Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Hà Nội: Sẽ cấp phép trông giữ xe trên một số tuyến phố

17:37 | 23/02/2012

581 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
  Để đáp ứng nhu cầu gửi xe của người dân, Sở Giao thông Vận tải và Công an Hà Nội vừa đề nghị UBND thành phố duyệt danh mục các tuyến phố đủ điều kiện để cấp phép trông giữ phương tiện...

>> Hoan nghênh các cá nhân có quỹ đất kinh doanh trông giữ xe

>> Người dân bối rối tìm nơi gửi xe mới

Sau gần một tuần thực hiện quyết định cấm trông giữ xe trên 262 tuyến phố, thuộc 9 quận nội thành, chiều 22/2, Sở GTVT đã họp và đi đến thống nhất kiến nghị với UBND TP Hà Nội cho triển khai trông giữ xe tại một số tuyến phố còn nhiều bất cập…

Đây là buổi họp để rút ra những bài học kinh nghiệm và những bất cập, khó khăn trong những ngày thực hiện quyết định cấm đỗ dừng phương tiện dưới lòng đường, vỉa hè. Tại đây, lãnh đạo Sở GTVT và Công an Hà Nội đã lắng nghe những ý kiến, kiến nghị của các ban ngành và lãnh đạo các quận để tháo gỡ những vướng mắc mà các đơn vị thực hiện vấp phải.

Xin cấp phép trông giữ xe trở lại nếu phố rộng

Tại buổi họp, Phó trưởng Công an quận Hai Bà Trưng, Thượng tá Trần Đình Cường cho biết: Thành phố cần nhanh chóng có danh mục tuyến phố được sắp xếp để trông giữ xe theo đúng yêu cầu về quản lý hè phố với những tuyến hè phố rộng dưới 3m; Nên tận dụng các tuyến phố này cho người dân để xe, miễn là có lối đi cho dân, hoặc sắp xếp theo kiểu vuông với vỉa hè, hoặc xếp xe chéo và có quy định cụ thể.

Còn ông Nguyễn Thế Công, Phó Chủ tịch quận Ba Đình đề xuất với thành phố rằng: "Xin lấy tiền xử phạt để quận tự trang bị phương tiện cho các lực lượng chức năng đi xử lý vi phạm”.

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội.

Đồng quan điểm với đại diện quận Ba Đình, nhiều quận khác cũng cho hay, họ rất khó xử lý các xe ô tô vi phạm. Bình quân để xử lý xong một trường hợp ô tô đỗ sai quy định mất cả tiếng đồng hồ, xe cần cẩu thì không có nhiều. Có rất nhiều trường hợp, xe ô tô của người dân vi phạm, khi lực lượng làm nhiệm vụ có mặt để xử lý, sau khi thông báo bằng loa vẫn không có chủ xe ra nhận. Mặc dù, chủ xe có thể ngồi uống nước ngay gần đó. Chỉ đến khi, xe kéo chuyện dụng đến, móc xe kéo đi thì chủ nhân của những trường hợp vi phạm mới xuất hiện.

Còn Giám đốc Sở GTVT, ông Nguyễn Quốc Hùng khẳng định: “Thành phố sẽ cương quyết không cấp phép 56 tuyến phố trông giữ xe theo quyết định 2053 năm 2011. Với 262 tuyến phố trong quyết định mới này, Sở sẽ xem xét tuyến nào rộng, đủ cho người đi bộ mà vẫn để được xe sẽ trình thành phố cho phép. Tại 262 tuyến phố cấm không cho phép bất kể tổ chức, cá nhân nào tự tổ chức điểm trông giữ xe thu tiền”.

Bên cạnh đó, vị giám đốc Sở GTVT Hà Nội cũng gợi ý rằng: “Các quận cũng chủ động khai thác diện tích quỹ đất trên địa bàn hiện có để lập bãi trông giữ xe đảm bảo theo quyết định của thành phố, không được thu quá giá”.

Nhiều nơi trên 262 tuyến phố cấm đỗ dừng phương tiện, người dân "dở khóc, dở cười" vì đi xe không có chỗ để.

Sở GTVT đề xuất một số tuyến phố cho phép sắp xếp phương tiện cá nhân để đáp ứng nhu cầu bức thiết của nhân dân (xe gia đình, xe của khách liên hệ công tác…) nhưng phải tuân thủ các nguyên tắc như không được cản trở giao thông của người đi bộ, đảm bảo bề rộng tối thiểu còn lại dành cho người đi bộ là 1,5m; không để xe trước mặt tiền của cơ quan văn hóa, giáo dục, thể thao, tôn giáo…

Chỉ cấp phép với các điểm đỗ xe, bãi đỗ xe bố trí tại các tuyến phố có mặt cắt ngang, có lưu lượng giao thông thấp. Các tuyến phố cụ thể trong khu vực trung tâm thành phố có nhu cầu đỗ xe lớn liên ngành sẽ xem xét cho phép khai thác điểm đỗ theo đoạn, từng bên cho phù hợp với tình hình tổ chức giao thông nhằm bảo đảm an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông và mỹ quan đô thị.

Bỏ cửa hàng bán quần áo sang trông xe

Trong danh sách 262 tuyến phố nằm trong diện bị thu hồi giấy phép trông giữ xe theo quyết định của UBND thành phố, quận Hoàn Kiếm là quận có nhiều tuyến phố nằm trong danh sách nhất. Bên cạnh đó, Hoàn Kiếm là một trong những địa bàn nóng về việc thiếu chỗ trông giữ xe sau khi lệnh cấm được triển khai.

Với 76 tuyến phố cấm trông giữ phương tiện trên lòng đường, vỉa hè, ông Trương Minh Hải Trưởng phòng Quản lý Giao thông đô thị quận Hoàn Kiếm, kiến nghị: “Một số hè phố mật độ giao thông không cao, đường rộng nên xem xét cho trông giữ lại do nhu cầu để xe quá lớn”.

Cùng quan điểm với Phòng Quản lý Giao thông đô thị quận Hoàn Kiếm, Thượng tá Phạm Văn Thời, Phó trưởng Công an quận Hoàn Kiếm cho hay: “Địa bàn quận Hoàn Kiếm do đặc thù tập trung buôn bán lớn tại các tuyến phố cổ không chỉ cho người dân ở đó mà cả người ngoại tỉnh cũng tới mua bán, các cơ sở buôn bán này năm ngoái đóng góp tới 4.000 tỉ đồng tiền thuế. Việc cấm để xe trên vỉa hè gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh. Vì vậy, đề nghị UBND thành phố sớm thành lập các bãi đỗ xe tĩnh tại khu phố cổ, sắp xếp các tuyến phố ngang tạo điều kiện cho người dân tới kinh doanh không phải đi gửi xe quá xa”.

Còn ông Trần Đình Cường, Phó trưởng Công an quận Hai Bà Trưngcho hay: UBND Thành phố cần thống nhất quy định, việc cấm đỗ chính là bao gồm cấm trông giữ và cấm người dân để trên vỉa hè, lòng đường. Nếu không làm rõ người dân sẽ tự phát trông xe gây khó khăn cho việc quản lý và dễ biến tướng trong loại hình kinh doanh trông giữ xe.

Rất nhiều bãi trông xe tự phát với giá "cắt cổ" mọc ra.

Theo ông Cường dẫn chứng về vấn đề “nóng” chỗ gửi xe trong quá trình đi kiểm tra, xử lí đã phát hiện một số hộ dân buôn bán quần áo ế khách do không có chỗ để xe đã dẹp quần áo để làm chỗ trông giữ xe giá cao.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hùng – Giám đốc Sở GTVT Hà Nội khẳng định: “Việc người dân có quỹ đất kinh doanh trông giữ xe là điều rất tốt. Tôi hoan nghênh việc làm này. Nhưng, khi người dân mở điểm trông giữ xe thì lực lượng chức năng cần phải tăng cường kiểm tra, hướng dẫn về công tác PCCC và giá vé theo quy định”.

Để lập lại trật tự kỷ cương đô thị tại TP lớn như Hà Nội đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng lớn và sự ủng hộ của người dân.

Thiên Minh