Hàng hiệu vài trăm nghìn đồng bán đầy chợ mạng
Chia sẻ tại hội nghị về "Thực trạng hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam nguy cơ, thách thức và giải pháp" tại TP HCM, bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nay tình trạng hàng nhái hàng giả đang ở mức báo động. Đặc biệt, tình trạng bán hàng giả trên internet bùng nổ và khó quản lý.
“Một chiếc đồng hồ rolex thật có giá bán 200 triệu đồng nhưng với hàng nhái bán trên mạng xã hội chỉ 200.000. Hay những chiếc túi hàng hiệu giá bán vài triệu đồng, hàng nhái cũng chỉ hơn 100.000 đồng một cái”, bà Huyền nói và cho hay, sở dĩ tình trạng này khó kiểm soát là bởi các cơ sở kinh doanh không công khai kho chứa hàng, hàng hóa thì phân tán nên khó bắt. Mặt khác, nhận thức của người tiêu dùng chưa đầy đủ, biết hàng nhái, hàng giả vẫn mua do giá thấp hơn hàng trăm lần hàng thật.
Hàng nhái, hàng giả tràn đầy chợ mạng. Ảnh minh họa. |
Công nhận tình trạng hàng giả hàng nhái ngày càng gia tăng và phát triển mạnh trên các kênh trực tuyến, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ cho rằng, ngoài việc làm giả các mặt hàng của những thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, các đối tượng còn làm giả cả hàng được tiêu thụ tốt do trong nước sản xuất, giả xuất xứ hàng hóa Việt Nam để đưa hàng từ nước ngoài vào trong nước tiêu thụ. Các vụ việc phần lớn vẫn chỉ được xử lý hành chính, còn xử lý hình sự ở mức độ hạn chế.
Là đơn vị bị hàng giả nước ngoài trà trộn nhiều, đại diện công ty khóa Việt Tiệp cho biết, 5 năm qua công ty bị thất thu khá nhiều. Do đó, hàng năm công ty luôn phải phối hợp với cơ quan chức năng để điều tra xác minh. Đầu năm, công ty đã phối hợp với hải quan tỉnh Quảng Ninh bắt giữ đối tượng vận chuyển 3.300 bộ khóa giả đưa từ cửa khẩu về Việt Nam tiêu thụ. Tuy nhiên, con số này vẫn còn hạn chế, bởi số lượng hàng giả trên thị trường lớn.
Còn tại Tập đoàn hóa chất Việt Nam, đơn vị này cho rằng, phân bón là mặt hàng đang bị làm giả với số lượng lớn. Trong đó, NPK là loại dễ làm giả. “Không chỉ hàng làm giả trong nước mà hàng giả nhập về từ nước ngoài cũng trà trộn, họ phân phối cho đại lý mới mức hấp dẫn, khiến doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc khó phát triển. Ngay như NPK nhu cầu cả nước 5 triệu tấn trong khi thị trường sản xuất ra lên tới 25 triệu tấn. Trong đó, hàng giả, hàng nhái chiếm số lượng lớn và bán với giá rẻ”, đại diện Tập đoàn hóa chất Việt Nam nói.
Để ngăn chặn tình trạng hàng giả hàng nhái ngày càng tràn lan, theo các doanh nghiệp, ngoài việc phối hợp với cơ quan chức năng thì nhiều doanh nghiệp chọn cách dùng tem truy suất nguồn gốc cho các sản phẩm. Đồng thời, quảng bá và hướng dẫn cho người tiêu dùng chọn mua sản phẩm thật tại những địa điểm uy tín của công ty.
Về phía cơ quan quản lý, ông Trần Hữu Linh – Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho rằng, Nhà nước cần có chế tài mạnh hơn với những đối tượng sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng nhái. Hiện các chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe, chủ yếu vẫn chỉ xử phạt vi phạm hàng chính, còn quá ít vụ việc xử lý hình sự. Do đó, cần xây dựng lại văn bản luật và chính sách để người bị xử phạt không tái phạm. Về phía doanh nghiệp cần chủ động đối phó nhiều hơn.
"Hiện, còn nhiều đơn vị biết nơi làm hàng giả nhưng không dám làm to chuyện vì sợ thương hiệu bị ảnh hưởng khiến các nơi làm hàng giả càng lộng hành", ông Linh nói.
Theo Tổng cục quản lý thị trường, trong 9 tháng, lực lượng quản lý thị trường kiểm tra và xử lý 81.973 vụ vi phạm, trong đó, 4.231 vụ hàng cấm, hàng nhập lậu 7.384 vụ..., thu nộp ngân sách 380 tỷ đồng.
Theo VnExpress.net
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 18/11 - 23/11
-
Vì sao tập đoàn Saudi Aramco đi vay thêm nợ?
-
Giá dầu hôm nay (23/11): Dầu thô tăng trong phiên
-
Giá dầu hôm nay (20/11): Dầu thô ổn định trong phiên
-
VPI dự báo giá xăng dầu tiếp tục giảm từ 0,3 - 1,6% trong kỳ điều hành ngày 21/11