Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Hội chứng “nghiện công nghệ”

05:31 | 21/09/2013

5,113 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thời đại bùng nổ của công nghệ thông tin đã mang đến cho cuộc sống của con người rất nhiều những tiện ích lý thú. Thế nhưng, chính việc đam mê thái quá những sản phẩm, ứng dụng công nghệ, Internet hay mạng xã hội đã khiến cho nhiều bạn trẻ dần bị cuốn vào cuộc sống ảo mà xa rời hiện thực. Hãy cùng tìm hiểu những biểu hiện và tác hại của chứng “nghiện công nghệ” của giới trẻ Việt hiện nay.

Check-in facebook, up ảnh, clip cá nhân mọi lúc, mọi nơi

Một trong những biểu hiện rõ nét nhất của bệnh “nghiện công nghệ” ở nhiều bạn thanh, thiếu niên, đặc biệt là các bạn nữ hiện nay là sự công khai quá lố thông tin hay hoạt động cá nhân mình trên những mạng xã hội như facebook, twitter hay youtube… cho bàn dân thiên hạ (bất kể có thân quen hay không) biết. Những người mắc chứng này thường có tật xấu là mỗi khi đi ăn chơi với bạn bè, người yêu thường “tự khai” trên trang cá nhân về những hoạt động ăn uống, vui chơi của mình thông qua chức năng check-in trên Facebook hay upload ảnh trên instagram, camera360, photo wonder...

Có nhiều cô gái với ngoại hình bắt mắt bây giờ có thói quen là cứ ngồi sau yên xe máy bạn trai đèo là y như rằng chỉ một lúc sau sẽ lôi ra chiếc smartphone hoặc tablet để “phồng mồm, trợn mắt” tạo dáng chụp ảnh rồi up lên facebook với những dòng status chẳng hề liên quan đến nội dung bức ảnh. Mục đích thông báo thông tin thì ít mà chủ yếu là nhằm câu “like” và khơi gợi “comment” từ bạn bè hay những người hâm mộ.

Thói quen "chụp ảnh trước khi ăn" có thể khiến mọi người đợi bạn trong khó chịu

Quang Anh (ĐH RMIT Hà Nội) chia sẻ câu chuyện của mình: “Mình có cô bạn gái cũng xinh xắn, dễ thương, mỗi tội thích câu “like”. Bất cứ lúc nào có thể, kể cả khi ở nhà hay ra ngoài đường, cô ấy cũng đều muốn cập nhật trạng thái bằng cách ghi status hay check-in địa điểm rồi tag bạn bè (ngay cả khi đang không ở cùng họ) chỉ nhằm mục đích thu hút sự chú ý của mọi người. Có khi rảnh rỗi, hai đứa mình dẫn nhau ra quán ăn, ngay khi nhân viên mang đồ ăn ra, mình định “đánh chén” ngay vì đang đói nhưng cô ấy lại muốn hãm lại chỉ để… chụp ảnh món ăn và check-in địa điểm quán rồi đăng lên facebook để khoe”.

Không chỉ chuyện ăn uống, chơi đùa vui vẻ mà các “tín đồ cuồng công nghệ” còn chăm chỉ công khai những chuyện buồn hay những việc xấu của mình một cách thái quá mà không cần biết người khác có quan tâm hay không. Một ví dụ điển hình của tình trạng này là hotgirl Mai Thỏ (người vốn nổi tiếng với những bức ảnh hay video clip khoe vòng 1 nóng bỏng) với bộ ảnh chụp chung với nghệ sĩ Tạ Trí Hải bị đa số cư dân mạng nói riêng và dư luận nói chung đánh giá là khoe thân một cách lố bịch và kệch cỡm. Trong bộ ảnh “Học đàn” mà cô nàng xinh đẹp này chụp với nghệ sĩ đường phố Tạ Trí Hải, cô đã thiếu tinh tế khi lựa chọn một bộ đầm trắng ngắn cũn cỡn phô bày một cách thô thiển bộ ngực “khủng” cùng thân váy ngắn, ôm trọn body nhằm khoe dáng đẹp, chân dài để chụp cùng với một người nghệ sĩ già đáng tuổi ông, tuổi cha cô. Không phải lần đầu tiên, những bức ảnh nóng bỏng của Mai Thỏ (mặc dù nhận được hàng nghìn lượt like và comment) bị dư luận đánh giá thấp về tư cách đạo đức, bất chấp những lời biện minh của người trong cuộc khi cho rằng, đó chỉ đơn thuần là “nghệ thuật”.

Nổi tiếng bằng cách up clip, ảnh khoe thân táo bạo kèm những phát ngôn gây sốc dường như đang là một cách không ít bạn trẻ chọn để mình trở nên nổi trội một cách nhanh chóng từ trong thế giới ảo ra ngoài cuộc sống thật. Mới đây, cô nàng lắm chiêu Lê Thị Huyền Anh (với nickname facebook là Bà Tưng) đã khiến cộng đồng mạng dậy sóng với một loạt những clip khoe thân thô thiển cùng những phát ngôn mang đậm tính kích dục không cần để ý đến đánh giá của dư luận, với lý do nghe rất buồn cười là làm thế vì xuất phát từ… sở thích, ai thích thì xem và ấn like, không thích thì thôi.

Câu slogan ý nghĩa của một facebooker về nguyên tắc cho những mối quan hệ này đã nhận được hơn 33.000 lượt xem, 2.900 lượt like và 120 lượt bình luận chỉ sau 1 ngày đăng tải trên mạng xã hội

Rõ ràng, bên cạnh chức năng thông báo vị trí, tình trạng bản thân thông thường thì những dòng status, check-in hay những bức ảnh, clip cá nhân trên mạng xã hội đã khiến cho không ít bạn trẻ hiện nay trở nên thụ động và mắc phải căn bệnh chuộng hư danh thái quá mà không cần biết tác hại khi những thông tin cá nhân của mình bị lọt vào tầm mắt của những kẻ xấu một cách vô tình hay cố ý. Việc trang cá nhân của bạn update tràn ngập những việc bạn làm trong ngày, kể cả những việc nhỏ nhặt nhất có thể khiến mọi người từ chỗ chán, không quan tâm đến chỗ gây khó chịu cho họ. Biết đâu được, một ngày nào đấy những bạn trẻ thích “không đánh mà khai” thông tin cá nhân này sẽ thấy những thông tin của mình bị chế hay post một cách châm biếm lên các trang mạng khác, trở thành trò cười cho thiên hạ.

Công nghệ phát triển có thể khiến con người xa cách nhau

Không thể phủ nhận những tiện ích đáng kể của các sản phẩm công nghệ cao như laptop, điện thoại thông minh hay máy tính bảng được kết nối Internet đã đem đến cho cuộc sống con người. Thế nhưng, khi để bị cuốn vào vòng xoáy của những tiện ích mà công nghệ thông tin mang lại thì cũng là lúc chúng ta trở nên chìm đắm vào thế giới ảo mà không còn chú trọng vào việc thể hiện mình ngoài cuộc sống thật bằng việc tạo lập và củng cố những mối quan hệ xã hội thân mật cần có.

Nhiều bạn trẻ bị "hút hồn" bởi những món đồ công nghệ cao ở các siêu thị điện máy

Hậu quả là không thiếu những thanh, thiếu niên hiện nay đã xa rời thực tế, coi máy tính hay smartphone là những người bạn thân thiết còn hơn cả người thân, bạn bè của mình - điều mà trước đây, khi chưa có làn sóng bùng nổ công nghệ thông tin thì họ đã không cư xử như vậy. Bạn Thanh Tâm (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Mình không thích cách nhiều bạn trẻ tỏ ra quá bận rộn với Internet như bây giờ. Đứa bạn thân của mình có tật là cứ đi uống cà phê là phải xách theo cái laptop hoặc mở iPhone, iPad để vào mạng đọc thông tin, mặc kệ bạn bè đi cùng có cố gắng tiếp chuyện đến mấy cũng chỉ để ngoài tai. Câu hỏi đầu tiên khi vào quán của cậu bạn đó thường là: “(Anh) Chị ơi, cho em hỏi pass wifi ở đây là gì ạ? Dần dần, bạn đó bị xa lánh do đã để công nghệ tách mình ra khỏi bạn bè”.

Vlogger nổi tiếng Huyme cũng đã từng tung ra một vlog về đề tài công nghệ và cuộc sống. Bằng cách nói hóm hỉnh nhưng chân tình, cộng với hình ảnh “rơi nước mắt” vì bị công nghệ “cướp” mất bạn, vlog của Huyme đã rất thành công và được nhiều người yêu thích. Trong vlog này, Huyme tâm sự: “Mình có cảm giác công nghệ đã cướp của mình những người bạn. Ngày xưa, mỗi khi bọn mình đến nhà nhau thì đều chơi đùa, nói chuyện với nhau rất vui vẻ. Và rồi công nghệ đã đến và lấy đi tất cả. Bọn mình đã trở nên quá bận rộn, mỗi đứa mải mê một góc (để chơi điện tử, nghịch smartphone) mà không nói với nhau một câu nào cả”. Nguyên nhân của chứng “nghiện công nghệ” này có thể xuất phát từ hai nguyên nhân: Thứ nhất là do những tiện ích hấp dẫn mà công nghệ mang lại. Và thứ hai là do chúng ta không muốn trở nên lạc hậu so với bạn bè mình. Và cuộc chạy đua công nghệ bắt đầu xảy ra ngay chính từ những người bạn đồng trang lứa, hệ quả là những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, vui chơi ngoài đời thật ít dần, chỉ vì những chủ nhân của nó đang mải mê với những mối quan hệ ảo trên mạng xã hội, Internet.

Cả trẻ em và người lớn đều bị cuốn hút

Không chỉ các bạn thanh thiếu niên mà ngay cả những đứa trẻ hay một bộ phận người lớn tuổi cũng đã và đang bị nhiều tiện ích của công nghệ cám dỗ mà có khi chính họ cũng không hề hay biết. Nhiều trẻ em bây giờ được tiếp xúc với công nghệ từ rất sớm, cho nên chơi game hay iPad cứ phải gọi là thao tác toanh toách, thế nhưng có những việc nhỏ nhặt như tự vệ sinh thân thể hay lựa chọn trang phục phù hợp… thì vẫn chưa làm được. Thói quen dựa dẫm vào công nghệ đó sẽ khiến cho trẻ dần dần bị ỷ lại, tư duy hoạt động trì trệ do thiếu tiếp xúc với thực tế. Có lần tôi đến nhà một người bạn chơi, thấy cậu bé em của người bạn mình mới học lớp 2 nhưng đã biết vào mạng chơi game hay chat với bạn bè, thế nhưng khi tôi thử kiểm tra khả năng tính toán của em bằng một phép tính cộng trừ đơn giản thì thằng bé “botay.com” và thú nhận rằng, với bất kỳ phép toán nào cũng chỉ quen tay bấm máy tính chứ không quen tính nhẩm.

Nhiều người lớn hiện nay cũng đang bị cuốn vào niềm đam mê mà công nghệ hiện đại đã mang lại. Người ta có thể bỏ ra một số tiền lớn để trang bị cho mình những chiếc điện thoại, máy tính cao cấp hay dành thời gian nhiều giờ để “chém gió” trên mạng xã hội mà không thấy chán trong khi có thể nhu cầu thực sự không cần thiết phải như vậy. Không chỉ thu hút giới trẻ, ngay cả thế hệ U40, 50 cũng tự lập cho mình một tài khoản facebook để giao lưu bạn bè và quản lý con cái. Cô Nguyễn Thu Hiền (45 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: “Nhiều khi công việc văn phòng nhàn rỗi, tôi cũng như các đồng nghiệp khác lại tranh thủ lên mạng nghe nhạc, xem phim trực tuyến hay lượn lờ trên tường facebook của bạn bè để giết thời gian”.

Đừng biến mình thành nô lệ của công nghệ

Sự phát triển chóng mặt của các sản phẩm công nghệ thông tin cùng những tính năng đa dạng và hấp dẫn của Internet, mạng xã hội đã thu hút được sự quan tâm và thay đổi thói quen trong cuộc sống của từng cá nhân, từ đó mà lan tỏa ra cộng đồng để làm nên một trào lưu, một phong cách sống mà nhiều người cho là “hiện đại” hay “sành điệu”. Nhưng nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ tự biến mình thành nô lệ cho những sản phẩm công nghệ do chính con người tạo ra. Tính năng liên kết của mạng xã hội đã khiến nhiều người tham gia không thể dứt “nổi sự quan tâm thái quá, có thể nói là “nghiện”. Trung bình mỗi thanh niên Việt Nam ngồi trước màn hình mạng xã hội 60 phút mỗi ngày, chưa kể lượng lớn khác chìm đắm hàng giờ, cứ vài phút lại phải “lượn” vào thế giới ảo một lần. Những người sử dụng nhiều đều phải chấp nhận sự thật: không dứt nổi mắt khỏi mạng xã hội.

Mai Thỏ bị chỉ trích nặng vì hành động khoe thân bên nghệ sĩ già Tạ Trí Hải trong bộ ảnh "Học đàn"

Chính vì dành quá nhiều thời gian cũng như mê đắm thế giới ảo, ngoài việc đề cao thái quá hình ảnh bản thân, nhiều người sử dụng mạng xã hội còn bị ám ảnh đến mức sống ảo, xây dựng luôn cho mình một cá tính ảo không kém.

Trẻ em chơi game 5-6 giờ mỗi ngày sẽ không có thời gian để tham gia các hoạt động xã hội, để học tập hoặc chơi thể thao. Điều này khiến trẻ không thể có được sự phát triển bình thường về mặt xã hội. Thực tế cho thấy, nhiều game thủ đã ngoài hai mươi nhưng cảm xúc và trí tuệ chỉ như đứa trẻ lên mười. Những game thủ nhiều tuổi hơn thì có thể có các hành động rất liều lĩnh. Họ coi thường mạng sống của mình và những người khác, coi thường các chuẩn mực đạo đức xã hội và các quy định của pháp luật.

“Nghiện công nghệ” không chỉ lấy đi thời gian, tiền bạc mà cả tinh thần và sức khỏe của con người. Đã không ít trường hợp thanh, thiếu niên lâm vào trạng thái suy nhược trầm trọng, thậm chí tử vong sau vài ngày vùi đầu vào trò chơi điện tử hay mạng xã hội mà không ăn, không uống. Ngay đến cả một thói quen không tốt của nhiều bạn trẻ hiện nay là vừa điều khiển xe máy, vừa dán mắt vào điện thoại tưởng như nhỏ nhặt cũng có thể khiến cho họ lơ đãng và tai nạn hoàn toàn có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Đã có những nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc về tác hại của chứng “nghiện Internet” đến cấu trúc não bộ của con người. “Những nghiên cứu của chúng tôi đã chỉ ra rằng chứng “nghiện Internet” đã gây ra sự bất thường cho chất trắng trong vùng não, ảnh hưởng trực tiếp đến các dây thần kinh quan trọng như thể hiện cảm xúc, chú ý, quyết định và kiểm soát nhận thức”. Nhóm nghiên cứu này cho biết.

Để tránh tự biến mình thành nô lệ của công nghệ, chúng ta hãy tập thói quen chỉ sử dụng các sản phẩm công nghệ để đáp ứng các nhu cầu thiết yếu nhất của bản thân và cố gắng dành nhiều thời gian tham gia các hoạt động cộng đồng liên quan đến vận động thể lực và sinh hoạt văn hóa lành mạnh, vui vẻ để khẳng định ý nghĩa thật sự mà cuộc sống thật mang lại. Đó sẽ là biện pháp tốt nhất để các bạn trẻ, đặc biệt là những người sống quá phụ thuộc và công nghệ khám phá được niềm vui đích thực trong cuộc sống.

Phóng sự của Đăng Đức