Hóa ra gn-ix.net dự báo đúng!
Thắt lưng buộc bụng khẩn cấp đi là vừa |
Nội dung bài báo, đại khái là nói về tình trạng giàu xổi, nghèo thật ở Việt Nam, tình trạng các đại gia chi tiêu theo kiểu “vung tay quá trán”, tiêu tiền vì sĩ diện, vì háo danh, vì thích thành tích… Các doanh nhân Việt thì rất hiếm người có tầm nhìn xa, mà quen làm ăn chộp giựt, “bóc ngắn cắn dài, đếm cua trong lỗ”... Và cảnh báo cứ chi tiêu bạt mạng, không biết chắt bóp, tiết kiệm, thì sẽ tới lúc không còn tiền mà tiêu.
Còn nói theo kiểu dân gian thì “khéo không đủ tiền mua thuốc chuột mà tự tử”!
Cho nên phải “thắt lưng buộc bụng” đi là vừa!
Tưởng rằng việc “cảnh báo” đó sẽ thừa, đối với các đơn vị, cơ quan tiêu tiền bằng ngân sách… Nhưng hóa ra, tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã “tiết lộ” con số rất đáng lo ngại, ấy là tiền ngân sách để chi tiêu cho năm 2016, chỉ còn khoảng 45 ngàn tỷ.
Bộ trưởng Vinh cũng phải cay đắng thốt lên rằng doanh nghiệp của ta nhiều, nhưng chủ yếu là buôn bán, đầu tư nhà hàng, khách sạn…
45 ngàn tỷ đồng tiền Việt là bao nhiêu đô la? Quy đổi theo kiểu áng chừng thì được hơn 2 tỷ USD… Đây quả là con số quá nhỏ bé, đối với một quốc gia gần 100 triệu dân.
Rồi trong rất nhiều thứ chi phí chưa hợp lý, thì theo tính toán của Bộ Tài chính, một xe công trung bình mỗi năm sẽ tốn chi phí khá lớn trong bối cảnh ngân sách còn nhiều khó khăn, vào khoảng 320 triệu đồng/năm, bao gồm cả chi phí trả lương lái xe, chi phí hao mòn, sửa chữa, xăng dầu… Như vậy, ước tính mỗi năm, 40.000 xe công sẽ tiêu tốn khoản tiền ngân sách lên tới 12.800 tỷ đồng. Thế thì tại sao không khoán quách tiền xe công vào lương đi… Hay sang Lào mà học cách người ta quản lý xe công?
Lại nhớ chuyện xưa, năm 1988, ngân sách kiệt quệ đến mức chỉ còn… 25 triệu đô la. Và Bộ Chính trị đã phải đưa ra phương án tiết kiệm đến mức là: Chỉ có 4 đồng chí lãnh đạo cao nhất là có xe ô tô đưa đi làm, còn tất cả, xin đi… xe đạp.
Không hiểu đó có phải chuyện thật hay là giai thoại dân gian để nói về một thời khó khăn, nhưng chắc chắn rằng, đất nước ta từng trải qua những tháng ngày cực kỳ khốn khó.
Bây giờ, kinh tế phát triển, cái đói, cái nghèo như xưa không còn nữa… Nhưng bây giờ, người ta lại mắc bệnh… tiêu hoang.
Thử tính xem, mỗi năm, các địa phương, các ngành, các cơ quan, đơn vị, tốn bao nhiêu tiền cho những việc hiếu hỉ?
Rồi thử tính xem, mỗi năm, có bao nhiêu đoàn đi ra nước ngoài “học tập kinh nghiệm” và tốn bao nhiêu tiền. Nhưng họ học được cái quái gì đâu? Đi chơi bằng tiền ngân sách là chính, chứ học hành gì? Nếu như họ biết học tập kinh nghiệm tiên tiến, cách làm hay của nước ngoài về để áp dụng trong phạm vi địa phương, đơn vị mình, thì chắc nước ta cũng đã khác nhiều?
Rồi bao nhiêu tỉnh, thành “hăng hái” xin xây dựng tượng đài, công viên, quảng trường… Trong khi kinh tế thì phát triển chậm, tiền thu được không đủ nuôi nhau mà phải xin Trung ương… Nhưng vẫn thích xây công trình “hoành tráng”.
Mỗi khi có ngày lễ ngày kỷ niệm, bạt ngàn băng rôn, khẩu hiệu chăng khắp hang cùng ngõ hẻm… mà bây giờ, người ta chạy xe máy vù vù, ai dám đứng lại mà đọc nhưng băng rôn, backdrop dày đặc những từ ngữ nghe kêu như chuông, nhưng sáo rỗng…
Dĩ nhiên, các vị lãnh đạo chính quyền sẽ bảo rằng “đó là tiền xã hội hóa”, tiền của doanh nghiệp… Ô hay, thế doanh nghiệp tự in được tiền à? Họ cũng phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới kiếm được tiền chứ? Chẳng qua là “ông chính quyền”, bắt họ phải nộp, phải tham gia “làm đẹp mặt” địa phương, nên mới phải tham gia “xã hội hóa”, chứ chắc gì họ đã muốn.
Thử tính xem, mỗi năm, chúng ta tốn bao nhiêu tiền cho các lễ hội, các kỷ niệm thành lập tỉnh này, bộ kia… và lãng phí bao nhiêu ngày công lao động?
Ví như năm nay, ngoài lễ kỷ niệm cấp Nhà nước 70 thành lập nước, rồi 40 năm Chiến thắng 30-4 thì là đương nhiên rồi. Nhưng còn có bao nhiêu tỉnh, thành, bộ ngành cũng kỷ niệm “năm chẵn”. Và đã có ai tính ra tốn bao nhiêu tiền cho các buổi lễ ấy không?
Đất nước chúng ta chưa giàu, mức thu nhập trung bình còn thấp, Chính phủ còn phải xuất gạo cứu đói, phải hỗ trợ tiền cho không ít nơi… Nhưng hình như không ai chia sẻ nỗi lo này cho Chính phủ, mà cứ vẫn cứ coi ngân sách Nhà nước là sữa của con bò… Ai uống được bao nhiêu thì cố mà… tranh thủ?
Ngẫm mà thấy lo sợ cho cái kiểu tiêu tiền “vén tay áo xô, đốt nhà táng giấy” của chúng ta.
Nguy cơ thiếu tiền cho chi tiêu công đã hiển hiện trước mắt. Vì thế, từng ngành, từng đơn vị, địa phương hãy “thắt lưng buộc bụng” ngay lập tức đi.
Như Thổ
-
Dự án Luật Điện lực (sửa đổi): Cần cụ thể hóa các chính sách cải cách giá điện
-
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét thông qua 15 luật và 13 dự án luật
-
Kỷ luật 2 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng
-
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3
-
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo