc về nguồn nước được thành lập hồi năm 1978 và họ đã gọi giai đoạn 2005-2015 là “Thập niên nước”. Và cũng không phải ngẫu nhiên mà Liên Hiệp Quốc đặt 2013 là năm của “sự hợp tác quốc tế về nước ngọt”, cảnh báo nguy cơ xung đột giữa các dân tộc, quốc gia trên thế giới vì nước.
Bùng nổ chiến tranh vì nước?
Tranh chấp về nguồn nước đang xuất hiện ngày một nhiều lên ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới. Theo dữ liệu của Viện Thái Bình Dương ở Oakland, năm 2010-2013, trên thế giới đã ghi nhận 41 cuộc xung đột vũ trang vì tài nguyên nước. Một cuộc xung đột đã bùng nổ ở châu Đại Dương, 6 cuộc xung đột đã được ghi nhận ở châu Á, 8 - ở châu Mỹ Latinh, 11 - ở châu Phi và 15 - ở Trung Đông. Dù những vụ đụng độ đó đã bùng nổ vì những nguyên nhân khác nhau: tôn giáo, chính trị và kinh tế, nhưng cuối cùng đều dẫn đến cuộc tranh chấp vì nguồn nước.
Ở Trung Á, các bên tham gia cuộc xung đột ở đây là Uzbekistan, Kyrgyzstan và Tajikistan. Trên lãnh thổ 2 nước cộng hòa Kyrgyzstan và Tajikistan có nguồn nước lớn nhất trong khu vực - các sông băng của dãy núi Tien Shan và Pamir. Amu Darya và Syr Darya - hai con sông lớn nhất ở vùng Trung Á đều bắt nguồn ở đây. Kyrgyzstan muốn xây dựng mấy nhà máy thủy điện với mục đích tự cung cấp điện. Uzbekistan và Tajikistan lo ngại rằng, họ sẽ mất nguồn nước sau khi thực hiện dự án này. Trong khi đó, giữa Uzbekistan và Tajikistan cũng có vấn đề nước.
Tại Nam Á, Bắc Kinh và New Delhi cũng có mâu thuẫn xung quanh kế hoạch xây dựng 3 con đập mới của Trung Quốc trên sông Brahmaputra. Ấn Độ có lý do để quan ngại rằng việc Trung Quốc xây dựng nhà máy thủy điện ở thượng nguồn sông và chuyển hướng dòng nước phục vụ cho công tác thủy lợi ở Tây Tạng và khu vực Tân Cương sẽ gây ra những thách thức về sử dụng nước, đe dọa lợi ích môi trường và kinh tế của các nước hạ nguồn là Ấn Độ và Bangladesh. Điều lo ngại tương tự cũng xảy ra với các nước Đông Nam Á ở hạ nguồn sông Mekong khi Trung Quốc có kế hoạch xây dựng thêm các đập thủy điện mới ở một trong những con sống lớn nhất thế giới này.
Đặc biệt, tranh chấp về việc sử dụng nước của con sông Nil tại châu Phi giữa 11 quốc gia ngày càng trở thành một hồ sơ nóng bỏng. Cuộc xung đột giữa Ai Cập và Ethiopia đang có nguy cơ trở thành cuộc chiến tranh đầu tiên vì nước của nhân loại trong thế kỷ XXI. Câu chuyện bắt nguồn việc Ethiopia bất chấp sự phản đối gay gắt của Ai Cập vẫn tiếp tụ thúc đẩy dự án đập thủy điện “Đại phục hưng Ethiopia” với kỳ vọng tạo nên một dấu mốc lịch sử tại quốc gia vùng Sừng châu Phi này. Đối với châu Phi, đây là một công trình vĩ đại với số chi phí khổng lồ - gần 5 tỉ USD. Ethiopia kỳ vọng nhà máy thủy điện có công suất thiết kế 6.000MW - lớn chưa từng có ở châu Phi tương lai sẽ là động lực mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu an ninh năng lượng cho phát triển đất nước, đồng thời sẽ mang lại nguồn thu lớn lao từ xuất khẩu điện.
Tuy nhiên, ý định của Addis Ababa lại khiến cho các nước láng giềng mất ăn mất ngủ mà tiếng nói gay gắt nhất phát ra từ Ai Cập - nước nằm ở thượng nguồn sông Nile. Trong trường hợp nhà máy thủy điện được xây dựng tại Ethiopia, Ai Cập sẽ mất hơn 20% nguồn cung cấp nước và ít nhất 40% năng lượng được sản xuất bởi các nhà máy thủy điện “sống” dựa vào nguồn nước sông Nile (chủ yếu là Nhà máy Aswan 1). Đây rõ ràng là một thảm họa cho nền kinh tế và nông nghiệp của Ai Cập. Tổng thống vừa bị đảo chính Mohamed Morsi cũng từng liên hệ tới một bài hát cổ của Ai Cập về sông Nile và cảnh báo “máu sẽ đổ dù dòng sông chỉ mất đi một giọt nước”.
Một giáo sĩ chức sắc của tổ chức Hồi giáo Ai Cập Al-Gamaa al-Islamiya cũng tuyên bố trên kênh truyền hình Arabiya TV rằng Thánh chiến Jihad sẽ tới Ethiopia nếu nước này xây đập thủy điện, đồng thời cáo buộc Israel đứng sau giật dây Addis Ababa. Theo người này, việc xây dựng các đập nước là một “âm mưu gây áp lực lên Ai Cập”. Bên cạnh đó, Ai Cập cũng tiến hành một cuộc chiến bí mật chống lại Ethiopia bằng cách gián tiếp cô lập Addis Ababa về chính trị và kinh tế và để đảm bảo rằng Ethiopia không thể thu hút đầu tư và sự hỗ trợ chính trị của nước ngoài, thông qua Somalia; thông qua Sudan; thông qua sự tài trợ một loạt tổ chức Hồi giáo và phong trào đối lập Ethiopia (trong đó có Mặt trận giải phóng Oromo);…
Phương án duy nhất cho một giải pháp hòa bình là việc thu hút một trọng tài trung lập và Liên Hiệp Quốc có thể đóng vai trò này. Tuy nhiên, hiện tại mới chỉ có 29 trên tổng số 103 quốc gia trên thế giới đã phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về việc sử dụng nguồn nước ngọt, do vậy văn bản này dù đã ra đời từ năm 1997 vẫn chưa chính thức có hiệu lực. Vẫn có những nước như Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ chưa phê chuẩn công ước quốc tế về nước ngọt và điều này không khó hiểu khi Công ước Liên Hiệp Quốc về nước ngọt quy định các quốc gia ở thượng nguồn phải quản lý một cách chừng mực và phải chia sẻ với các nước ở hạ nguồn con sông tài sản thiên nhiên quý giá đó.
Chuyên gia về chính sách đối ngoại của Trung tâm nghiên cứu chính trị Nga Evgeny Voyko nói: “Cần phải thu hút các tổ chức quốc tế, bởi vì các nước đó không thể tự giải quyết vấn đề. Các quyết định của họ sẽ có lợi cho một bên và gây hại cho bên khác. Đặc biệt là Ấn Độ và Trung Quốc có tranh chấp không chỉ vì tài nguyên nước mà còn vì ảnh hưởng trong khu vực nói chung. Vì vậy, vấn đề nước chỉ là nền tảng trong bối cảnh chung của cuộc đấu tranh chính trị và địa chính trị giữa các quốc gia”.
Linh Linh (tổng hợp)
-
Giới trẻ háo hức tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam trong ngày đầu mở cửa
-
GS. TSKH Nguyễn Mại: Chưa nên tăng thuế tiêu thụ đặc biệt trong 2-3 năm tới
-
TP HCM xử lý nghiêm các hoạt động xả thải gây ô nhiễm nguồn nước
-
Cơ thể sẽ ra sao nếu uống quá nhiều nước ngọt mỗi ngày?
-
Venezuela-Guyana: Khi dầu mỏ một lần nữa châm ngòi xung đột
-
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu giải pháp phát triển kinh tế báo chí
-
Báo chí đã có những bước phát triển về nội dung, đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng
-
Phó Thủ tướng gửi thư khen lực lượng xử lý quyết liệt tội phạm "tín dụng đen"
-
Thủ tướng bổ nhiệm lại nhân sự Bộ Quốc phòng
-
Nâng mức hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát lên 60 triệu đồng/căn