Hầu đồng: Văn hóa hay mê tín?
Có ý kiến cho rằng, mặc dù là hình thức diễn xướng, hát văn nhưng hầu đồng mang đậm màu sắc mê tín dị đoan với việc nhập hồn, phán truyền của Thánh… Trong khi ý kiến khác lại đánh giá đây là một nghi lễ của đạo Mẫu như vô vàn nghi lễ khác trong thế giới tín ngưỡng rộng lớn. Đến nay, cuộc tranh luận này vẫn chưa ngã ngũ nhưng cuối cùng lý do cũng chỉ vì ranh giới của sự mê tín và không mê tín trong hầu đồng quá mong manh.
Vì sao lại mong manh
Theo GS.TS Ngô Đức Thịnh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng, một người đã gắn bó với nghiên cứu về hầu đồng một cách say mê gần 20 năm nay, từ thế kỷ XV đã hình thành nên đạo Mẫu. Trong đạo Mẫu lại có nghi lễ hầu đồng nên đạo Mẫu có từ khi nào thì hầu đồng cũng có từ khi ấy. Theo quan niệm của người xưa, dựa trên cách ngẫu tượng hóa hay còn gọi là nhân thần hóa thế giới vạn vật theo dáng dấp của người phụ nữ rất quen thuộc không chỉ ở Việt Nam mà ở phương Đông nói chung, vũ trụ là Mẹ. Mẹ cai quản trời, đất, sông, núi. Nhưng để cai quản được, từ một thể thống nhất Mẹ đã phân thân thành: Mẫu Thượng thiên (cai quản trời – mặc áo đỏ), Mẫu Địa (cai quản đất – mặc áo vàng), Mẫu Thượng ngàn (cai quản rừng núi – mặc áo xanh) và Mẫu Thoải (cai quản sông nước – mặc áo trắng). Trong đó Mẫu Thượng Thiên là lớn nhất, được xem như vị giáo chủ cai quản chung. Theo nhiều tài liệu, Mẫu Thượng Thiên chính là bà chúa Liễu Hạnh, một trong “tứ bất tử” của lịch sử Việt Nam. Do sự sắp xếp thành hệ thống như vậy mà vì sao trong đạo Mẫu có tam phủ, tứ phủ. Tam phủ, tứ phủ chính là Mẫu Thượng thiên, Mẫu Địa… và cũng vì hệ thống ấy, sau khi nghiên cứu GS.TS Ngô Đức Thịnh đã đặt tên là đạo Mẫu và đạo Mẫu trở thành tên gọi chính thức cho tín ngưỡng thờ Mẹ.
Vậy người ta hầu đồng để làm gì? Theo GS.TS Ngô Đức Thịnh giải thích: “Bên cạnh việc cầu tài, lộc… theo quan niệm “phúc – lộc – thọ” của người Trung Quốc, hầu đồng còn nhằm đưa thế giới thần linh du nhập vào đời sống thực tại và để người trần mắt thịt chu du trong thế giới thần linh trong trạng thái siêu thoát…”. “Trạng thái siêu thoát” mà GS.TS Ngô Đức Thịnh nói đến chính là khả năng “thoát xác”, quên hết thực tại của con người để tiếp cận được những bồng bềnh hư ảo ẩn chứa trong tâm hồn và tư duy của họ”. Theo cách gọi của nhà nghiên cứu văn hóa, PGS. Trần Lâm Biền thì còn là “trạng thái yoga tinh thần”. Chính những đặc điểm này cùng với quan niệm cầu tài, lộc… trong hầu đồng đã khiến cho ranh giới giữa mê tín và không mê tín của nghi lễ trở nên quá mong manh đến nỗi không thể nào phân biệt được. Bởi trạng thái siêu thoát hay “yoga tinh thần” mà các nhà khoa học nói đến bằng cách nhìn đầy duy vật, khoa học không thể nào lý giải được. Cũng như việc cầu tài lộc trong hầu đồng để phân biệt được đâu là lạm dụng đâu là không cũng không hoàn toàn đơn giản. Đã vậy, nghi lễ, cách thức của chầu hầu đồng nào cũng giống nhau với diễn xướng, hát văn, dâng lễ vật, phát lộc… nên càng khó khăn hơn trong việc phân biệt ranh giới giữa mê tín và không mê tín.
Sự biến tướng của hầu đồng
Theo GS.TS Ngô Đức Thịnh do sự mong manh như vậy trong ranh giới mê tín và không mê tín của hầu đồng mà hiện nay, có tới 80% là lợi dụng nghi lễ này để biến nó từ một nghi lễ linh thiêng, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc thành một trò lố lăng, mê tín dị đoan, thậm chí kiếm lời bằng cách đòi hỏi những người dự hầu dâng nhiều lễ vật, thanh đồng phải phô trương, diễn xướng… một cách “hoành tráng”. Và ai là người có thể đòi hỏi để kiếm lời như vậy? Chính là những ông đồng bà cốt, những người trông coi đền, điện, nơi diễn ra những buổi hầu đồng đồng thời cũng là “thầu” lễ hầu.
Nói ra đây, khó ai mà có thể tưởng tượng được “trị giá” một buổi hầu đồng hiện nay có khi bằng cả gia tài của một gia đình với trang phục lên hàng chục triệu đồng/bộ, trong khi một lần hầu ít nhất phải mặc 5-10 bộ trở lên. Vì mỗi bộ là một giá hầu trong khi có tất cả 36 giá hầu. Chưa kể vàng mã, lễ vật bày biện cơ man không biết đâu mà kể. Mỗi con voi, con ngựa… to đúng như thật ngoài đời… GS.TS Ngô Đức Thịnh nhận định: “Đây chính là sự biến tướng của hầu đồng chứ không còn là tùy tiền biện lễ hay “lễ cốt ở cái tâm” nữa trong hầu đồng. Nó đã khiến cho “Ngôi nhà Mẫu” bị vấy bẩn, bị “trần tục” hóa bởi những điều thô thiển, nhỏ nhặt, thủ đoạn của con người”.
Phải dọn dẹp "ngôi nhà mẫu”
Để lấy lại sự linh thiêng, văn hóa của hầu đồng… các nhà khoa học cho rằng “Cần có sự dọn dẹp, làm sạch đẹp ngôi nhà Mẫu”. Và để làm được điều này, không chỉ GS.TS Ngô Đức Thịnh mà nhiều nhà khoa học khác đã khẳng định chỉ có thể dựa vào chính cộng đồng người trong ngôi nhà Mẫu mới có thể dọn dẹp được. Bởi trong “nghề” họ sẽ biết ai là người lợi dụng hay không để biến nghi lễ ling thiêng này thành mê tín dị đoan, thành phương tiện kiếm tiền… Ngay cả tỉ lệ 80% buổi hầu đồng hiện nay là lợi dụng tín ngưỡng để vấy bẩn “ngôi nhà Mẫu” đã nói trên đây, GSTS Ngô Đức Thịnh tiết lộ cũng chính là nhờ sự thống kê, phân tích của những thanh đồng chứ người ngoài làm sao biết được. Cho nên từ sự nhận biết đó, chính những người trong giới sẽ tuyên truyền, “gột rửa” tâm hồn của những người có “tà tâm” để thay đổi nhận thức, hành động của họ. Bởi chỉ có nhận thức của chính những người trong cuộc mới có thể dọn dẹp “ngôi nhà Mẫu” được trong sạch và linh thiêng. Và đến khi đó, theo GS.TS Ngô Đức Thịnh cùng nhiều nhà khoa học khác hãy trình lên UNESCO hồ sơ đề cử hầu đồng là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại.
Tú Anh