Khẩn cấp thực hiện quy định về dư lượng Etylen oxit
Vừa qua, Bộ Công Thương nhận được kiến nghị từ một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm chế biến bột (mì ăn liền, bún, miến, phở, hủ tiếu, bánh tráng…) về việc thực hiện Quy định (EU) 2021/2246 ban hành, sửa đổi Quy định (EU) 2019/1793 của Liên minh châu Âu áp dụng tạm thời các biện pháp kiểm soát chính thức và khẩn cấp đối với một số thực phẩm nêu trên khi nhập khẩu vào EU.
Acecook Việt Nam đã từng là nhà sản xuất mì ăn liền được người tiêu dùng lựa chọn nhiều nhất năm 2018, 2019. |
Theo hướng dẫn của EU, trước khi xuất khẩu các mặt hàng nêu trên, cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành kiểm tra quá trình sản xuất, lấy mẫu kiểm nghiệm dư lượng chất Etylen oxit và chứng nhận theo mẫu tại Quy định (EU) 2019/1793.
Đề có cơ sở xem xét, chứng nhận phục vụ việc xuất khẩu các sản phẩm nêu trên vào EU, Bộ Công Thương đề nghị Sở Công Thương/Ban Quản lý an toàn thực phẩm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn doanh nghiệp gửi văn bản đề nghị chứng nhận (nếu cần) kèm theo bằng chứng về thông tin được nêu tại phụ lục 1, Công văn số 1150/BCT-KHCN ngày 8/3/2022 về Bộ Công Thương (Vụ Khoa học và Công nghệ).
Trong thời gian 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu, Bộ Công Thương đề nghị doanh nghiệp phối hợp với cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước để lấy mẫu, kiểm nghiệm dư lượng chất Etylen oxit.
Trên cơ sở kết quả kiểm nghiệm và báo cáo xác nhận thông tin, Bộ Công Thương sẽ chứng nhận theo quy định. Trong trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương tổ chức đoàn kiểm tra việc bảo đảm an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất thực phẩm xuất khẩu.
Được biết, Etylen oxit (EO) hay còn gọi là oxiran, là một hợp chất hữu cơ thường ở dạng khí không màu và được sản xuất với quy mô lớn, ứng dụng ở nhiều lĩnh vực sản xuất khác nhau. EO không phải là phụ gia thực phẩm hay chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, nhưng có thể được sử dụng với mục đích kiểm soát côn trùng, vi sinh vật trong sản phẩm thực phẩm khô (đặc biệt cho gia vị và các loại thảo mộc như ớt bột, tiêu và quế… nhằm diệt khuẩn Salmonella).
Theo hướng dẫn của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), khí EO có thể dùng để khử trùng các nhóm thực phẩm với liều lượng nhất định, ở mức thấp. Ở điều kiện bình thường, EO sẽ chuyển thành dạng khí tác dụng đến côn trùng, vi sinh vật qua cơ chế gây độc hô hấp nên được sử dụng với mục đích khử trùng trong sản xuất thực phẩm. Tại châu Âu, hợp chất này được xếp vào nhóm 1B về khả năng gây ung thư, gây đột biến, độc tính sinh sản và trong nhóm 3 về độc tính cấp.
Trong thời gian qua, một loạt các sản phẩm mì, bún, phở ăn liền của Công ty Acecook Việt Nam bị nhiều nước châu Âu yêu cầu phải thu hồi và tiêu hủy do chỉ số về dư lượng EO vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Mặc dù doanh nghiệp này liên tục khẳng định đã tiến hành thu hồi theo yêu cầu của các quốc gia châu Âu và các sản phẩm nêu trên tại Việt Nam không có chất EO nhưng thực tế cho thấy uy tín của sản phẩm chế biến từ tinh bột ăn liền của Việt Nam bị ảnh hưởng và thiệt hại nghiêm trọng.
Đã đến lúc các bộ ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Công Thương cần siết chặt quản lý các loại thực phẩm ăn liền trong nước và xuất khẩu, tuyệt đối không để lặp lại tình trạng sản phẩm dưới chuẩn như Acecook Việt Nam.
Tùng Dương
-
Tin tức kinh tế ngày 20/11: Xuất khẩu cá ngừ lập đỉnh 2 năm
-
Giá vàng hôm nay (20/11): Thị trường thế giới tăng mạnh
-
Giá dầu hôm nay (20/11): Dầu thô ổn định trong phiên
-
Áp thuế suất GTGT 5%, giá phân bón có dư địa giảm
-
Tin tức kinh tế ngày 19/11: Tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp