Hà Nội: “Cuộc chiến Xanh” có cán đích đúng hẹn?
Theo số liệu của Sở TN&MT Hà Nội, mỗi ngày lượng rác thải phát sinh trên địa bàn lên tới 6.000 tấn; trong đó, rác thải nhựa chiếm từ 8 - 10%, phát sinh chủ yếu trong hoạt động sản xuất công nghiệp và phân phối tiêu dùng. Chủ yếu là rác thải bao bì nilon, sản phẩm nhựa sử dụng một lần... Đây đều là sản phẩm nhựa thuộc loại khó và lâu phân hủy nhưng do thuận tiện trong sản xuất, tiêu dùng nên vẫn được sử dụng phổ biến.
“Hiện, Hà Nội có 24 trung tâm thương mại, 140 siêu thị, 454 chợ và hàng nghìn cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh... vẫn giữ thói quen sử dụng loại túi nilon khó phân hủy. Vì vậy, hết năm 2020, để giảm 50% tỷ lệ sử dụng bao bì khó phân hủy tại các chợ dân sinh, 100% tại các trung tâm thương mại, siêu thị và cắt giảm xuống mức tối thiểu các cơ sở sản xuất bao bì nhựa, rất cần sự chung tay vào cuộc thật quyết liệt của các DN và cộng đồng”, ông Mai Trọng Thái - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội (Sở TN&MT) nhận định.
VinMart & VinMart+ đồng loạt giảm thiểu hoặc thay thế các vật liệu nhựa sử dụng 1 lần bằng các vật phẩm thân thiện với môi trường |
VinMart & VinMart+ đồng loạt giảm thiểu hoặc thay thế các vật liệu nhựa sử dụng 1 lần bằng các vật phẩm thân thiện với môi trường
Theo ông Mai Trọng Thái, trên địa bàn TP đã có một số thương hiệu - siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi đã tham gia chống rác thải nhựa nhưng vẫn chưa có giải pháp thực sự bài bản, mà mới chỉ dừng lại ở giải pháp bề mặt chưa giải quyết được tận gốc vấn đề.
Ví như hệ thống siêu thị BigC, là một trong những DN tiên phong trong phong trào chống rác thải nhựa bằng việc sử dụng lá chuối bọc rau củ quả thay vì túi ni lông sử dụng một lần, được cộng đồng quan tâm và ủng hộ nhưng tới nay, BigC vẫn chưa có hành động hay giải pháp nào tiếp theo để tạo hiệu ứng thiết thực đối với khách hàng và nhà cung cấp, sản xuất.
Trao đổi về sự kiện hệ thống bán lẻ VinMart & VinMart+ vừa chính thức khởi động chương trình “Đồng hành bảo vệ môi trường” bằng giải pháp “3 xanh” (VinMart xanh, khách hàng xanh và nhà cung cấp xanh), ông Mai Trọng Thái cho biết cũng mới nhận được thông tin trên báo chí.
“Nếu VinMart thực hiện được đúng như đề ra thì đây thực sự là giải pháp mang tính tổng thể, đúng như Kế hoạch triển khai Chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững năm 2019 của TP; đồng thời tránh được những hành động chỉ mang tính phong trào được một thời gian ngắn lại dừng. Chúng tôi rất mong, các DN trên địa bàn đều thực hiện bài bản như giải pháp “3 xanh” của VinMart thì mục tiêu năm 2020 của Hà Nội nói trên, nhất định sẽ cán đích thành công”, ông Mai Trọng Thái nói.
Được biết, ngày 7/8 vừa qua, 2.200 điểm bán lẻ VinMart & VinMart+ đồng loạt giảm thiểu hoặc thay thế các vật liệu nhựa sử dụng 1 lần bằng các vật phẩm thân thiện với môi trường trong hoạt động vận hành của mình. Các sản phẩm này bao gồm: Toàn bộ túi siêu thị là túi tự hủy sinh học đạt tiêu chuẩn của bộ TNMT Việt Nam; các quầy phục vụ ăn uống - giải khát sử dụng ống hút giấy, cốc giấy thay thế cho các vật dụng nilon và nhựa trước đây; găng tay dùng trong sản xuất, vận hành cũng là loại tự hủy sinh học. Đặc biệt, các loại khay xốp đang sử dụng cho sản phẩm tươi sống sẽ được thay thế từng bước bằng khay bã mía với màng bọc thực phẩm tự huỷ sinh học.
Để khuyến khích hành động “Xanh” từ phía khách hàng, VinMart & VinMart+ tặng ngay 1.000 đồng vào hóa đơn mua hàng với mỗi giao dịch mua sắm mà khách hàng tự sử dụng túi đựng nhiều lần của mình, nhằm hình thành thói quen tiêu dùng xanh khi mua sắm. Cùng đó, các điểm bán VinMart & VinMart+ cũng trở thành những địa điểm thu hồi pin đã qua sử dụng. Toàn bộ pin thu gom này được sẽ chuyển đến công ty xử lý rác thải độc hại để xử lý theo đúng quy định của pháp luật, góp phần bảo vệ môi trường từ những hành động nhỏ nhất.
Đối với nhà sản xuất, VinMart & VinMart+ sẽ hỗ trợ tối đa cho những đối tác Xanh cung ứng các sản phẩm thân thiện với môi trường bằng nhiều chính sách đặc biệt như bán hàng không lợi nhuận, quyền lợi ưu tiên trưng bày, quyền lợi về quảng cáo, nhận diện thương hiệu tại siêu thị, cửa hàng...
Đây là một chính sách quan trọng, thúc đẩy các Nhà cung cấp đồng hành phát triển các sản phẩm xanh và lan toả ý thức bảo vệ môi trường tới các DN sản xuất nói riêng và cộng đồng nói chung.
Sở TN&MT Hà Nội mới ban hành Công văn số 9828/STNMT-CCBVMT, đề nghị các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã chỉ đạo tuyên truyền, phát động mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động không sử dụng các sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần trong hoạt động của cơ quan, đơn vị và vận động người thân cùng thực hiện “Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần”. Đồng thời, phát động phong trào huy động sự tham gia của cộng đồng trong thu gom, phân loại các sản phẩm đã sử dụng các sản phẩm làm từ nhựa, bao bì, túi nilon và vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý theo quy định. |
P.V
-
Giá vàng hôm nay (12/11): Đồng loạt giảm
-
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu giải pháp phát triển kinh tế báo chí
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 12/11: Giá dầu thế giới tăng nhẹ đầu phiên
-
Phân bón trong nước tiếp tục chịu thiệt?
-
Tin tức kinh tế ngày 11/11: Các "ông lớn" công nghệ nộp hơn 8.600 tỷ đồng tiền thuế