Gỡ “nút thắt” giải ngân vốn đầu tư công
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư Phan Đức Hiếu |
Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, cụ thể nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021. Tuy nhiên kết quả giải ngân vốn đầu tư công tính đến 31-7-2021 mới chỉ đạt 36,71% so với kế hoạch vốn năm 2021, thấp hơn 40,67% so với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt, tỷ lệ giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài rất thấp, chỉ đạt 7,52%.
Giải ngân thấp làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, việc triển khai các chính sách tài khóa, tiền tệ, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang chịu tác động của dịch Covid-19.
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021, phấn đấu năm 2021 đạt trên 95% kế hoạch, góp phần quan trọng vào việc phục hồi nền kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương phải xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2021; đẩy mạnh giải ngân đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; rà soát việc phân bổ vốn cho các dự án phù hợp với tiến độ thực hiện và khả năng giải ngân, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún, kéo dài.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ |
Thủ tướng yêu cầu thành lập ngay tổ công tác đặc biệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong từng bộ, địa phương để thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các “điểm nghẽn” trong giải ngân đầu tư công.
“Kết quả giải ngân dự án đầu tư công là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2021 của tổ chức, cá nhân được phân công theo dõi và người đứng đầu các cấp chính quyền”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công sẽ là giải pháp hữu hiệu giúp kích cầu nền kinh tế sau dịch.
Nhận xét chung về công tác giải ngân vốn đầu tư công thời gian qua, ông Phan Đức Hiếu - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - nhận xét: Chính phủ đã đặc biệt nhấn mạnh đến việc khơi thông nguồn vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả, tiến độ giải ngân.
Ông Phan Đức Hiếu đánh giá cao việc Chính phủ xác định giải ngân vốn đầu tư công như một giải pháp ưu tiên, “bệ đỡ” cho tăng trưởng trong bối cảnh khó khăn do tác động của làn sóng dịch Covid-19 thứ 4. Đây là quyết định rất đúng đắn của Chính phủ.
Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Kiên nhận xét: Chính phủ đã rất quyết liệt trong việc bổ sung, hoàn thiện thể chế về đầu tư công như Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 9-2-2021 về quản lý chi phí đầu tư xây dựng có nhiều quy định rõ ràng, cụ thể hơn, vừa tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình triển khai dự án, vừa giảm thiểu những chi phí phát sinh khi thực hiện thủ tục hành chính, hoặc Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29-6-2021 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Chính sách đã cơ bản được bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện, vấn đề còn lại là nằm ở khâu kiểm soát, đôn đốc, triển khai. Mục tiêu là từ nay đến cuối năm, phải đẩy nhanh tối đa tiến độ và nâng cao chất lượng giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh tình hình dịch bệnh năm 2021 bất lợi hơn năm 2020.
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn - Trường Chính sách công và quản lý Fulbright - đánh giá, tăng cường đầu tư công không chỉ để bù đắp sự sụt giảm của đầu tư tư nhân trong ngắn hạn, mà còn giúp tạo dựng nền tảng để đón đầu cơ hội phục hồi khi dịch bệnh được kiểm soát, tăng năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế. Điều cần quán triệt là các cấp, các ngành, chính quyền địa phương phải thực hiện giải ngân vốn đầu tư công và thúc đẩy tiến độ các dự án với tinh thần trách nhiệm cao nhất, khẩn trương nhất, hiệu quả nhất như tinh thần chống dịch Covid-19 đang được Chính phủ thúc đẩy.
Giải ngân vốn đầu tư công tính đến 31-7-2021 mới chỉ đạt 36,71% so với kế hoạch vốn năm 2021 |
Theo ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, các nhóm nhiệm vụ chủ yếu đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công cần Chính phủ thúc đẩy gồm: Các bộ, ngành, chính quyền địa phương thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách và các nghị định có liên quan của Chính phủ. Trên cơ sở danh mục dự án trọng điểm, phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho dự án. Đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt quyết định đầu tư các chương trình, dự án đầu tư công sử dụng vốn ngân sách. Với các dự án đang gặp vướng mắc, các cơ quan liên quan phải liên tục rà soát tình hình thực hiện từng dự án, giải quyết nhanh quy trình, thủ tục, lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trên cơ sở công bằng, minh bạch.
Ngày 29/5/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 84/NQ-CP “Về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Coivid-19. Nghị quyết 84/NQ-CP đã đề ra một loạt các nhiệm vụ, nhóm giải pháp cụ thể nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thu hút vốn đầu tư toàn xã hội, đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Nghị quyết đã đề ra một loạt các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ xem xét, giải quyết thủ tục đầu tư cho các dự án theo đề xuất của doanh nghiệp, không để chậm trễ, tồn đọng hồ sơ chưa giải quyết; hướng dẫn xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn cho từng loại hình sản xuất kinh doanh, bảo đảm mục tiêu kép: phòng, chống dịch tốt và tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn phù hợp...; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư; chủ động nghiên cứu và triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư khôi phục, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh; năng cao tinh thần, thái độ, năng lực làm việc của đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ ở vị trí thực thi chính sách; chấm dứt tình trạng quan liệu, nhũng nhiễu; tiếp tục rà soát các quy định về ngân sách, đầu tư, xây dựng, tháo gỡ kịp thời các rào cản khó khăn, vướng mắc, tạo điều thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân và nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công... |
“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ” .
Minh Châu
-
Triển khai hiệu quả nhiều dự án trọng điểm: EVN được Thủ tướng biểu dương
-
EVN được Thủ tướng Chính phủ biểu dương tại Hội nghị toàn quốc về thúc đẩy đầu tư công năm 2024
-
Chấn chỉnh, tăng cường quản lý tạm ứng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước
-
Hàng trăm dự án chậm triển khai, nguồn lực bị "chôn" trong đất
-
Kinh tế Việt Nam tiếp tục được kỳ vọng đạt mức tăng trưởng 6,0%
-
Thuế quan của Trump không làm hạn chế sự phụ thuộc của EU vào LNG
-
Giá dầu hôm nay (12/11): Dầu thô tiếp đà giảm
-
Một số điểm sáng kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2024
-
Giá vàng hôm nay (12/11): Đồng loạt giảm
-
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu giải pháp phát triển kinh tế báo chí