Hãy tự trách mình cử nhân Ninh ơi!
Trong mấy ngày hôm nay, dư luận có vẻ hơi nhiều chiều về chuyện một anh chàng cử nhân trường Đại học Điện lực, tên là Phùng Đức Ninh quê ở Lương Tài, Bắc Ninh đứng trên đường Cầu Giấy, Hà Nội với tấm bảng xin việc.
Tấm bảng ghi: “Tôi vừa tốt nghiệp. Tôi là bố. Tôi cần một công việc để mua sữa cho con. Bạn cần tuyển tôi. Liên hệ mail:…”.
Thế rồi cư dân mạng và cả một số các báo điện tử có nhiều ý kiến. Nơi thì thương xót, nơi thì trách cứ cho rằng đây là hành động nhục nhã của một cử nhân.
Kể cũng lạ! Có việc gì mà phải coi đây là một hành động nhục nhã nhỉ?
Một người không có công ăn việc làm trong cơn tuyệt vọng, người ta buộc phải làm như vậy cũng như một người đi ăn xin có gì đâu mà lại bảo là nhục nhã.
Tấm bảng xin việc của Phùng Đức Ninh. |
Nhưng, vấn đề lại nằm ở chỗ khác!
Chàng cử nhân tên là Ninh này tại sao lại phải như vậy?
Điều đó có nghĩa rằng: Trong đầu chàng cử nhân này chỉ có một chút kiến thức ở nhà trường, còn ngoài ra anh ta không biết làm một công việc gì khác.
Không hiểu anh chàng cử nhân này có biết sửa chữa điện không? Không biết anh ta có thể đấu nối một mạng điện trong gia đình không? Và cũng không hiểu rằng anh ta có thể sửa chữa được điện của một cái xe máy dù là rất đơn giản hay không?
Có nghĩa là anh ta có thể có kiến thức, một thứ kiến thức suông nhưng anh ta không hề có kiến thức thực tế hay nói nôm na là “có chữ nhưng không biết làm gì”.
Vậy là đã có một chuyện xảy ra: Xã hội ta bây giờ người ta rất thiếu người có tay nghề, và xã hội cần người có tay nghề chứ người ta không cần những người có học vấn nhưng… không biết làm gì.
Một vấn đề nữa, anh chàng cử nhân này ra đứng giữa đường Cầu Giấy, Hà Nội. Vậy tại sao với cái bằng cử nhân của mình, anh không dám xông pha đi đến vùng sâu, vùng xa xin việc, đi đến những nơi mà người ta cần những cử nhân Điện lực.
Còn ở Hà Nội, hoặc là những đô thị lớn chắc chắn rằng người ta chẳng cần gì cử nhân Điện lực, bởi vì những gì mà đã chuẩn bị cần thì họ đã có đủ hết rồi. Cử nhân chứ Thủ khoa chưa chắc người ta đã cần.
Ở Hà Nội, các thành phố và rất nhiều nơi, bây giờ người ta cần những người biết làm việc, những người thợ, chứ người ta không cần những cử nhân suông.
Vừa rồi, tại Giải Báo chí quốc gia đã có một phóng sự được giải thưởng. Đó là phóng sự của những nhà báo đóng giả trong vai những người thất nghiệp đi xin việc.
Và ở một số nơi người ta không quan tâm đến bằng đại học, mà người ta bắt xòe bàn tay xem bàn tay có chai hay không. Và nếu bàn tay có chai thì có nghĩa đó là người biết lao động và người ta nhận vào làm.
Đấy là một vấn đề mà các bạn trẻ bây giờ cần phải suy nghĩ nghiêm túc trước khi chọn cho mình con đường vào đời.
Cũng lại có chuyện nữa, bấy lâu nay chúng ta cứ đề cao tri thức. Và người ta nói rằng tri thức và kiến thức là sức mạnh. Thật ra câu nói này không hoàn toàn đúng. Kiến thức là công cụ, là phương tiện. Nhưng những người có kiến thức chưa chắc đã làm nên được công trạng gì, mà vấn đề là, có kiến thức nhưng liệu có biết sử dụng kiến thức đó không.
Và người nào biết sử dụng kiến thức thì người đó sẽ lo được cho bản thân mình, còn những người nào biết sử dụng những người có kiến thức thì người đó sẽ trở thành những ông chủ, những nhà lãnh đạo.
Chúng ta đã biết rất nhiều những chuyện những người học cao, học rộng, bằng cấp nọ kia phải đi làm thuê và chịu sự sai khiến của những người mà có khi kiến thức văn hóa chỉ mới là thoát nạn mù chữ, nhưng ở đời lại phải nhìn ra một khía cạnh khác.
Những người có tài năng bẩm sinh lãnh đạo thì kiến thức chuyên ngành của họ lại không giỏi mà họ giỏi ở kiến thức “dùng người”. Mà chuyện dùng người thì chả ai đạy được ai.
Gần đây, suốt ngày chúng ta cứ nói về chuyện là có đến hàng chục, hàng trăm ngàn cử nhân thất nghiệp trong khi chúng ta sẽ thấy rất nhiều nơi đăng tuyển mộ người lao động, thợ công nhân kỹ thuật. Căn bệnh sính bằng cấp, căn bệnh không biết tự lượng sức mình và căn bệnh háo danh đã làm hủy hoại không ít thanh niên mới chập chững bước vào đời.
Ngày xưa cha ông ta đã có câu: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, điều đó có nghĩa rằng phải có một nghề để sống, còn thứ kiến thức học được trong trường Đại học, thì nói xin lỗi cử nhân Ninh, xã hội bây giờ không cần nhiều lắm đâu!
Và nếu có cần thì đó là ở những nơi vùng sâu, vùng xa những nơi thâm sơn cùng cốc.
Vậy bạn có dám để vợ con ở đây, đi lên Tây Nguyên, lên Tây Bắc, đi lên những làng bản xa xôi hoặc những nhà máy điện ở những nơi đèo heo hút gió để làm hay không?
Bạn có dám dấn thân vào cuộc sống ở những nơi gian khó hay không?
Nếu không có chí mà lại chỉ trông mong vào tấm bằng cử nhân thì bạn có ghi biển như thế với những dòng chữ cám cảnh như thế, chứ bạn có rơi hết nước mắt cũng chẳng ai thương xót đâu!
Hy vọng rằng các bạn trẻ đang chập chững bước vào đời, đang thích có tấm bằng đại học, hãy nhìn tấm gương của anh chàng cử nhân tên Ninh này.
Và tốt nhất học gì thì học, nhưng phải biết làm nghề.
Vì sao ông bố tuyệt vời lại trở nên đáng thương như vậy? Có vẻ như Ninh đang mệt mỏi vì sự dèm pha của nhiều người và mất đi sự tự tin ban đầu. Ai đã làm cho một ông bố dũng cảm, bất chấp sĩ diện kiếm tiền mua sữa cho con trở nên đáng thương như vậy? |
Như Thổ
Năng lượng Mới
-
Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau thảo luận tổ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
-
Thủ tướng đề nghị 4 tập đoàn hàng đầu của UAE đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược của Việt Nam
-
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh sự cần thiết phải sửa đổi Luật Điện lực
-
Bổ sung chính sách thu hút nhà đầu tư khảo sát dự án điện gió ngoài khơi
-
Bay chặn, ép hạ cánh với tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam