Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Huyền thoại Rútxlan: Những ngày gian khổ và lai lịch của Rútxlan

07:00 | 03/08/2013

1,901 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Rútxlan là con chó có thể chất yếu đuối và bệnh tật quanh năm. Nhưng bù lại, nó hiền lành, điềm đạm và tập luyện chăm chỉ và có khứu giác tuyệt vời. Đúng là giời không cho nó sức mạnh thì lại cho nó cái mũi thính. Niềm vui duy nhất của nó là mỗi khi tập luyện thành công một môn, nó được đi chơi cùng huấn luyện viên...

Phóng sự của Nguyễn Như Phong

 

Ảnh minh họa.

Vào một ngày cuối năm 1959, chuẩn úy cảnh sát hình sự Trần Thảo được gọi lên phòng làm việc của đại úy Kính, Trưởng phòng Hình cảnh của Sở Công an Hà Nội. (Ngày đó, Cảnh sát chỉ có 4 đơn vị là Hình cảnh, Phòng cháy, Giao thông và Trật tự). Sau khi hỏi han dăm câu ba điều chiếu lệ, đồng chí Kính bảo:

- Cấp trên thành lập đơn vị nuôi dạy chó để truy bắt kẻ địch. Đồng chí đi mua chó rồi lên Ba Vì để học.

Nghe nói vậy, Trần Thảo buồn ra mặt vì chưa khi nào anh hình dung ra công việc của người nuôi dạy chó chiến đấu. Vả lại, đang là anh công an, nay phải đi chăn chó… Nghĩ thế, anh bảo:

- Thưa anh, xin anh cho tôi ở lại đơn vị. Tôi hứa… hứa…

Không để Thảo nói hết câu, anh Kính nghiêm giọng:

- Đây là mệnh lệnh, đồng chí có hiểu không! Đồng chí vào công an là để chọn nghề này nghệ nọ à?

Vốn biết tính thủ trưởng nói một là một, hai là hai và nóng tính như lửa, Trần Thảo không dám nằn nèo. Chiều hôm đó, anh đi tìm mua chó. Mất một ngày đạp xe đi hỏi, cuối cùng Thảo cũng mua được một con chó màu vàng khoảng hơn hai năm tuổi. Theo chủ nhà giới thiệu thì đó là giống chó Bécgiê của Đức, nhưng đã sống nhiều đời ở Việt Nam. Mẹ nó là giống chó “đầu riềng, tai húng, đít lá mơ” chính cống, còn bố nó, cũng là hậu duệ mấy đời của giống bécgiê. Nhưng không sao, “chó giống cha, gà giống mẹ”… Và thế là Thảo dắt chú chó đó lên trường nuôi dạy chó của Công an nhân dân vũ trang.

Cũng phải nói thêm đôi chút về những ngày ra đời của lực lượng chó nghiệp vụ. Năm 1959, đại tá Karaxốp là Tư lệnh Biên phòng của một nước cộng hòa trong Liên bang Xôviết sang giúp Bộ Công an Việt Nam khai giảng lớp đào tạo huấn luyện viên sử dụng chó nghiệp vụ đầu tiên. Trong buổi khai giảng, thiếu tướng Phan Trọng Tuệ, Tư lệnh kiêm Chính ủy Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng) đã giao nhiệm vụ cho các học viên phải học giỏi để làm nòng cốt cho việc phát triển lực lượng chó nghiệp vụ sau này.

Một thời gian sau, để có hướng đào tạo chuyên sâu, Bộ Công an quyết định tách lực lượng huấn luyện chó nghiệp vụ ra làm hai: Chó phục vụ công tác biên phòng và chó phục vụ điều tra hình sự. Bộ phận huấn luyện chó phục vụ biên phòng thì giao cho CANDVT tổ chức tại Ba Vì (Hà Tây), còn bộ phận nuôi dạy chó hình sự đóng tại A3 E200 Thanh Xuân (nay là Trường đại học An ninh).

Trần Thảo đi học ở trường huấn luyện chó phục vụ biên phòng nên giáo trình dạy chó nghiệp vụ cũng là theo biên phòng, chỉ chú trọng về truy xét và tấn công kẻ địch. Chương trình huấn luyện cho anh em thì theo đúng bài bản của Liên Xô, không được sai một chữ so với giáo án. Lúc đó cũng chẳng ai nghĩ đến chuyện phải sửa đổi giáo trình cho phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam, bởi lẽ, có ai hiểu gì về chó nghiệp vụ đâu. Chính vì thế, chương trình huấn luyện vô cùng căng thẳng và hà khắc đến mức ngày nay không ai tưởng tượng nổi.

Trước hết nói về huấn luyện viên như Trần Thảo. Anh phải học vũ thuật, phải sử dụng tinh thông ba loại tiểu liên của Nga, Pháp và Trung Quốc, phải sử dụng thành thạo 7 loại súng ngắn và dao găm, phải chạy không được nghỉ khoảng hai chục cây số, phải bơi giỏi, phải tập trèo núi bằng dây… Riêng về súng, các anh phải tập nghe tiếng nổ và phân biệt được từng loại súng. Điều này rất quan trọng vì khi chiến đấu phải biết kẻ địch dùng súng gì, loại súng đó băng đạn có bao nhiêu viên và phải đếm tiếng nổ để biết băng đạn còn mấy viên. Khi địch bắn đến viên áp chót thì chuẩn bị cho chó xung phong, lúc địch bắn viên cuối cùng và thay băng đạn thì ra lệnh cho chó tấn công… Ra lệnh cho chó xung phong lúc địch còn nhiều đạn trong súng là đẩy chó vào chỗ chết.

Sáng tập với chó, chiều tập vũ thuật, tập sử dụng vũ khí và đêm thì tập truy lùng. Hàng tháng trời, không đêm nào các anh được ngủ trọn một đêm. Một người chạy trước, cầm theo mấy đồ vật và anh ta vứt trên đường rừng tối mịt mù. Huấn luyện viên dắt chó truy theo dấu vết và phải nhặt đủ các thứ anh ta vứt, thiếu thứ nào là cầm chắc bị phạt. Mỗi tuần, học viên chỉ được nghỉ tự do đúng nửa ngày chủ nhật và tối thứ bảy. Cũng theo bài bản của giáo viên Liên Xô, anh em phải đi ủng da. Ủng do thợ giày của ta đóng bằng loại da bò cứng như mo nang, ủng da đi đường đồng bằng, trời lạnh thì cũng hay, nhưng nếu trời nóng, lại phải leo đồi leo núi, chui luồn bụi rậm thì quả là một cực hình.

Lính nhà ta đi chân đất đã quen, nếu dùng giày mềm thì được và dễ cơ động, đằng này đút chân vào ủng như như nhét vào hộp gỗ, mỗi bước đi là như bị vụt vào chân. Vì thế, anh em có sáng kiến là cứ khi nào thấy vắng giáo viên Nga thì buộc ủng treo lên cổ. Nhưng nếu bị bắt gặp, cầm chắc là phải ngồi nghe kiểm điểm hàng tiếng đồng hồ.

Khổ mấy cũng còn chịu được nhưng Thảo buồn nhất là con chó vàng kia không sao dạy nổi. Nếu như chó Nga, chó Đức ăn uống luôn theo đúng khẩu phần định lượng, thiếu chút là hất đi thì con chó “riềng” của Thảo ăn gì cũng được, ngủ đâu cũng xong, nhưng tập luyện hơi mệt là chui vào bụi nằm, thích thì làm, không thì thôi, trong “suy nghĩ” của nó, không có chỗ đứng cho tính kỷ luật… đã thế, lại hay sủa lăng nhăng. Có lần đi tập phục kích, thấy chú nhái là nhảy ra vồ và sủa nhặng lên, cứ như trẻ con.

Hết khóa học chín tháng, Thảo trở về Công an Hà Nội và lập tổ cảnh khuyển có hai người: Anh và Giáp. Địa điểm ở ngay dốc Chợ Bưởi. Lúc này, họ được giao cho hai con chó già của Nga, thứ chó giống để đẻ đã thải, bên bạn không sử dụng được nữa. Dù sao thì cũng còn tốt hơn con chó “riềng”, dắt chó bécgiê của Nga, cao to lừng lững, nặng gần năm chục kilô xem ra oai hơn nhiều.

Sang năm 1960, Trường nuôi dạy chó Nghiệp vụ của Bộ Công an nhập về 20 con chó giống của Liên Xô và cũng là chó gần hết tuổi chiến đấu, và một số chó Trung Quốc. Giáo viên của trường chủ yếu là đi học ở Trung Quốc về. Qua xem huấn luyện, Trần Thảo phát hiện ra phương pháp của Nga khác phương pháp Trung Quốc, đặc biệt là trong môn cho chó giám biệt nguồn hơi. Nhưng anh cũng thấy rằng, cả hai cách đều có một nhược điểm là chó chỉ giám định nguồn hơi được ở các vật thu được và phải dí vào mũi nó hoặc bỏ mẫu vào ca, lọ thủy tinh, còn những nơi mà không lấy được nguồn hơi, ví dụ như bàn tay bám vào cánh cửa, vào cạnh bàn… thì chó chịu.

Thế là Thảo lặng lẽ cho con chó già có tên là ASI tập luyện theo cách của mình. Ngay sau đó, chó ASI phá được hai vụ trộm và thế là Trần Thảo được cấp trên nhìn bằng con mắt khác. Từ khi chó ASI giám định chính xác, Thảo hiểu giá trị của chó hình sự trong việc giúp trinh sát điều tra vụ án, vì thế anh càng nung nấu trong lòng phải kiếm con chó khác để thay thế. Và cũng qua thực tế dạy chó, anh thấy yêu vô cùng con vật trung thành và có nghĩa. Giữa anh và loài chó dường như đã dệt được những sợi dây tình cảm gắn bó, keo sơn.

Một lần vào Trường nuôi dạy chó Nghiệp vụ chơi, anh thấy có đàn chó con mới đẻ khá đẹp. Thảo hỏi ra thì được biết là bố lũ chó con này là giống bécgiê của Pháp, còn mẹ chúng cũng là giống chó "riềng”. Nhưng có lẽ chúng là đời lai F2 cho nên vẫn còn dáng chó Tây lắm. Thảo gặp các đồng chí lãnh đạo nhà trường hỏi mua nhưng không được, hỏi xin cũng không được vì nguyên tắc lúc ấy lắm chuyện kỳ quặc, vả lại, chó đang thiếu nên quý hơn vàng. Nghĩ đi nghĩ lại, thấy chỉ còn mỗi cách đi… bắt trộm. Thảo bàn với Giáp và cả hai cũng sợ bị phát hiện. Nhưng rồi hai anh em bảo nhau là nếu đi bắt trộm vì nhiệm vụ thì cũng chẳng có lỗi gì lớn.

Thống nhất quan điểm xong, hai anh lặng lẽ đi trinh sát khu trường, tìm đường ra lối vào cho hợp lý và quan sát kỹ khu nuôi chó. Tại nơi nuôi chó đẻ thì chỉ con mẹ là bị nhốt, còn lũ chó con được chạy tung tăng trong sân và chỉ trừ lúc bú hay ngủ là chúng chui vào chuồng với mẹ, còn thì chơi đùa bên ngoài. Chó con đang lúc bắt đầu biết ăn cơm, lại chưa được dạy dỗ nên ai cho gì cũng xông ra chén. Biết được điều này, hai anh đi mua nửa kilô thịt, rán lên đem làm mồi nhử chó.

Vào một đêm tháng Chạp năm 1960, trời mưa phùn và rét như cắt ruột, Thảo và Giáp bơi qua hồ Phùng Khoang, đột nhập vào khu nuôi chó. Con chó mẹ thì bị nhốt trong chuồng, còn lũ chó con cứ chạy ra chạy vào… Thảo dùng thịt lợn nhử lũ chó con ra rồi anh cùng Giáp, mỗi người cắp ngay một con, quấn vào áo bông và chuồn thẳng. Nhưng về đến nhà, khi ngắm nhìn lại “chiến công”, Thảo buồn rầu về con chó của mình. Nó gầy yếu như bị ốm đói, mắt hấp háy vì bị đau, thỉnh thoảng lại thót bụng khúc khắn ho, trong khi đó, con của Giáp nhanh nhẹn, khỏe và ăn như thụi…

Hai người đem giấu chó vào trong nhà dân. Vì thấy chó của mình yếu nên Thảo đặt cho nó cái tên nghe “khỏe mạnh” cho đỡ “xái”. Vốn võ vẽ biết đôi chút tiếng Pháp nên anh gọi nó là Rútlông (Route longue) có nghĩa là “đường dài”. Nhưng về sau, có lẽ là vì gọi là “Rútlông” không thuận miệng cho  lắm, nên mọi người cứ gọi nó là Rútxlan (tên một chàng dũng sĩ trong truyện thần thoại Nga, và anh Thảo cũng quen tên này. Còn con của Giáp, anh đặt tên là Asa.

Là chó bắt trộm về nuôi cho nên chúng không được tiêu chuẩn gì. Vậy là anh Thảo và Giáp dành gần như toàn bộ tiêu chuẩn thịt, đường, sữa của mình để nuôi chúng. Khi nó được 6 tháng tuổi thì Thảo bắt đầu đem huấn luyện.

Rútxlan là con chó có thể chất yếu đuối và bệnh tật quanh năm. Nhưng bù lại, nó hiền lành, điềm đạm và tập luyện chăm chỉ và có khứu giác tuyệt vời. Đúng là giời không cho nó sức mạnh thì lại cho nó cái mũi thính. Niềm vui duy nhất của nó là mỗi khi tập luyện thành công một môn, nó được đi chơi cùng huấn luyện viên. Thảo đưa chó lên Quảng Bá hay ra đê sông Hồng. Nó được chạy thả sức trên những triền đê mượt cỏ, còn anh nằm vắt chân chữ ngũ, ngửa mặt nhìn trời xanh. Thỉnh thoảng, nó lại chạy về, dụi mõm vào ngực anh và khe khẽ rít lên sung sướng.

Trần Thảo cần mẫn cho chú Rútxlan tập giám biệt hơi và tập theo những bài do anh tự nghĩ ra. Biết được thế mạnh của con Rútxlan là ở cái mũi nên anh tập trung cho nó học giám biệt hơi. Hơi người tỏa ra trên cơ thể không đồng nhất. Hơi ở tay khác ở chân, hơi ở bụng không giống ở ngực, thậm chí sợi tóc trước trán cho hơi khác sợi tóc sau gáy... Rồi anh cho chó Rútxlan tập giám biệt những nguồn hơi phức tạp như hơi người lẫn với hơi xăng dầu, lẫn mùi tỏi, thậm chí mùi dầu cao su Sao Vàng… Chó Rútxlan dường như cũng hiểu được lòng anh nên mỗi bài học mới, nó đều cố gắng thực hiện và chỉ mong được thưởng. Phần thưởng thường chỉ có miếng thịt lợn luộc thái mỏng và những cái vỗ nhẹ vào đầu âu yếm, cùng những lời động viên: “Giỏi lắm, Rútxlan. Nào, cố lên!”.

Đầu năm 1962, Trường nuôi dạy chó Nghiệp vụ tổ chức hội thi chó. Thảo và Giáp dắt hai con chó lên trường. Nhìn chúng, Ban giám khảo hết sức ngạc nhiên. Một con thì to béo, khỏe mạnh, một con thì gầy yếu hom hem. Nhưng kết thúc cuộc thi, cả hai con đều đạt thành tích cao hơn tất cả lũ chó của trường. Trong bài tập giám biệt nguồn hơi, chó Rútxlan thắng tuyệt đối, còn trong bài truy xét, con Asa của huấn luyện viên Giáp cũng thắng tuyệt đối. Thi xong, khi trở về, Thảo và Giáp vẫn áy náy về chuyện đi bắt trộm chó. Không muốn để vương vấn mãi việc này. Các anh báo cáo với lãnh đạo toàn bộ sự thật. Vụ việc được trình lên đồng chí Nguyễn Văn Long, Giám đốc Sở Công an Hà Nội.

Nghe trình bày xong, đồng chí bảo: “Anh em biết nhận khuyết điểm thế là tốt. Vả lại cũng là từ say mê nghiệp vụ và vì trách nhiệm mà làm liều. Thôi, để tôi nói với các anh trong trường, còn các đồng chí làm chế độ cho hai con chó”.

Thế là từ đó, chó Rútxlan được chính thức đưa vào biên chế của đội, nó mới có lý lịch, có sổ khám sức khỏe và được hưởng tiêu chuẩn ăn theo định lượng tính thành tiền là 36 đồng, gấp đôi tiêu chuẩn ăn của Trần Thảo (36 đồng ngày đó, nếu lấy phở làm chuẩn thì mua được 72 bát phở loại 5.000 đồng ngày nay).

Ngày 26/2/1962, Rútxlan lập được chiến công đầu tiên, khám phá ra thủ phạm vụ trộm lấy súng tiểu liên ở Trung đoàn 204. Nhưng vụ trộm súng này còn đơn giản, dấu vết nguồn hơi thủ phạm để lại khá nhiều nên việc giám biệt không mấy khó khăn. Và cũng từ đấy, tên tuổi của Rútxlan trở nên quen thuộc với các trinh sát của công an các tỉnh miền Bắc...

 

(Còn tiếp)

Nguyễn Như Phong