Quy hoạch điện VIII: Xem xét lại điện than, phát triển điện gió ngoài khơi
Theo những tính toán mới từ Dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch điện VIII), đến năm 2030 sẽ tăng công suất điện gió ngoài khơi thêm từ 1.000 MW lên 4.000 MW so với kịch bản tháng 3; điện gió trên bờ tăng thêm từ 1.258 MW lên 17.338 MW.
Việt Nam có đến 160 GW tiềm năng điện gió ngoài khơi |
Theo Báo cáo World Bank về lộ trình gió ngoài khơi, Việt Nam có thể phát triển 5-10 GW điện gió ngoài khơi đến năm 2030 và tạo ra khoảng 60 tỷ USD tổng giá trị gia tăng cho cả nền kinh tế. GWEC tin tưởng rằng, mục tiêu 5 GW điện gió ngoài khơi là hoàn toàn khả thi và thậm chí, việc đặt mục tiêu tham vọng ở mức 10 GW sẽ giúp tạo niềm tin lớn hơn cho các nhà đầu tư. Đây cũng là yếu tố quan trọng đẩy nhanh sự phát triển của ngành này tại Việt Nam.
Ông Mark Hutchinson - Chủ tịch Nhóm công tác khu vực Đông Nam Á (GWEC) cho biết, điện gió và các nguồn năng lượng tái tạo khác là những giải pháp bản lề cho tương lai phát thải carbon thấp. "Chúng tôi ủng hộ việc đưa ra mục tiêu công suất 17 GW cho điện gió trên bờ vào năm 2030. Mục tiêu công suất cho điện gió ngoài khơi vào năm 2030 trong Quy hoạch điện VIII vẫn đang được xem xét và chúng tôi tin rằng 10 GW là hoàn toàn khả thi, dựa trên những tính toán từ Báo cáo của Ngân hàng Thế giới”, ông Mark Hutchinson nói.
Việc nhanh chóng triển khai điện gió ngoài khơi được các chuyên gia nhận định sẽ tạo đà cho sự phát triển của ngành này, qua đó dẫn tới việc giảm mạnh chi phí trong tương lai. Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển xanh (GreenID) cho rằng, điện gió là nguồn năng lượng sạch, đáng tin cậy, có tính đoán định cao và có khả năng bổ trợ, củng cố cho hệ thống năng lượng Việt Nam.
Trong bối cảnh điện than có nhiều khả năng sẽ bị cắt giảm đáng kể trong Dự thảo Quy hoạch điện VIII mới, điện gió là nguồn điện lý tưởng bổ sung cho lượng công suất còn thiếu. Điện gió ngoài khơi sử dụng nguồn tài nguyên gió bản địa và vô tận. Do đó, việc triển khai các dự án này sẽ bảo vệ ngành năng lượng của Việt Nam khỏi các rủi ro của thị trường nhiên liệu thế giới nhiều biến động.
Cộng đồng chuyên gia và doanh nghiệp điện gió đều đánh giá cao việc Chính phủ xem xét tăng công suất lắp đặt dự kiến cho điện gió ngoài khơi trong Quy hoạch điện VIII. Đây là tín hiệu tích cực về mối quan tâm cũng như niềm tin của Chính phủ dành cho ngành.
Dù vậy, tương tự các quốc gia khác, các chuyên gia cho rằng, cơ chế hỗ trợ là rất cần thiết để giúp ngành điện gió ngoài khơi xây dựng các chuỗi cung ứng nội địa, phát triển hạ tầng cảng, cũng như đào tạo nhân lực... Điều này sẽ tạo tiền đề giúp điện gió ngoài khơi cạnh tranh với điện khí và điện than trong tương lai.
Ông Mark Hutchinson cho rằng, việc đặt ra các mục tiêu tham vọng là hết sức quan trọng, Các nguồn tài chính xanh, với quy mô được gia tăng đáng kể sau Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), đã sẵn sàng được đầu tư vào Việt Nam thông qua nhiều kênh khác nhau. Đây là nguồn tài chính quan trọng cho việc triển khai điện gió ngoài khơi. Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn tài chính dồi dào này vẫn còn một số rào cản cần được giải quyết, bao gồm cơ chế cấp phép, chính sách hỗ trợ và khả năng huy động vốn của hợp đồng mua bán điện…
Cùng quan điểm trên, ông Mathias Hollander cho rằng, kinh nghiệm từ những thị trường điện gió ngoài khơi thành công như Anh, Đức, Đài Loan (Trung Quốc) đã chứng tỏ rằng việc xây dựng những chính sách hỗ trợ, đặc biệt là cơ chế hỗ trợ về giá trong giai đoạn đầu đóng vai trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển của ngành điện gió ngoài khơi.
Chính phủ đang tiến hành xem xét chấm dứt phát triển điện than |
“Dựa trên kinh nghiệm làm việc với Chính phủ nhiều nước để thúc đẩy ngành điện gió ngoài khơi, chúng tôi đề xuất xem xét áp dụng cơ chế hỗ trợ về giá đối với 4-5 GW công suất lắp đặt điện gió ngoài khơi đầu tiên. Cách tiếp cận này sẽ giúp giảm thiểu những quan ngại về rủi ro thị trường phát triển quá nóng trong thời gian ngắn và sẽ giúp đảm bảo bài toán tài chính, tạo niềm tin cho việc đưa ra quyết định đầu tư dài hạn. Phương pháp tiếp cận này sẽ tạo đà cho sự chuyển đổi thành công sang cơ chế đấu thầu và cắt giảm chi phí…”, ông Mathias Hollander nói.
“Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để phát triển nhanh chóng ngành điện gió ngoài khơi, với điều kiện là những cơ chế chính sách cần được hoàn thiện, bao gồm cơ chế cấp phép, chính sách hỗ trợ và một hợp đồng mua bán điện PPA có khả năng huy động vốn”, nhóm các chuyên gia cho biết.
Tại cuộc họp lấy ý kiến hoàn thiện Dự thảo Quy hoạch điện VIII mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, quan điểm tính toán lần này là xem lại việc phát triển nhiệt điện than; tính toán cân đối nguồn - tải theo vùng miền… Đáng lưu ý, lần cập nhật này sẽ tính toán thêm việc phát triển điện gió (trên bờ và ngoài khơi).
Cũng tại cuộc họp nêu trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã nhấn mạnh, Quy hoạch điện VIII phải được tính toán khoa học, kỹ lưỡng, cân nhắc tất cả các yếu tố để đảm bảo mục tiêu cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Quy hoạch lần này phải thực hiện cơ cấu nguồn điện phù hợp hơn, giảm năng lượng hóa thạch, tăng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, đặc biệt là có phương án tăng điện gió trong tổng cơ cấu.
Việt Nam quyết tâm chuyển đổi dần, từng bước sang các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương nghiên cứu cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ phát triển điện gió ngoài khơi; cơ chế huy động nguồn vốn để phát triển nguồn điện; đề xuất, làm rõ thêm các phương án để điều hành, đảm bảo an toàn hệ thống…
Điện gió ngoài khơi tại Việt Nam được đánh giá có tiềm năng công suất hơn 160 GW, với nguồn tài nguyên gió lý tưởng trải dài ba miền Bắc, Trung, Nam. |
Bùi Công
-
[PetroTimesTV] Từ tuabin gió 20 năm tuổi đến ngôi nhà tí hon hiện đại
-
Đảng ủy Than Quảng Ninh kiện toàn Ủy ban Kiểm tra
-
Giảm phát thải khí nhà kính - Giải pháp nào cho ngành phân bón
-
[PetroTimesTV] Bước ngoặt mới cho năng lượng tái tạo châu Âu
-
Hoàn thành cấp điện tái thiết cho khu dân cư thôn Kho Vàng, Nậm Tông