Hỗ trợ doanh nghiệp “vượt khó” - Cần tìm lối ra từ chính sách tài khóa
Thống kê cho thấy, năm 2021, riêng chính sách tài khóa đã miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí là 132.000 tỷ đồng, trong đó, miễn và giảm là 24.000 tỷ đồng và gia hạn là 108,4.000 tỷ đồng. Năm 2022 chúng ta huy động được nguồn lực lớn nhất và thực hiện miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí lớn nhất, là 200,3.000 tỷ đồng, trong đó, miễn giảm 89.000 tỷ đồng và gia hạn 110,7.000 tỷ đồng... Năm 2023, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ đã trình và dự kiến sẽ miễn, giảm, gia hạn 195,4.000 tỷ đồng, trong đó miễn giảm là 74,2.000 tỷ đồng và gia hạn là 121.000 tỷ đồng tiền thuế, phí.
Theo các chuyên gia, nền kinh tế và doanh nghiệp cần nhiều hỗ trợ hơn từ chính sách tài khóa - Ảnh minh họa |
Và trong bối cảnh các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế có dấu hiệu suy giảm và kinh tế quốc tế còn nhiều biến số khó lường, theo các chuyên gia, nền kinh tế và doanh nghiệp cần nhiều hỗ trợ hơn từ chính sách tài khóa, an sinh xã hội, xóa bỏ rào cản kinh doanh bất hợp lý.
Để hỗ trợ doanh nghiệp “vượt khó”, thúc đẩy nền kinh tế nhanh chóng phục hồi nửa cuối năm 2023, các chuyên gia cho rằng, cần thực hiện nhanh và hiệu quả các giải pháp ổn định vĩ mô, phục hồi tăng trưởng và các chính sách hỗ trợ sản xuất – kinh doanh, kích cầu du lịch, phát triển thị trường nội địa, thúc đẩy đầu tư công với mục tiêu giảm áp lực tài chính, tăng cường “sức khỏe” doanh nghiệp, qua đó gián tiếp giải quyết tình trạng thiếu việc làm.
Thông tin với báo chí, GS.TS Tô Trung Thành - Trưởng phòng nghiên cứu khoa học thuộc Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ, việc thúc đẩy tăng trưởng kinh sẽ phụ thuộc nhiều vào chính sách tài khóa trong bối cảnh dư địa chính sách tiền tệ bị thu hẹp đáng kể, khả năng tăng nhanh tín dụng và giảm nhanh lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng là khó khăn.
Theo đó, các cơ quan quản lý tiếp tục gia hạn nộp thuế theo Nghị định 12/2023/NQ-CP Chính phủ. Đồng thời, rà soát lại các chính sách hỗ trợ thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, phần nào chưa giải ngân hết như chính sách hỗ trợ lãi suất 2% với số dự kiến chưa giải ngân là 37.520 tỷ đồng đến hết năm 2023, chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động với số dự kiến chưa giải ngân khoảng 2.823 tỷ đồng.
“Với số còn dư thì nên điều chuyển sang chính sách khác có khả năng thực hiện”, ông Thành chia sẻ.
Trong đó, cần thực hiện nhanh và hiệu quả các giải pháp ổn định vĩ mô, phục hồi tăng trưởng và các chính sách hỗ trợ sản xuất – kinh doanh, kích cầu du lịch, phát triển thị trường nội địa,... - Ảnh minh họa |
Bên cạnh đó, về đầu tư công, ông Thành khuyến nghị, Chính phủ cần có những giải pháp cả về ngắn hạn và dài hạn để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm 2023 mới đạt gần 14,7% kế hoạch cả năm và đạt gần 15,7% kế hoạch Thủ tướng giao.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, nguyên nhân chính, là vướng mắc tại khâu chuẩn bị đầu tư. Theo Luật Đầu tư công, có dự án mới được bố trí tiền, nhưng khâu chuẩn bị dự án “tắc” sẽ dẫn tới các khâu tiếp theo không thực hiện được. Chưa kể, dự án được phê duyệt mới tính đến việc đền bù giải phóng mặt bằng – vốn diễn ra chậm, nên thời gian chuẩn bị đầu tư bị kéo dài từ đó dẫn tới tình trạng “vốn chờ dự án đủ thủ tục”, khiến khoản tiền chuẩn bị cho giải ngân, quyết toán bị nghẽn.
Để giải quyết tình trạng đã nêu, GS.TS Tô Trung Thành cho rằng, cần thực hiện các giải pháp cụ thể trong ngắn hạn, gồm: nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu; điều chuyển vốn cho các dự án quan trọng, đẩy nhanh tiến độ, có khả năng giải ngân nhanh vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Trung ương và các dự án khẩn cấp.
Trong dài hạn, vị chuyên gia này khuyến nghị, Chính phủ hoàn thiện Luật Đầu tư công cùng các luật khác có liên quan. Đồng thời, xử lý vấn đề giải phóng mặt bằng; cải cách thủ tục hành chính trong việc xử lý thủ tục về đầu tư; hình thành cơ chế giám sát thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.
Liên quan đến việc hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy nền kinh tế, trước đó, tại Nghị trường kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, nhiều ý kiến cho rằng, để nền kinh tế có thể vượt qua những khó khăn hiện nay, cần có những quyết sách mạnh mẽ hơn. Cụ thể, các cấp, các ngành, địa phương phải được phân định rõ trách nhiệm như một kỷ luật thép để đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, từ đó tăng được tổng cầu và tạo được tác động lan tỏa trong nền kinh tế.
Mặt khác, các vướng mắc về pháp lý và thủ tục hành chính cần được giải quyết nhanh chóng hơn, để các dự án bất động sản và các dự án sản xuất, kinh doanh khác được triển khai, tạo việc làm cho người lao động, đem về doanh thu và tăng khả năng trả nợ cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Chính phủ cần thực thi các biện pháp tài khóa và tiền tệ mạnh mẽ hơn. Đây là thời điểm thích hợp để thực hiện quốc sách khoan sức dân, yểm trợ cho doanh nghiệp, không nên tăng thêm bất cứ loại thuế, phí và thủ tục nào. Trong đó, việc giảm thuế VAT 2% trong thời gian tới cần mở rộng ra tất cả các ngành hàng và kéo dài ít nhất 1 năm.
Đại biểu Lê Thanh Vân – đoàn Đại biểu tỉnh Cà Mau cho rằng, Chính phủ phải có chương trình ngắn hạn, tập trung vào chính sách tài khóa và tiền tệ. Kịch bản đối phó ngắn hạn cần linh hoạt chính sách tài khóa và tiền tệ và một trong giải pháp chính là giảm thuế VAT. Cùng với đó, điều chỉnh chính sách thu hút đầu tư, đặc biệt thuế tối thiểu toàn cầu để giữ chân nhà đầu tư và thu hút thêm.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp
Chính phủ ban hành Nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng, phục hồi nhanh, phát triển bền vững |
Gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tăng trưởng |
-
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với những quyết sách hỗ trợ doanh nghiệp
-
Chính sách hỗ trợ lãi suất 2% không đi vào cuộc sống
-
[VIDEO] Sửa luật thuế để hỗ trợ doanh nghiệp
-
Kiến nghị 3 giải pháp để giải quyết tình trạng thiếu vốn, ngân hàng lại thừa tiền
-
Đẩy mạnh tín dụng ngân hàng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong năm 2024