“Kẽ hở trong nhiều văn bản thiếu nhất quán, xuyên suốt!”
PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về đợt thanh tra vỉa hè, lòng đường tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trong thời gian qua?
Ông Thạch Như Sỹ: Qua công tác thanh tra vỉa hè, lòng đường đã nổi lên rất nhiều bất cập từ hệ thống văn bản giữa các cơ quan, thiếu sự thống nhất, sai phạm trong việc tổ chức thực hiện của từng cơ quan đơn vị trong quy hoạch sử dụng lòng đường, hè phố, cấp phép các điểm trông giữ phương tiện, mức thu phí và lệ phí trông xe, các công trình xây dựng nhà cao tầng thiếu điểm đỗ và sai quy hoạch. Một số lực lượng được giao nhiệm vụ, chức năng xử lý lấn chiếm lòng đường, vỉa hè nhưng lại chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ… Tuy nhiên, sai phạm nhiều nhất trong lĩnh vực này vẫn là sử dụng quá diện tích, lấn chiếm lòng đường hè phố và thu quá giá quy định.
Tất cả những thiếu sót, bất cập trong quy hoạch và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vỉa hè sẽ được Thanh tra Bộ báo cáo trong bản kết luận thanh tra sẽ được công bố vào giữa tháng 6 để cơ quan chức năng kịp thời sửa đổi bổ sung nhằm nâng cao hiệu quả của công tác quản lý, sử dụng lòng đường, hè phố.
PV: Ông đánh giá thế nào về việc các Sở vội vàng ban hành các văn bản quy định về sử dụng lòng đường, hè phố dẫn đến tình trạng chồng chéo, làm các đơn vị cở sở lúng túng, hiểu sai mục đích, buông lỏng quản lý…?
Ông Thạch Như Sỹ: Cả hai thành phố đều quan tâm và mất nhiều công sức trong việc này, song kết quả chưa được như mong muốn, hiện tượng lấn chiếm còn nhiều. Vì sao lại xảy ra tình trạng bất cập trên? Vì việc phân chia chức năng nhiệm vụ cho các sở hai thành phố đều giống nhau ở chỗ chưa rõ ràng, cụ thể, thậm chí còn chồng chéo, chưa đúng chuẩn. Việc ban hành hệ thống văn bản hướng dẫn của hai thành phố chưa xuyên suốt, nhất quán trong từng thời kỳ, manh mún ở từng việc.
PV: Hiện nay, đất dành cho giao thông tĩnh quá thiếu, quy hoạch các điểm đỗ xe bị phá vỡ và đẩy cái khó cho thành phố. Quan điểm của ông như thế nào về việc này?
Ông Thạch Như Sỹ: Mạng lưới đường hè phát triển giao thông hiện nay đã có nhưng quy hoạch chi tiết bến bãi, điểm đỗ xe thì mới chỉ Hà Nội có trong khi TP HCM còn đang thực hiện.
Việc thực hiện quy hoạch ở đơn vị cơ sở lại không tuân theo quy hoạch chung của thành phố. Hệ thống quy hoạch liên tục thay đổi, thậm chí nhiều quận huyện ít biết quy hoạch điểm đỗ xe do chưa thực hiện và công tác quy hoạch thiếu, yếu. Tôi cho rằng UBND TP cần kiểm tra và yêu cầu chủ đầu tư phải sử dụng những điểm đã quy hoạch này theo đúng mục đích.
Ngoài ra, trong quy hoạch và trong cấp phép xây dựng có nói rõ các nhà cao tầng chỉ cấp phép khi có điểm đỗ xe… Nhưng hiện nay vẫn có quá ít tòa nhà làm được điều này. Vì vậy, chúng ta cần làm nghiêm túc ngay từ khi phê duyệt dự án và có kiểm tra giám sát cũng như có chế tài hợp lý. Theo cá nhân tôi, các thành phố cần kiên quyết trả quỹ đất cho điểm đỗ theo đúng quy hoạch để có thể đáp ứng đủ nhu cầu điểm đỗ.
PV: Mới đây, Chính phủ vừa đồng ý với kiến nghị của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia về việc thí điểm thay đổi “phí trông giữ xe” thành “giá trông giữ xe” tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Ông Thạch Như Sỹ: Tôi cho rằng đây sẽ là bước chuyển biến lớn, thu hút nhiều nhà đầu tư vào bãi đỗ xe. Chúng ta đang nhầm lẫn giữa giá và phí.
Phí là của Nhà nước, công cộng mà ai dùng thì đóng một phần phí. Ví dụ dùng lòng đường, vỉa hè, khu đất trống… trả Nhà nước một phần phí này. Nhưng nhà đầu tư thì là đất của họ, họ kinh doanh thì người sử dụng phải trả là giá chứ không phải phí. Trông giữ thô sơ có giá khác, có mái che giá khác, nhà trông giữ thông minh, dùng máy gắp xe… thì phải giá khác chứ. Dịch vụ thế nào giá thế đó, người dân có quyền lựa chọn. Đây là nhu cầu rất lớn của nhân dân, nhu cầu có thật. Các nhà đầu tư đều nhìn thấy nhu cầu dịch vụ đỗ xe là có thật và có thể làm ra tiền ngay.
PV: Hình như nhiều điểm trông giữ xe vẫn thu phí quá giá, thậm chí có điểm được các đơn vị trông giữ khoán doanh thu phí sử dụng lòng đường vỉa hè tạo nên sự lộn xộn bất bình đẳng về thu phí đối với doanh nghiệp, phải không thưa ông?
Ông Thạch Như Sỹ: Hiện nay, mức phí sử dụng lòng đường và mức thu phí trông giữ phương tiện giữa Hà Nội và TP HCM chưa thống nhất nhau. Ngoài ra, mức giá trông giữ xe cũng được chia theo cách tính theo mét vuông sử dụng áp dụng cho tất cả các đơn vị trông giữ và tính theo phí áp dụng dựa vào doanh thu. Những cách tính này vô hình chung đã tạo nên sự lộn xộn, bất bình đẳng cạnh tranh về giá thu cho doanh nghiệp.
PV: Ông đánh giá như thế nào về thực trạng, hiện nay, số vụ xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông của lực lượng các cấp ở quận, huyện, phương thì nhiều nhưng lại chỉ tập trung ở những vi phạm nhỏ như không đội mũ bảo hiểm, đi vào đường cấm, đường ngược chiều?
Ông Thạch Như Sỹ: Khi thanh tra, đoàn công tác nhận thấy tại các cấp phường, quận với những hành vi dễ xử lý thì họ làm và xử phạt rất nhiều còn những việc khó thì chỉ có vài ba vụ với số lượng quá ít.
Dẫn chứng, Hà Nội có tới 4.000 điểm kinh doanh buôn bán và hàng trăm điểm tự phát nhưng số vụ xử lý chỉ vài 300 vụ. Vi phạm lòng lề đường chủ yếu do thanh tra và cảnh sát xử lý, trong khi lực lượng thanh tra xây dựng gần như không làm. Thành phố Hồ Chí Minh một năm cũng chỉ xử lý được 20 – 30 vụ trong khi có tới hơn 2.000 điểm buôn bán kinh doanh (chiếm tỷ lệ 1%). Lực lượng chức năng các quận, phường chỉ tập trung xử lý dừng đỗ phương tiện trái phép chứ không xử phạt vi phạm vỉa hè. Bên cạnh đó, việc xử lý vi phạm lòng đường, hè phố được giao cho UBND các cấp, cảnh sát, thanh tra giao thông và thanh tra xây dựng.
PV: Vậy ông có kiến nghị gì để có thể xử lý các vi phạm cũng như có sự thống nhất trong quy hoạch, cấp phép, quản lý vỉa hè lòng đường?
Ông Thạch Như Sỹ: Chúng ta cần xây dựng hệ thống văn bản của tất cả các cơ quan để hợp nhất và tính toán cụ thể cũng như sửa đổi các nghị định, thông tư có liên quan đến vỉa hè, lòng đường do không phù hợp với thời điểm này.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Thiên Minh (thực hiện)
-
Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
-
“Không có căn cứ để nói áp thuế GTGT 5% sẽ làm tăng giá phân bón”
-
Thủ tướng gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu năm 2024
-
Chiến thắng Bình Giã: Sức mạnh toàn dân làm nên mốc son lịch sử
-
Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn