Khi dân số Việt Nam vượt mốc 100 triệu người
Chuyên gia dự báo 3 kịch bản tăng dân số của Hà Nội |
7,6% dân số Việt Nam sở hữu tài khoản chứng khoán |
Ảnh: Internet |
Con số này khiến người dân ta vừa mừng lại vừa lo.
Mừng vì, đây là nguồn lực quan trọng trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế toàn cầu. Theo những người lạc quan, 100 triệu người dân Việt Nam tượng trưng cho “100 triệu hi vọng, 100 triệu giấc mơ và 100 triệu giải pháp”.
Lao động bao giờ cũng đi đôi với thị trường. Cùng với nguồn nhân lực dồi dào, nước ta còn có một thị trường nội địa lớn, có khả năng tiêu thụ nhiều sản phẩm hàng hóa và dịch vụ. Nguồn động lực lớn để phát triển kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài trông đợi ở con người Việt Nam cần cù, thông minh và sáng tạo.
Cơ hội “dân số vàng” đã được nhiều quốc gia phát huy có hiệu quả. Kinh nghiệm từ Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc, Singapore đã cho thấy điều đó. Trung Quốc bước vào thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” từ năm 1990 với quy mô GDP ở mức 360,9 tỷ USD, đứng ở vị trí 11 trên thế giới. Sau hơn 30 năm, vào năm 2021, quy mô GDP của Trung Quốc đã lên tới gần 18 nghìn tỷ USD, tăng 49 lần, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Đấy là mừng, còn nỗi lo? Có mấy nỗi lo: Lo già hóa dân số; lo sức khỏe người cao tuổi không tốt; lo chênh lệch giới tính...
Người già là vốn quý, như trầm trong lõi gỗ, như “gừng càng già càng cay”. Ở nước ta số cụ sống thọ ngày càng nhiều. Trong số đó có cụ bà Trịnh Thị Khơng, 119 tuổi, được xác nhận là người cao tuổi nhất Việt Nam hiện nay. Cụ sống tại TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai. Thế nhưng bây giờ đến các bệnh viện, trại dưỡng lão, thường gặp các cụ có tuổi thượng thọ, đại thọ, tiếc rằng sức khỏe hạn chế. Không chỉ chân chậm, mắt mờ, tai nghễnh ngãng, hầu hết các cụ mắc từ ba đến bốn bệnh nền. Theo số liệu của Bộ Y tế, các cụ ông thường có tám năm phải sống chung bệnh tật, và cụ bà là 11 năm.
Vì sao người Việt có tuổi thọ cao nhưng sức khỏe yếu? Theo các chuyên gia y tế có ba yếu tố chủ yếu dẫn đến số năm sống với bệnh tật của người dân còn ở mức cao. Đó là chế độ dinh dưỡng không bảo đảm và không hợp lý, vì thế mà hạn chế phát triển thể lực, tầm vóc con người, đồng thời gia tăng bệnh không lây nhiễm liên quan đến dinh dưỡng.
Đó là sự gia tăng nhanh chóng gánh nặng bệnh không lây nhiễm, rất ít được chú ý. Cuối cùng là sự gia tăng các yếu tố nguy cơ về môi trường.
Tình trạng già hóa dân số cũng là vấn đề đáng báo động. Trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm, năng suất lao động không cao thì gánh nặng của tình trạng già hóa dân số sẽ tác động tới các chương trình an sinh xã hội. Ta thường nói “cái khó bó cái khôn” là vì thế. Muốn tăng trợ cấp ưu đãi, muốn chăm sóc y tế, khuyến khích người cao tuổi nhưng nguồn lực eo hẹp, thật là khó đủ bề. Khi đã thấy cái khó đang bước chân vào cửa thì cũng là lúc chúng ta phải suy nghĩ thấu đáo về những kế hoạch, giải pháp dài hơi để chủ động ứng phó. Nếu nói một cách bài bản là, “đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển bền vững”.
Bây giờ xin nói đến nỗi lo về chênh lệch mức sinh giữa các vùng còn quá lớn. Tỉ số chênh lệch giới tính khi sinh khá cao và đã kéo dài trong khoảng một thập niên trở lại đây. Mặc dù tỉ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta xuất hiện muộn hơn so với nhiều nước trên thế giới nhưng lại tăng nhanh và lan rộng. Tình hình nghiêm trọng hơn xảy ra ở khu vực Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc, trong đó một số tỉnh có tỉ số chênh lệch cao là: Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nội... Trung bình là khoảng 105 đến 112 bé trai/100 bé gái. Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn chậm khắc phục.
Vì chất lượng dân số, cần tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, các nội dung và giải pháp thực hiện công tác dân số ở các địa phương. Hạn chế đến mức thấp nhất các hoạt động can thiệp lựa chọn giới tính thai nhi để hạn chế tối đa chênh lệch giới tính khi sinh. Nhớ lời người xưa: “Trai mà chi, gái mà chi/Sinh con có nghĩa có nghì là hơn”.
Con số 100 triệu dân thật là ý nghĩa. Từ mốc vàng này chúng ta cùng hi vọng và hướng đến một tương lai xán lạn, dẫu còn nhiều gian khó. Hi vọng và phấn đấu vun bồi nguồn nhân lực chất lượng cao là bảo đảm vững chắc cho công cuộc xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Hải Đường