|
Tác phẩm về Thăng Long - Hà Nội của họa sĩ Trần Nguyên Đán |
Triển lãm trưng bày hơn 100 tác phẩm, chủ yếu là tranh khắc gỗ và mộc bản của họa sĩ Trần Nguyên Đán nằm trong bộ sưu tập của nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa – Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội.
Tới triển lãm, công chúng sẽ được chiêm ngưỡng nhiều bức tranh khắc, mộc bản được họa sĩ Trần Nguyên Đáng sáng tác từ năm 1970 – 2015 phủ rộng theo nhiều chuyên đề như: Hà Nội, Hội An, Huế, Dân tộc miền núi…
Đến với triển lãm, họa sĩ Trần Nguyên Đán đã chia sẻ những điều tâm niệm, tâm đắc nhất của ông: “Tôi chọn đồ họa vì nó hợp với tôi. Tôi thấy trên mảnh đất này, tôi có thể phát huy sở trường của mình và chủ động theo đuổi để gặt hái thành công, đi xa hơn. Tranh khắc, bản thân nó chỉ là một phương tiện để truyền tải ý tưởng, quan niệm và thẩm mỹ của mình”.
|
Tác phẩm “Chăm học chăm làm” |
Ngay từ khi vào nghề, Trần Nguyên Đán đã có nhiều tác phẩm nổi tiếng trong giới như: “Chăm học chăm làm”, “Con trâu là đầu cơ nghiệp”… Bản thân các tác phẩm tranh khắc, mộc bản đồ sộ đó cũng được coi là bộ sưu tập của chính họa sĩ được giữ gìn cẩn thận qua năm tháng. Mỗi bức tranh đều gắn với một giai đoạn thăng trầm của lịch sử đất nước cũng như cuộc sống cá nhân của nghệ sĩ.
Việc mang bộ sưu tập “độc” và quý của mình ra trưng bày không chỉ để du khách, người hâm mộ có cơ hội chiêm ngưỡng những tác phẩm tranh khắc gỗ mang giá trị nghệ thuật cao, giàu giá trị, tính nhân văn mà Nguyễn Thị Thu Hòa còn nhằm khơi gợi niềm đam mê để ngày càng có thêm nhiều nhà sưu tập đi theo từng họa sĩ và hình thành những bộ sưu tập trọn đời.
Dưới con mắt làm nghề, tranh khắc gỗ của họa sĩ Trần Nguyên Đán đã đạt đến mức độ hoàn hảo. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hòa: “Tranh của Trần Nguyên Đán là tiếp nối hoàn hảo giữa truyền thống tranh khắc gỗ dân gian Việt Nam qua Đông Hồ và Hàng Trống với khắc gỗ hiện đại. Tranh của ông rất “duyên dáng” và đậm đà tinh thần dân tộc. “Duyên dáng” ở chỗ nó có tính nhịp điệu, tạo hình nhân vật rất dân tộc về mảng miếng, đường nét, màu sắc”.
Ông Đức Hòa chia sẻ thêm: “Vào thời điểm này, ông Đán là “cây đa cây đề” trong làng tranh khắc gỗ hiện đại Việt Nam. Có một điều rất khó làm nhưng Trần Nguyên Đán làm được và thành công. Các nhân vật của ông trông rất hồn nhiên, tươi vui, một đặc điểm thường thấy trong tranh Hàng Trống, Đông Hồ ngày xưa. Đó cũng chính là “hồn dân tộc” trong những bức tranh hiện đại của Trần Nguyên Đán”.
Nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa cho biết, bà cảm thấy tự hào khi đã sưu tập được hơn 100 tác phẩm của họa sĩ Trần Nguyên Đán. “Đây là họa sĩ có nhiều tác phẩm như cây cầu nối truyền thống với hiện đại, và đây cũng là họa sĩ đầu tiên tôi sưu tập được tác phẩm một cách hệ thống, từ những tác phẩm đầu tay khi họa sĩ còn ngồi trên ghế nhà trường cho tới những sáng tác gần đây của ông”.
Bạn Nguyễn Quang Minh (sinh viên trường Đại học Văn hóa Hà Nội) chia sẻ: “Hôm nay đến xem triển lãm này tôi rất thích. Tôi cảm nhận được nét duyên dáng của quê hương Việt Nam trong tranh của họa sĩ Trần Nguyên Đán, những nét khắc gỗ của họa sĩ rất đẹp. Các bức tranh ở đây rất đặc biệt, nó thể hiện được nhiều nét sinh hoạt, văn hóa, đời sống của con người Việt Nam cả xưa và nay. Với tư cách một người trẻ, tôi cảm thấy học hỏi được ở họa sĩ Trần Nguyên Đán một niềm đam mê với công việc và sức làm việc không biết mệt mỏi của ông”.
Triển lãm "Nét khắc từ truyền thống đến hiện đại” sẽ diễn ra từ nay đến hết ngày 27/3 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (số 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội).
|
Tác phẩm khắc gỗ màu "Ai về Thủ đô" |
|
Tác phẩm "Thăng Long - Hà Nội" |
|
"Hà Nội trong mắt tôi" |
|
Tác phẩm “Những ngôi sao sáng Thăng Long ngàn đời” |
|
Tác phẩm “Bến Đục chùa Hương” |
|
Tác phẩm “Nghệ nhân Hàng Trống”. |
|
“Mùa xuân Quan họ” |
|
"Nghệ nhân nặn tò he ở Chùa Cầu - Hội An" |
|
“Người bán tranh làng Sình” |
|
Tác phẩm “Cô gái Dao đỏ và chàng trai H Mông |
|
“Bản Bom Đọi Điện Biên” |
|
Tác phẩm“Hãy lên Sapa- ấn tượng sơn cước” |
|
Triển lãm thu hút được sự chú ý của giới mỹ thuật và người yêu hội họa. |