Hà Nội: Kiến nghị bố trí đủ vắc xin, cân nhắc triển khai vận tải hàng không và đường sắt thương mại
Tại hội nghị về công tác phòng, chống dịch của thành phố Hà Nội, Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong cho biết về một số kinh nghiệm đã triển khai, đó là sự chỉ đạo thống nhất từ thành ủy đến Ban Chỉ đạo, Sở chỉ huy và đến các địa phương, bám sát thực hiện chủ trương chung, linh hoạt phù hợp với từng địa phương.
Báo cáo của Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cho thấy, từ đầu dịch đến nay, Hà Nội có hơn 4.000 ca mắc và đến hôm nay (25/9) chỉ còn hơn 500 ca đang phải điều trị ở bệnh viện. Hiện, thành phố chuẩn bị phương án chống dịch cao hơn có thể đáp ứng cho 40.000 ca F0 và đã chuẩn bị các điều kiện cách ly, thu dung, điều trị F0 thể nhẹ cũng như các bệnh viện phân tầng 2, 3 và các điều kiện về nhân lực, vật tư y tế, nguồn oxy, trang thiết bị máy móc...
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong báo cáo tại giao ban |
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nêu rõ kinh nghiệm của thành phố là chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để khi có vắc xin phải tiến hành tiêm ngay. Vào lúc cao điểm nhất, chỉ trong một tuần lễ, thành phố đã tiêm được trên 3,5 triệu mũi, có điểm tiêm hoạt động đến 2 giờ sáng để đảm bảo tiêm hết cho người dân đã được mời. Các dây chuyền tiêm toàn thành phố có thể đáp ứng 300 nghìn mũi/ngày, có thể đạt trên 600 nghìn mũi khi có sự giúp đỡ, hỗ trợ của các tỉnh, thành, các cơ quan Trung ương. Cùng với đó, thành phố đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền để nhân dân hiểu về tác dụng của tiêm chủng, nên việc triển khai rất thuận lợi nhờ nhận được sự hưởng ứng, đồng tình rất lớn của người dân.
Một kinh nghiệm nữa, theo ông Nguyễn Văn Phong là phải ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào phòng, chống dịch. Thời gian qua Hà Nội đã triển khai rất tốt việc khai báo y tế, tổng đài 1022, xây dựng được 2 phần mềm, một là phân loại điều trị F0, hai là phân loại theo dõi F1 và đang được ứng dụng rất hiệu quả. Đây thực sự là bài học quan trọng trong phòng, chống dịch.
Ngoài ra, ngay từ đầu khi có dịch từ năm 2020, Hà Nội đã quan điểm phong tỏa hẹp nhất có thể nhưng phải xét nghiệm rộng và trả kết quả ngay với công thức 4-6 (4 tiếng lấy mẫu, 6 tiếng trả kết quả) thì mới có thể thu hẹp được vùng phong tỏa. Ví dụ ở khu chung cư, sau khi có kết quả sẽ chỉ triển khai phong tỏa theo tầng chứ không phong tỏa toàn bộ khu chung cư.
Công tác phòng, chống dịch Covid-19 có nhiều cái mới, chưa có nhiều kinh nghiệm, nên quan điểm của thành phố là vừa làm vừa rút kinh nghiệm, kịp thời lắng nghe, cầu thị để để điều chỉnh kịp thời và phù hợp với thực tiễn. Điều này sẽ được tiếp tục điều chỉnh cả khi đã nới lỏng hay là hết giãn cách toàn xã hội.
Về phương hướng thời gian tới, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, Hà Nội sẽ từng bước tiếp tục nới lỏng căn cứ trên thực tiễn của thành phố, thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả đối với dịch Covid-19. Lên kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, Hà Nội sẽ triển khai các quy định tới các quận, huyện, căn cứ vào tình hình thực tiễn của từng địa phương, trên tinh thần bám sát 6 nguyên tắc mà Thủ tướng đặt ra.
Đồng thời, thành phố kiến nghị với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ 2 nội dung: Thứ nhất, mặc dù thành phố đã kiểm soát cơ bản tình hình dịch bệnh, nhưng Hà Nội xác định nguy cơ vẫn cao, vẫn còn F0 trong cộng đồng, người về từ vùng dịch nhiễm bệnh, tâm lý lơ là, chủ quan, sớm tự mãn với kết quả bước đầu trong phòng, chống dịch, vì thế thành phố Hà Nội đề nghị Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải cân nhắc việc triển khai chuyến bay thương mại và vận tải hành khách đường sắt đến Hà Nội, đồng thời đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các ngành quan tâm bố trí đủ vắc xin để đảm bảo tiêm đúng kỳ hạn cho người dân trên địa bàn.
M.C
-
Cảnh báo bão Toraji nối tiếp bão Yinxing đổ bộ Biển Đông
-
Chính phủ đề xuất mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp
-
Bão Yinxing sẽ suy yếu khi đi vào vùng biển các tỉnh Quảng Trị - Quảng Ngãi
-
Bão Yinxing sắp đổ bộ miền Trung, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống
-
Cuộc thi Startup - Tạo giải pháp cho tăng trưởng xanh và phát triển bền vững