Hài dân gian vẫn chiếm thế thượng phong?!
Chỉ còn gần hai tuần lễ nữa là đến Tết Nguyên Đán, các đĩa hài đã rầm rộ lên kệ đĩa để phục vụ công chúng.
Nhìn vào số lượng lớn đĩa hài được sản xuất trong Tết này, người ta nghĩ khán giả sẽ có thể thoải mái lựa chọn món ăn tinh thần ưng ý cho mình. Tuy nhiên, chất lượng đĩa hài Tết gần đây bị công chúng “kêu ca” quá nhiều. Lối mòn công thức: danh hài nổi tiếng + chân dài làm bệ đỡ cho các sản phẩm hài đả khiến chất lượng hài tết ngày càng đi xuống; nếu không nói là ngày càng nhảm và nhạt!
Có một thể loại vẫn có chỗ đứng lâu bền trong lòng công chúng, đó là hài làm theo chất liệu dân gian.
Hài tết sản xuất dựa trên chất liệu dân gian vẫn được công chúng ưa chuộng hơn cả (Hậu trường Chôn Nhời)
Không khó lý giải việc tại sao hài mang chất liệu dân gian lại luôn có chỗ đứng trong lòng công chúng. Từ xưa đến nay, kho truyện dân gian mặc nhiên đã được mọi người yêu mến, có sức phổ quát và dễ đi vào lòng người khi nhà sản xuất mang được không khí Tết cổ truyền xưa đến với thời hiện đại.
Dẫu nắm bắt được thị hiếu “chuộng” chất dân gian của công chúng, tuy nhiên không phải nhà sản xuất hài Tết nào cũng dám mạnh tay thử sức với "địa phận" này. Thực tế, hài Tết hiện phải đối mặt với nhiều khó khăn, từ việc khan hiếm kịch bản đến kinh phí sản xuất, cộng với tình trạng băng đĩa lậu sản xuất tràn lan như hiện tại thì khỏi trông chờ vào việc… bán đĩa gốc. Trong khi đó, sản xuất được một đĩa hài theo chất liệu dân gian lại khá tốn kém.
Đạo diễn Phạm Đông Hồng được mệnh danh là “cha đẻ” của những siêu phẩm hài bởi sự trung thành với những sản phẩm hài Tết đậm chất dân gian từ nhiều năm qua. Từ sản phẩm mang tính thử nghiệm như: Râu quặp, Cả ngố, Không hề biết giận… và bây giờ đến Chôn Nhời, Cổ tích thời @luôn được công chúng trông đợi.
Lực lượng diễn viên quần chúng hùng hậu để làm nên những khung cảnh sinh động của Tết sum vầy
“Làm được một sản phẩm hài dựa trên chất liệu dân gian không phải là chuyện dễ dàng. Bởi ngay khâu kịch bản phải viết làm sao cho khéo, đưa chất liệu dân gian vào thời hiện đại không quá phô, khô cứng… đòi hỏi sự cầu kỳ và cũng phải có cái duyên”- Đạo diễn Phạm Đông Hồng chia sẻ.
Đã tham gia làm đĩa hài Tết 10 năm, nghệ sĩ hài Vượng Râu nhận ra rằng làm hài theo chất liệu truyền thống văn hóa Việt vẫn được công chúng yêu mến hơn cả. Năm ngoái, Kỳ Phùng Địch Thủ 1 đã được đông đảo công chúng đón nhận cũng bởi yếu tố dân gian. Và xuân này, sự xuất hiện của Kỳ Phùng Địch Thủ 2 đã được công chúng mong ngóng ngay từ khi trailer đĩa rò rỉ.
"Trình làng" khá muộn dịp xuân này Kỳ Phùng Địch Thủ 2 đang được công chúng mong ngóng
Chú trọng đến một sản phẩm đậm chất dân gian, nghệ sĩ hài Vượng Râu cho biết: "Ngoài xem hài, khán giả còn muốn xem cả cái không khí người Việt Nam mình đón Tết. Năm ngoái làm đĩa Kỳ phùng địch thủ 1 nhiều khán giả ở nước ngoài gọi điện về cho tôi khóc rưng rức. Họ bảo rằng đang bên này mà nhìn những cảnh đó thấy nhớ nhà, nhớ quê hương lắm. Vậy nên, khi làm một sản phẩm về Xuân, tôi luôn cố gắng chú trọng đến những yếu tố truyền thống trong đó”.
Về chi phí, sản xuất hài dân gian là khá tốn kém bởi nhà sản xuất phải dựng lại tất cả những bối cảnh xưa cũ, cộng với trang phục cũng không phải có sẵn, chi phí đội lên hẳn nên sản xuất hài dựa trên chất liệu dân gian là một sự mạo hiểm.
Nhiều ý kiến cho rằng khán giả đang ngày càng khó tính bởi những hài Tết gần đây bị chê rất nhiều. Tuy nhiên sự thật không phải như vậy, khán giả chỉ phê bình những đĩa hài nhảm, thiếu nội dung ý nghĩa mà thôi. Khán giả Việt vẫn chờ đón những sản phẩm hài được đầu tư nghiêm túc, điển hình như hài dân gian với những khung cảnh của sạp vải, hàng nước, hàng hoa… xưa cũ, được khơi gợi nhẹ nhàng trong không khí của ngày xuân.
Huy An
-
Khám phá những làng nghề truyền thống ở Hưng Yên
-
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam miễn phí vé cho khách tham quan
-
Những địa điểm "không thể bỏ qua" khi du lịch Bắc Kạn
-
Văn hóa vùng Đông Bắc - Bản sắc, hội nhập và vươn xa
-
Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024: Khám phá những công trình trên “Giao lộ di sản”