Gợi ý đáp án môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024
Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2024 môn Ngữ Văn:
Theo TS. Trịnh Thu Tuyết - Giáo viên Ngữ văn - Hệ thống giáo dục HOCMAI chia sẻ: Ngữ Văn là môn thi mở đầu cho kì thi Tốt nghiệp THPT năm 2024, kì thi cuối cùng theo Chương trình Giáo dục 2006, đề thi chính thức môn Ngữ văn bám sát cấu trúc của đề thi tham khảo do Bộ GD&ĐT công bố.
Phần I. Đọc hiểu (3 điểm) gồm 4 câu hỏi phân loại theo các mức độ nhận thức. Hai câu đầu (câu 1 và 2) đều là câu hỏi dừng ở mức độ nhận biết về một chi tiết đã hiện hữu trong nội dung văn bản, đó cũng là dạng câu hỏi giúp các em có thể dễ dàng đạt mức điểm tối đa. Vẫn như những năm trước, những câu hỏi nhận biết về nội dung văn bản thực chất chỉ cần “nhận biết” và chép lại một chi tiết của đoạn trích, đó là yêu cầu có thể thực hiện quá mức dễ dàng.
Câu 3 là câu hỏi yêu cầu học sinh vận dụng vốn hiểu biết về kiến thức tiếng Việt, về văn chương, nghệ thuật và cuộc sống để diễn giải được giá trị biểu đạt và biểu cảm của phép so sánh liên tưởng giữa dòng chảy của con sông với lịch sử sáng tạo nghệ thuật trong đoạn trích. Khi có vốn hiểu biết nhất định về thiên nhiên, cuộc sống, văn chương…, thí sinh hoàn toàn có thể phân tích và chỉ ra sự tiếp nối, kế thừa, thay đổi từ dòng chảy của con sông tới lịch sử sáng tạo nghệ thuật khi những khúc sông sau tiếp nối nhịp chảy, phù sa, sắc nước từ những khúc sông trước những lại vươn mình tới những bến bờ mà khúc sông trước chỉ mới ước ao, hoặc thậm chí chưa từng nghĩ tới - đây là câu hỏi cần có sự sâu sắc của tư duy và trải nghiệm.
Câu hỏi số 4 là câu vận dụng cao, yêu cầu thí sinh rút ra bài học về lối sống cho bản thân từ suy ngẫm của tác giả trong đoạn trích “Nếu tách rời từng giọt nước ra khỏi sự thống nhất của đại dương thì chúng ta chỉ nhìn thấy những giọt nước nhỏ bé, đơn độc và dần dần biến mất”. Suy ngẫm của tác giả Nguyễn Quang Thiều xuất phát từ một sự thật hiển nhiên của tự nhiên và cuộc sống, do đó thí sinh sẽ không khó khi tìn thấy thông điệp, bài học cho lối sống của bản thân mình, đó là bài học về sự tồn tại có ý nghĩa khi gắn kết giữa cá nhân với cộng đồng. Đây là câu hỏi có khả năng phân loại học sinh tương đối tốt khi hướng trả lời, cách lập luận phụ thuộc nhiều vào tư duy và bản lĩnh độc lập, tự chủ của học sinh.
Nhìn chung, các câu hỏi đọc hiểu rất vừa sức với học sinh, đảm bảo đúng các mức độ nhận thức, có ý nghĩa thực tế với cách sống của các em sau này.
Phần II - Làm văn (7,0 điểm): Giữ nguyên cấu trúc quen thuộc, gồm 2 phần: Viết đoạn văn nghị luận xã hội (2,0 điểm) và bài nghị luận văn học (5,0 điểm).
Câu 1 (2,0 điểm): Câu lệnh đã cung cấp đầy đủ và chính xác các yêu cầu cụ thể để thí sinh có thể viết một đoạn văn với dung lượng khoảng 200 chữ về một khía cạnh của vấn đề rút ra từ đoạn trích của phần đọc hiểu, đó là yêu cầu “Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa của sự tôn trọng cá tính”.
Yêu cầu của câu viết đoạn văn nghị luận xã hội ít nhiều có thể tạo bất ngờ và hứng thú cho thí sinh khi làm bài, khi yêu cầu các em luận bàn về “ý nghĩa của sự tôn trọng cá tính” - vấn đề tôn trọng sự khác biệt, tôn trọng cá tính và tư duy độc lập lâu nay vẫn thường được đề cao trong các bài giảng hoặc đề tài thảo luận, nhưng thực tế, đó vẫn là sự bức bối của không ít người trong thực tế cuộc sống hàng ngày. Ngay trong thực tế ngàng giáo dục, bản thân những đề văn yêu cầu học sinh “trả bài” của thầy cô lại cho thầy cô, càng đúng ý thầy cô bao nhiêu, điểm càng cao bấy nhiêu, như bao lâu nay, vốn đã là sự triệt tiêu cá tính sáng tạo, là sự “ngưng chảy” của những dòng sông sáng tạo, là sự mài mòn cá tính. Đề bài yêu cầu trình bày “suy nghĩ/ cảm nhận của anh/chị” nhưng đáp án lại là “suy nghĩ/ cảm nhận của thầy cô”, đó cũng là nguyên nhân sự trì trệ, nhàm chán trong tư duy, cách sống, cách nghĩ của nhiều lớp người thiếu vắng cá tính.
Có thể thấy đây là câu hỏi không mới nhưng khá thiết thực, tạo hứng thú với những học trò đang chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa mới mẻ của cuộc sống, nơi các em phải thể hiện năng lực và bản lĩnh cá nhân, thể hiện cá tính riêng của mình trong hành trình tới với thành công.
Câu 2 (5,0 điểm): Câu nghị luận văn học vẫn sử dụng cấu trúc đề quen thuộc, trong đó câu lệnh thứ nhất là nội dung chính của bài nghị luận yêu cầu thí sinh phân tích 18 dòng đầu trong đoạn trích Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm; câu lệnh thứ hai mang tính khái quát và nâng cao khi yêu cầu thí sinh “nhận xét về sự kết hợp giữa cảm xúc và suy tư của Nguyễn Khoa Điềm trong đoạn thơ”.
Với mô hình câu nghị luận văn học hoàn toàn không thay đổi so với đề thi từ năm 2017 đến nay về thể loại, dung lượng ngữ liệu nghị luận, các yêu cầu nghị luận…, thí sinh có thể được rút kinh nghiệm rất nhiều từ những kì thi năm trước, không bất ngờ, nếu không nói về sự quá đỗi quen thuộc cũng làm giảm thiểu hứng thú. Thí sinh có thể phân tích đồng thời sự kết hợp giữa cảm xúc và suy tư của Nguyễn Khoa Điềm trong đoạn thơ ngay trong quá trình cảm nhận các giá trị nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ, hoặc tách thành hai luận điểm mạch lạc như yêu cầu của đề. Kiến thức và kĩ năng phân tích, cảm nhận, đánh giá… trong câu nghị luận văn học không hề khó với học trò, sau khi các em đã có cả một chặng đường học tập, ôn và luyện.
Và vẫn như đề thi các năm trước, hai câu lệnh của câu nghị luận văn học là sự tách bạch cơ học, khiên cưỡng, khiến thí sinh nếu nhập hai yêu cầu khi triển khai hệ thống luận điểm nghị luận thì có thể mất điểm, còn nếu tách riêng sẽ không tránh được sự nhàm lặp, bởi lẽ không chỉ khi phân tích đoạn thơ đầu trong đoạn trích Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm mà dù phân tích bất kì đoạn văn/ thơ của tác giả nào, cũng đều không thể tách rời hai bình diện nội dung và hình thức, khi mỗi nội dung đều thể hiện qua hình thức, và hình thức nào cũng mang tính nội dung. Sự kết hợp giữa cảm xúc và suy tư của Nguyễn Khoa Điềm trong đoạn thơ thực chất là sự thể hiện phong cách thơ trữ tình - chính luận của nhà thơ, đó là điều rất cần làm rõ ngay khi phân tích từng câu thơ, ý thơ.
Nên chăng, nếu muốn thí sinh đặc biệt quan tâm một khía cạnh nào đó của văn bản, hãy lồng hai yêu cầu vào một câu lệnh cho phù hợp với qui luật cảm thụ văn chương, ví dụ: “Trình bày cảm nhận của anh/ chị về sự kết hợp giữa cảm xúc và suy tư của Nguyễn Khoa Điềm trong đoạn thơ sau…”/ hoặc “Trình bày cảm nhận của anh/chị về chất trữ tình - chính luận trong thơ Nguyễn Khoa Điềm qua đoạn thơ sau…”!
Nhìn chung, đề thi Ngữ văn trong kì thi TNTHPT 2024 đảm bảo đúng các yêu cầu về nội dung, hình thức của một đề thi Tốt nghiệp THPT; cũng phù hợp với yêu cầu cho một kì thi cuối cùng của Chương trình Giáo dục ra đời cách đây gần hai thập kỉ. Hai phần Đọc hiểu và Làm văn trong đề đều theo mô hình cơ bản từ kì thi năm 2017 đến nay với cấu trúc, kiểu dạng và mức độ nhận thức trong các câu hỏi không có những bất ngờ vốn luôn bao hàm sự mới mẻ với thí sinh, không làm khó nhưng cũng không đem tới nhiều sự hứng thú, yếu tố vốn không nên thiếu khi tới với văn chương. Khả năng phân loại của đề vẫn là sự phân loại của các mức độ đọc hiểu và cảm thụ văn bản, sự phân loại được ghi nhận bởi cách đánh giá tinh tế, chính xác của giám khảo.
Dưới đây là hướng dẫn giải đề thi môn Ngữ Văn thi tốt nghiệp THPT 2024 do giáo viên Ngữ văn - Hệ thống giáo dục HOCMAI thực hiện.
Viết hơn 3 trang giấy, sử dụng hết 120 phút để làm bài, thí sinh Quỳnh Trang - trường THPT Trần Hưng Đạo (quận Hà Đông) rời điểm thi THPT Lê Quý Đôn - Hà Đông với tâm trạng thoải mái, phấn khởi. Trang chia sẻ: “Đề thi nằm trong chương trình học và những phần em đã ôn kỹ nên em làm khá tốt. Với đề này, em nghĩ mình được trên 8 điểm”.
Em Nguyễn Hải Anh, thí sinh thi tại điểm thi Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ cho hay: “Em thấy đề thi năm nay có độ khó vừa phải ở tất cả các câu. Em làm ổn, thấy hài lòng nhất phần nghị luận văn học. Em đoán được khoảng 8 điểm ở môn văn”.
Chiều nay, các thí sinh tiếp tục làm bài thi môn Toán, hình thức thi trắc nghiệm, thời gian làm bài 90 phút.
N.H
Yêu cầu đảm bảo điều kiện y tế cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 |
Hôm nay, hơn 1 triệu thí sinh làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT 2024 |
EVNHANOI đảm bảo điện phục vụ các kỳ thi |
-
Quốc hội thẩm tra Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030
-
Quảng Nam: Chưa thể khẳng định 18.000 lít dầu DO mất tích trong vụ tàu hàng gặp nạn
-
Nâng cao nhận thức về an toàn lao động cho các nghề nặng nhọc, nguy hiểm
-
Hà Nội: Tăng cường xử lý, tuyên truyền về an toàn giao thông tới học sinh
-
Hà Nội khôi phục sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ ngày 1/11