Hội nghị Điện gió Việt Nam 2021: Thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng
Hội nghị Điện gió Việt Nam 2021 là sự kiện chính thức thường niên của ngành công nghiệp điện gió do Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) và Informa Markets Việt Nam tổ chức từ năm 2018. Năm nay, sự kiện diễn ra dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Sự kiện quy tụ các cơ quan hoạch định chính sách hàng đầu của Việt Nam, các lãnh đạo ngành điện gió, các nhà đầu tư và các bên liên quan quan trọng khác ở trong nước và quốc tế, trong đó có sự tham gia của các công ty Na Uy.
Đại sứ Na Uy tại Việt Nam - bà Grete Løchen phát biểu chào mừng hội nghị |
Đại sứ Na Uy tại Việt Nam, bà Grete Løchen phát biểu chào mừng trong phiên khai mạc, bà nhấn mạnh tới xu thế chuyển dịch tất yếu trên toàn cầu từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo. Đại sứ Løchen bày tỏ hy vọng: “Hội nghị sẽ góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng rất cần thiết này để đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững. Phương pháp tiếp cận nhiều bên liên quan có ý nghĩa then chốt và sẽ cung cấp các thông tin có cơ sở để các cơ quan nhà nước xây dựng các phương án chính sách hiệu quả và có thể dự đoán”.
Bốn công ty nổi bật của Na Uy là Equinor, Mainstream Renewable Power, DNV và Scatec cũng sẽ góp mặt tại sự kiện này. Trong 2 ngày hội nghị, quản lý cấp cao của các công ty này sẽ tích cực tham gia vào các phiên thảo luận để chia sẻ những hiểu biết và kinh nghiệm của mình về các vấn đề như: Đấu giá, tài chính dự án và quản lý tài sản; mua bán và aáp nhập, đầu tư và huy động vốn; chứng nhận, tiêu chuẩn hóa và phát triển nguồn nhân lực; tối ưu hóa sản xuất điện trong trang trại gió (Thiết kế turbine, đánh giá tài nguyên, định vị, công nghệ dự báo).
Các đại biểu tham dự hội nghị |
Giống như Việt Nam, Na Uy cũng có đường bờ biển dài, nguồn gió ngoài khơi dồi dào và ngành công nghiệp dầu khí phát triển. Na Uy cũng dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Với kinh nghiệm chuyên môn lâu đời về hàng hải và các hoạt động ngoài khơi, Na Uy đang ở một vị trí có một không hai để đóng góp vào thị trường gió ngoài khơi đang ngày càng phát triển. Các công ty và cụm công nghiệp của Na Uy đang tận dụng những kiến thức chuyên môn ngoài khơi đặc biệt là những kinh nghiệm, kỹ năng và kiến thức xây dựng các công trình trên biển của mình, để khẳng định vị thế của mình trên thị trường điện gió ngoài khơi toàn cầu.
Mặc dù có sự khác biệt về công nghệ và yêu cầu trong ngành điện gió ngoài khơi so với ngành dầu khí, nhưng về bản chất, cả hai đều liên quan tới việc xây dựng và vận hành các công trình lớn ngoài khơi và những hoạt động liên quan. Có rất nhiều công nghệ và kỹ thuật của ngành dầu khí có thể được chuyển giao sang ngành điện gió ngoài khơi: Trụ móng nổi có thể chịu được môi trường khắc nghiệt, hệ thống neo đậu, và dây neo, khảo sát địa kỹ thuật, các tàu bảo trì, tàu dịch vụ và những vấn đề liên quan. Na Uy là quê hương của các nhà sản xuất thiết bị, khai thác hàng hải và cung cấp dịch vụ cực kỳ hiểu biết, có uy tín và lấy khách hàng làm trung tâm, do đó họ có thể cung cấp các dịch vụ lắp đặt và hậu cần ngoài khơi với chất lượng cao. Chưa kể, Na Uy còn có một trong những cơ sở thử nghiệm hàng đầu thế giới về các giải pháp điện gió nổi.
Tham tán Thương mại Na Uy, Giám đốc Innovation Norway, ông Arne-Kjetil Lian cho biết: “Phát triển điện gió ngoài khơi đòi hỏi công nghệ, điều vốn là thế mạnh của các công ty Na Uy. Sở hữu năng lực đẳng cấp thế giới về đổi mới, công nghệ và các giải pháp công nghiệp quy mô lớn nhằm xúc tiến các phương án mới có tính cạnh tranh mới để phát triển các dự án điện gió ngoài khơi, các công ty Na Uy sẵn sàng hợp tác cùng các đối tác trong nước thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn và công nghệ để giúp Việt Nam chuyển đổi năng lượng và thực hiện các cam kết về khí hậu trong khuôn khổ Thỏa thuận Paris và COP26, đồng thời góp phần vào tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam”.
Tháng 10 năm nay, Đại sứ quán Na Uy tại Hà Nội đã trao tặng Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam ấn phẩm “Báo cáo Nghiên cứu chuỗi cung ứng cho phát triển điện gió ngoài khơi của Việt Nam trong chuyển đổi năng lượng” ngay trước chuyến đi của Bộ trưởng sang dự COP26. Báo cáo đưa ra một cái nhìn tổng quan về toàn bộ chuỗi cung ứng cho ngành công nghiệp gió ngoài khơi của Việt Nam gồm các công ty chủ chốt, hiện trạng, lợi thế và những khoảng trống còn lại, kèm với đó là các khuyến nghị về những gì Việt Nam có thể ưu tiên để kích thích sự phát triển của chuỗi cung ứng trong nước mạnh mẽ, qua đó tạo công ăn việc làm cho lao động có tay nghề cao và thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường điện gió khác. Báo cáo cũng nêu bật các cơ hội mà điện gió ngoài khơi mang lại cho các nhà cung cấp Việt Nam và xác định các lĩnh vực mà các nhà đầu tư nước ngoài trong đó có các công ty Na Uy có thể hợp tác với các đối tác Việt Nam để xây dựng các dự án điện gió ngoài khơi, sản xuất điện với chi phí thấp hơn và từng bước làm cho năng lượng tái tạo trở nên hợp lý cho tất cả mọi người.
P.V
-
Việt Nam lọt top 20 quốc gia được du khách yêu thích nhất thế giới
-
Luật Điện lực (sửa đổi) phải là “trụ đỡ” pháp lý vững chắc để năng lượng mới, năng lượng tái tạo phát triển đúng kỳ vọng
-
Luật Điện lực (sửa đổi): Các khoảng trống pháp lý cần được lấp đầy và bổ sung theo tinh thần NQ55 và KL76
-
Luật Điện lực (sửa đổi) tạo hành lang pháp lý cho chuyển đổi năng lượng bền vững
-
Đức nỗ lực củng cố ngành công nghiệp điện gió
-
Sửa đổi Luật Điện lực: Yêu cầu xuất phát từ thực tiễn
-
EVNHANOI đảm bảo điện phục vụ kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
-
Đóng điện nhánh rẽ đường dây 220kV đấu nối từ trạm biến áp 500kV Chơn Thành
-
Đầu tư hydro phát thải thấp: Thách thức cũng là cơ hội cho doanh nghiệp