Hợp tác năng lượng Việt Nam-Đan Mạch: Hướng Tới Tương Lai Xanh
Điều này được thể hiện rõ qua những dự án hỗ trợ kỹ thuật từ chính phủ Đan Mạch cũng như sự cam kết mạnh mẽ từ các công ty năng lượng hàng đầu của quốc gia này tại Việt Nam.
Năm 2013, Việt Nam và Đan Mạch đã ký kết một hiệp định hợp tác dài hạn với mục đích thúc đẩy quá trình chuyển đổi tại Việt Nam sang nền kinh tế các-bon thấp. Việc thực hiện hiệp định này do chính phủ Đan Mạch tài trợ và Cơ quan Năng lượng Đan Mạch (DEA) quản lý.
DEA đã hợp tác với Bộ Công Thương Việt Nam thông qua Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng (DEPP), bao gồm các lĩnh vực sử dụng hiệu quả năng lượng trong công nghiệp, tích hợp năng lượng tái tạo vào lưới điện, và xây dựng mô hình kịch bản dài hạn của ngành năng lượng.
Ngày 28/10/2021, tại Hà Nội, Bộ Công Thương và Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, đại diện cho Chính phủ Đan Mạch, đã ký kết Hiệp định giữa hai Chính phủ về Hợp tác phát triển trong Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam - Đan Mạch giai đoạn 2020 - 2025 (DEPP 3).
Bên cạnh các lĩnh vực nêu trên, chương trình cũng sẽ bao gồm hợp phần điện gió ngoài khơi và một hợp phần tập trung vào xây dựng các chính sách khuyến khích kinh tế để cải thiện việc sử dụng năng lượng hiệu quả trong lĩnh vực công nghiệp tại Việt Nam.
Không chỉ vậy, trong khuôn khổ DEPP 3, Cục Điều tiết Điện lực đã phối hợp với các chuyên gia từ DEA, Cơ quan Vận hành lưới truyền tải điện Đan Mạch (ENERGINET) để nghiên cứu và đề xuất các quy định đấu nối hệ thống pin lưu trữ năng lượng cho Việt Nam. Giải pháp linh hoạt này sẽ cho phép Việt Nam giữ ổn định hệ thống điện khi mức độ thâm nhập trong hệ thống điện của các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời ngày càng gia tăng.
"Việt Nam là một trong 5 quốc gia mà Đan Mạch có quan hệ Đối tác chiến lược xanh, cùng với Ấn Độ, Indonesia, Nam Phi và Hàn Quốc. Điều đó cho thấy Đan Mạch dành sự ưu tiên và cam kết rất cao đối với Việt Nam", Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Nicolai Prytz khẳng định với báo chí ngày 3/11.
Đầu tư
Năng lượng tái tạo là một trọng những điểm hấp dẫn giúp lôi kéo các doanh nghiệp Đan Mạch đến Việt Nam, theo bà Lina Hansen, Thứ trưởng Ngoại giao Đan Mạch về thương mại và tính bền vững toàn cầu. Trên thực tế, một số tập đoàn của Đan Mạch đang đánh giá, khảo sát, nghiên cứu khả thi và tìm kiếm đối tác đầu tư cho các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.
Ngày 9/9/2021, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại EU và Vương quốc Bỉ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Tập đoàn T&T của doanh nhân Đỗ Quang Hiển và Ørsted, công ty năng lượng lớn nhất của Đan Mạch, đã chính thức ký kết biên bản ghi nhớ (MoU) về việc hợp tác chiến lược trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.
Quan hệ hợp tác chiến lược này hứa hẹn đem lại nguồn cung lớn về năng lượng tái tạo thông qua các dự án điện gió ngoài khơi đầu tư mới tại tỉnh Bình Thuận và tỉnh Ninh Thuận, với tổng công suất lắp đặt ước tính gần 10GW và tổng giá trị đầu tư khoảng 30 tỷ USD (dự kiến được phân kỳ đầu tư trong thời gian 20 năm). Thỏa thuận này hứa hẹn mang lại nguồn cung lớn về năng lượng tái tạo và đồng thời tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người dân địa phương.
Trong khi đó, Copenhagen Infrastructure Partners (CIP), nhà đầu tư và phát triển dự án điện gió ngoài khơi hàng đầu thế giới đến từ Đan Mạch, đã ký Biên bản ghi nhớ với UBND tỉnh Bình Thuận năm 2020 để phát triển dự án điện gió ngoài khơi La Gàn có tổng công suất 3,5GW với tổng vốn đầu tư dự kiến lên đến 10,5 tỷ USD.
Chuỗi cung ứng
Chưa dừng lại ở đó, các công ty năng lượng Đan Mạch đã và đang góp phần đưa các doanh nghiệp Việt Nam tham gia ngày càng sâu vào chuỗi cung ứng năng lượng tái tạo, đặc biệt là trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi.
Cụ thể, Ørsted đã ký một biên bản ghi nhớ với Công ty TNHH MTV Dịch vụ Cơ khí Hàng hải PTSC (PTSC M&C) vào ngày 5/8/2022 để khởi động quan hệ hợp tác trong các dự án điện gió ngoài khơi. Nó bao gồm việc cung cấp các trạm biến áp ngoài khơi tiên tiến cho danh mục các dự án điện gió ngoài khơi quy mô nhiều gigawatt do Liên danh Ørsted và T&T đề xuất để cung cấp nguồn năng lượng sạch và đáng tin cậy cho Việt Nam, hỗ trợ quốc gia đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Ngoài khía cạnh trong nước, sự hợp tác này cũng mang ý nghĩa xuất khẩu nhằm hỗ trợ danh mục các dự án điện gió ngoài khơi toàn cầu quy mô lớn của Ørsted.
Vào tháng trước, CIP đã ký hợp đồng với liên danh PTSC M&C và Semco Maritime nhằm cung cấp trạm biến áp ngoài khơi cho dự án điện gió ngoài khơi Fengmiao do CIP phát triển tại Đài Loan (Trung Quốc).
Hợp đồng này đánh dấu nỗ lực của CIP trong việc hỗ trợ các nhà thầu Việt Nam sau khi 2 bên ký Biên bản ghi nhớ vào tháng 11/2022. Đây là nền tảng để CIP mở rộng hợp tác quy mô toàn cầu bằng việc đưa PTSC M&C vào danh sách nhà cung cấp tiềm năng cho dự án tại Đài Loan, Nhật Bản và các thị trường khác.
Cuối tháng 8, CIP cũng ký kết Biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Đại Dũng về hợp tác phát triển thi công chế tạo móng monopile và kết cấu thép cho các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.
Phát biểu bên lề lễ lý kết, ông Stuart Livesey, Đại diện của Tập đoàn CIP tại Việt Nam cho biết: Tập đoàn CIP có cam kết mạnh mẽ với ngành điện gió ngoài khơi tại Bình Thuận nói riêng và thị trường Việt Nam nói chung. Qua kinh nghiệm triển khai nhiều dự án điện gió ngoài khơi trên thế giới, chúng tôi nhận thấy việc phát triển được chuỗi cung ứng nội địa là một trong những yếu tố quan trọng giúp đảm bảo hiệu quả triển khai và hiệu quả chi phí cho dự án, từ đó giúp giảm giá bán điện đến người tiêu dùng.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cũng tham gia vào chuỗi cung ứng năng lượng tái tạo của Vestas, công ty hiện cung cấp tới 40% các tuốc bin điện gió tại Việt Nam.
Những sự hợp tác này không chỉ giúp Việt Nam đảm bảo nguồn cung năng lượng sạch mà còn mở ra cơ hội hợp tác lâu dài giữa hai quốc gia.
Đỗ Khánh
Tổng hợp