Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Kẽ hở để chạy chức chạy quyền

08:05 | 03/10/2012

2,779 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - (Petrotimes) - Phải bịt "cửa chạy chức" từ trong tổ chức Đảng, trong cơ quan công quyền một cách cương quyết mới thiết thực phòng chống tham nhũng, thực hiện xây dựng và chỉnh đốn Đảng như tinh thần Nghị quyết TƯ 4.

Báo Năng lượng Mới số 159 ra ngày 28/9/2012 có đăng bài “Chạy chức”- chạy ai và ai chạy” của Như Thổ nhắc đến nạn “cò” chạy chức y chang nhiều loại “cò” khác đang hành nghề tác nghiệp trong hệ thống chính trị nước ta. Chúng tôi chợt nhớ đến “hiện tượng Đà Nẵng” và tiếp tục đặt câu hỏi vì sao Đà Nẵng quá đơn độc trong 64 tỉnh, thành phố và mấy chục bộ, ngành? Không lẽ chỉ có ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Đà Nẵng dám công khai khẳng định rằng, dưới quyền mình không có hiện tượng xấu này!

Còn nhớ lần đối thoại trực tiếp với gần 4.000 cán bộ, công chức UBND, sở, ban, ngành, quận, huyện hồi cuối tháng 2/2012, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh nói: "Đà Nẵng không có chuyện chạy chọt, chung chi, chỉ cần phấn đấu. Làm cán bộ phải có ý chí và khát vọng, bởi Đà Nẵng được như hôm nay cũng nhờ có khát vọng". Đã 7-8 tháng rồi, quả thật nếu ai đó ở Đà Nẵng mất tiền chung chi hẳn đã nhảy dựng lên để cãi với ông Thanh về chuyện này. Người ta lại liên tưởng đến một ông Bí thư Tỉnh ủy khác, ông Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau bị cách chức do nhận tiền liên quan đến chuyện chạy chức! Dư luận lúc đó đặt câu hỏi, nói theo phương ngữ miền Tây "lẽ nào chỉ có mình nên Cà Mau mới có chạy chức?". Và không còn nghi ngờ gì nữa, nếu nơi nào cũng nghĩ, cũng làm như Đà Nẵng thì các quan chức kiểm tra, thanh tra, nội chính sẽ kê cao gối ngủ ngon lành.

Tuy nhiên, ai cũng có thể liệt kê được vô số hành vi chạy: chạy chức, chạy quyền, bằng cấp, học vị, học hàm, danh hiệu, chạy bầu cử, chạy dự án, chạy kinh phí, chạy chỗ làm, chạy (chữa) tuổi, chạy học vị, chạy yên vị, chạy án, chạy tội. Gần đây do chính sách đối với người nghèo thực hiện đem lại nhiều hiệu quả nên có chuyện đau lòng: chạy nghèo!... Trong "ma trận chạy" thì "chạy chức" là kinh nhất.

Bỗng thấy ai đó được ngồi vào ghế này, ghế khác người ta không nghĩ xem đương sự giỏi giang, tâm, tầm ra sao mà nghĩ ngay là do chạy mà được. Có người còn nâng tầm thành "văn hóa chạy". Thế này thì chết.

Còn nhớ trong phiên chất vấn tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ thừa nhận tình trạng chạy chức, chạy quyền đang có xu hướng gia tăng. Tuy nhiên, Bộ trưởng lại cho rằng, rất khó ngăn chặn, vì người chạy chức, chạy quyền không nói; cơ quan nhà nước lại không biết để xử lý. Có đại biểu đã làm “nóng” hội trường khi nói, qua theo dõi, tình trạng trên chưa giảm mà còn có biểu hiện gia tăng. Chẳng hạn ngành giáo dục cho ra lò khoảng 30% tiến sĩ chưa đảm bảo chất lượng nhưng nhiều địa phương cho đó là nhân tài. Nhiều viện nghiên cứu thiếu giáo sư, tiến sĩ, có trường đại học lập danh sách khống giảng viên là tiến sĩ. Ngược lại, trong cơ quan nhà nước lại có nhiều tiến sĩ, họ kiếm bằng tiến sĩ để làm quan... trong khi cử nhân giỏi phải bỏ hàng trăm triệu đồng để chạy việc. Không thiếu dẫn chứng về các sinh viên sư phạm mất cả trăm triệu để có một hợp đồng dạy học ở phố huyện mà phải 15 năm sau chưa thanh toán xong khoản tạm ứng chạy việc với bố mẹ. Tuy nhiên, đầu tư cho chạy chức là đầu tư siêu lợi nhuận.

Một kết quả nghiên cứu của chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) cho thấy, tham nhũng đều có điểm đến ở chữ "công quyền" và xuất phát điểm với từ "chạy chức, chạy quyền"?

Bản công bố này cho thấy, “có một thực trạng đáng buồn và báo động là mỗi người dân nhìn thấy nạn tham nhũng nó đi vào từng khe, kẽ nhỏ nhất của cuộc sống và người dân buộc chấp nhận như một thứ bệnh dịch và họ trở nên mẫn cảm với hiện tượng này?”.

Trở lại câu chuyện ai chạy và chạy ai, có thể luận ra rằng, nếu có kẻ “chạy” được một vị trí cao dù kém tài thua đức, thì ngay lập tức, chắc chắn ở bên dưới sẽ hình thành ngay đường dây chạy chức chạy quyền y chang phiên bản đó. Nó giống nhau ở mục tiêu chiếm vị trí không phải của mình và khác nhau ở số tiền chung chi. Tệ nạn “đút lót để mua chức” làm băng hoại bộ máy công quyền và làm hư hỏng cán bộ.

Nền hành chính thiếu minh bạch, chồng lấn chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm không rõ ràng sẽ tạo ra những công chức thiếu phẩm chất... Họ thích “làm khó để ló ra tiền mà”. Luật Phòng chống tham nhũng nêu rõ trong điều 28 là “công khai minh bạch trong hoạt động giải quyết các công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân” nhưng ít hiệu quả. Quy luật “quyền đẻ ra tiền” và “tiền mua được quyền” vẫn phát huy hiệu quả hơn. Quá nhiều kẽ hở để chạy.

Bàn chuyện chạy chức chạy quyền một chặp rồi không lẽ bó tay! Phải có giải pháp gì chứ?

Gần đây trong Nghị Quyết 30C của Chính phủ "Ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020" có quy định “... thi tuyển cạnh tranh để bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, quản lý từ cấp vụ trưởng và tương đương (ở trung ương), giám đốc sở và tương đương (ở địa phương) trở xuống”.

Một trong những giải pháp hữu hiệu gần đây đã được nói đến là cần thi tuyển cạnh tranh các chức danh lãnh đạo. Thế nhưng, hầu như chưa có ở đâu làm. Có lẽ khó khăn lớn nhất còn nhiều nơi phân vân là qua thi cử cạnh tranh những cá nhân được quy hoạch cấp ủy hoặc đang là cấp ủy không trúng tuyển thì sao? Xử lý như thế nào? Lỡ ai đó ngoài diện quy hoạch trúng tuyển?... Cung cách vì người mà xếp việc chứ không phải vì việc mà xếp người chưa được vận dụng nghiêm túc. Bác Hồ từng dạy “dụng nhân như dụng mộc” nhưng họ không chịu làm theo. Dụng mộc thì đói to! Chúng ta đang trong quá trình đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với chính quyền. Nếu không đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, chính quyền không có những thay đổi tích cực về chất trong việc phục vụ nhân dân, không nâng cao chất lượng mọi mặt của đội ngũ cán bộ, công chức thì không tránh khỏi đối mặt trước những nguy cơ thách thức về cái tâm và cái tầm của công chức.

Có người nói rằng, dẫu việc đột phá thi tuyển cạnh tranh các chức danh lãnh đạo chỉ như viên gạch nhỏ trên con đường làm trong sạch, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức nhưng phải bắt đầu từ việc đặt những viên gạch nếu không chẳng có con đường nào thành hình!

Giải pháp căn cơ nhất là áp dụng sơ tuyển, xét tuyển những người đủ các yếu tố, tố chất cần thiết. Mặt khác, phải dần dần thay đổi quan niệm về "biên chế", một nguyên nhân đưa đến sức ỳ và trì trệ, thay quan niệm cơ chế "biên chế" bằng cơ chế hợp đồng linh hoạt đối với đội ngũ công chức nói chung kể cả công chức lãnh đạo. Thay đổi việc đánh giá thành tích của cán bộ, công chức từ lòng trung thành, ý thức giác ngộ chung chung bằng đánh giá kết quả, hiệu quả công việc một cách định lượng... Biện pháp thì nhiều, nhưng thái độ, quyết tâm thì dường như quá ít. Nếu cương quyết làm trong sạch nội bộ, bịt "cửa chạy chức" ở bất kỳ cấp nào, tổ chức nào, thì giờ đây thước đo phẩm chất cách mạng, lòng trung thành với chế độ sẽ là tiêu chuẩn vàng cho công tác cán bộ. Phải bịt "cửa chạy chức" từ trong tổ chức Đảng, trong cơ quan công quyền một cách cương quyết mới thiết thực phòng chống tham nhũng, thực hiện xây dựng và chỉnh đốn Đảng như tinh thần Nghị quyết TƯ 4.

Tầm Văn

(Năng lượng Mới số 160, ra thứ Ba ngày 2/10/2012)